Việt Nam cần làm gì để ứng phó với Trung Quốc? |
Tác Giả: Nhã Trân, Ðài RFA | |||
Thứ Bảy, 13 Tháng 6 Năm 2009 04:41 | |||
Tuesday, June 09, 2009 Chủ quyền tại vùng tranh chấp ở biển Ðông là điều gây tranh cãi giữa một số nước Ðông Nam Á và Trung Quốc. Tuy vấn đề chưa được chính thức giải quyết, nhưng Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền, đồng thời có những hành động bạo lực, đe dọa đối với Việt Nam cũng như đối với các nước trong khu vực. Nhã Trân hỏi chuyện Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn Bang Giao Quốc Tế tại Ðại Học George Mason ở Virginia (Hoa Kỳ). Tham vọng bá quyền Nhã Trân: “Xin chào G.S Nguyễn Mạnh Hùng. Thưa giáo sư, chủ quyền đối với một số khu vực ở biển Ðông trong đó có phần lãnh hải thuộc Việt Nam như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đến nay vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ. Thế nhưng thời gian gần đây Trung Quốc đã ngang nhiên công bố bản đồ lãnh hải với ranh giới lấn sang những vùng của Việt Nam, đồng thời mạnh mẽ phản bác khi Việt Nam trình Liên Hiệp Quốc hồ sơ công bố chủ quyền về thềm lục địa mở rộng. Là một chuyên gia trong lãnh vực bang giao quốc tế, giáo sư có suy nghĩ gì về thái độ của Bắc Kinh?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Tôi thấy thứ nhất là vấn đề lý thuyết. Về chủ quyền lý thuyết cô nói là Trung Quốc đã tái xác nhận rằng chủ quyền biển Ðông của họ là vấn đề bất khả tranh chấp, nghĩa là họ đòi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tất cả là của họ, thì có một quốc gia khác cũng đòi như vậy, tức là nước Việt Nam. Việt Nam cũng đòi như vậy. Thành ra hai bên có mâu thuẫn rất lớn về vấn đề chủ quyền trên những quần đảo đó và do đó liên hệ đến vùng lãnh hải quanh hai quần đảo đó. Như mình thấy là Trung Quốc khi họ vạch vùng lưỡi bò thì lấn sang lãnh hải của nhiều quốc gia khác, thì cái đòi hỏi này là đòi hỏi rất là vô lý, không những không phù hợp với luật quốc tế lại còn không phù hợp với chứng tích lịch sử nữa. Về phương diện thực tế thì chúng ta thấy thứ nhất là Trung Quốc sách nhiễu những tàu Mỹ trong khu vực. Những tàu này là những tàu quan sát và người Mỹ cho họ được quyền đi lại trong vùng biển quốc tế, tức là vùng người ta gọi là tự do đi lại, tàu bè được tự do đi lại, mà Trung Quốc đòi cấm cản, thành ra Mỹ chắc chắn là không chịu rồi. Mục đích của Trung Quốc lần này không phải là ngăn cản Mỹ nhưng mà làm phiền Mỹ. Ðây là chính sách sách nhiễu. Dần dần càng ngày trung Quốc càng có nhiều tàu ra sẽ làm kẹt đường đi chuyển trên đường biển, thì Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ sẽ chán và chán thì không đến nữa, sẽ nhường lại vùng này cho Trung Quốc kiểm soát trên thực tế.” Nhã Trân: “Và đáng nói hơn, không những chỉ khẳng định rằng chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp là bất khả tranh luận, Bắc Kinh còn ngang nhiên cấm ngư dân các nước đánh bắt cá ở vịnh Bắc Bộ, kể cả ở các vùng lãnh hải của Việt Nam chiếu theo Hiệp Ðịnh Phân Ranh Giới Vịnh Bắc Bộ ký kết với Việt Nam hồi năm 2000. Xét theo quan hệ quốc tế, hành động của Bắc Kinh có thể đánh giá ra sao?