Home Tin Tức Bình Luận Chuyện Kẻ phản bội

Chuyện Kẻ phản bội PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Hai, 02 Tháng 11 Năm 2009 21:02

Ký giả Lữ Giang thách thức GS Nguyễn Thanh Liêm tranh luận công khai.

Sau khi bài “Kẻ phản bội” của chúng được gởi đi khắp thế giới vào 12.10.2009, đưa ra những bằng chứng cụ thể chứng minh rằng theo lệnh của CIA, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu là người đóng vai trò chính trong việc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, ngày 22.10.2009 Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm nay, và một số đoàn thể đã gởi đến nhật báo Viet Herald ở Orange County một lá thư phản đối bài này với những lý do như sau:

“Nhật báo Việt Herald có đăng loạt bài «Kẻ Phản bội» của tác giả Lữ Giang nơi trang A2, trong ba số báo 102, 103, 104 ngày 13, 14 và 15 tháng 10 năm 2009, với nội dung nhằm bôi xấu hình ảnh một vị Cựu Nguyên thủ Quốc gia Tổng Tư lệnh QLVNCH và cố tình gây chia rẽ hàng ngũ Tập thể Dân Quân Cán Chính VNCH với những lời lẽ cáo buộc bất xứng. Dưới cái tiểu tự «SUY TÔN BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ», bài báo viết: « ... rõ ràng là có một nhóm đang âm mưu phục hồi địa vị cho ông Thiệu, muốn ông đứng ngang hàng với vị thế của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mặc dầu các tài liệu lịch sử được tiết lộ trong thời gian gần đây cho thấy ông Thiệu là một tay sai chính của CIA trong kế hoạch làm đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau đó được CIA đưa lên lãnh đạo miền Nam để giúp nhóm tư bản quốc phòng Mỹ đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và thực hiện mục tiêu của họ. Thực hiện xong, họ bỏ miền Nam lại cho ông Thiệu quay cuồng với những hành động điên rồ khiến miền Nam bị mất một cách nhanh chóng, khoảng 94.000 chiến sĩ VNCH phải chịu cảnh lao tù cay nghiệt của Cộng Sản, gần 3 triệu người phải bỏ nước ra đi, và toàn dân miền Nam phải sống trong cảnh điêu linh.»

“Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, Huý nhật năm thứ 8, tại Nam California, chính thức lên tiếng:

1/- Phản đối Nhật báo Việt Herald đã cho đăng bài viết nêu trên với những cáo buộc phi lý, những lời lẽ vô lễ đối với một vị cố Tổng Thống của một chế độ hiến định, một thái độ vô ơn đối với những sự hy sinh mất mát lớn lao của tập thể Dân Quân Cán Chính VNCH trong công cuộc chống Cộng sản xâm lăng, bảo vệ sự tự do no ấm cho Miền Nam Việt Nam trước 1975.

2/- Phản đối Nhật Báo Việt Herald đã vô tình hay cố ý gây chia rẽ phân hóa hàng ngũ Dân Quân Cán Chính VNCH qua việc phân biệt, so sánh hai Lễ Tưởng Niệm nhị vị Tổng thống VNCH - Tổng Tư lệnh Tối Cao QLVNCH, tạo cơ hội cho Cộng Sản xâm nhập lũng đoạn Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại.

3/- Ngoài ra Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cũng cẩn trọng báo động và cảnh giác quý Đồng hương Việt Nam về âm mưu phân hóa gây chia rẽ Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn chúng ta của tay sai Cộng Sản tại Little Saigon từ bấy lâu nay để làm suy giảm sức mạnh của người Việt chống Cộng ở hải ngoại.

Little Saigon, ngày 22 tháng 10 năm 2009

HÀNh ĐỘNG THIẾU MINH BẠCH

Sau khi đọc lá thư nói trên, chúng tôi có những nhận xét sau đây:

1.- Không dám đối diện với sự thật

Trong bài “Kẻ phản bội”, chúng tôi đã đưa ra những bằng chứng cụ thể chứng minh Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, một người được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tín nhiệm, đưa về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 với nhiệm vụ bảo vệ thủ đô khi có chính biến, đã theo kế hoạch của CIA, đem Sư Đoàn 5 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gây thảm họa cho đất nước, đưa tới mất miền Nam Việt Nam. Nhóm tay sai cho CIA làm đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm đưa miền Nam tới bờ vực thẳm đã bị Tổng Thống Johnson gọi là “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa.”

