Những năm tháng ấy năm gì? |
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục | |||||||||||
Thứ Năm, 18 Tháng 6 Năm 2009 04:43 | |||||||||||
Tưởng nhớ đến Thiên An Môn và tự hỏi bao giờ có một Thiên An Môn thứ hai cho Việt Nam?
Mà con người đành cúi đầu cam chịu, không dám phản kháng. Thảm họa đó có tên là cộng sản. Bài học thảm họa cộng sản trong những năm ấy không quên được.
Gót dép râu tưởng rằng nó nhẹ và dễ chịu hơn gót giầy bốt “xang đá” của Tây thời thuộc địa, vậy mà sao nó có thể dẫm nát miền Nam đến như thế. Nó đi không gây ra tiếng động như loài rắn độc tuồn vào mỗi nhà. Chế độ độc tài ấy không phải được thiết lập để bảo vệ cách mạng. Nhưng người ta làm cuộc cách mạng là để duy trì chế độ độc tài, để bảo vệ chế độ độc tài cộng sản. Đó là điểm khác biệt giữa cách mạng và độc tài. Vì thế, họ đã đem thế chấp (Hypothéquer) tương lai miền Nam và toàn thể đất nước để thực hiện cho bằng được một thiên đàng cộng sản mà nhiều nước cộng sản đang muốn chối từ. Kể từ 1975, đó là những đêm dài khổ lụy do không biết bao nhiêu nguyên do xa gần đã dẫn đưa đến những năm tháng mà ta tự hỏi những năm ấy năm gì? Đó là những năm dài của sự khủng bố và ghê sợ. Nó bắt mọi người phải nghĩ theo một lối, sống theo một lối, viết theo môt lối thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra hoa cúc vạn thọ hết. (Theo ý của Phan Khôi). Vùng nước quẫn đục ấy là do trách nhiệm của giới lãnh đạo bất tài. - Họ thiếu tất cả những đức tính của những nhà lãnh đạo giỏi. Thiếu hiểu biết, lại kém cỏi, thiếu tầm nhìn xa cộng thêm tự mãn quá cao như trường hợp Lê Đức Thọ. Ông cho rằng, ông chẳng có bằng cấp gì mà vẫn lãnh đạo được. Một cựu đảng viên đảng cộng sản, nay bị khai trừ, trong một bữa ăn có trao đổi với tôi và đưa ra nhận xét sau đây. Đành rằng giới lãnh đạo phần lớn ít học, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Nhưng ông Hồ Chí Minh đã mấy chục năm ở nước ngoài, đã gặp bao nhiêu người, đã có cơ hội học hỏi. Nói về hiểu biết, từng trải thì hơn một anh nông dân như Mao Trạch Đông. Vậy mà làm sao sau này, Hồ Chí Minh lại coi Mao Trạch Đông như hàng bậc thầy. Rồi học theo Tàu, nhắm mắt lãnh đạo như Tàu? Cái gì bên Tàu làm, dù làm sai thì bên Việt Nam làm y trang như vậy. Chỉ có thể trả lời là họ mắc cái bệnh cộng sản. Guồng máy đảng đã uốn nắn, khuôn đúc ra họ. Tôi ghi nhận nhận xét đó và không khỏi suy nghĩ. - Suy nghĩ đó dẫn đưa tới trường hợp Lê Duẩn với cuốn sách Thời Thắng Mỹ do Thép Mới chấp bút, nắm chức Tổng bí thư từ 1960 đến 1986. Ông ngồi lì ở đó hơn phần tư thế kỷ thì chết rồi. Bộ hết người tài sao? Gần bằng thời kỳ Stalin nắm quyền ở Liên Xô.
