Home Tin Tức Bình Luận Nói chuyện tiếp với Tướng Khánh

Nói chuyện tiếp với Tướng Khánh PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Ba, 09 Tháng 6 Năm 2009 21:14

Trong bài “Yêu cầu Tướng Khánh trả lời trước lịch sử” phổ biến trên các báo, Websites và diễn đàn Internet ngày 12.4.2009, chúng tôi có yêu cần Đại Tướng Nguyễn Khánh, một nhân chứng lịch sử còn lại, cho biết:

“Ai đã ra lệnh cho Bộ Tư Pháp soạn thảo và ban hành một đạo luật man rợ, bất chấp các nguyên tắc căn bản của luật pháp, để giết ông Ngô Đình Cẩn và một số người liên hệ đến chế độ Ngô Đình Diệm?”

Chúng tôi đã đưa một số tài liệu pháp lý và lịch sử chứng minh sự bất minh nói trên để Tướng Khánh có thể nhìn lại trước khi trả lời. Nhưng cho đến nay, đã hai tháng rồi, Tướng Khánh vẫn không lên tiếng, mặc dầu có nhà báo đã gọi điện thoại đến xin phỏng vấn.

Hôm nay, chúng tôi xin đưa thêm một số tài liệu lịch sử liên quan đến vụ này để làm sáng tỏ vấn đề và giúp các thế hệ tới rút kinh nghiệm trong việc quan hệ với các cường quốc. Chúng tôi cũng trình bày thêm những nỗ lực mà Tướng Khánh đã đưa ra để củng cố và cứu vãn địa vị của ông, nhưng càng hành động, ông càng bị lún sâu xuống hơn. Chúng tôi rất mong Tướng Khánh sẽ có tiếng nói.

ĐẠI SỨ LODGE ĐÃ ĐỊNH TRƯỚC BẢN ÁN TỬ HÌNH

Đọc các công điện liên lạc giữa Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liên hệ đến số phận của ông Ngô Đình Cẩn, chúng ta có thể thấy người Mỹ đã quyết định giết luôn ông Cẩn để trừ hậu hoạ và dùng những thủ đoạn xảo trá để thực hiện ý định của mình. Tướng Khánh được dùng làm công cụ.

Ngày 2.11.1963, khi được tin ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã bị giết, ông Helble, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế, đã đi tìm Đại Úy Nguyễn Văn Minh, người phụ trách về an ninh của ông Cẩn, và cho biết Tòa Lãnh Sự Huế sẵn sàng cho ông Cẩn tỵ nạn như trường hợp của Thích Trí Quang. Ông Cẩn đã từ chối. Nhưng đọc các báo cáo của Tòa Lãnh Sự, chúng ta sẽ thấy Toà Lãnh Sự không có ý cho ông Cẩn tỵ nạn. Ông Helble chỉ đi thăm dò thử xem ông Cẩn đang có ở nhà không. Ông sợ ông Cẩn đã đi trốn hay thành lập chiến khu chống lại các tướng đảo chánh.

Ngay trong ngày 2.11.1963, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đánh cho Toà Lãnh Sự Huế một công điện chỉ thị cho ông Cẩn tỵ nạn nếu ông ta yêu cầu và nếu ông ta ở trong tình trạng nguy hiểm về thể lý do bất cứ nguồn gốc nào. Toà Lãnh Sự phải cách nghĩa cho chính quyền địa phương rằng bạo động thêm nữa chống lại gia đình ông Cẩn có thể làm hại cho cho chế độ mới đối với tiếng tăm quốc tế. Tòa Lãnh Sự phải lưu ý những chính quyền này rằng Hoa Kỳ đã có hành động tương tự như thế để che chở Thích Trí Quang khỏi chế độ Ngô Đình Diệm.