Trong lá thư nói trên, giáo sư và các tập thể đứng sau giáo sư đã không dám đối diện với sự thật, đưa ra những phản chứng để chứng minh những điều chúng tôi đã công bố là không đúng, trái lại giáo sư đã tìm cách tránh né sự thật bằng cách:

(1) Đồng đồng hoá Tướng Nguyễn Văn Thiệu với “Dân Quân Cán Chính VNCH”: Các tài liệu được công bố cho thấy rằng Tường Nguyễn Văn Thiệu chỉ là một tay sai của CIA, một công cụ được Hoa Kỳ xử dụng để lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm rồi sau đó bán đứng VNCH cho Cộng Sản, đưa “Dân Quân Cán Chính VNCH” vào những ngày cùng khốn.

Như vậy. tố cáo những sai lầm của Tướng Nguyễn Văn Thiệu không bao giờ có nghĩa là “vô ơn đối với những sự hy sinh mất mát lớn lao của tập thể Dân Quân Cán Chính VNCH trong công cuộc chống Cộng sản xâm lăng…...” hay “gây chia rẽ phân hóa hàng ngũ Dân Quân Cán Chính VNCH”, trái lại đó là một cách tốt nhất để làm sáng tỏ trách nhiệm của những người đã đưa đất nước và Dân Quân Cán Chính VNCH vào những ngày đen tối.

 (2) Muốn thiết lập một chế độ tôn sùng lãnh tụ ở hải ngoại: Giáo sư quy kết chúng tôi có “những lời lẽ vô lễ đối với một vị cố Tổng Thống của một chế độ hiến định”: Khi quy kết như vậy rõ ràng là giáo sư đang muốn áp dụng chế độ CHXHCNVN ở hải ngoại, bắt buộc mọi người phải tôn sùng lãnh tụ, mặc dù lãnh tụ có những hành động sai lầm hay phản quốc. Như vậy chúng ta cũng không có quyền phê phán các cựu lãnh tụ khát máu như Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, v.v., vì họ đã từng là chủ tịch của “một định chế hiến định” hay sao?

Nói rằng chúng tôi “vô lễ” với ông Thiệu cũng không đúng, mặc dầu nếu phải phê phán ông Thiệu chúng tôi cũng sẽ không ngần ngại. Nhưng trong truờng hợp này, chúng tôi chỉ trích lại lời phê phán của Tổng Thống Johnson mà thôi. Nếu bảo “vô lễ” thì chính Tổng Thống Johnson mới là người “vô lễ”. Tuy nhiên, khi đám lính đánh thuê bất tài làm hỏng việc bị chủ la mắng hay nguyền rủa như thế là chuyện bình thường, không có gì là “vô lễ” cả.

2.- Có ý định bịt miệng lịch sử và cơ quan truyền thông

Khi gởi lá thư nói trên răn đe tờ Việt Herald, giáo sư và tập thể đứng đàng sau giáo sư đã tự coi mình như là thành phần lãnh đạo của CHXHCNVN ở hải ngoại, bắt các cơ quan truyền thông Việt ngữ phải đi theo lề đường bên phải.

Tuy nhiên, nếu chỉ bịt miệng các cơ quan truyền thông Việt ngữ thì chẳng ích lợi gì, vì các tài liệu chứng minh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu làm tay sai cho CIA và bất tài làm mất miền Nam hiện nằm đầy trong các thư viện và văn khố của Hoa Kỳ và trên khắp thế giới. Muốn bịt miệng các cơ quan này, giáo sư cần phải cho mở cuộc hành quân đại quy mô như nhà cầm quyền CSVN đã làm trong những tháng qua, tịch thu tất cả các tài liệu bị coi là “vô lễ với một vị cố Tổng Thống của một chế độ hiến định”, bắt những người “làm ra, tàng trử, lưu hành” các tài liệu này, truy tố và xét xử theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Cộng.

3.- Chỉ dám hù kẻ yếu?

