Một gương đấu tranh |
Tác Giả: Lữ Giang | |||
Thứ Ba, 25 Tháng 8 Năm 2009 21:00 | |||
Ngày 18.8.2009, ông Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung), cựu Tổng Thống Hàn Quốc (Nam Hàn) đã qua đời ở tuổi 85 vì bệnh viêm phổi. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gởi lời chia buồn và ca tụng ông, còn dân chúng Nam Hàn và Bắc Hàn đều bày tỏ sự ngưởng mộ đối với ông. Đại diện của nhiều quốc gia đã đến Nam Hàn tiển đưa ông. Ngay cả chính phủ Bắc Hàn cũng gởi một phái đoàn đến viếng ông. Sáu viên chức của nhà cầm quyền Bắc Hàn, mặc com-lê đen và đeo cà vạt đen, đã tới đặt vòng hoa tại bậc thềm Quốc Hội Nam Hàn, nơi quàn linh cữu của ông. Phóng viên John Sudworth của đài BBC tại Seoul nhận định chuyến viếng thăm này trước hết cho thấy cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Đại Trọng được kính trọng như thế nào ở cả hai miền Nam - Bắc. Đêm 19.8.2009 đã có khoảng 10 nghìn người đến bệnh viện Yonsei Severance viếng ông, hơn 10 nghìn người đến viếng bàn thờ ông đặt tại Tòa Thị Chính Seoul và hàng chục ngàn người đã tưởng niệm ông tại 115 bàn thờ lập trong cả nước. Sau 6 ngày để tang trong cả nước, tang lễ của ông đã được tiến hành theo nghi thức quốc táng vào lúc 14 giờ chiều Chủ nhật 23.8.2003 và được an táng tại Nghĩa Trang Quốc Gia ở Dongjak-dong. Đây là vị cựu tổng thống thứ hai được làm lễ quốc táng tại Nam Hàn. Người thứ nhất là Tổng Thống Pác Chung Hy. Chính gia đình ông Kim Đại Trọng và Đảng Dân Chủ, đảng đối lập với chính quyền hiện tại, đã yêu cầu chính phủ Nam Hàn cử hành quốc táng cho ông và tối 19.8.2009 chính phủ Nam Hàn đã đưa ra quyết định như vậy. Đảng Đại Dân Tộc đang cầm quyền cũng đã bày tỏ thương tiếc ông. Đảng này đã ca ngợi sự đóng góp to lớn của ông trong việc phát triển dân chủ, và quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc, và khẳng định dấu ấn quan trọng của ông trong hòa hợp nhân dân và hòa bình giữa hai miền. Sở dĩ ông Kim Đại Trọng được dân chúng Đại Hàn và nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới ca tụng là vì ông đã bỏ cả cuộc đời để theo đuổi dân chủ và thúc đẩy thống nhất hai miền Nam Bắc. “Chính sách Ánh Dương” (Sunshine Policy) của ông, một chính sách nhằm cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc trên danh nghĩa vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh. Chính vì chính sách này, ngày 13.10.2000, Ủy Ban Giải Nobel đã tuyên bố tặng Giải Nobel Hòa Bình cho ông với lý do: “Qua Chính sách Ánh Dương, ông Kim Đại Trọng đã cố gắng vượt qua hơn 50 năm chiến tranh và thù nghịch giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Cuộc viếng thăm Bắc Hàn của ông thúc đẩy tiến trình làm giảm bớt căng thẳng giữa hai quốc gia.” Trước khi nói về nội dung của “Chính sách Ánh Dương”, vai trò của nó trong thời đại “diễn biến hoà bình”, những tính toán của chính phủ Nam Hàn và Hoa Kỳ, những thành quả và những trở ngại, những tranh luận..., chúng tôi xin nói qua về cuộc đời tranh đấu kiên cường và không mệt mỏi cho dân chủ và nhân quyền của