Home Tin Tức Bình Luận 11.09: Người Mỹ yêu nước như thế nào?

11.09: Người Mỹ yêu nước như thế nào? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Văn Phú, talawas   
Thứ Tư, 23 Tháng 9 Năm 2009 15:26

Một buổi sáng đẹp trời đúng 8 năm trước đây người dân Mỹ đã giật mình bàng hoàng, xúc động trước cảnh nhà sập, người chết

 khi kẻ khủng bố cướp máy bay lao vào World Trade Center ở New York và đâm xuống Bộ Quốc phòng ở Thủ đô Washington. Trong những giờ phút kinh hoàng đó, hơn ba nghìn người đã chết.

11.09.2001 đã là một dấu ấn thời gian in đậm trong tiềm thức người Mỹ như một ngày đau buồn trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ. Người ta thường so sánh biến cố này với sự việc không quân Nhật tấn công Trân Châu cảng ở Hawaii trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nhưng kẻ thù của Mỹ ngày nay không lộ diện rõ ràng như trong Thế chiến II. Kẻ thù của Hoa Kỳ là al-Qaeda ẩn náu tại nhiều quốc gia hồi giáo mà Afghanistan từng là sào huyệt huấn luyện, nay bị truy lùng nên đã tản mát ra quốc gia lân bang và nhiều nơi khác trên thế giới.

Hoa Kỳ đã đưa quân vào Afghanistan đánh đuổi Taliban, rồi lại xâm lăng Iraq vì lo sợ Saddam Hussein sẽ dùng võ khí có khả năng sát hại hàng loạt để tấn công nước Mỹ. Trong suốt sáu năm qua, qua tin tức chiến sự truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Hoa Kỳ, nhưng để nhận diện được kẻ thù thật là điều khó. Kẻ khủng bố mà lính Mỹ đang tìm cách tiêu diệt ở Afghanistan hay ở Iraq trông như bất cứ người dân bản xứ nào. Họ không mặc quân phục, không đeo súng, mang đạn. Đánh giặc với họ quả là cam go.

Thực ra không phải đến ngày 11.09.2001 nước Mỹ mới bị tấn công. Ngày 26.02.1993 những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan đã cho nổ bom dưới hầm đậu xe của World Trade Center gây tử thương cho hơn chục người và làm bị thương cả nghìn người khác. Những năm sau vụ đặt bom còn có chiến hạm Mỹ và một số đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã bị đánh bom.

Biến cố 11.09 tạo kinh hoàng vì sự phối hợp hành động chính xác của quân khủng bố và đã gây tử vong cao. Chỉ trong một giờ đồng hồ, bốn chiếc máy bay Mỹ chở hành khách nội địa đã bị cướp, biến thành những trái bom khổng lồ phóng vào hai tòa nhà cao nhất thành phố New York là World Trade Center và vào Ngũ giác đài ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Hơn một giờ đồng hồ sau khi bị chấn động và cháy từ lưng chừng, World Trade Center sụp đổ hoàn toàn. Chiếc máy bay thứ tư cũng đã bị không tặc, đang tiến vào một mục tiêu khác ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có thể là Bạch Cung hay Điện Capitol là trụ sở quốc hội, nhưng hành khách đã ra tay phản công khiến máy bay đâm xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania.

Ngày nay câu hỏi vẫn thường được đặt ra là tại sao có những người nước ngoài không thích Mỹ?

Lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ kéo dài mới hơn 200 năm. Dù ngắn ngủi, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc giàu sang, hùng mạnh về kinh tế, kỹ thuật và quân sự. Nước Mỹ phát triển cực nhanh trong vòng nửa thế kỷ qua, nhiều tâm thương mại mọc lên với tòa nhà cao chót vót ở New York, Chicago, Seattle, Los Angeles, San Francisco, Atlanta v.v… Với sức mạnh tài chánh có thể làm khuynh đảo kinh tế toàn cầu vì thế nước Mỹ đã trở thành mục tiêu cho những phần tử chống Mỹ.

Nếu thủ đô Hoa Thịnh Đốn là trung tâm chính trị của nước Mỹ thì New York là trung tâm tài chánh, không chỉ của nước Mỹ, mà của toàn thế giới. Các dịch vụ tài chánh, thương mại liên quốc gia xảy ra hàng ngày tại đây. Thị trường chứng khoán của Mỹ lên xuống đều ảnh hưởng đến thế giới. Thành phần chống Mỹ nhắm vào những nơi này là vì thế.

Sau biến cố 11.09 cờ Mỹ được treo, dán khắp nơi. Lòng ái quốc của dân Mỹ sôi sục lên, đại đa số tán đồng chính sách truy lùng và diệt quân khủng bố. Những nhà lãnh đạo kêu gọi người dân bày tỏ lòng yêu nước bằng cách cảnh tỉnh và trở lại sinh hoạt bình thường.

Nhưng lòng yêu nước của quần chúng Mỹ cũng biểu lộ bằng sự không đồng tình với chính sách của nhà nước.

Khi quân Mỹ vào Afghanistan diệt al-Qaeda thì tại Mỹ cũng có những cuộc biểu tình phản đối, dù chỉ là một thiểu số. Khi quốc hội biểu quyết cho phép hành pháp toàn quyền hành động, bằng mọi phương tiện, để diệt quân khủng bố thì cũng có một phiếu chống lại.

Ngay cả trên 100 người hồi giáo Mỹ bị cho là thành phần khủng bố chống Mỹ đang bị giam giữ cũng được nhiều tổ chức luật đòi hỏi công lý cho họ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter coi hành động bắt giam những người này mà không cho họ được hưởng quyền có cố vấn pháp luật hay đem ra xét xử là đi ngược lại với lý tưởng và truyền thống tôn trọng nhân quyền của Hoa Kỳ.

Khi những tin tức về việc tra tấn, hành hạ tù nhân trong nhà giam Abu Ghraib được đưa ra ánh sáng, nhiều người Mỹ phát biểu đòi hỏi công lý cho họ, đòi đóng cửa nhà tù Guantanamo, không được giam giữ những nghi can khủng bố vô hạn định mà không xét xử.

Cuộc xâm lăng của Mỹ vào Iraq năm 2003 lúc đầu được đa số dân chúng tán đồng, nhưng nay dư luận đã xoay chiều, coi hành động đưa quân vào Iraq không còn chính đáng sau khi có những thông tin cho biết Iraq chưa bao giờ có vũ khí nguyên tử hay sinh học để đe doạ đến an ninh nước Mỹ. Sau sáu năm chiếm đóng Iraq, Hoa Kỳ như đang sa lầy mà chưa có lối thoát.

Dù đồng ý hay phản đối chính sách của chính phủ ở Iraq hay ở Afghanistan, lòng ái quốc của người Mỹ biểu lộ qua những phát biểu quan điểm của họ.

Nước Mỹ hùng mạnh và phát triển là vì luôn có những phát biểu bất đồng với những chính sách của giới cầm quyền.

Nguồn: talawas