Lúc 9 giờ ngày 3.11.1963, Tòa Lãnh Sự gởi về Bộ Ngoại Giao một công điện nói rằng đã tìm thấy mồ chôn tập thể, hầm vũ khí và tài liệu Việt Cộng chôn trong khu nhà ông Cẩn. Hậu quả của chuyện này là có nhiều ngàn người đã đến bao vây nhà ông Cẩn và muốn tấn công. Công điện còn cho biết rằng ngày 2.11.1963 ông Cẩn đã leo tường ra khỏi nhà và đến ở Dòng Cứu Thế. Quân Đội có vẽ đã biết chuyện này. Từ những sự kiện trên, Tòa Lãnh Sự Huế nói rằng việc cấp nơi trú ẩn cho ông Cẩn “là điều thất nhân tâm ở đây, và có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng đe dọa tư thế, tài sản và sinh mạng người Mỹ ở Huế.”

Nhưng đây là một báo cáo hoàn toàn láo phét. Các cuộc khám xét sau này cho thấy trong khu nhà ông Cẩn ở không hề có mồ chôn tập thể, vũ khí và tài liệu của Việt Cộng. Cũng không hề có chuyện dân chúng đến bao vây nhà ông Cẩn. Tướng Đổ Cao Trí đã ra lệnh cho Chi Đội 3/4 Chiến Xa do Đại Úy Nguyễn Thế Thanh chỉ huy đến bao vây và canh gác quanh nhà ông Cẩn nên không hề có chuyện gì xẩy ra.

Căn cứ vào báo cáo láo này, Bộ Ngoại Giao đã thay đổi cách thức hành động. Cũng trong ngày 3.11.1963, Bộ Ngoại Giao gởi cho Toà Lãnh Sự Huế một công điện khác chỉ thị rằng trong trường hợp sự giúp đỡ ông Cẩn phương hại đến mạng sống của người Mỹ, ông Helble phải tiếp xúc với Tướng Trí yêu cầu bảo vệ và đưa ông Cẩn đi. Bộ Ngoại Giao còn gợi ý Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn xem xét việc di tản ông Cẩn ngay.

Lúc 8 giờ tối ngày 4.11.1963 Đại Sứ Lodge gởi cho Bộ Ngoại Giao một công điện báo cáo về cuộc nói chuyện giữa ông với Tướng Dương Văn Minh, Tướng Trần Văn Đôn và Trung Tá Conein, trong đó có đề cập về vấn đề ông Cẩn. Ông Lodge viết:

“Về vấn đề Ngô Đình Cẩn, họ nói rằng Tướng của họ ở Huế vừa mới điện thoại cho biết có một đám đông rất lớn và thù nghịch đang bao vây căn nhà mà ông Cẩn sống với mẹ ông ta và ông ta dĩ nhiên là hoàn toàn bị oán ghét vì tất cả những sự hung ác của ông ta trong quá khứ và đám đông muốn lột da ông ta. Tôi hỏi ông Cẩn có muốn rời khỏi mẹ ông ta và đất nước hay không, và họ không biết. Đây là một vấn đề hết sức khó xử. Dĩ nhiên, thật là tồi tệ nếu ông Cẩn bị hành hình. Cũng là thật tồi tệ nếu chúng ta tách mẹ ông ta ra khỏi ông ta.”

Đây cũng là một báo cáo có nhiều chuyện bịa đặt. Chiều ngày 3.11.1963, Tướng Đổ Cao Trí đã rời Huế vào Đà Nẵng. Trong ngày 4.11.1963 ở Huế không có tướng nào để báo cáo như vậy. Lúc đó, ông Cẩn đã đến tỵ nạn tại Dòng Chúa Cứu Thế chứ không còn ở nhà. Trong ngày 4.11.1963, không hề có dân chúng đến bao vây nhà ông Cẩn như ông Lodge đã báo cáo. Chỉ có một vài người tò mò đi ngang qua dừng lại xem rồi đi.

Trong công điện số 714 đánh đi lúc 4 giờ 58 phút chiều 4.11.1963, Bộ Ngoại Giao đồng ý rằng ông Cẩn không thể bị hại và “chúng ta phải thực hiện mọi nỗ lực, nếu cần đưa ông ta và mẹ ông ta ra khỏi nước sớm nhất, xử dụng phương tiện riêng của chúng ta nếu điều đó có thể xúc tiến sự khởi hành của họ.”