cựu Tổng Thống Kim Đại Trọng. VÀI NÉT VỀ KIM ĐẠI TRỌNG Ông Kim Đại Trọng sinh ngày 3.12.1925 tại làng Ha Enido, tỉnh Cholla, một làng nhỏ ở phiá nam Nam Hàn, trong một gia đình Công giáo. Đây là một khu vực nghèo nhất nước Đại Hàn. Người dân ở đây bị đa số người Nam Hàn coi là thấp kém hơn họ. Tuy nhiên, ông Kim Đại Trọng vẫn cố gắng vươn lên. Năm 1943 ông tốt nghiệp trường thương mại và mãi đền năm 1970, sau khi ra đời nhiều năm, ông mới tốt nghiệp Tiến Sĩ Kinh Tế tại Đại Học Kyunghee ở thủ đô Hán Thành. Vào đời, ông đứng đầu một công ty chuyển vận hàng hải nhỏ, đến năm 1954, ông bắt đầu hoạt động chính trị, nhưng ông đã gặp nhiều gian khổ và thất bại. Mãi đến năm 1961, sau hai lần thất cử, ông mới đắc cử vào Quốc Hội Nam Hàn. Tuy nhiên, khi ông vừa đắc cử thì ngày 16.5.1961 Tướng Pác Chung Hy làm đảo chánh và giải tán Quốc Hội. Năm 1963, ông tái đắc cử và trở thành phát ngôn viên của Đảng Dân Chủ. Năm 1969, Tổng Thống Pác Chung Hy quyết định sửa hiến pháp để ông có thể làm Tổng Thống nhiệm kỳ thứ ba. Ông Kim Đại Trọng đã chống lại việc này. Năm 1971, ông được Đảng Tân Dân Chủ chọn làm ứng cử viên Tổng Thống để tranh cử với Tướng Pác Chung Hy. Trong thời gian tranh cử, ông đã bị mưu sát 5 lần. Tuy ông bị thất bại, nhưng Tướng Pác Chung Hy thấy ông là một nguy cơ lâu dài nên muốn loại trừ ông. Một tháng sau, trên đường đi họp, một chiếc xe vận tải 14 tấn đã lao thẳng vào xe ông. Tài xế nhanh trí lách vào lề, tông vào một xe khác làm ông và hai tùy tùng bị thương, ông bị gãy chân. Năm sau, Quốc Hội gồm các dân biểu thân chính đã làm luật ban cho Pác Chung Hy quyền làm Tổng Thống trọn đời và cấm mọi hoạt động chống lại nhà cầm quyền. Ông đã cương quyết chống lại luật này. Thấy tình hình trong nước quá nguy hiểm, theo lời khuyên của nhiều người, ông đã đi qua Mỹ rồi Nhật để lánh nạn và tiếp tục vận động chống độc tài. Trưa 8.8.1973, ông Kim Đại Trọng đã họp với một số thành viên của đảng Hòa Hợp Dân Chủ tại phòng số 2212 của khách sạn Grand Palace. Mục đích của cuộc họp là chuẩn bị cho hội nghị thành lập một liên minh dân chủ của người Hàn Quốc tại Nhật Bản để đấu tranh với chế độ độc tài trong nước. Ngay sau cuộc họp, ông Kim bị 5 kẻ lạ mặt xông vào phòng khống chế, bịt mắt và bí mật chuyển sang phòng 2210 gần đó. Tại đây, ông đã bị chích thuốc mê và bị chuyển đến Osaka. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang bị trói chặt vào một cột gỗ trên một chiếc tàu ngoài khơi Nhật Bản. Những kẻ bắt cóc định đem ông ném xuống biển. Trong giờ phút tuyệt vọng, ông bắt đầu cầu nguyện. Bổng nhiên một chiếc trực thăng đã bay đến sát con tàu chở ông và từ trên đó có tiếng loa vọng xuống: "Ông có phải là Kim Đại Trọng không?". Bị phát hiện, những kẻ bắt cóc đã không dám thực hiện ý đồ giết ông. Ông bị đưa về Nam Hàn giam giữ và đánh đập tàn nhẫn. Nhờ sự can thiệp của Hoa Kỳ và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, ông được phóng thích nhưng bị quản thúc tại gia ở Hán Thành. Năm 2007, Cơ quan gián điệp Nam Hàn thừa nhận đã bắt cóc ông