Home Tin Tức Bình Luận Một triều đại đã chấm dứt

Một triều đại đã chấm dứt PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Văn An   
Thứ Năm, 10 Tháng 9 Năm 2009 22:17

 VietCatholic News (10 Sep 2009 17:49)
Giới truyền thông vẫn còn nói nhiều tới hai cái chết khá gần nhau của hai chị em nhà Kennedy,

 được nhiều người coi là đại biểu cho hai thái độ sống và hành động trái ngược nhau.

Thỏa hiệp cho vinh quang

Elizabeth Lev, một cộng tác viên của hãng tin Zenit, vốn dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô Giáo tại cơ sở Ý của Đại Học Duquesne và do đó, từ Rome, cô thường viết về các chủ đề nghệ thuật. Nhưng không biết có phải vì tình cờ mà cô trở về Boston để gặp hai cái tang lớn của gia đình Kennedy. Bài viết của cô sau đây cho ta hiểu phần nào triết lý sống và hành động của phần lớn các thành viên trong gia đình này.

Việc tôi thăm viếng Mỹ vào hồi tháng Tám năm nay được đóng ngoặc bởi hai cái chết của Eunice Kennedy Shriver và Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy. Đối với một người dân Boston như tôi, hai biến cố trên, đại biểu cho sự kết liễu thế hệ Kennedy ngoại thường từng đẩy thành phố này lên danh sách hạng A về chính trị, đã hạ màn cho một thời đại.

Đám tang của hai chị em nhà Kennedy chắc chắn đã đẩy nền văn hóa Công Giáo lên hàng đầu và tâm điểm của chú ý truyền thông. Richard Dawkins, thập tự quân của phong trào đòi vứt bỏ tôn giáo ra khỏi quảng trường công cộng, hẳn phải giật tóc bứt tai khi thấy Đức Tổng Giám Mục Sean O’Malley, với đầy đủ phẩm phục, long trọng xông hương quan tài của Thượng Nghị Sĩ Kennedy trên mọi màn truyền hình lớn.

Đối với người Công Giáo Boston, những hình ảnh ấy có một ý nghĩa còn lớn lao hơn nhiều.

Từ hang ổ Công Giáo tới chính đài Hoa Thịnh Đốn

Boston được thiết lập trên những cột trụ hoa cương bài Công Giáo. Từ thời các bậc sáng lập Thanh Giáo của nó, thành phố từng duy trì một dân số đại đa phần Thệ Phản suốt trong ba thế kỷ cho tới lúc người Ái Nhĩ Lan, vốn không được ưa và cần, bước chân tới vào giữa thế kỷ thứ 19.

Các luật lệ Thanh Giáo của thế kỷ 17 đã trục xuất mọi linh mục ra khỏi lãnh thổ này, và còn dự liệu án tử hình, nếu có vị nào đó dám trở lại (năm 1690, hình phạt đó được giảm khinh thành án tù chung thân). Người Công Giáo bị cấm không được thờ phượng công khai cho tới năm 1780. Mỗi mồng 5 tháng 11, vào Ngày Guy Fawkes, người Boston cử hành “Ngày Giáo Hoàng” để đốt hình nộm giáo hoàng, tổ chức diễu hành với giáo hoàng La Mã và quỷ vương tay trong tay và phát động việc phá phách nhà cửa và tiệm buôn Công Giáo.

Năm 1834, những kẻ nổi loạn đã thiêu rụi tu viện Ursuline tại Bắc Boston và qua năm 1840, một đảng chính trị cực kỳ chống Công Giáo, tức bọn “Không Biết Gì” (Know Nothings) được thành lập để chống lại việc du nhập người Công Giáo vào Hiệp Chúng Quốc. Đảng Không Biết Gì thắng lớn trong cuộc tuyển cử tại Massachusetts năm 1854, chiếm cả ghế thống đốc lẫn quốc hội.

Luật lệ Thanh Giáo ngăn cấm không cho người Công Giáo giữ bất cứ chức vụ chính trị nào và Boston có thói quen mô tả người Công Giáo như những con rối vô hồn một lòng phục vụ giáo hoàng ngoại lai.

