Hồ Diệu Bang, Thiên An Môn và Việt Nam |
Tác Giả: Trần Bình Nam | |||
Thứ Hai, 08 Tháng 6 Năm 2009 22:07 | |||
Ngày 15/4/2009 đánh dấu đúng 20 năm ngày ông Hồ Diệu Bang, một lãnh tụ cộng sản Trung Quốc qua đời (15/4/1989). Sự qua đời của ông đã tạo nên biến cố Thiên An Môn. Dù không làm chế độ cộng sản tại Trung Quốc bị đổ, biến cố Thiên An Môn đã biến đổi bộ mặt của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình sau khi ra lệnh đàn áp cuộc biểu tình Thiên An Môn hiểu rằng tinh thần dân chủ đã bén rễ trong giới sinh viên và những thành phần tiến bộ nên ông đã đẩy mạnh chương trình canh tân kinh tế và cởi mở chính trị trong vòng kiểm soát của đảng mà ông đã chủ xướng từ trước biến cố Thiên An Môn. Ông Hồ Diệu Bang xuất thân từ một gia đình nông dân tại tỉnh Hồ Nam. Ông sinh ngày 20/11/1915 vào lúc Trung Quốc bước vào thời đại cách mạng dân chủ sau khi Thanh triều bị lật đổ. Ông theo phong trào cộng sản dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông và suýt chết trong cuộc trường chinh 1934-1935 khi đoàn quân đang tan tác của Mao trốn chạy sự săn đuổi của quân đội Tưởng Giới Thạch từ miền nam Trung Quốc lên Diên An. Vốn là một người chủ trương kinh tế thị trường và phóng khoáng chính trị, ông Hồ Diệu Bang lãnh đạo Đoàn Thanh Niên Cộng Sản từ 1952 đến 1967, và sau khi Đặng Tiểu Bình củng cố được thế lực năm 1981 Đặng đã chọn Hồ Diệu Bang làm Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc. Ở chức vụ này, và với sự ủng hộ ngầm của Đặng Tiểu Bình, ông Hồ Diệu Bang đã thực hiện nhiều cuộc cải tổ quan trọng như nới lỏng tự do ngôn luận và nhờ đó ông rất được lòng giới trẻ nhất là thành phần sinh viên. Cuộc cải tổ của Đặng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang đã mang lại một không khí phấn khởi theo hướng dân chủ hóa cho Trung Quốc, và vào cuối năm 1986 sinh viên trên toàn quốc đã có thể tổ chức những cuộc biểu tình nho nhỏ và ôn hòa để bày tỏ ý kiến về các vấn đề quốc gia nhất là vấn đề dân chủ hóa và cải thiện đời sống kinh tế Tuy nhiên sau cuộc biểu tình lớn của sinh viên tại Thượng Hải vào tháng 12/1986, Đặng Tiểu Bình và các thành phần thận trọng trong Bộ chính trị lo ngại và đã áp lực Hồ Diệu Bang từ chức ngày 16/1/1987. Đặng thay thế Hồ Diệu Bang bằng một nhân vật cởi mở khác là Triệu Tử Dương để duy trì hướng cải tổ trong chừng mực, đồng thời cân bằng nội bộ với một ủy viên chủ trương cứng rắn là thủ tướng Lý Bằng. Sau cuộc chỉnh đốn nội bộ để kìm hãm bớt phong trào đòi dân chủ này Hồ Diệu Bang tuy không còn quyền lực đã trở thành một biểu tượng của phong trào đòi dân chủ tại Trung quốc . Ngày 15/4/1989 Hồ Diệu Bang đột ngột qua đời. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải và vài thành phố lớn khác sinh viên và dân chúng xuống đường bày tỏ lòng thương tiếc.Trước áp lực của quần chúng đảng cộng sản Trung Quốc cho cử hành quốc táng. Vào ngày tang lễ (22/4) hơn 100.000 sinh viên tập trung tại quảng trường Thiên An Môn và sau đó hằng ngày tổ chức các cuộc tuyệt thực và biều tình đòi cải cách dân chủ. Sau hơn một tháng do dự, thăm dò ý kiến các tướng lãnh, và nhất là sau khi sinh viên biểu tình đập các bình cắm hoa nhỏ (Tiểu Bình tên của Đặng Tiểu Bình có nghĩa là bình cắm hoa nhỏ) Đặng Tiểu Bình hiểu rằng phong trào sinh viên không những đòi dân chủ mà họ còn có ý định tiêu diệt cá nhân ông, ông quyết định ra tay. Binh sĩ được điều động từ miền Bắc xa xôi về đã nổ súng trực xạ vào đám sinh viên ngày 3 & 4 tháng 6, giết chết hằng trăm người trước sự chứng kiến kinh hoàng của toàn thế giới. Sau cuộc đàn áp này quyền hành của Đặng Tiểu Bình được củng cố hơn. Ông cách chức Triệu Tử Dương và đưa Giang Trạch Dân lên thay. Đánh giá lại? Cho đến lúc này đã có nhiều nỗ lực tại Trung Quốc để đánh giá lại hành động của đảng cộng sản trong vụ Thiên An Môn, đồng thời vãn hồi danh dự cho Hồ Diệu Bang như một nhà cải cách. Về vấn đề đánh giá vụ Thiên An Môn, sẽ không có việc nhận sai lầm trong quyết định đàn áp như nhiều nhà quan sát chờ đợi. Năm 2005 chính quyền đã chuẩn bị cho phổ biến tiểu sử của Hồ Diệu Bang và làm lễ truy điệu ông nhân dịp sinh nhật thứ 90 của ông tại tỉnh Hồ Nam. Điều này không có gì ngạc nhiên vì đương kim Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào vốn là người cùng xuất thân từ Đoàn Thanh niên cộng sản và Hồ Diệu Bang là người đã đề cử Hồ Cẩm Đào vào Trung ương đảng. Nhưng việc này vẫn bị xếp