vào năm 1973 và ngụ ý vụ này được tiến hành dưới sự hậu thuẫn của Tổng Thống Pác Chung Hy. Ngày 1.3.1976, ông và nhóm ông công bố “Tuyên Ngôn Ngày Độc Lập cho Dân Chủ Hóa” (Independence Day Declaration for Democratization) nhằm phát động một phong trào đòi dân chủ. Ông bị bắt và bị tuyên án 5 năm tù. Đến năm 1978 ông được phóng thích nhưng lại bị quản chế tại gia. Ngày 26.10.1979 Tổng Thống Pác Chung Hy bị một trong các cận vệ ám sát. Ông Choi Kyu-hah được phong làm Tổng Thống lâm thời. Ông được phục hồi tất cả các quyền công dân. Tháng 8-1980, Tướng Chung Đô Hoan (Chun Doo-hwan) người cầm đầu một nhóm sĩ quan đầy thế lực, đã được Hội nghị Quốc gia về Thống nhất một tập thể cử tri, bầu làm Tổng thống thay Tướng Pac Chung Hy. Phong trào chống chính quyền độc tài lại nổ ra tại Kwang Du quê hương ông. Quân đội đàn áp và giết chết ít nhất 200 người. Tháng 6 năm 1979, Tổng Thống Chung Đô Hoan ra tối hậu thư cho ông: hoặc là cộng tác với chính quyền hoặc chịu chết. Ông từ chối. Tháng 5 năm 1980, ông Kim Đại Trọng đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy đòi hỏi dân chủ tại Quang Du. Quân đội đã dẹp tan cuộc nổi dậy này làm cho 191 người chết và 852 người bị thương. Tuy nhiên theo tài liệu không chính thức có hơn 1000 người chết. Tháng 8 năm 1980, ông bị bắt giam và bị truy tố về tội phản quốc. Ngày 4.12.1980, trong một toà án quân sự chỉ diễn ra trong 6 phút, ông bị kết án tử hình! Theo tin tức báo chí, lần này ông cũng thoát chết, vì các phong trào đấu tranh cho nhân quyền đòi chính phủ Nam Hàn phải trả tự do cho ông. Ông được giảm án xuống còn khổ sai chung thân, rồi khổ sai 20 năm. Tuy nhiên, theo tài liệu văn khố mới được công bố tại Nam Hàn vào ngày 18.5.2009, ngay sau khi ông Kim Đại Trọng bị tuyên án tử hình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết thư cho Tổng Thống Chung Đô Hoan xin ân xá cho ông. Gần một tháng sau, ngày 5.1.1981, Tổng Thống Chung Đô Hoan phúc đáp thư ĐGH trong đó Tổng Thống nói ông Kim Đại Trọng bị kết án vì tội phản quốc, lật đổ chính phủ, chứ không phải vì vấn đề chính trị. Tuy nhiên, trong thư đó Tổng Thống Chung Đô Hoan cũng thừa nhận rằng lời kêu gọi của ĐGH hoàn toàn vì nhân đạo và bác ái. Ngày 23.1.1981, Tổng Thống Chung Đô Hoan đã giảm án cho ông Kim Đại Trọng, từ án tử hình xuống còn tù chung thân. Vào tháng 2 năm 1981, ĐGH đã viết thư cám ơn Tổng Thống Chung Đô Hoan, trong đó Ngài viết: “Tổng Thống đã ân cần đáp ứng lại lời kêu gọi của tôi hoàn toàn có tính nhân đạo là xin ân xá án cho ông Kim Đại Trọng.” Năm 1982, chính quyền Chung Đô Hoan lại rút bản án của ông xuống còn 20 năm tù và buộc ông phải đi Hoa Kỳ sinh sống. Trước lễ Giáng Sinh năm 1982, ông bị tống xuất sang Hoa Kỳ. Ông sống tại Boston và dạy ở Đại học Harvard. Năm 2000, trong một chuyến công du Ý, Tổng Thống Kim Đại Trọng đã viếng thăm Vatican và trong cuộc hội kiến với ĐGH Gioan Phaolô II, Tổng Thống đã nói với ĐGH: “Đức Thánh Cha đã cứu mạng sống tôi. Tôi xin tri ân Ngài”. Năm 1985, ông tự ý trở lại Nam Hàn nên bị quản chế tại gia. Nhưng sự trở về của ông đã làm dấy lên phong trào đòi dân chủ ở Nam Hàn. Tháng 6 năm 1987, ông được phục hồi quyền công dân. Ông đã ra tranh cử Tổng Thống hai lần vào năm 1987 và 1992, nhưng thất bại. Năm 1997, ông đắc cử Tổng Thống Nam Hàn với 40,3% số phiếu. Đây là vị Tổng Thống Công Giáo đầu tiên ở Nam Hàn. Tuy nhiên, khi ông mới lên cầm quyền thì Nam Hàn rơi vào một cuộc khủng hoảng về tài chánh rất nghiêm trọng. Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nhảy vào, buộc chính phủ phải thi hành những biện pháp cải tổ thật cứng rắn để cứu nguy. Ông đã đưa ra những biện pháp để phục hồi lại nền kinh tế Nam Hàn và đã thành công, nên uy tín của ông ngày càng lên cao. Đầu năm 2003, khi ông rời dinh Tổng Thống, quỹ dự trữ của Nam Hàn đã lên đến gần 124 tỷ Mỹ kim, tức 13 lần số cao hơn số dự trữ lúc ông lên nhậm chức. Năm 2002, mức trao đổi mậu dịch lên đến 3.150 tỷ Mỹ kim, tức tăng gấp rưỡi mức trao đổi lúc ông vừa mới cầm quyền. CHÍNH SÁCH ÁNH DƯƠNG Điều làm cho Tổng Thống Kim Đại Trọng trở nên nổi tiếng là “Chính sách Ánh Dương” của ông nhằm đưa tới sự thống nhất đất nước Đại Hàn. Chính sách Ánh Dương được mô phỏng theo một câu chuyện trong ngụ ngôn của Aesop (620-560 trước Công Nguyên), một người nô lệ và người kể chuyện dưới thời Hy Lạp cổ. Câu chuyện ngụ ngôn đó nói về Gió Bấc và Mặt Trời thi nhau lột áo con người. Gió Bấc thổi rất mạnh, nhưng con người cứ ôm chặt lấy áo và không buông nó ra. Trái lại, Mặt Trời chiếu những tia nắng ấm áp khiến con người tự nguyện cởi áo ra để tận hưởng tiết trời tuyệt đẹp. Kết quả, Mặt Trời đã thắng Gió Bấc. Đây là một chính sách nhằm mở đường cho Bắc Hàn tự mình thay đổi để có một đời sống tốt đẹp hơn. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC vài tuần trước khi qua đời, ông Kim Đại Trọng nói: "Chưa có trường hợp nào mà chủ nghĩa Cộng sản bị đánh bại nhờ vào chiến tranh hay bao vây kinh tế." Với thế mạnh về kinh tế, tháng 6 năm 2000, ông đã đến Bình Nhưỡng dự hội nghị cấp cao với Chủ Tịch Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), bàn về việc thống nhất Nam - Bắc, mở đầu cho những quan hệ giữa hai miền. Sau chuyến đi này, mức trao đổi hàng hóa giữa hai bên tăng lên đến 360 triệu Mỹ kim mỗi năm, và số du khách từ miền Nam sang thăm miền Bắc đã lên trên nửa triệu người. Một số gia đình bị chia cách vì chiến tranh đã có cơ hội gặp lại nhau. Các cuộc thảo luận giữa hai miền tuy có lúc đã gặp khó khăn những vẫn được tiến hành. Với những thành quả này, năm 2000, ông đã được tặng giải Nobel Hòa Bình. Ông đã đưa ra “Kế hoạch Marshall mini”, giúp Bắc Hàn tái thiết lại, và cam kết viện trợ ngay cho Bắc Hàn 600.000 tấn phân bón và 500 triệu Mỹ kim, và hứa sẽ nghiên cứu xây đựng lại các hạ tầng cơ sở cho Bắc Hàn. Số tiền đầu tư vào công tác này được dự trù từ 1 đến 3 tỷ trong vòng 5 năm. Cùng với hàng loạt các dự án như tuyến đường sắt liên Nam – Bắc Hàn, Cụm công nghiệp Gaeseong, đặc khu du lịch Núi Kim Cương là những điểm sáng trong nỗ lực hoà giải và hợp tác giữa hai miền. Ông