Năm 1962, tất cả những điều đó đều thay đổi hẳn. Việc bầu John F. Kennedy, một người Boston không hơn không kém, làm tổng thống Hiệp Chúng Quốc đem lại cho Boston một sự phấn chấn y hệt việc bầu chọn Barack Obama. Cái vết nhơ kỳ thị Công Giáo cuối cùng đã được tẩy sạch.

Thỏa hiệp Kennedy

Cái giá để gia đình Công Giáo này nắm được chiếc vòng vàng quả hết sức cao và kể từ ngày đó, người Công Giáo Mỹ lúc nào cũng phải trả tiền lời. Trong một cuộc trả lời truyền hình vào năm 1960, John F. Kennedy tuyên bố rằng: “Tôi không nói thay cho Giáo Hội tôi về các vấn đề công, và Giáo Hội tôi cũng không nói thay cho tôi. Bất cứ vấn đề nào xuất hiện với tôi trong tư cách tổng thống, về ngừa thai, ly dị, kiểm duyệt, bài bạc hay bất cứ vấn đề nào khác, tôi cũng sẽ đưa ra quyết định của mình dựa theo các quan điểm trên, phù hợp với điều lương tâm tôi nói với tôi là phục vụ quyền lợi quốc gia, chứ không bị áp lực hay chỉ thị tôn giáo nào từ bên ngoài”.

Câu nói đáng hổ thẹn ấy đã giúp JFK được bầu làm tổng thống, nhưng đã tạo thành tiền đề cho bất cứ luận điểm nào của một chính trị gia Công Giáo phò phá thai: “bản thân tôi chống đối, nhưng…”.

Edward Kennedy, em trai út của JFK, đã phải sống để thấy con đường thảm họa mà cuộc thỏa hiệp Kennedy đã đem lại. Năm 1971, Thượng Nghị Sĩ Kennedy viết như sau: “Mặc dù rất quan tâm tới việc người đàn bà mang thai đứa con không ước muốn, một điều đáng được xem sét và thương cảm, tôi vẫn cảm nhận rằng hợp pháp hóa phá thai theo yêu cầu không phù hợp với giá trị mà nền văn minh của ta vốn đặt lên sự sống con người”.

Ông cũng từng phát biểu: “Được ước muốn hay không được ước muốn, tôi tin rằng sự sống con người, ngay ở giai đoạn sớm nhất, vẫn có một số quyền cần phải được công nhận, quyền được sinh ra, quyền được yêu thương, quyền được về già. Khi lịch sử nhìn trở lui thời đại này, nó sẽ nhận ra thế hệ này là thế hệ biết quan tâm tới các hữu thể nhân bản, đủ để chặn đứng thói quen chiến tranh, đem lại mức sống xứng đáng cho mọi gia đình, và chu toàn trách nhiệm của mình đối với các trẻ em ngay chính lúc chúng được tượng thai”.

Trong một thảm kịch luân lý ngang hàng với việc ám sát khủng khiếp hai người anh của ông, Ted Kennedy đã đầu hàng áp lực chính trị để trở thành người nhiệt liệt ủng hộ phá thai. Tuần trước, không một ai khóc than Kennedy lớn tiếng bằng tổ chức NARAL, nhóm hô hào phá thai hàng đầu tại Hoa Kỳ, nhóm đã dành cho ông tỷ số ủng hộ 100%.

Cứu cấp và hòa giải

Mặt khác, Eunice Shriver, đứa con thứ 5 trong gia đình, lại biết sử dụng cái tên thần diệu của nhà Kennedy, một việc sử dụng không đâm rễ trong che đậy và thoả hiệp. Bà cương quyết cứu lấy cái tên ấy và phục hồi lại cái ánh sáng đầy hy vọng và hứa hẹn của nó.

Ngay thập niên 1950, bà đã hướng chú tâm của mình vào người khuyết tật tâm thần và cuối cùng đã lập ra Thế Vận Hội Đặc Biệt. Bà vận động cho quyền sống, không ngừng thách thức nhóm phò phá thai vì đã trích dẫn người anh tổng thống của mình một cách sai ngữ cảnh, biến ông xem ra như người ủng hộ phá thai. Là đảng viên Đảng Dân Chủ, bà cương quyết duy trì vị thế ít được tiếng tăm là đảng viên Dân Chủ phò sự sống.