Ngồi lâu là bệnh của các người cộng sản. Như Staline, như Mao Trạch Đông, như Kim Nhật Thành, như Fidel Castro, như Hồ Chí Minh, như Phạm Văn Đồng, như Trường Chinh, như Lê Duẩn. Họ đều mắc bệnh đó cả. Phạm Văn Đồng được coi như một thủ tướng lâu đời nhất của Việt Nam từ 1955 đến 1987. Một thủ tướng bất tài, ba phải, ngả theo đa số. Vì thế ngồi lâu. Trường Chinh ba lần làm Tổng Bí Thư. Lần chót ông lên thay Lê Duẩn vừa mất. Tuổi 80 mà vẫn còn ngồi lại choán chỗ. Nhiều người cứ gán cho ông tư tưởng Đổi Mới. Thật ra, cùng lắm chi là đôi ba lời tuyên bố ý tưởng Đổi Mới. Thực tế, ông đã không làm gì. Theo Vũ Thư Hiên, Trường Chinh được gọi giễu là Longue Marche, trường kỳ là người chủ chốt đánh Nhân Văn Giai Phẩm. Cũng là người chủ chốt lấy sách của Tàu dịch ra rồi nhận là sách do mình viết. Theo Vũ Thư Hiên, cuốn Trường Kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi sao nó giống cuốn Trì Cửu Chiến Luận (Bàn về đánh lâu dài) của Mao Trạch Đông. Nhưng nếu nói như thế thì cuốn Sửa đổi lề lối làm việc của chính Hồ Chí Minh cũng là đạo văn cuốn Chỉnh đốn văn phong của Mao Trạch Đông? Hóa ra đều là tuồng đạo văn? Từ đó mở màn cho vô số truyện đạo văn, ăn cắp đến hiện nay vẫn chưa dứt? Sau này, người ta cho ông về vườn cùng với các quý ông Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng. Ba Ủy viên chính trị khác cũng cho về vườn luôn thể là Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân và Tố Hữu. Ông Bùi Tín trong Mặt Thật, trang 289 cho rằng nếu ông Phạm Văn Đồng chỉ làm 8 hay 10 năm thay vì gần 40 năm thì đất nước đã khá hơn. Nếu làm 8 hay 10 năm tnì đất nước khá hơn! Vậy nếu làm 4 năm rồi tụt xuống một năm và giả dụ không làm năm nào thì có khá hơn nữa chăng? {Thủ tướng lâu nhất, già nhất và bất lực nhất như ông thường tự nhận xét}. Nếu như Tổng Bí thư, ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, bộ trưởng, đại biểu quốc hội cũng chỉ làm nhiều nhất hai khóa đại hội đảng và hai khóa quốc hội thì tình hình đã có thể đổi khác một phần. - Người ta cho rằng khủng hoảng chính trị xảy ra như trường hợp năm 1980 là vì thành phần lãnh đạo già nua, bất lực, yếu kém mà nay vẫn nắm quyền lực. Đó là tình trạng thường xảy ra ở các nước độc tài cộng sản như trường hợp Liên Xô trong thời kỳ Brezhnev mà nhiều lãnh đạo khi chết còn tại chức. Đó cũng là trường hợp Mao Trạch Đông, Fidel Castro hay Kim Nhật Thành, v.v… - Các chính sách kinh tế theo đuôi bằng những khẩu hiệu như bùa chú đã tỏ ra hoàn toàn thất bại và sống vật vờ trông chờ vào viện trợ của Liên Xô. Trong khi đó chính Liên Xô, kể từ sau cái chết của Staline đã có những biến động liên tục. Ông giáo sư Hồ Ngọc Đại trong một bài giảng tại trường viết văn đã viết về tình trạng ở Liên Xô như sau: “Năm 1969, 1970 gì đó, tôi sang Liên Xô học. Những người bạn Liên Xô nói với nhau: “Các bạn ơi, chúng ta nên thương anh Đại. Cái mà chúng ta sắp đổ rồi thì anh Đại sang học.” (Trích “Triết học và lịch sử”, Hồ Ngọc Đại,) . Thật vậy, kể từ tháng 3/1985, Khi Mikhai Gorbachev lên nắm quyền, giới lãnh đạo Hà Nội biết rằng, những gì Brezhnev dành cho họ sẽ không còn nữa. - Cái nợ thế chấp (Hypothèque) dân miền Nam của chính quyền cộng sản từ thập niên 1975 mỗi ngày một nặng. Lấy gì để trả những món nợ ấy? Để theo kịp các nước khác. Nó giống như món nợ của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với dân chúng Trung Hoa. Tôi đọc một bài báo của tờ National Geographic, trong đó có đăng hình một ông cụ già với lời ghi chú như sau: “Visages de Chine. J'ai eu faim presque toute ma vie. Me dit Du Chenglan, 82 ans Derrière chaque visage de