Hồi giáo Iran nội nổ |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | ||||
Thứ Năm, 25 Tháng 6 Năm 2009 23:17 | ||||
Trước hết người ta đã thấy rõ trong nội bộ Hồi giáo Iran đã có sự rạn nứt. Lãnh tụ Tối cao là Đại trưởng lão Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố cuộc bầu cử ngày 12-6 không có gì sai trái và Mamoud Ahmadinejad tái đắc cử Tổng Thống là đúng. Khamenei ra lệnh dẹp biểu tình. Lực lượng dẹp biểu tình là Cảnh sát nhưng quan trọng nhất vẫn là các đơn vị bí mật gọi là Basij nằm trong lực lượng quân sự riêng của Hồi giáo là “Vệ binh Cách mạng”. Quân Basij đã ra tay rất mạnh nên đã có ít nhất 17 người biểu tình chết trong tuần qua vì bị đánh đập tàn nhẫn bằng gậy. Về phía biểu tình phản đối, người cầm đầu là Hossein Mousavi, ứng cử viên Tổng Thống, người đã tố cáo bầu cử gian lận và đòi bầu cử lại. Mousavi 67 tuổi trước đây đã từng làm Thủ tướng Chính phủ. Trong sự rạn nứt đó có một nhân vật rất quan trọng đứng về phía Mousavi. Đó là cựu Tổng Thống Iran Hashemi Rafsanjani, hiện nay cầm đầu hai tổ chức rất mạnh có tính quyết định cho tình hình nội bộ Hồi giáo Iran. Một là Nghị hội Chuyên gia, gồm các trưởng lão cao niên trong Giáo hội, có thể bầu ra hay bãi chức vị Lãnh tụ Tối cao của Iran. Thứ hai là Hội đồng Chuẩn y sách lược, một tổ chức làm trọng tài trong các tranh chấp giữa Quốc hội do dân bầu và Hội đồng Giám hộ không do dân bầu, nhưng có khả năng ngăn chặn những đạo luật của Quốc hội. Vậy cho đến nay Rafsanjani có lập trường như thế nào? Trong suốt thời kỳ tranh cử Tổng Thống vừa qua, Rafsanjani đã kịch liệt chỉ trích Ahmadinejad. Người ta không biết Rafsanjani có ủng hộ Mousavi hay không, hoặc hai nhân vật này có hội kiến với nhau không. TV chính thức của Iran ngày 18-6 chiếu hình con gái của Rafsanjani là Faezed Hashemi, cầm hình ảnh của Đại trưởng lão Khomeini - vốn là Lãnh tụ Tối cao của Iran sau cuộc cách mạng năm 1979, nay đã từ trần - đứng nói chuyện trước cuộc biểu tình ủng hộ Mousavi. Cũng ngày đó Đài phát thanh chính thức Tehran loan tin một nhóm sinh viên thuộc phe cứng rắn họp bên ngoài Công tố viện Tòa án Tehran, tố cáo con gái của Rafsanjani và con trai của bà này là Mahdhi phạm tội phản nghịch. Đài này cho biết đám sinh viên theo phe cứng rắn hô lớn: “Đáng phỉ nhổ, những đứa con của Hashemi”. Trong suốt thời gian tuần trước, những người biểu tình ủng hộ Mousavi chỉ phản đối cuộc bầu cử gian lận. Nhưng vô hình chung các vụ náo loạn ở Iran cũng cho thấy đó là biểu tình phản đối chế độ thần quyền của Hồi giáo, trong đó quyền lực tối cao hầu như vô giới hạn lại nằm trong tay một thiểu số giáo sĩ không do dân bầu. Cuộc nổi dậy của dân chúng Iran dựa vào quyền công dân để chống lại một chế độ độc tài, trong khi một số nước chuyên chế trên thế giới đã ngoan cố kháng lại ngọn trào cải cách tràn lan trên thế giới từ 25 năm qua. Đối với những người quan tâm đến nguyên lý dân tộc tự quyết, những biến cố đang xẩy ra ở Iran có vẻ như giấc mộng đẹp của họ đã hoàn thành. Nước có dân tộc tự quyết là nước đó tự quyết định lấy vận mạng của mình. Đó là một chân lý nói thì dễ, nhưng làm rất khó, nhất là đối với những nước không bị họa xâm lăng từ bên ngoài, nhưng lại mất quyền tự quyết chỉ vì những người cầm đầu chế độ đã dựa vào một chủ nghĩa ngoại lai hoặc dựa vào quyền hành tôn giáo đã đoạt lấy quyền tự quyết của người dân trong chính nước họ. Thế giới đang chú ý đến cuộc phản kháng của dân Iran đối với chế độ đang cai trị họ. Các nước lớn như Mỹ trong các thời đã qua vẫn chủ trương xây dựng hòa bình và dân chủ trên khắp thế giới đã đặc biệt quan tâm đến những nước đó. Thời TT George W. Bush, Mỹ đã chi 400 triệu đô-la cho các công tác tình báo và 75 triệu đô-la cho ngân sách bộ Ngoại giao để cổ võ dân chủ ở Iran. Thế nhưng các nỗ lực đó ít gây hay không gây ảnh hưởng chút nào đến những gì đang xẩy ra ở Iran. Điều đó cũng hóa ra hay, vì chính quyền hiện hữu của Ahmadinejad đang muốn tìm cách chụp lên đầu những người chống đối một cái mũ to tổ bố “làm tay sai cho Mỹ”, để có cớ đàn áp đẫu máu những người biểu tình. Cuộc nổi loạn hiện nay ở Iran đã có một hình ảnh tượng trưng. Đó là một phụ nữ trẻ tên Neda Agha Nedan, 27 tuổi. Giới truyền thông quốc tế biết cô này vốn là một nữ sinh viên triết học. Neda đã bị bắn chết trong vụ đụng độ với Cảnh sát đêm 20 tháng 6 trong khi cô đang dùng video cell phone thu hình ảnh bạo lực Cảnh sát để trực tiếp đưa thẳng lên YouTube truyền đi khắp thế giới. Một thế hệ phụ nữ hăng say đang làm tiên phong cho phong trào phản kháng. Yếu tố nữ giới đã trở thành con tim của phong trào cải cách Iran. Một động cơ khác của phong trào cải cách là sau cuộc hỗn loạn của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, các gia đình truyền thống Iran đã dựa vào cuộc cách mạng để đưa con gái của họ vào Đại học hay hơn nữa. Hiện nay đa số sinh viên các Đại học Iran là phụ nữ. Tại Đại học Tehran, 65% của tổng số sinh viên là phụ nữ. Và phụ nữ Iran ngày nay hầu như có mặt trong mọi ngành nghề cấp cao, dĩ chí một phụ nữ đang làm Phó Tổng Thống. Sáng thứ tư 24-6, những người biểu tình phản đối đã bắt đầu tập họp gần tòa nhà Quốc hội Tehran. Sự đàn áp xẩy ra, nhưng thế đấu tranh đã ăn sâu vào lòng dân chúng, vấn đề chưa kết thúc. Hãy nhìn một điểm lạ nhất. Lãnh tụ Tối cao Khamenei 70 tuổi đã cai trị suốt 20 năm qua không ai dám ho he nhúc nhích. Vậy mà từ 2 tuần qua, dân chúng đã biểu tình chống đối và hô to khẩu hiệu “Khamenei chết đi!”.
|