Lúc 10 giờ tối ngày 4.11.1963, Toà Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Huế lại gởi thẳng cho Bộ Ngoại Giao một công điện nữa báo cáo rằng trong ngày 4, hàng ngàn người đã đến thăm khu vườn của ông Cẩn ở hiện do một đơn vị quân đội và thiết giáp đang canh giữ ở gần chùa Từ Đàm. Hàng ngàn người cũng đã đi ba cây số đến một bất động sản rộng lớn của ông Cẩn ở phía nam Huế mà khoảng một nửa đã được xây cất. Bất động sản kể cả khu canh tác rộng lớn và các toà nhà khác nhau, phong cảnh đã hoàn toàn bị cướp bóc và phá hủy. Kho đạn cũ của Pháp được đổi thành những ngục tối của thể kỷ 18 với những phòng nhỏ (cells) trét bằng hắc yến đen bẩn thỉu cũng ở dưới đất.

Trong thực tế, ông Cẩn không có một khu đất canh tác nào ở phía nam Huế. Khu mà công điện của Toà Lãnh Sự đề cập đến có lẽ là khu nghĩa trang của gia đình ông Ngô Đình Khả, thân phụ ông Cẩn. Khu này có được ông Cẩn sửa sang lại cho đẹp hơn. Còn cái kho đạn được Toà Lãnh Sự nhắc đến, thường được gọi là Khu Chín Hầm, do Pháp xây cất năm 1941, được Công An Huế dùng để giam giữ các cán bộ Việt Cộng không chịu hợp tác và luôn chống phá. Tại đây có một trung đội Bảo An phụ trách canh gác.

Thấy các báo cáo của Tòa Lãnh Sự Huế và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ chứa đựng nhiều sự láo phét, lúc 5 giờ 17 phút chiều 5.11.1963, Tướng Harkins, Chỉ Huy Trưởng Viện Trợ Quân Sự tại Việt Nam đã gởi cho Tướng Taylor, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, một công điện cho biết ông có hỏi Tướng Đôn về các mộ được báo cáo tìm thấy trong vùng nhà ông Cẩn. Tướng Đôn cười và nói nó không liên hệ gì đến việc ông Cẩn làm cả. Tướng Harkins nói Tướng Đôn biết ông Cẩn rất rõ, và khi làm Tư Lệnh Quân Khu I, Đôn đã đến thăm ông Cẩn nhiều lần. Đôn nói Đôn biết những ngôi mộ đó ở đâu và nó đã có ở đó trong nhiều năm. Những ngôi mộ đó thuộc về những gia đình sống trong vùng xung quanh trước khi khu đó trở thành nơi cư trú của ông Cẩn.

Qua các báo cáo của Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn và chỉ thị của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vụ ông Cẩn, nhiều người tin rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ muốn đưa ông Cẩn đi tỵ nạn ở ngoại quốc để tránh tai tiếng quốc tế, nhưng Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã cố tình bi thảm hoá tình trạng ở Huế và báo cáo sai lạc để ngăn cản việc đưa ông Cẩn ra ngoại quốc.

Trong cuộc họp lúc 3 giờ chiều ngày 24.11.1963 tại Executive Office Building ở Washington, có sự hiện diện của Tổng Thống Kennedy, Đại Sứ Cabot Lodge còn nói rằng ông Cẩn cũng đã dính vào những hoạt động khác nhau trong việc ngược đãi và hành quyết những cá nhân, và trong khu vườn của mình, ông Cẩn có một khu đất chôn các nạn nhân!

Sự cố tình báo cáo sai lạc nói trên cho thấy ông Lodge muốn giết ông Cẩn.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng giải pháp do Bộ Ngoại Giao chỉ thị áp dụng cho ông Cẩn và những báo cáo bịa đặt của Tòa Đại Sứ Hoà Kỳ tại Sài Gòn chỉ là hai mặt của một lá bài xì phé được dùng giết ông Cẩn mà vẫn tránh được tai tiếng. Bộ Ngoại Giao đã đưa ra những chỉ thị như vậy chỉ để biện minh với dư luận quốc tế và lịch sử rằng Hoa Kỳ đã tìm cách đưa ông đi tỵ nạn, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Nếu không có sự đồng ý ngầm của Bộ Ngoại Giao, Tòa Lãnh Sự Huế và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn không bao giờ dám lừa dối Bộ Ngoại Giao như thề.