la galerie qui suit existe une histoire - faite de lutte, d’ambition, de joie - et c'est dans le creuset formé par ces histoires que s’inscrit l’avenir de la Chine. (Trích National Géographic, Mai 2008, trang 119) ("Những khuôn mặt nước Trung Hoa": Tôi đã ăn đói hầu như suốt cả cuộc đời tôi. Cụ Du Chenglan, 82 tuổi đã nói với tôi như thế. Đằng sau mỗi khuôn mặt, những hình đăng dưới đây thì đều có một lịch sử - Lịch sử làm bằng sự tranh đấu, bằng tham vọng và bằng sự vui sướng- và trong cái lò thử thách hình thành bằng những thứ lịch sử ấy sẽ là tương lai nước Trung Hoa.) Những bế tắc toàn diện trong sinh hoạt kinh tế miền Nam Sau 1975, mọi giao thương, thương mại với thế giới bên ngoài hoàn toàn đình trệ. Không có vấn đề xuất cảng hay nhập cảng. Các ngân hàng ngưng hoạt động. Sinh hoạt kinh tế lúc bấy giờ chỉ có hoặc chợ đen hoặc chợ trời. Các cửa hàng lớn trên các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do, Trần Hưng Đạo phần lớn đều đóng cửa. Nhưng buôn bán trên vỉa hè thì tràn lan. Buôn đủ thứ, bán đủ thứ. Các đồ ăn cắp hay hôi của từ các nhà tư nhân, từ các kho hàng, các hãng xưởng bỏ đi nước ngoài được bầy bán kháp nơi. Nạn con buôn chạy hàng mánh mung. Nạn chợ đen giá cả mỗi nơi mỗi khác. Thay đổi từng nơi, từng ngày. Chảng hạn hàng thùng thuốc lá của các hãng Bastos, hãng thuốc lá M.I.C. Bia của hãng B.G.I. Các trạm xăng đều đóng cửa. Nhưng xăng chợ đen do Bộ Đội bán chui bầy một cái chai không ở lề đường làm dấu. Giá cả từ 1000 đồng đến 2000 đồng một chai. Xăng không còn nguyên chất mà pha chế thêm dầu lửa. Người bán là người miền Nam, phần không nhỏ là vợ con các sĩ quan, công chức mà chồng phải đi học tập. Giữ được phẩm tiết lúc này là điều vô giá. Người mua là bộ đội, cán bộ miền Bác. Một bên bán ra, một bên mua vào. Bán là mất, mua vào là lời. Bán từ những đồ vật kềnh càng như ti vi, tủ lạnh, bàn ghế. Riết rồi bán đến cái quần, cái áo cho con cái có cơm vào miệng. Đến lúc không còn gì để bán thì tính kế bỏ đi. Trong khi đó, sản xuất trì trệ vì thiếu nguyên vật liệu nên hàng giả ra đời. Đó là một nền kinh tế đi bước lùi. Hễ nơi nào có cộng sản đến thì nơi đó mọi sản phẩm đều khan hiếm. Đang giàu thành nghèo. Đang có dư thừa thành khan hiếm. Giả dụ cho họ quản lý một xứ ở sa mạc thì ít lâu sau cát trở thành khan hiếm. Và đây là những bằng cớ: “Địa phương tôi có một xưởng xà phòng, tên chính hiệu là “kem giặt.” Sản xuất từ nguyên liệu “dầu rái,” loại dầu lấy từ than cây dầu trong rừng trộn nước tro. Sản phẩm làm ra có màu đen, sền sệt, mùi ngai ngái. Đám trẻ ngày nay thấy nó chắc không dám sờ tay. Vậy mà sản xuất ra bao nhiêu, giao cho “thương nghiệp cấp ba” phân phối sạch.” “Địa phương tôi có một xí nghiệp nước giải khát, những “chai bia” xuất xưởng từ nước giếng, một ít cồn và khí C02, nút chai thu nhặt từ lon sữa bò, đóng nút vội vã từ máy nhắm cơ bắp. Hàng ra bao nhiêu tiêu thụ sách.” (Trích Tuổi Trẻ online, thứ năm 02/04/2009) Thủ phạm của nền kinh tế bao cấp này là nó tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo không theo đúng luật cung cầu. Từ đó đưa đến tình trạng đầu cơ tích trữ, nạn làm giá, ép giá lợi dụng khe hở của cơ cấu tổ chức kinh tế. Từ đó gây xáo trộn thị trường. Đó là một nền kinh tế không lành mạnh. Vì thế có nguyên liệu mà cất dấu, hoặc không được phép bán. Một trường hợp rất cụ thể là thuốc “Tây” ở miền Nam là món hàng dân miền Bắc rất ưa chuộng so với “thuốc rởm” của miền Bắc. Chợ trời thuốc Tây một thời gian thịnh đạt và nuôi sống nhiều gia đình “ngụy.” Chợ Trời là cái gai mà họ ngứa mắt lắm. Họ muốn đánh sập. Nhưng đánh không được. Vì cảnh