Trong một buổi lễ vinh danh bà được tổ chức tại thư viện JFK ở Boston vào ngày 16 tháng 11 năm 2007, Eunice đã gán tất cả những gì tốt đẹp dưới thời tổng thống của anh mình, tất cả những gì thực sự giúp được người yếu ớt và cô thế, cho chị Rosemary của mình, mà nói rằng: “hơn bất cứ cá nhân nào khác, Rosemary đã tạo ra khác biệt”.

Như mọi người biết: Rosemary Kennedy, chết ngày 7 tháng Giêng năm 2005 lúc 86 tuổi, đã được làm phẫu thuật thùy não (lobotomy) lúc 23 tuổi và từ đó trở thành bại liệt tâm thần. Eunice bắt đầu giúp đỡ người khuyết tật tâm thần chính vì thảm họa xẩy tới cho chị Rosemary và đã lập ra Thế Vận Hội Đặc Biệt để vinh danh chị. Tổng Thống Kennedy ký đạo luật “Viện Quốc Gia Y Tế Trẻ Em và Phát Triển Nhân Bản” (NICHD) vì được gợi hứng từ chị mình.

Các suối hình ảnh từ Boston và Hyannisport vào tháng Tám vừa qua đã nói lên hai cá tính và hai di sản thật khác xa nhau của chị em nhà Kennedy. Trong số hàng trăm những người thương tiếc tới chào vĩnh biệt Eunice Shriver, nhiều người là vận động viên Thế Vận Hội Đặc Biệt, đã ca ngợi bà bằng những trình thuật kể lại sáng kiến của bà đã thay đổi không biết bao nhiêu cuộc sống cá nhân.

Ngay hình ảnh cảm động được loan truyền khắp thế giới trong đó Carolina Shriver âu yếm vuốt má người ông quá cố của mình cũng cho thấy di sản đầy yêu thương và săn sóc mà Eunice đã để lại.

Biến cố được truyền hình nhiều hơn gấp bội về buổi tang lễ của Ted Kennedy cho thấy các công dân Massachusetts xếp hàng dọc đường để thương tiếc cho một thời đại đã qua trong đó Boston là một trung tâm não bộ chính trị. Chương trình truyền hình mô tả các chính khách đang thi nhau kể công trong các vấn đề chăm sóc sứ khỏe hay muốn kế vị Ted làm thượng nghị sĩ. Có lẽ nhớ tới tập tục La Mã xưa, nhiều người còn đẩy mạnh cả việc thần thánh hóa người quá vãng trong khi không thiếu người la ó đòi kết án sau khi chết (condamnatio memoriae).

Hồi tháng 7, Ted Kennedy gửi một lá thư tới Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, không do ai hơn, mà là do chính Tổng Thống Barack Obama chuyển giao. Bây giờ thì ai cũng biết là (qua Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh) Đức Giáo Hoàng có phúc đáp vị thượng nghị sĩ đang sắp qua đời và một linh mục có ở bên cạnh lúc ông lâm chung. Trong một hành động thực sự cuối cùng, Ted Kennedy đã không cổ vũ cải cách y tế, nhưng đã làm hòa với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, khiến người bàng quan nhớ rằng Giáo Hội luôn giảng dạy lòng từ bi và tha thứ và luôn mở rộng vòng tay đón mọi đứa con hư hỏng trở về.

Mặc dù lúc còn sống, Eunice thường cần tới hỗ trợ mạnh mẽ của các anh em nổi tiếng của mình để thực hiện nhiều dự án bảo vệ sự sống, giờ đây hẳn bà và Rosemary đang ở một vị thế rất tốt để bầu cử cho họ trên thiên đàng. Đó có lẽ là sợi dây mạnh mẽ nhất và chắc chắn là quan trọng nhất nối kết các anh chị em nổi danh này.