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trong vùng biển đó lấy cớ là bảo vệ môi trường và chỉ nói có một tháng thôi, điều này có nghĩa là Trung Quốc muốn từ từ tạo nên một tiền lệ. Năm nào cũng nhắc như vậy để rồi không ai dám đến cả; nếu không ai dám đến thì nó sẽ trở thành một tập tục quốc tế và trên thực tế nó sẽ biến biển Ðông hay là vùng mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải trở thành một cái hồ Trung Quốc. Trung Quốc tự đòi hỏi cái chuyện đó và tự làm cái việc đó để xem thái độ các quốc gia như thế nào. Nếu các quốc gia không chống đối thì nó trở thành một tiền lệ. Tiền lệ hai ba năm nhắc đi nhắc lại sẽ trở thành một tập tục quốc tế, và khi mà trở thành một tập tục quốc tế thì Trung Quốc sẽ biến biển đó thành vùng biển của họ. Lúc ấy luật của họ được thi hành trong vùng đó.” Quan điểm của Hoa Kỳ Nhã Trân: “Trước thái độ của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền ở biển Ðông, Washington hồi hạ tuần Tháng Năm có khẳng định là Mỹ sẽ không nhượng vùng Thái Bình Dương cho bất cứ quốc gia nào. Giáo sư có nghĩ rằng Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Trung Quốc thực hiện tham vọng bá quyền ở biển Ðông, lấn áp Việt Nam cũng như các nước khác ở vùng Ðông Nam Á?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Tuyên bố đó tôi nghĩ là tự nhiên thôi bởi vì Mỹ là quốc gia hải quân lớn và những nước có hải quân thì thường thường muốn tự do lưu thông trên đường biển. Tự do lưu thông trên đường biển thì những vùng lãnh hải càng hẹp lại bao nhiêu thì càng tốt. Ngày xưa vùng lãnh hải đó chỉ có 3 hải lý thôi, bây giờ nó đã tăng lên 12 hải lý rồi. Thành ra bất cứ người nào mà đòi ra ngoài cái đó nữa, dĩ nhiên là luật pháp quốc tế cho phép một số khác chẳng hạn như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý với lại vùng được quyền khai thác mà họ gọi là vùng thềm lục địa thì Mỹ không chống. Thế nhưng có vấn đề tự do lưu thông bên ngoài cái 12 hải lý đó là nguyên tắc mà Mỹ nhất định phải giữ, bởi vì Mỹ là quốc gia hải quân thì không thể chấp nhận cho nước nào đi ra ngoài giới hạn 12 hải lý đó được. Thành ra xưa nay đó là nguyên tắc đầu tiên. Nhưng mà từ trước tới nay rất nhiều lần Mỹ đã nói là những tranh chấp ở vùng đó dĩ nhiên là ảnh hưởng đến quyền tự do lưu thông trên mặt biển của nước Mỹ và của các quốc gia khác. Và Mỹ nói rằng không muốn can dự vào việc tranh cãi đó. Họ muốn tất cả phải giải quyết trong hòa bình. Nhưng mà họ cũng nói rõ là: - Thứ nhất là không chấp nhận quyền tự do lưu thông trên đường biển bị vi phạm. - Ðiểm thứ hai, họ không muốn một quốc gia nào tìm cách áp đặt đối với những công ty Mỹ (những công ty dầu) hoạt động ở những vùng biển mà những công ty đó cho là họ có quyền pháp lý để thi hành việc đó.” Nhã Trân: “Thưa, theo như nhận định của giáo sư thì Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc thực hiện tham vọng bá quyền ở khu vực biển Ðông. Thưa ông, liệu chính phủ Hoa Kỳ sẽ can thiệp đến mức độ nào?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Can thiệp đến mức độ nào? Vấn đề là quyền lợi Mỹ bị xâm phạm đến mức độ nào. Nếu Mỹ bị thách thức thì họ làm. Thí dụ như là sau vụ tàu quan sát Impeccable, Mỹ đã cử những tàu võ trang đi theo những tàu quan sát đó để chứng tỏ là Mỹ có quyền như vậy. Ðó là việc của người ta, còn những vấn đề chi tiết , thí dụ như Hoàng Sa - Trường Sa thì đó là chuyện khác.” Việt Nam phải làm gì? Nhã Trân: “Thưa G.S Nguyễn Mạnh Hùng, theo ý kiến của ông thì Việt Nam có thể làm gì trước thái độ ngang ngược và hành động bá quyền của Bắc Kinh trong vùng biển Ðông?