ngăn sông, cấm chợ, cảnh chặn đường, xét hàng. “Một đoạn đường vài cây số, nhưng có tới hơn chục trạm kiểm soát hàng hóa. Những trạm gác này thường thường bắt được những ông cán bộ mặc quần áo hai lớp để đựng gạo, chị hàng thịt quấn quanh người những tảng mỡ heo rồi mặc áo trùm bên ngoài.” (Trích Xuân Trung-Quang Thiện. Trích lại trong X-càphê) Giá cả tùy lúc, tùy chỗ. Cho nên có giá trên trời, giá dưới đất. Muốn mua không có chỗ mua, muốn bán không có chỗ bán. Chợ Trời ra đời trong cái cảnh bát nháo như thế. Buôn lậu cũng ra đời cùng lúc. Ai cũng có thể buôn lậu. Ghe thuyền hai đáy, đáy dưới chở thóc, đáy trên chở rơm rạ. Mọi thứ hàng hóa, đồ dùng đến thịt cá đều cấm nên mọi thứ đều là đồ lậu, bất hợp pháp. Công ty dệt may Thắng Lợi có 5.000 công nhân, nhưng có quá nhiều công nhân trộm cắp. Gặp gì lấy đó, vì đói. Xe đang chạy xăng, xăng đắt. Nghĩ thụt lùi biến xe chạy bằng than với lò đốt thời 1940!!!. Nhưng thuốc tây Chợ Trời đến một lúc nào đó, nguồn cung cấp thuốc cũng bị cạn. Lúc bấy giờ, người ta thấy một hiện tượng chéo cẳng ngỗng là các con buôn ra Bắc buôn thuốc Aspirine, loại chai 100 viên mỗi lọ. Thuốc được đem về giao cho một số tay ngang hoặc cựu nhân viên các hãng bào chế còn sót lại. Họ chắc đã bê một cái máy rập viên thuốc về nhà làm hàng riêng. Thuốc miền Bắc được đem nghiền ra, rất có thể còn pha thêm bột mì, sau đó cho vào máy đóng viên thuốc, với một vỏ bọc bằng nhuôm nhãn hiệu Aspro còn sót lại. Thuốc Aspirine miền Bắc, giá rẻ mạt nay mang bộ áo mới, tên mới, có tên là thuốc Aspro, ép từng vỉ. Con buôn thử một cái là biết thuốc thật hay giả.Thuốc miền Bắc, bẻ thì mủn ra. Còn thuốc Aspro “thật” của miền Nam cứng, rắn chắc. Phải lấy dao để cắt làm đôi.
Cũng một cách thức như thế. Một chai bằng chì nặng cả 2 kilô, trong đựng chất thuốc B12 concentrated sánh như mật ong. Những tay buôn đã kiếm được những chai như thế, nhãn hiệu cửa Đức trong các kho thuốc của các hãng bào chế còn để lại. Họ pha thêm với nước cất, có thể thêm nước sirô, rồi đóng vào các ống thủy tinh, bên ngoài dán các nhãn hiệu như Vitamine B12, hay Revitalose, v.v... Một chai nguyên chất như thế, pha ra có thể thành 10 ngàn ống Vitamine B12 đại bổ. Trường hợp thứ ba là bút Bic hay còn gọi là bút nguyên tử. Trước 1975, người Tàu Chợ Lớn làm ăn khá giả với loại bút này. Nguyên liệu chính để làm bút Bic là nhập cảng những viên bi nhỏ. Nguyên liệu cạn dần sau 1975. Một thời thứ bút này biến mất trên thị trường. Một người bạn tôi, Việt Kiều Đức về thăm Sài Gòn biết Tàu Chợ Lớn cần thứ nguyên liệu sinh tử đó. Sau giá cả thương lượng, anh trở lại Đức mua hàng thùng lớn những viên bi nhỏ sản xuất tại Đức. Bút Bic lại có dịp xuất hiện trên thị trường Sài Gòn. Cảnh xé rào từ chạy gạo đến phá cơ chế Từ sau chiến dịch cải tạo thương nghiệp, thành phố Sài Gòn đâm thiếu gạo. Hoặc phải ăn gạo tem phiếu vừa mối mọt, vừa ẩm mốc. Sài Gòn từ trước tới nay chưa từng bao giờ thiếu gạo. Người dân phải ăn độn Bo Bo là điều không thể tưởng tượng nổi. Bí thư Thành Uỷ TPHCM lúc bấy giờ là Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt tuyên bố là không để dân thành phố đói ăn. Bằng mọi cách phải mua được gạo. Gạo thì không thiếu, vấn đề là không mua được theo giá thỏa thuận của nhà nước. Ông Kiệt túng kế nghĩ cách đã đến lúc phải “phá rào”, phá cơ chế. Gạo có mà không mua được vì dân không bán với “giá ép,” giá giựt, giá nghĩa vụ vì bị thiệt thòi nhiều quá. Giá nghĩa vụ bán cho nhà nước là 0.52 đồng/1 kí lô. Ông Sáu Dân bằng lòng mua với giá 2.5/1kí lô. Sau đó cộng thêm chi phí vận tải, chi phí xay xát và thặng số thương nghiệp.