ĐẨY TRÁCH NHIỆM CHO CÁC TƯỚNG VIỆT NAM!

Như chúng tôi đã nói, cuộc “chỉnh lý” ngày 30.1.2009, thường được gọi là “Pentagon’s Coup”, do Tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA (agent) chủ động dưới sự chỉ đạo của CIA, còn Tướng Khánh chỉ “ăn có”. Theo sự chỉ đạo của Toà Đại Sứ Mỹ, Tướng Khánh sẽ làm Quốc Trưởng bù nhìn, còn Tướng Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng nắm thực quyền. Nhưng Tướng Khánh không muốn làm Quốc Trưởng bù nhìn, nên ông quyết định đẩy Tướng Khiêm ra ngoại quốc rồi ông vừa nắm chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, vừa nắm chức Thủ Tướng.

Tương kế tựu kế, người Mỹ đã dùng Tướng Khánh để thanh toán ông Ngô Đình Cẩn, sau đó loại Tướng Khánh và đưa hai nhân viên CIA là Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm lên cầm quyền và cài Tướng Đặng Văn Quang vào để theo dõi Tướng Thiệu.

Trong cuốn “Việt Nam nhân chứng”, Tướng Trần Văn Đôn có cho biết như sau:

 “Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng đã quyết định đưa ông Cẩn đi ra ngoại quốc rồi. Ông Cẩn lại không có tội gì rõ rệt đến nổi sinh mạng ông bị đe doạ. Hai anh của ông ta chết, máu đổ thêm nữa có ích lợi gì?...”

Nhưng trong cuốn “Our Endless War inside Vietnam”, Tướng Trần Văn Đôn cho biết thêm rằng sau khi Mỹ đưa ông Cẩn vào Sài Gòn, ông Cabot Lodge đã giao cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng với ba điều kiện: “Thứ nhất, ông Cẩn phải được truy tố công khai theo những thủ tục thông thường; thứ hai, ông ta phải được đối xử tử tế; và thứ ba, ông ta không thể bị hành quyết hay trừng phạt bất cứ cách nào đó mà không có một sự xét xử hợp lệ.”

(First, he would have to be tried publicly according to regular procedure; second, he should not be mistreated; and third, he certainly should not be executed or otherwise punished whithout a proper trail).

Tuy nhiên, sau khi đảo chánh thành công, Tướng Dương Văn Minh không quan tâm gì đến việc giải quyết những vấn đề được người Mỹ giao phó mà chỉ lo vơ vét. Người Mỹ phải thực hiện “Pentagon’s Coup” để thay đổi.

Sau cuộc “chỉnh lý” ngày 30.1.1964, Tướng Nguyễn Khánh đã cho xúc tiến một cách khẩn cấp thủ tục thanh toán ông Ngô Đình Cẩn và một số nhân vật liên hệ đến chế độ cũ chưa thể giết được trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Tuy nhiên, nếu thi hành đúng ba điều kiện mà Đại Sứ Lodge đã đưa ra, Tướng Khánh không thể giết ông Cần được, vì theo bộ Hoàng Việt Hình Luật áp dụng tại Trung Phần hay Hình Luật Canh Cải áp dụng tại Nam Phần, nếu truy tố “dư đảng Cần Lao” về các tội như bắt người trái phép, đả thương, tống tiền, kinh tài bất hợp pháp... thì không thể tuyên án tử hình. Do đó. “bọn cóc nhái” của CIA phải bày ra quỷ kế để thi hành mệnh lệnh của ông Lodge, đó là cho soạn thảo và ban hành Sắc Luật số 4/64 ngày 28.2.1964 hoàn toàn trái với các nguyên tắc căn bản của luật pháp để giết ông Cẩn. Chính Tướng Nguyễn Khánh đã đưa ông Nguyễn Văn Mầu, Giám Đốc Nha Quân Pháp, về làm Tổng Trưởng Tư Pháp để lo thực hiện công tác này như chúng tôi đã nói ở bài “Yêu cầu Tướng Nguyễn Khánh trả lời trước lich sử.”