Kim Đại Trọng đã từng nói: "Đặc khu du lịch Núi Kim Cương chính là con cả của Chính sách Ánh Dương của tôi". Theo thoả thuận giữa chính phủ Nam Hàn và Bắc Hàn, kể từ tháng 11 năm 1998, đặc khu này sẽ do những người ngoại quốc, đặc biệt là những người Nam Hàn và Bắc Hàn từ ngoại quốc về điều hành và khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, trong thực tế việc khai thác dịch vụ du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu do tập đoàn Hyundai Asan thực hiện. Một số lãnh vực khác cũng đã được thỏa thuận như thành lập khu vực đánh cá chung tại vùng biển tranh chấp và mở hội đàm cấp cao thường xuyên, các gia đình bị chia rẽ khi hai miền phân cách cũng sẽ có điều kiện đoàn tụ nhiều hơn, v.v. NHỮNG KHÓ KHĂN PHẢI ĐỐI PHÓ Chính sách Ánh Dương cũng chỉ là một trong những kế hoạch “diễn biến hòa bình” mà các quốc gia Tây phương ngày nay đang áp dụng để làm biến đổi dần các chế độ cộng sản còn lại và các chế độ tài, đưa các nước này đi dần vào một qũy đạo mới. Nó được tiến hành sớm hay muộn, chậm hay nhanh là tuỳ thuộc vào tình hình thực tế ở tại mỗi nước và nhu cầu mà các cường quốc đang nhắm tới. Riêng tại Đại Hàn, Chính sách Ánh Dương đã gặp những trở ngại sau đây: 1.- Không kiểm soát được tay chân bộ hạ Tháng 12 năm 2003, ông Park Jie-won, một phụ tá của Tổng Thống Kim Đại Trọng đã bị tòa án Hán Thành kết án 12 năm tù về tội chuyển tiền bất hợp cho chế độ Kim Chính Nhật trước ngày hội nghị thượng đỉnh 2 nước vào tháng 6 năm 2000. Theo bản cáo trạng, Park Jie-won chuyển bất hợp pháp cho chế độ Bắc Hàn số tiền 15 tỉ wons (tương đương 12,5 triệu đôla) lấy từ một công ty lớn của Nam Hàn. Toà án Hán Thành tuyên bố rằng nỗ lực của ông Park Jie-won vì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên nên bản án đã được giảm nhẹ. Viện công tố khám phá ra Tập đoàn Hyundai đã chi cho Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu đôla cũng vào thời điểm nói trên. Sáu bị can khác, trong đó có Lim Dong-won, cựu Giám đốc tình báo Nam Hàn, được hưởng án treo. Trước đó, cựu Tổng thống Kim Đại Trọng đã lên truyền hình xin lỗi tất cả người dân Nam Hàn về vụ tai tiếng chính trị này. Tổng thống Kim Đại Trọng cam kết xây dựng một chính phủ trong sạch, trong khi hai người con trai của ông bị kết án về tội trốn thuế và tội nhận hối lộ. Chuyện này đã làm ông đau lòng không ít. 2.- Con rối Trung Quốc tỏ ra bất trị Chính sách Ánh Dương bao hàm những giới hạn sau đây: Không tha thứ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào của Bắc Hàn. Nam Hàng cũng sẽ không tìm cách “thâu tóm’’ Bắc Hàn bằng bất cứ hình thức nào. Cả hai bên chủ động hợp tác. Bắc Hàn cũng đã từng tuyên bố mong muốn tiến tới thống nhất giữa hai miền Nam - Bắc không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, thông qua cơ cấu liên bang, duy trì bộ máy lãnh đạo và hệ thống của mỗi bên. Tuy nhiên, cho đến nay Bắc Hàn vẫn chưa thoát khỏi vai trò làm con rối cho Trung Quốc và lãnh tụ Kim Chính Nhật cũng đã tỏ ra thích hợp trong vai trò này, nên nhiều chuyện rắc