Giải pháp phá rào của ông Kiệt có cơ cứu cho TPHCM thoát nạn đói và sau đó giá cả được ổn định ở mức 2đ50/kí lô trên địa bàn cả nước. Giải quyết xong vụ gạo coi như một giải pháp cứu đói cho dân thành phố. Nhưng đến một lúc nào đó, thành phố “Hồ Chí Minh” cạn kiệt nguồn nguyên liệu, sản xuất ngưng trệ. 16 tấn vàng của Ngân Hàng quốc Gia để lại thì đã chuyển giao chính quyền Trung Ương bảo quản và cấu véo chi tiêu hết lúc nào cũng không ai biết. Lại một lần nữa phá rào. Ông Kiệt phải nhờ đến người Hoa, có vốn, có quen biết với nước ngoài, bắt đầu trao đổi với người Hoa ở Hồng Kông, Singapore. Kể từ 1980, người Hoa thu gom tất cả những gì miền Nam có thể bán ra nuớc ngoài được như mực khô, tôm khô, lạc khô, đỗ cũng như các đồ tiểu công nghệ như đồ thêu ren, sơn mài, v.v… để đổi lấy sợi dệt, sợi thuốc lá cũng như xăng dầu của nước ngoài. Cơn đói nhập cảng nguyên liệu giải quyết được một phần cho các cơ sở kỹ nghệ trong thành phố. Nhờ đó nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội sản xuất được thuốc, nhà máy dệt Thành Công chạy đều lại, Hãng bột ngọt Vifon có nguyên liệu để làm bột ngọt. Không có người Tàu Chợ Lớn đứng ra làm ăn, đêm đổi mới liệu có hy vọng thành công trong lúc đầu? Sau 10 năm thế chấp dân miền Nam, giấc mơ thực hiện thiên đàng chủ nghĩa bị phá sản. Người ta nói tới đổi mới. Không đổi mới là chết. Sau 10 năm thống nhất với lạm phát 400% đến 600%. Năm 1986, một kí lô gạo ngon giá 30 đồng. Hai năm sau, 1988, một kí lô gạo ngon giá 600 đồng. Nhiều người cho rằng sự kém hiệu năng của khu vực quốc doanh là đầu mối của các khó khăn kinh tế tại Việt Nam. Vào năm 1988, các xí nghiệp của nhà nước vẫn chiếm trên 70% tổng số sản ngạch kỹ nghệ. Chiếm 50% vốn đầu tư và 70% tín dụng, nhưng lại chỉ tạo ra từ 8 đến 10% công việc làm. Mỗi năm lại có hơn triệu người gia nhập thị trường lao động. Áp lực lạm pháp lại càng gia tăng vì ngân sách chính quyền bị khiếm ngạch nặng nề... Sản xuất giảm sút, lạm phát gia tăng. (Trích tóm lược trong VietNam at the crossroads, Michael C. Williams, dịch giả Nguyễn Duy Chính, trang 38, chương 4). Nhất là chính quyền địa phương bỏ rơi những người rời bỏ làng mạc về thành phố lớn. Thành phố cũng không cần biết những di dân mới này là bao nhiêu, làm gì để sống. Đó là một cảnh báo về khủng hoảng phát triển có nguy cơ bùng nổ xã hội. Nhưng báo cáo của thành phố Hồ Chí Minh mới đây còn dám tự hào y tế tăng 5 lần so với trước 1975 với 18.000 y sĩ. Mặt nào cũng tăng, cũng phát triển từ giáo dục, y tế, báo chí, truyển thông, điện ảnh. Thật sự mà nói, Đổi Mới ở nước ta là chậm, là theo đuôi hai nước đàn anh là Liên Xô và Trung Quốc. Liên Xô có Gorbachev với đường lối Glasmost (minh bạch) và Perestroika (đổi mới). Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình. Họ có kế sách, có chủ trương. Đã thế, vẫn có những kẻ bất tài chiếm chỗ. Hồ Viết Thắng là người trách nhiệm vụ Cải Cách Ruộng đất thời Trường Chinh. Nay cũng chính ông ấy vào Sài Gòn, sau 1975. Ông chủ trương không dùng các chuyên viên điện toán của chế độ cũ do Mỹ đào tạo hoặc có gốc gác là người công giáo hoặc người Bắc di cư. May là không có chỗ lâu dài cho Hồ Viết Thắng ở miền Nam, sau 1975. Phần những nạn nhân người miền Nam, ai còn đủ sức thì tìm đường tháo chạy. Việc người miền Nam chạy trốn ra nước ngoài là kết quả trực tiếp của những chính sách khốc liệt như đi học tập cải tạo và đánh tư sản mại bản cũng như đánh tàn dư văn hóa ngụy. Kết quả tai hại của tất cả những chính sách trên đưa đến cảnh vượt biển mà hằng trăm ngàn người đã phải bỏ nước ra đi. Việc người dân phải liều mình bỏ nước ra đi đã hẳn như một lời cảnh báo nghiêm trọng về sự thất bại của chế độ cộng sản áp đặt trên dân chúng miền Nam. Theo lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Linh thì giới văn nghệ sĩ phải: “Nói lên sự thật dù là sự thật phũ phàng” và “không nên uốn cong ngòi bút của mình.” Trong một buổi tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ, ông Linh tuyên bố phải “cởi trói” cho những người mà chức năng và nhiệm vụ của họ là: Nói ra. Cởi trói ở đây là để cho họ mở miệng. Đọc những bài viết của Nguyễn Văn Linh trong mục Về những việc cần làm ngay, ký gỉa Diệu Bình trong bài: Ý Đảng Lòng Dân, báo Tổ Quốc, số 8 đã nhận xét: “Đã lâu lắm mới thấy kiểu nói như vậy, văn chương không trau chuốt, lý luận chẳng cao siêu, toàn nói chuyện hạt lúa củ khoai, vậy mà được dư luận xã hội rộng rãi cả trong và ngoài đảng hết sức trân trọng và đồng tình, giới báo chí nhiệt liệt hưởng ứng.” Nói theo ông Nguyễn Văn Linh, ông Hồng Hà, một cán bộ lão thành đã nhận xét là đổi mới chính trị chậm hơn đổi mới kinh tế. Đổi mới Tư Duy là cách sống, cách nghĩ, cách làm. Dám nghĩ, dám làm. Trần Xuân Bách ngoài Bắc là quyết liệt nhất đề nghị Đảng phải đổi mới đi bằng hai chân: chân kinh tế thị trường với việc mở rộng kinh tế hàng hóa, phát triển thị trường và chân chính trị là đi mạnh vào việc áp dụng dân chủ rộng rãi, chấp nhận đa nguyên. Những phát biểu của Trần Xuân Bách ngày càng gay gắt khiến cho bộ chính trị khó chịu. Trần Xuân Bách đòi đảng phải thay đổi mới xong. Sau này Trần Xuân Bách bị trù dập, bị khai trừ đến nơi đến chốn, không có lối thoát nữa, vì cổ võ đa nguyên. Họ phê phán Bách không đáng là đảng viên, vô kỷ luật, vô tổ chức loại ra khỏi mọi chức vụ của Đảng. Tiếp theo lần lượt một số sách vở, báo chí của nhà văn nhà thơ ra đời. Trên Tuổi Trẻ, Người Lao Động có bài của các ông Hữu Thọ, Hoàng Tùng và Hồng Hà. Về tiểu thuyết có Dương Thu Hương với tác phẩm Thiên đường mù viết về bi kịch một gia đình trong thời kỳ cải cách ruộng đất với đấu tố, sửa sai đưa đến những hậu quả của nó. Tướng về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp trình bày con người trong hoàn cảnh vong thân, tha hóa, phi nhân cách, phi trách nhiệm. Phải chăng những con người ấy biểu tượng cho những con người miền Bắc? Nhưng sau này, nhiều nhà văn đồng ý cho rằng phóng sự