lại ngoại trừ một buổi lễ nhỏ được cử hành vào ngày 18/11/2005 tại Bắc Kinh và được báo chí đăng tải. Đó là lần đầu tiên kể từ ngày Hồ Diệu Bang qua đời tên ông được chính thức xuất hiện trên báo chí do đảng kiểm soát. Về vấn đề đánh giá vụ Thiên An Môn, sẽ không có việc nhận sai lầm trong quyết định đàn áp như nhiều nhà quan sát tình hình Trung Quốc chờ đợi. Có nhiều ý kiến khác biệt về vụ Thiên An Môn. Một ý kiến cho rằng lãnh đạo Trung Quốc đã chờ đợi 40 ngày trước khi dùng bạo lực (tính từ 22/4/1989 ngày cử hành tang lễ Hồ Diệu Bang cho đến ngày nổ súng 3/6/1989) cho nên họ không dễ dàng nhận đó là sai lầm. Đánh giá lại có thể là giải thích hành động của họ sao cho hợp lý và hợp với tinh thần phóng khoáng trong nước để huy động nội lực quốc dân cho chương trình quan trọng trước mắt là vươn lên như một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới. Một cách thực tế, nếu cuộc vận động Thiên An Môn thành công, Trung Quốc có thể rơi vào nội loạn như nạn sứ quân sau cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên năm 1910 hay phân chia đất nước và bạo loạn chủng tộc tại Nam Tư sau khi chế độ cộng sản dưới sự lãnh đạo của Tito sụp đổ. Và người ta không thể kết luận là một Trung Quốc xâu xé nhau sẽ có bao nhiêu triệu người sẽ bỏ mình và thế giới sẽ chịu những hậu quả nào. Phản ứng Việt Nam Việt Nam đã phản ứng như thế nào trước biến chuyển Đông Âu và phong trào Thiên An Môn? Tại đại hội VI năm 1986, đảng cộng sản Việt Nam phải tìm một lối thoát để sống còn. Nguyễn Văn Linh, một nhân vật có thành tích cởi mở tại thành phố Hồ Chí Minh đắc cử Tổng bí thư. Nguyễn Văn Linh chọn đường lối đổi mới kinh tế và cởi mở chính trị theo mô thức của cuộc cải cách chính trị (glasnost) và cải tổ hành chánh (perestroika) của Gorbachev tại Liên bang Xô viết. Kết quả, cải tổ kinh tế đã giúp Việt Nam tránh được nạn đói, nhưng cởi mở chính trị chính yếu là "cởi trói văn nghệ" đã tạo ra một không khí tự do ngôn luận trong giới nghệ sĩ và nhà văn đã làm cho những thành phần bảo thủ trong đảng lo sợ nên chỉ trong vòng 2 năm nhóm này buộc Nguyễn Văn Linh phải thắt lại. Trong không khí của vụ Thiên An Môn đảng cộng sản Việt Nam phải chọn một trong hai con đường: Cải tổ chính trị theo hướng Liên bang Xô viết, hay cải tổ kinh tế và siết chặt chính trị trong tay đảng như mẫu của Trung Quốc.. Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn con đường ngả theo Trung Quốc mà họ cho là con đường an toàn nhất. Và trong Bộ chính trị không có một ai có một cái nhìn đủ xa để nhân cơ hội này tìm một con đường thoát lâu dài cho dân tộc. Người duy nhất trong Bộ chính trị chủ trương cải tổ chính trị là ông Trần Xuân Bách nhân ông được Bộ chính trị cử làm công tác nghiên cứu nguyên nhân và hậu quả của cuộc sụp đổ tại Đông Âu. Do sự nghiên cứu này ông Bách đã công khai chủ xướng đường lối cải tổ chính trị, chính yếu là thiết lập một chế độ đa đảng. Nhưng tiếng nói của ông chỉ là tiếng nói đơn độc và ông đã bị đa số gạt ra khỏi Bộ chính trị vào tháng 3/1990 trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Gạt bỏ ông Trần Xuân Bách, đảng cộng sản Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội dân chủ hóa đất nước. Nhưng lịch sử sẽ nghiêm khắc phán xét đảng cộng sản Việt Nam về quyết định này. Trung Quốc và Việt Nam có nhiều khác biệt căn bản. Trung Quốc là một nước lớn, Việt Nam là một nước nhỏ. Miền Nam Việt Nam từng được hưởng một chế độ dân chủ nên một chuyển biến từ một chính thể độc tài sang một chính quyền dân chủ nếu có vài xáo trộn lúc đầu cũng sẽ được ổn định trong một thời gian ngắn, một việc không thể xẩy ra tại Trung Quốc là một nước rộng gấp 29 lần Việt Nam, dân số gần một tỉ người và chưa hề biết bộ mặt dân chủ ngang dọc như thế nào. Nếu nhìn vào một khía cạnh khác, Hoa Kỳ do hội chứng Việt Nam làm tê liệt cũng đã bỏ qua một cơ hội lớn giúp tái lập một nền dân chủ tại Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ nắm được sự lung lay của chế độ cộng sản Việt Nam vào thời điểm đó và có một kế hoạch tiếp xúc với những nhân sự nắm lực lượng vũ trang đang chao đảo lo sợ một cuộc cách mạng quần chúng, biết đâu một kế hoạch đã được triển khai và Việt Nam đã có thể chuyển biến sang chế độ dân chủ. Trước cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ của những năm 1989 và 1990, người Việt Nam và các lực lượng dân chủ trên thế giới chứng tỏ là thiếu bản lãnh.
|