rối thỉnh thoảng lại xẩy ra. Trong những năm qua, Bình Nhưỡng đã từng dùng tầu chở điệp viên từ Bắc xâm nhập vào Nam, đưa máy bay xâm phạm không phận Nam Hàn. Chính sách Ánh Dương đã bị ngưng lại vào tháng 10 năm 2002, khi Hoa Kỳ loan báo Bắc Hàn lén lút tái tục chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Gần đây, Bắc Hàn đã tự ý rút khỏi Hiệp Ước Chống Phổ Biến Võ Khí Hạt Nhân và đuổi thanh tra võ khí Liên Hiệp Quốc ra khỏi Bắc Hàn. Ngày 2.7.2009 Bắc Hàn đã hai lần bắn thử tên lửa tầm ngắn. Tên lữa Bắc Hàn có tầm bắn 130 km. Trước đó Bình Nhưỡng đã thông báo sẽ tiến hành tập trận từ ngày 11 tháng 7 và yêu cầu tầu bè của Nhật Bản không lại gần khu vực bờ biển. Bất chấp lời cảnh báo của Hoa Kỳ và LHQ, cuối tháng 5, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai và sau đó, còn thực hiện một loạt vụ bắn thử tên lửa. Ngày 12 tháng 6, Hội Đồng Bảo An LHQ đã ra nghị quyết 1874, tăng cường các biện pháp trừng phạt, lập ra một cơ chế kiểm soát các phương tiện vận tải trên bộ, trên không, trên biển, đến và đi từ Bắc Hàn, đồng thời mở rộng cấm vận buôn bán vũ khí đối với nước này. Mặc dầu Bắc Hàn đã có những hành động như trên, các quốc gia liên hệ đều tin rằng Bắc Hàn không dám làm những chuyện mạo hiểm nguy hiểm hơn, vì không có khả năng. Bắc Hàn chỉ làm reo để đòi viện trợ hay nói lên một sự cảnh báo nào đó của Trung Quốc mà thôi. 3.- Chỉ muốn cởi mở có giới hạn Nam Hàn rất sợ kiểu thống nhất của nước Đức khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ, vì một sự thống nhất như vậy có thể đưa tới rối loạn và khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn đầu, Nam Hàn chỉ muốn tạo điều kiện để có thể đầu tư thuận lợi vào Bắc Hàn thay vì đầu tư vào Trung Quốc và một số nước khác. Sau khi cuộc sống và dân trí ở Bắc Hàn được nâng cao, vấn đề thống nhất sẽ được diễn biến tự nhiên trong hoà bình. Hoa Kỳ cũng chủ chủ trương thúc đẩy Bắc Hàn cởi mở đến một mức cần thiết như ở Việt Nam chứ chưa mong đợi có một sự thay đổi toàn diện. Bà cựu Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã từng lên tiếng thúc giục Bắc Hàn và Miến Điện theo gương (example) của Việt Nam. Bà nói: “Nếu các nhà lãnh đạo của Miến Điện và Bắc Hàn theo gương của Việt Nam, nếu họ có sự lựa chọn chiến lược có những bước cần thiết để liên kết với cộng đồng thế giới, điều đó sẽ mở con đường cho hoà bình và cơ hội”. (If the leaders of Burma and North Korea were to follow the example of Vietnam, if they make the strategic choice and take the necessary steps to join the international community it will open a new path of peace and opportunity). “Gương” Việt Nam bao gồm ba yếu tố chính là đoạn tuyệt với quá khứ, ổn định tình hình và phát triển kinh tế. Như vậy, Việt Nam trong hiện tại đã được Hoa Kỳ coi như một thứ “model” mà Bắc Hàn và Miến Điện nên noi theo. Hoa Kỳ không chủ trương thống nhất Nam – Bắc Hàn trong một thời gian ngắn. Hoa Kỳ muốn “cởi áo” Bắc Hàn một cách từ từ. Đây cũng là chủ trương của các chính quyền Nam Hàn trong những năm qua. Một viên