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Tôi nghĩ rằng chắc là chính quyền Việt Nam và các chiến lược gia của họ cũng đã và cũng đang tìm cách đối phó rồi. Nhưng mà theo ý tôi, ít nhất Việt Nam phải có những hành động sau đây: -Thứ nhất, (Việt Nam) phải mở một chiến dịch ngoại giao, tuyên truyền, và nếu cần thì đưa ra một sách trắng để đưa ra cho mọi quốc gia, cho mọi tổ chức quốc tế, nêu rõ lập trường Việt Nam và nêu rõ cái tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở biển Ðông. Và nếu họ (Hà Nội) có được sự hỗ trợ của đồng bào Việt ở nước ngoài thì càng tốt. Nghĩa là nói tóm lại là phải công khai hóa vấn đề, không để lấp liếm nữa. Cái chuyện này thì Việt Nam cũng đã bắt đầu làm rồi. -Thứ hai, (Việt Nam) phải siết chặt thêm quan hệ quân sự với các nước lớn ở Á Châu, những quốc gia có hải quân lớn, có quan tâm tới tự do lưu thông trên vùng biển Ðông, nhất là những quốc gia như Úc, Nhật, Ấn Ðộ. Và qua những quốc gia đó, (Việt Nam) siết chặt thêm quan hệ quan sự với các đồng minh quân sự của họ. -Thứ ba, đối với các nước trong vùng địa phương đó thì (Việt Nam) cần phải tạo ra một sự cộng tác, một liên mình giữa các nước đó, những quyền lợi mà những nước nhỏ bị lấn ép để làm áp lực chung, đòi hỏi Trung Quốc phải đàm phán đa phương thay vì song phương dễ bị Trung Quốc lấn áp. Ðiều này dĩ nhiên là Việt Nam cần phải tương nhượng thì Việt Nam phải làm thế nào, cố gắng làm cho tổ chức ASEAN thành một tổ chức có xương sống chứ không phải là một tổ chức yếu nhược như bây giờ. -Thứ tư, (Việt Nam) phải giữ chặt những gì mình đang có, tránh để cho Trung Quốc tạo ra một sự đã rồi như là họ tấn công vào mấy cái đảo còn lại, nghĩa là Việt Nam phải chuẩn bị quân đội. Nếu cần thì Việt Nam phải tử chiến để tạo ra một biến cố quốc tế. Khả năng quân sự này, nếu có, cộng với các biện pháp trên đây, thì sẽ có tính cách răn đe các hành động táo bạo, liều lĩnh của Trung Quốc. -Nhưng mà giải pháp lâu dài, cuối cùng vẫn phải tạo đối lực, phải mượn sức lực khác, chứ khối ASEAN còn yếu lắm. Với đối lực này thì Việt Nam sẽ khiến ở bên ngoài ASEAN.” Nhã Trân: “Với nhận xét của giáo sư thì chính quyền Việt Nam liệu có thể thực hiện được những điều này?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam có quyền làm như vậy, nếu Việt nam nói rõ là Việt Nam không chống Trung Quốc, Việt Nam không bao vây Trung Quốc, nhưng quyết liệt không cho Trung Quốc đàn áp.” Nhã Trân: “Và ngoài 5 giải pháp này thì Việt Nam có cần làm điều gì khác không, thưa giáo sư?” G.S Nguyễn Mạnh Hùng: “Tất cả 5 giải pháp trên đây lại cần phụ thuộc vào một điều kiện rất là tiên quyết, một điều kiện không có không được, là các lãnh đạo Việt Nam cần phải nhất trí với nhau, các lãnh đạo Việt Nam cần coi nguy cơ bá quyền Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất, hơn cả 4 nguy cơ mà Ðại Hội Ðảng giữa nhiệm kỳ năm 1994 đã nêu ra và cứ nhắc đi nhắc lại mãi là nguy cơ tụt hậu, nguy cơ chệch hướng, nguy cơ tham nhũng, và nguy cơ diễn biến hòa bình. (Việt Nam) phải coi nguy cơ bá quyền Trung Quốc là quan trọng nhất, từ đó mới tạo ra những chính sách khác được.” Nhã Trân: “Xin cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng.” (Bài này được trích đăng từ trang web của Ðài Á Châu Tự Do, RFA)
|