Từ năm 1992 đến nay, chúng tôi đã viết rất nhiều bài nói về trách nhiệm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu làm mất Việt Nam, chẳng hạn như: (1) Bài “Những bí mật được tiết lộ sau bốn mươi năm” ghi lại cuốn băng được thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, trong đó có đoạn ghi lại lời của Tổng Thống Johnson nói về người Mỹ đã quyết định giết ông Diệm và xử dụng “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyyền rủa” để hạ sát ông ta. (2) Bài “Người Mỹ muốn gì?” đăng trên Saigon Nhỏ ngày 11.4.2003 nói về chuyến đi nhục nhã của Tổng Thống Thiệu khi mò đến tư dinh Casa Pacifica của Tổng Thống Nixon ở San Clemente, Nam California vào ngày 30.4.1973. Lúc đó Tổng Thống Thiệu đã nổi giận nói: “Họ đối xử với đồng minh như vậy hả?” (3) Bài “Tiển đưa Tông Tông” đăng trên Saigon Nhỏ ngày 5.10.2001 nói về chuyện CIA áp tải Tướng Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay đi Đài Loan tối 25.4.1975. (4) Bài "Trở lại chuyện ông Thiệu" đăng trên Saigon Nhỏ ngày 25.4.2008 viết gióng hệt bài “Kẻ phản bội” mà giáo sư đã phản đối. Đặc biệt (5) bài “Trách nhiệm làm mất miền Nam Việt Nam” dẫn chứng gần hết các hành động sai lầm của Tổng Thống Thiệu đưa đến mất miền Nam, v.v.

Tại sao khi chúng tôi phổ biến những bài nói trên trên nhiều báo và trên mạng lưới toàn cầu, giáo sư và các đoàn thể đứng đàng sau lưng giáo sư không phản đối, nay tờ Việt Herald chỉ đăng một phần nhỏ trong các tài liệu đó, qúy vị lại phản đối? Phải chăng qúy vị chỉ dám ăn hiếp kẻ yếu?

Nói chung, khi giáo sư và tập thể đứng sau lưng giáo sư không đưa ra được những bằng chứng nào chống lại những bằng chứng mà chúng tôi đưa ra, phải coi sự tố cáo của chúng tôi là đúng. Những phản pháo bằng “hỏa mù” như đã nói trên chẳng có giáng trị gì.

ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI

Để làm sáng tỏ lịch sử, chúng tôi mong muốn cùng giáo sư lên các đài truyền hình hay truyền thanh ở Orange County để tranh luận xem ông Thiệu có phải là kẻ phản bội ông Diệm và phản bội tổ quốc hay không?

Để giáo sư có thể dễ dàng chuẩn bị tài liệu, chúng tôi xin nêu lên hai điểm chính sơ khởi chứng minh Tướng Nguyễn Văn Thiệu là kẻ phản bội:

1.- Làm tay sai cho CIA gây thảm họa hoạ cho đất nước.

a) Sự thật đã rõ ràng

Trong cuộc phỏng vấn được phổ biến trên đài BBC ngày 31.10.2009, Hồ Quang Phương, nạn nhân của tệ trạng bạo hành của Cảnh Sát Mỹ ở San José, đã phát biểu như sau:

“Khi vụ đó xẩy ra mà không có băng video, không có gì chứng minh là mình đúng, có thể bị xử có tội. Bây giờ có băng video rồi, công lý đứng về phía mình.”

Trong vụ đảo chánh và giết ông Diệm cũng vậy.

Trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã nói chuyện bằng điện thoại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy như sau:

Johnson: ... Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm.

MacCarthy: Có chứ.

Johnson: (Rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau VÀ XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

Khi cuốn băng này chưa được công bố, một số viên chức Mỹ có trách nhiệm và một số sử gia cố gắng cãi chày cãi cối để kết luận rằng vụ đảo chánh năm 1963 là do một nhóm sĩ quan VNCH thực hiện, người Mỹ không hề nhúng tay vào. Còn các Tướng Tá Việt Nam làm đảo chánh tự tôn là “nhà cách mạng” và ngày 1.11.1963 được biến thành Ngày Quốc Khánh. Nhưng khi cuốn băng nói trên được công bố, lịch sử đã được làm sáng tỏ.

b) Tên chỉ đạo hống hách

Trưa ngày đảo chánh 1.11.1963, Lucien Conein, người được nói là có nhiệm vụ theo dõi cuộc đảo chánh nhưng thật sự là người chỉ đạo cuộc đảo chánh, đã đến Bộ Tổng Tham Mưu VNCH mang theo một cái túi đựng 3 triệu đồng Việt Nam (42.000 USD) mà ông đã rút ra trước từ ngân khoản của Trạm CIA. Ngoài số tiền này, Lucien Conein còn mang một khẩu súng lục, một cái radio đặc biệt để thông báo tin tức về cuộc đảo chánh cho Trạm CIA và các viên chức CIA khác nằm trong mạng lưới của ông ta.