Đêm Trước Đổi Mới của Phùng Gia Lộc tạo ra một cú sốc được đăng trên báo Văn Nghệ, 1987, thời nhà văn Nguyên Ngọc còn là Tổng Biên tập tờ báo. Bài báo làm sống động cái cảnh người nông dân lo chạy thuế trong cái vòng kìm kẹm cơ chế của chế độ. Nó dã man không thua gì cảnh thu thuế thời thực dân Pháp. Nó lên án chế độ, nếu không nói là nói xấu chế độ. Nó tạo ra một trào lưu chuyển động bên trong vì tính cách một phóng sự có thật. Nó gây xúc động tâm trí người đọc trong cả nước về sự dã man và chèn ép người nghèo khổ. Sự việc diễn ra ở Thanh Hóa, nơi anh Phùng Gia Lộc sinh sống. Ở đây nổ ra cuộc tranh đấu của những người đòi Đổi mới, đòi quyền sống cho con người. Phùng Gia Lộc chỉ là một nhà văn nghèo, ốm đói, bênh hoạn, phải đương đầu với cơ chế xã hội, tạo một không khí đe dọa, khủng bố, uy hiếp đến tính mạng nhiều người. Bài ký phóng sự gây chấn động. Bạn bè lo lắng cho anh tìm cách khiến đưa anh ra lánh nạn tại Hà Nội, ăn ở tại tòa soạn báo Văn Nghệ của nhà văn Kim Ngọc. Phùng Gia Lộc phải trốn ở Hà Nội trong vài tháng cho đến khi viên bí thư Thanh Hóa bị đổ. Có lẽ trong đời viết văn, Phùng Gia Lộc là người chỉ viết có một bài văn trở thành nhà văn xứng đáng mà chỉ có một bài. Chẳng may Phùng Gia Lộc yểu mệnh. Nhờ vào những bước đi đầu này mà sau này rất nhiều người đã lên tiếng phản kháng lại nhà cầm quyền như: Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Văn Trấn. Và một số những người bất đồng chính kiến như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Tiến, Hoàng Minh Chính, v.v... Công cuộc đổi mới chưa được bao lâu mà thật ra Nói đổi mới thôi. Thật ra cứ để yên như cũ hay là quay về với cái cũ, trở lại quy chế hợp với lòng dân, hợp với quy luật cuộc sống, từ bỏ những cơ chế cứng nhắc ở trên thì dân đủ được nhờ rồi. Nhưng sau khi sụp đổ của Đông Âu và sau đó là sư sụp đổ của Liên Xô thì khuynh hướng giáo điều tả khuynh lại có cơ phục hồi. Thay vì nhân cơ hội có sự sụp đổ ấy, ta lợi dụng cởi mở, tháo gỡ những khâu còn mắc kẹt do tư duy cứng nhắc, mạnh dạn phê bình, phân tích các bệnh giáo điều, tả khuynh để đất nước có cơ hội vươn lên, mở rộng dân chủ, cho báo chí được phát biểu, trình bày... Tiếc thay, lo sợ mất chỗ ngồi, lo sợ sự đổi thay làm suy sụp đảng. Xu hướng tả khuynh lại trở lại vị trí của họ. Họ coi lại, kìm hãm đà phát triển với những cảnh cáo vô nghĩa như “Coi chừng chệch hướng,” “Đổi mới nhưng không đổi mầu,” “Hòa nhập mà không hòa tan.” Hậu quả vô tình là kiềm chế cạnh tranh, cạnh tranh sút giảm, tụt hậu ngay trong nhóm khu vực các nước ASEAN. Khi Nguyễn Văn Linh từ chức thì quả y như rằng Đỗ Mười lên thay. Đỗ Mười một tay đã phát kinh tế, xã hội miền Bắc cũng như đánh phá sụp tư sản miền Nam, nay nắm đầu cả nước? Công cuộc đổi mới phải chăng là làm thế nào khắc phục, thay đổi cái đầu của Trung ương Đảng thay vào những thành phần năng động, trẻ trung, có hiểu biết và dám làm. Chính sách đường lối của cộng sản lại là kẻ thù của chính họ.
|