Tướng Khánh không thể phủ nhận được những bằng chứng pháp lý và lịch sử mà chúng tôi đã đưa ra để chứng minh điều đó.

LẠI CHUYỆN TIỀN BẠC!

1.- Tố cáo Tướng Dương Văn Minh đoạt tiền và vàng

Ngày 26.5.1964, Đại Sứ Cabot Lodge có gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ một văn thư, trong đó có đoạn trình như sau:

“Tướng Khánh nói với tôi ngày 25 tháng 5 rằng khi ông Diệm bị bắn ông ta có trong tay một cái cặp chứa một triệu đô la ‘loại tiền lớn nhất’. Khánh nói rằng Tướng Minh đã lấy cái cặp đó và chưa bao giờ giao nộp. Khánh nói thêm rằng cũng trong thời gian đó, Tướng Minh đã chiếm đoạt 40 kg vàng thoi.

“Tôi khuyên Khánh không nên công bố chuyện đó ra cho dân chúng biết để khỏi làm giảm sự tin tưởng của dân chúng ở đó vào các tướng lãnh. Ông ta hy vọng Tướng Minh sẽ ra đi một cách thầm lặng.”

(I advised General Khanh not to make this public lest it shake public confidence here in all generals. He hope that General Minh will make his exit quietly.)

Rất khó mà biết được điều Tướng Khánh đã trình với Đại Sứ Lodge thực hư như thế nào!

2.- Một vụ tống tiền trắng trợn

Trong cuốn “Việt Nam nhân chứng”, Tướng Trần Văn Đôn kể lại: Hai tháng sau cuộc chỉnh lý, ông Khánh phái ông Lâm Văn Phát liên lạc với bà Trần Trung Dung nhờ vào khám Chí Hoà nói với ông Cẩn chuyển số tiền 6 triệu Mỹ kim ông Cẩn có trong ngân hàng Thụy Sĩ qua cho ông Khánh. Để đổi lại, ông Khánh sẽ cho một chiếc máy bay Dakota đưa ông Cẩn đi Singapore sống tự do. Bà Trần Trung Dung đã vào khám hỏi ông Cẩn. Ông Cẩn không chịu giao số tiền đó cho ông Khánh và hỏi bà Dung có cần lấy thì ông giao. Bà Dung sợ liên lụy nên không dám nhận. Mấy hôm sau, nhân dịp một linh mục vô làm lễ cho ông Cẩn, ông Cẩn đã ký giấy ủy quyền số tiền đó cho nhà dòng Chúa Cứu Thế. Trong cuốn kinh sách, có một giấy ủy quyền đã được soạn sẵn để ông Cẩn ký tên.

Ở đây có hai vần đề được đặt ra: Vấn đề thứ nhất là Tướng Nguyễn Khánh có tống tiền ông Cẩn không? Vấn đề thứ hai là ông Cẩn có tiền gởi ở ngân hàng Thụy Sĩ như Tướng Đôn nói không và nếu số tiền đó có, có phải ông Cẩn đã cho dòng Chúa Cứu Thế không?

Trong một cuộc phỏng vấn, chúng tôi có yêu cầu Tướng Khánh cho biết ý kiến về lời tố cáo của Tướng Đôn liên quan đến số tiền 6 triệu Mỹ kim của ông Cẩn trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng”. Tướng Khánh quả quyết chuyện đó không hề có. Chúng tôi có yêu cầu ông lên tiếng cải chánh về chuyện này, nhưng ông nói rằng mọi người đều biết đó là chuyện bịa đặt nên không cân cải chính.