Lucien Conein đã tự ý leo lên ngồi ở ghế bành của của Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng VNCH, gác chân lên bàn, bên cạnh là khẩu Magnum 44, dưới chân bàn là hai xách tay bạc Việt Nam...

(Hoàng Lạc và Hà Mai Việt, “Việt Nam năm 1954 – 1975, những sự thật chưa hề nhắc tới”, tr. 247).

Tướng Trần Văn Đôn cho biết, khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã rời khỏi dinh Gia Long, Lucien Conein đã nói một cách hống hách:

-  Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được vì rất quan trọng.

Ông ta nói bằng tiếng Pháp:

- On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs.”

(Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những cái trứng).

(Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, tr. 228)

Tên “thủ trưởng” này quả thật quá hống hách!

c) Phản bội tổ quốc

Nhà cầm quyền Mỹ ra lệnh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm để có thể đổ quân vào miền Nam. Họ hành động như vậy vì quyền lợi của nước Mỹ. Còn nhóm sĩ quan VNCH nhận chỉ thị và tiền của Mỹ làm đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đưa VNCH vào những ngày đen tối và sau đó làm mất miền Nam Việt Nam, họ chỉ là những tên lính đánh thuê không hơn không kém. Họ không hành động vì quyền lợi của tổ quốc.

Trong trường hợp này, tội của những kẻ làm lính đánh thuê chắc chắn nặng hơn tội của kẻ chủ mưu, vì họ đã phản bội tồ quốc.

2.- Hiệp định Paris: Bán đứng VNCH

Một số người cho rằng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là người có công khi buộc Hoa Kỳ và Việt Cộng phải thay đổi một số điều hoản có hại cho VNCH trong dự thảo hiệp định Paris. Nhưng nói như thế là hoàn toàn sai lầm.

Ngày 18.10.1972 Kissinger đã bay đến Saigon để làm áp lực buộc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải đồng ý nội dung bản dự thảo hiệp định Paris với hy vọng sẽ mang bản dự thảo đó ra Hà Nội ngày 24.10.1972 để Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký tắt vào. Nhưng Kissinger đã thất bại. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp và Bộ Thông Tin Chiêu Hồi đã phát hiện ra đến 23 điểm cần phải điều chỉnh. Kissinger chỉ đồng ý điều chỉnh 16 điểm không quan trọng mà thôi. Số còn lại phải để nguyên, trong đó có điều khoản quan trọng nhất là chỉ buộc Mỹ rút khỏi miền Nam chứ không buộc quân đội Bắc Việt.

Chúng ta nhớ lại, khi Hội Nghị Genève 1954 sắp kết thúc, thừa lệnh của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, ngày 19.7.1954 Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ tuyên bố tại Genève rằng chính phủ quốc gia Việt Nam không chấp nhận chia cắt Việt Nam và yêu cầu đặt Việt Nam dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã cương quyết không ký tên vào hiệp định này.

Ngày 21.7.1954 khi đại diện Pháp và Việt Minh ký hiệp định Genève chia cắt đất nước làm đôi, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ và đọc một bài diễn văn chống lại sự bất công của Hiệp Định này đã trao cả miền Bắc cho Cộng Sản và thêm 4 tỉnh miền Trung. Thủ Tướng nói: “Chúng tôi không thể đặt vào vòng nô lệ hàng triệu đồng bào trung thành với chủ nghĩa quốc gia...”

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã không hành động như vậy. Ông thừa biết Bắc Việt cố giữ lại điều khoản không rút quân trong hiệp định Paris là để khi Hoa Kỳ rút hết, họ sẽ mở cuộc tấn công trở lại, nhưng bị ám ảnh bởi cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi Mỹ muốn đem quân vào mà ông là một trong những thủ phạm, Tổng Thống Thiệu đã tự trấn an bằng những lời cam kết của Tổng Thống Nixon mà Tướng Haig mới chuyển đến, đã ra lệnh cho Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm ký tên vào Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973. Trong trường hợp nầy, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đặt sinh mạng và địa vị của mình lên trên quyền lợi quốc gia. Đây là lỗi lầm trọng đại căn bản dẫn tới mất miền Nam.