Kết thúc thời vàng son

Tờ tuần báo The America, số ngày 14 tháng Chín, liệt Ted Kennedy vào hàng sáu thượng nghị sĩ nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ: Clay, Calhoun, Webster, Lafollette, Taft và Edward M. Kennedy. Một phần vì ông đã góp bàn tay tạo ra gần 1,000 bộ luật, trong đó, hết 300 bộ do chính ông viết, ông lại là một trong ba thượng nghị sĩ phục vụ lâu đời nhất: 47 năm; nhưng nhất là vì ông có đức tính của một người làm luật: một ý chí kiên cường, một đầu óc tinh tường, nhiều chiến lược và một lòng kiên nhẫn không thua đam mê chút nào. Ông cũng được tuần san này xưng tụng là “người bênh vực không khoan nhượng đối với người nghèo và người cô thế khắp nước, một quán quân suốt đời tranh đấu cho chương trình y tế phổ quát và là một người mạnh mẽ chống đối việc sử dụng chiến tranh làm phương tiện cho chính sách ngoại giao”. Tờ báo cho rằng với Ted Kennedy, thượng viện Hoa Kỳ đã trở nên Mỹ hơn là trước khi ông trở thành một thành viên vào năm 1962, và ông cũng là dấu chỉ rõ ràng nhất của một thời đại trong đó người Công Giáo tìm được đường vào nền chính trị quốc gia.

Tuy nhiên, tờ báo nhận định rằng cuộc đời của Ted Kennedy, cả công lẫn tư, là một cuộc đời gồm đủ cả ánh sáng lẫn bóng tối. Có điều, tất cả các thành công lẫn thất bại của ông đều được công khai đem ra trước công chúng. Thí dụ, gương ông anh hùng tranh đấu cho dân quyền bất kể đám đông bạo loạn trong cuộc khủng hoảng xe buýt học đường tại Boston ngày nào, nhưng buồn thay ông lại là người hết lòng ủng hộ việc phá thai theo yêu cầu. Lòng can đảm của ông trong tang lễ của hai người anh đã bị thảm họa đầy tính luân lý và chính trị tại Chappaquiddick và sau này tại Palm Beach phủ mờ. Rõ ràng ông biết đủ mùi tội lỗi và đau khổ. Nhưng cuối cùng, xem ra ông đã học được chút ít về sự cứu độ. Cuộc hôn nhân thứ hai của ông vào năm 1992, với người đàn bà Louisiana đầy tinh thần, là Victoria Reggie, xem ra đã cứu ông ra khỏi cái tồi tệ nhất của ông cũng như bóng ma quá khứ. Nó cũng đem lại những tia sáng đức hạnh mới mẻ.

Tuy là một trong những người sau cùng còn lại của một gia đình Công Giáo nổi tiếng nhất nước Mỹ, ông ít khi công khai nói tới đức tin của mình. Bên mộ huyệt của ông, Đức Hồng Y Theodore McCarrick đã đọc một đoạn trong thư ông mới gửi trước đó cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Con biết con là một con người không hoàn hảo, nhưng với đức tin của mình, con đã cố gắng sửa sang lại ngay ngắn đường đi của con”. Ông cũng từng có mối liên hệ khá phức tạp với Giáo Hội của ông. Ông bảo: đức tin của Giáo Hội cũng là đức tin của riêng ông, từng nâng đỡ ông qua nhiều thảm họa hơn bất cứ một con người nào khác. Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn gợi hứng cho cuộc sống công của ông. Tuy nhiên, cho tới lúc chết, ông vẫn xung đột với cùng những giáo huấn ấy. “Thưa Đức Thánh Cha, con luôn cố gắng làm một người Công Giáo trung thành và dù con sa sót vì các yếu đuối nhân bản, con chưa bao giờ từ bỏ lòng tin và lòng kính trọng đối với các giáo huấn căn bản”.

Tuần báo The America, với khuynh hướng cấp tiến thường lệ, cho rằng Ted Kennedy không hẳn bất thường, mà chỉ như nhiều người Công Giáo Mỹ hiện nay đang chới với trong việc lèo lái khỏi thế căng thẳng giữa đức tin tôn giáo và các lý tưởng cũng như bổn phận công dân của mình. Hoa Kỳ vốn là một phức thể luân lý trong đó chân lý và tự do xem ra luôn ở thế căng thẳng. Ngày nay, điều ấy đúng hơn bao giờ hết. Có lẽ không ai biết rõ điều ấy bằng Ted Kennedy.