Nhưng ông Trần Trung Dung khi còn sống ở Westminster, California, đã cho biết như sau:

“Một hôm vào buổi sáng, tôi và nhà tôi đang ngồi uống trà, Lâm Văn Phát, Tổng Trưởng Nội Vụ của Khánh đến. Anh ta xin tôi cho phép được nói chuyện riêng với nhà tôi, tôi đồng ý. Sau khi anh ta về rồi, nhà tôi cho biết, anh ta được Khánh sai tới nhờ vào Chí Hoà yêu cầu ông Cẩn trao số tiền 6 triệu đô la ông để ở ngân hàng Thụy Sĩ cho anh ta (Khánh). Nếu ông Cẩn chịu thì anh ta sẽ cho người bí mật đưa ông Cẩn ra ngoại quốc. Hôm sau nhà tôi vào gặp ông Cẩn nói lại chuyện Khánh yêu cầu, ông (Cẩn) nói: “Tao bây chừ còn tiền bạc mô nữa mà cho chúng nó.”

Linh mục Tuyên Úy của ông Cẩn và thầy Edmond, người quản lý tài chánh của Đòng Chúa Cứu Thế ở Việt Nam, đều xác nhận ông Cẩn không hề cho nhà dòng số tiền 6 triệu Mỹ kim như Tướng Trần Văn Đôn đã nói.

Quả thật nếu có bằng chứng ông Cẩn có số tiền nói trên, Tướng Khánh đã cho làm thủ tục thu hồi rồi. Hành động tống tiền của Tướng Khánh chỉ dưạ trên sự suy đoán. Còn chuyện Tướng Khánh bảo nếu ông Cẩn chịu đưa số tiền 6 triệu Mỹ kim cho ông, ông sẽ cho người bí mật đưa ông Cẩn ra ngoại quốc, chỉ là chuyện lừa gạt. Tướng Khánh không phải là người duy nhất có quyền quyết định số phận của ông Cẩn. Giả thiết ông Cẩn có 6 triệu Mỹ kim và chuyển cho Tướng Khánh, sau đó ông vẫn bị hành quyết.

LẤY LÒNG PHẬT GIÁO

Ngoài những chuyện thiếu công minh nói trên, Tướng Khánh còn tìm cách thỏa mãn những yêu sách vô lý của Phật Giáo để được Phật Giáo ủng hộ, nhưng ông đã lầm.

1.- “Cúng dường” bốn mẫu đất

Vì bị tố cáo là “Cần Lao tái xuất giang hồ”, để lấy lòng Phật Giáo, ngay sau khi vừa lên làm Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, Tướng Khánh đã lấy công sản của quốc gia “cúng dường” cho GHVNTN một miếng đất rộng 4 mẩu tại số 16 đường Trần Quốc Toản (nay là 244 đường 3 tháng 2), Sài Gòn, với danh nghĩa là mướn trong thời hạn 99 năm chỉ với một đồng bạc tượng trưng và được tái tục khi đáo hạn. Ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự được xây dựng trên khu đất đó và nơi này đã trở thành một trung tâm xách động chống VNCH.

Sau ngày 30.4.1975, nhà cầm quyền CSVN đã trưng dụng khu này. Do cuộc vận động liên tục của Hòa Thượng Từ Nhơn (sư quốc doanh) với danh nghĩa trụ trì cũ, đầu năm 1993, nhà cầm quyền đã trả lại cho một khuông viên đất 3.712 thước vuông với ngôi tháp đang xây dang dở.

2.- Ban cho Phật Giáo một quy chế đặc biệt.

Sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, 11 Giáo Phái và Hội Đoàn Phật Giáo đã họp tại Chùa Xá Lợi và ngày 4.1.1964 đã biểu quyết một Bản Hiến Chương thành lập Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Bản Hiến Chương đã đưa ra những quy định nằm trên và ngoài luật pháp quốc gia.

Điều 27 Hiến Chương quy định rằng các quốc tự, các ngôi chùa làng, các ngôi tổ đình, các ngôi chùa xây đựng bởi các vị Tăng sĩ, các hội đoàn Phật Giáo cũ, “được coi là tự Tự viện của GHVNTN và GHVNTN có nhiệm vụ giám hộ và bảo vệ với sự nhìn nhận quyền tư hữu của các Tự viện đó.”