chức cấp cao của Nam Hàn đã nói: "Chúng tôi có một cơ chế thống nhất rõ ràng. Thống nhất từ từ, từng bước vì nếu thống nhất nhanh sẽ gây đối đầu... Để làm được điều đó, cần thúc đẩy hội nhập, hoà nhập, mở cửa kinh tế và cởi mở hơn về chính trị..." MẶT TRỜI VẪN CHIẾU NẮNG ẤM Người kế nhiệm Tổng Tống Kim Đại Trọng là một học trò của ông, đó là Tổng Thống Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn), đắc cử vào tháng 12/2002. Xuất thân từ một gia đình nông dân, luật sư Roh Moo-hyun cam kết chống tham nhũng và hòa hợp với Bắc Hàn. Ông nhận chức vào tháng 2/2003, Với Bắc Hàn, ông đưa ra "Chính sách Hòa bình và Thịnh vượng" được thực hiện theo tôn chỉ hoà giải, thống nhất từ từ, không nóng vội. Tháng 10/2007 ông đã thực hiện một chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng bằng đường bộ. Sau 3 tiếng rưỡi chạy xe từ Seoul tới Bình Nhưỡng, đoàn đại biểu gồm khoảng 300 người (13 viên chức cao cấp, 137 trợ lý và cố vấn, 50 nhà báo và 98 nhân viên phục vụ) đã có mặt tại hội trường văn hóa ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Chính Nhật đã tổ chức lễ đón chính thức phái đoàn ở đó. Phát biểu khi đi bộ qua biên giới có chiều ngang 243 km, Tổng thống Roh Moo-hyun đã cam kết sẽ thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói: “Tôi hy vọng sau khi bước qua giới tuyến này, sẽ ngày càng có nhiều người hành động như tôi. Giới tuyến này sẽ được xoá bỏ và bức tường ngăn cách hai miền sẽ sụp đổ.” Trong cuộc họp với Chủ tịch Kim Chính Nhật ông đã yêu cầu thực hiện chính xác thoả thuận mới nhất giữa 6 nước về việc vô hiệu hoá chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Nhưng nhiệm kỳ 5 năm của Tổng Thống Roh Moo-hyun đầy sóng gió với bê bối và đấu tranh nội bộ. Sau khi mãn nhiệm, ông đã bị thẩm vấn về các vụ nhận tiền hối lộ. Nhiều người cho rằng thông tin về nghi án hối lộ bị rò rỉ hàng ngày khiến ông "không thể chịu được" và dẫn tới quyết định tự sát hôm 23.5.2009. Người kế nhiệm Tổng Tổng Roh Moo-huyn là tân Tổng Thống Lee Myung-bak. Ông này thuộc đảng bảo thủ nên không mặn mà với chủ trương hoà giải. Tuy nhiên, chính phủ này cũng không ngăn cản kế hoạch hoà giải. Mới đây, chính phủ Lee Myung-bak đã thảo luận cụ thể với Hoa Kỳ về những quan hệ giữa công ty Hyundai Asan và Bắc Hàn. Theo quan điểm của Nam Hàn, những quan hệ này không vi phạm Nghị quyết 1874 của LHQ vì các chương trình du lịch tại miền Bắc do doanh nghiệp tư nhân thực hiện và Nghị quyết của LHQ cũng cho phép các hoạt động hỗ trợ mang mục đích nhân đạo và phát triển. Nhìn lại, dân chúng Nam – Bắc Hàn và thế giới đã ngưởng mộ ông Kim Đại Trọng vì những nổ lực tranh đấu không mệt mỏi cho dân chủ của ông và ông đã có công lớn trong việc phá vỡ băng giá giữa Nam và Bắc Hàn kéo dài trong suốt 50 năm, đưa đất nước Đại Hàn vào một triển vọng mới tốt đẹp hơn. Theo đài BBC, ông Kim Đại Trọng có vị trí đặc biệt trong lịch sử Triều Tiên nhờ viễn kiến, lòng dũng cảm và sự kiên trì của ông trong suốt nhiều năm chiến đấu cho tự do chính trị. (Ngày 25.8.2009)
|