CẦN LÀM SÁNG TỎ LỊCH SỬ

Lúc 7 giờ chiều 30.10.2009, người tự xưng là “Luật sư” Lê Công Tâm đã lên đài Saigon TV (44.4) tranh luận với ký giả Đổ Sơn về đề đài ông Thiệu có phải là “Kẻ phản bội” như chúng tôi đã viết hay không. Tuy đã chuẩn bị khá kỹ, nhưng vì thiếu kiến thức về lịch sử và không biết gì về phương pháp sử học, người tự xưng là “Luật sư” Lê Công Tâm đã bị ký giả Đỗ Sơn lùa vào ngỏ cụt, phải tìm cách đi ra ngoài chủ đề như bảo rằng ông Thiệu đã cấp ruộng cho hơn 4 ngàn nông dân, ra lệnh cho Hải Quân chống lại Trung Quốc ở Hoàng Sa, v.v. Tuy nhiên khi không còn lối thoát, người tự xưng là “Luật sư” Lê Công Tâm đã dùng đòn trí trá là vu khống Tú Gàn đả kích Hoà Thượng Quảng Độ, lên án Cha Lý là “ngôn sứ đô la”, mặc dầu vần đề này không nằm trong đề tài thảo luận. Đây là “đòn chạy làng” hay “đòn chém vè” cố hữu mà những kẻ thất bại khi tranh luận thường dùng. Điều này chứng tỏ ông ta là một người thiếu tư cách. Cuối cùng, người tự xưng là “Luật sư” Lê Công Tâm đã bị Đỗ Sơn cho đo ván một cách thê thảm.

Trong thời chính phủ Ngô Đình Diệm, tôi còn là sinh viên nên không đính líu gì đến chế độ này, nhưng ít ra tôi cũng được chứng kiến tận mắt nhiều biến cố đã xẩy ra. Tôi cảm thấy kinh hoàng khi khảo cứu hồ sơ vụ án Ngô Đình Cẩn và vụ án Đặng Sỹ. Sau này tôi cảm nhận rằng lời nguyền rủa của Tổng Thống Johnson dành cho những kẻ tay sai của CIA không có gì quá đáng.

Khi ra hải ngoại, tôi lại cảm thấy kinh hoàng hơn khi đọc các cuốn phịa sử không phải chỉ của Đỗ Mậu hay Lê Trọng Văn mà cả của Thiền Sư Nhất Hạnh! Tôi không thể ngờ được người ta đã cố tình viết lịch sử một cách bố láo bố lếu như vậy.

Tôi bắt đầu đọc lại bản phúc trình của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ Phật Giáo, các tài liệu chính thức được giải mật trong các bộ Foreign Relations of the United States liên quan đến vấn đề Việt Nam của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố, v.v., tôi quyết định phải đem lại sự thật cho lịch sử. Bài “Kẻ phản bội” cũng nằm trong loạt bài đó. Có thể tôi tham khảo chưa hết tài liệu hay cách nhìn của tôi có phần chủ quan, vậy tôi kính mời giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban Tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm nay, lên các đài truyền thanh và truyền hình ở trong vùng đối thoại với tôi để làm sáng tỏ sự thật.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã từng là Thứ Trưởng Giáo Dục dưới thời Tổng Thống Thiệu, cánh tay mặt của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn trong việc tái lập VNCH và hiện nay được coi là người kế vị của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn. Tôi hy vọng rằng với kiến thức và kinh nghiệm của mình, giáo sư sẽ cùng tôi tranh luận theo phương pháp sử học xem ông Thiệu có phải là “Kẻ phản bội” hay không.

Tôi cũng hy vọng sau vụ này, tôi sẽ cùng giáo sư thảo luận về căn bản pháp lý của việc tái lập VNCH và quyền đăng ký thềm lục địa nới rộng theo Quốc Tế Công Pháp hiện hành.

Trong bài “Ông Thiệu ra đi... Chơn lý không cùng” mới được phổ biến hôm 31.10.2009, ký giả Giao Chỉ Vũ Văn Lộc có nhắc lại một câu ngụ ngôn của Ba Lan: “Cuộc đời và lịch sử như một củ hành, càng bóc càng cay...” Khi gởi lá thư nói trên cho Việt Herald, giáo sư đã công khai bày tỏ ý muốn chúng ta cùng bóc cũ hành Nguyễn Văn Thiệu ra thêm nữa để làm sáng tỏ lịch sử. Vì thế, chúng tôi tin rằng giáo sư sẽ hăng hái nhận lời đề nghị của chúng tôi.

Ngày 2.11.2009