Quốc tự, chùa làng và các ngôi tổ đình thường là tài sản của quốc gia hay của làng xã. Các ngôi tổ đình được dùng để thờ Thành Hoàng, không phải để thờ Phật. Các chùa do các tăng sĩ hay các hội đoàn Phật Giáo xây cất là tài sản riêng của cá nhân hay tổ chức đó. GHVNTN không có bất cứ một thứ quyền gì trên các tài sản đó, tại sao Giáo Hội dám “coi là Tự Viện của GHVNTN và GHVNTN có nhiệm vụ giám hộ và bảo vệ” được?

Vì thế, khi bản Hiến Chương này được trình lên Bộ Nội Vụ, Bộ này đã chiếu Dụ số 10, ban hành Nghị Định số 329-BNV/KS ngày 24.3.1964 cho “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phép thành lập trong khôn khổ luật lệ hiện hành”. Nghị Định này do Tướng Tôn Thất Đính, Tổng Trưởng Nội Vụ ký tên.

Tuy nhiên, khi Tướng Khánh lên làm Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng kiêm Thủ Tướng, Thích Tâm Châu và Thích Trí Quang đã làm áp lực buộc Tướng Khánh phải công nhận Hiến Chương của GHVNTN. Để lấy long Phật Giáo, Tướng Khánh đã ký Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964 “công nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng bản Hiến Chương ngày 4 tháng 1 năm 1964”.

Vì biết có những quy định của Hiền Chương GHVNTN vượt ra ngoài khuôn khổ của luật pháp, điều 4 của Sắc Luật có quy định thêm rằng “quyền giám hộ và bảo vệ của GHPGVN đối với các loại tự viện” ghi ở điều 27 Hiến Chương chỉ “nhằm mục đích giám hộ và bảo vệ phương diện tinh thần giáo lý và thờ phượng...”

Sự quy định này cũng vi phạm luật pháp. Tướng Khánh lấy quyền gì cho phép GHVNTN giám hộ tài sản người khác dù về phương diện tinh thần?

Chính “quy chế đặc biệt” này và những tranh chấp nghiêm trọng và đẩm màu trong nội bộ đã làm GHVNTN bể thành Giáo Hội Ấn Quang và Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự. Chính phủ đã ban hành Sắc Luật số 023/67 ngày 18.7.1967 chuẩn y Hiến Chương ngày 14.3.1967 của Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và thu hồi Hiến Chương của Giáo Hội Ấn Quang khiến Giáo Hội này phải hoạt động ngoài vòng luật pháp cho đến nay.

3.- Cho đưa cán bộ Việt Cộng về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Theo yêu cầu của GHVNTN, Bộ Giáo Dục đã ban hành Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ ngày 17.10.1964 cho Giáo Hội được thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sau đó, Giáo Hội đề nghị cho Thượng Tọa Thích Minh Châu đang ở Ấn Độ về làm Viện Trưởng.

Cơ quan an ninh đã mở cuộc điều tra và cho biết theo hồ sơ của Mật Thám Pháp để lại, Thích Minh Châu đã gia nhập đảng CSVN năm 1943 và hiện đang hoạt động cho Việt Cộng ở Ấn Độ.

Cơ quan an ninh cũng cho biết ngày 10.2.1958 Hồ Chính Minh qua Ấn Độ vận động thống nhất Việt Nam, đòi tổng tuyển cử, Thích Minh Châu là người đứng ra tổ chức tiếp đón và làm thông dịch viên cho Hồ Chí Minh. Cơ quan an ninh có đưa ra một tấm hình Thích Minh Châu đứng cạnh Hồ Chí Minh trong cuộc mit-tinh tại Red Fort ở thủ đô Delhi để chào đón Hồ Chí Minh.

Tướng Nguyễn Khánh đã thông báo hồ sơ này cho GHVNTN và nói rằng không thể cho Thích Minh Châu về làm Viện Trưởng được. GHVNTN liền gởi thư nói rằng ngoài Thích Minh Châu ra, không tăng sĩ nào có đủ khả năng làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, vậy xin cứ để cho Thích Minh Châu về, Giáo Hội bảo đảm sẽ không cho Thích Minh Châu hoạt động cho Việt Cộng! Sợ Phật Giáo gây khó khăn, Tướng Khánh đã phê lên hồ sơ: “Cho về và theo dõi”. Ngày 13.11.1964, Viện Hoá Đạo GHVNTN đã ban hành Quyết Định số 156-VT/QĐ cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh!

Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh bắt đầu hoạt động, cơ quan an ninh VNCH và CIA đã cài nhiều điệp viên vào để theo dõi các hoạt động của Thích Minh Châu. Nhưng sau đó, cơ quan an ninh VNCH khám phá ra Nguyễn Trực, một đồ đệ của Thích Trí Quang, được Việt Cộng gởi từ Huế vào làm bí thư chi bộ của đảng CSVN tại Đại Học Vạn Hạnh. Nguyễn Trực bị gài bắt nhiều lần, nhưng đều được Thích Trí Quang can thiệp thả ra. Ngày 30.4.1975, Thích Minh Châu và nhóm này đã kéo ra ngã tư Bảy Hiền “Mừng Bộ Độ Giải Phóng”. Sau đó Nguyễn Trực làm Ủy Ban Quân Quản Quận 3.

GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG

Mặc đầu có những sự ve vãn như đã nói trên, GHVNTN vẫn không chấp nhận Tướng Nguyễn Khánh.

Công văn của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara gởi cho Tham Mưu Liên Quân và Giám Đốc DIA có ghi lại biên bản cuộc họp lúc 11 giờ trưa ngày 11.5.1964 tại Sài Gòn giũa Đại Sứ Lodge, Tướng Taylor, Tướng Harking và ông Suilivan, trong đó có đoạn như sau:

“Ông Đại Sứ đặc biệt không sợ một cuộc đảo chánh lật đổ Tướng Khánh. Ông đặc biệt lưu ý Phật Giáo như là một nguồn có thể gây nguy hiểm cho chính phủ. Đặc biệt, ông nghĩ rằng Thích Trí Quang, người lãnh đạo Phật Giáo, là một người có tiềm năng gây rối (a potential trouble maker). Đã lật đổ được một chính phủ, ông ta nghĩ rằng có thể làm như thế để chống lại Khánh. Ông ta đã bày tỏ với ông Đại Sứ rằng ông ta không coi Khánh như là một “Phật tử tốt” (good Buddist), theo dự đoán, có nghĩa là Khánh là một Phật tử không theo đường lối của Thích Trí Quang.”

(FRUSS 1964 – 1968, Volum I, tr. 304 – 305, Document 147).

Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, nhóm Phật Giáo cực đoan của Thích Trí Quang cho rằng Phật Giáo phải cai trị đất nước. Ông tìm mọi cách để thành lập một chính phủ Phật Giáo do ông làm Quốc Phụ. Ông thấy rằng không thể dùng Tướng Khánh để thực hiện giấc mơ đó nên tìm cách loại Tướng Khánh, mặc dầu Tướng Khánh đã làm mọi cách để lấy lòng Phật Giáo. Khi dùng áp lực chính trị bất thành, năm 1966, Thích Trí Quang đã tạo bạo loạn để cướp chính quyền, nhưng thất bại.

Phía Công Giáo nhận thấy rằng các nỗ lực để củng cố địa vị của Tướng Khánh đã gây quá nhiều rối loạn và phương hại cho Công Giáo, nên nhiều nhóm Công Giáo đã tìm cách lật đổ Tướng Khánh. Bị hai mặt giáp công, Tướng Khánh không thể đứng vững được. Nắm lấy cơ hội này, người Mỹ đã loại Tướng Khánh ra khỏi chính trường miền Nam và đưa các tay chân bộ hạ của họ vào thay thế.

Lữ Giang

(9.6.2009)

Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.