Home Tin Tức Bình Luận Quan trọng nhất vẫn là chuyện “giốp“

Quan trọng nhất vẫn là chuyện “giốp“ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Thứ Ba, 08 Tháng 12 Năm 2009 20:25

Một người bạn ở Âu Châu qua đã than rằng mỗi khi đọc báo Người Việt trên mạng anh rất bực mình vì những tiếng Mỹ được “Việt hóa.”

Thí dụ như “Job” (bà con ta đọc là giốp) tức là công việc làm; hoặc “care” (ta hay đọc là ke) tức là quan tâm, săn sóc; vân vân. Anh bạn khuyên người viết tiếng Việt nên tránh thói quen đó, vì đa số độc giả không sống ở Mỹ. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý.

Hôm nay viết truyện kinh tế ở nước Mỹ, tôi xin phép theo thói quen của nhiều người Việt sống ở đây, hy vọng bà con sống ở nơi khác, nhất là ở Việt Nam, rộng lòng tha lỗi cho. Câu chuyện là: Ông Barack Obama đang cố chứng tỏ ông cũng “ke” đến mối lo về “giốp” của dân! Cho nên ông đã mời hơn 100 người đến “họp thượng đỉnh” ở Tòa Bạch Ốc về chuyện giốp. Và tuần tới ông sẽ trình bày với quốc dân một chương trình tạo thêm giốp mới. Liệu ông có hy vọng thành công hay không?

Kinh tế Mỹ đã suy thoái suốt 24 tháng qua, kể từ Tháng Mười Hai, năm 2007, tháng nào cũng có tin tức nói số công việc làm giảm bớt. Ða số dân chúng coi đây là vấn đề quan trọng bậc nhất, đặc biệt là những người đã mất giốp và gia đình họ. Cho nên họ bất mãn với tất cả giai tầng lãnh đạo, từ những người chỉ huy các ngân hàng, các xí nghiệp cho đến những nhà chính trị đã được họ bầu lên. Nhưng sau cùng mối bất mãn thế nào cũng đổ dồn trên đảng Dân Chủ, là đảng đang nắm quyền cả hành pháp lẫn lập pháp. Nếu những người đang nắm quyền hành trong tay mà không thay đổi được tình trạng kinh tế, đặc biệt là giải quyết vấn đề mất giốp, họ sẽ bị dân trừng phạt bằng thứ vũ khí mạnh nhất, là lá phiếu, trong năm tới.

Chính phủ Obama đang bị người dân giận hoặc ghét, mặc dù họ vẫn than cơn suy thoái do chính quyền trước để lại. Vì trong 9 tháng vừa qua, ông Obama dành ưu tiên cho những vấn đề khác. Ðầu năm, ông đã đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế, xong rồi thôi. Ông không tỏ vẻ quan tâm tới hàng chục triệu người mới mất việc trong năm qua. Tổng số người thất nghiệp đã lên gần 15 triệu rưỡi, trong số đó gần 6 triệu người thất nghiệp ít nhất 6 tháng vẫn chưa tìm được việc làm. Thời gian trung bình sống trong tình trạng thất nghiệp lên tới 28 tuần lễ, con số cao nhất kể từ năm 1948 đến nay. Ðiều này cho thấy cơn khủng hoảng công việc lần này quả thật là trầm trọng. Trong khi đó, mỗi lúc coi ti vi hay đọc báo, theo dõi các cuộc tranh luận trong Quốc Hội, người dân thấy hầu như cả guồng máy chính trị đang quay nhìn đi chỗ khác!

Cải tổ y tế, bảo vệ bầu khí quyển trái đất cho khỏi bị ô nhiễm và hâm nóng, đó là những vấn đề quan trọng thật. Nhưng đó là những chuyện đã lưu cữu từ lâu và sẽ phải giải quyết trong thời gian lâu dài. Chuyện “giốp“mới là chuyện nóng hổi! Ông tổng thống đã du hành các nước Âu Châu và Á Châu, các chuyến đi đó chưa giúp gì cho các xí nghiệp tuyển thêm người làm việc! Cuộc chiến Afghanistan quan trọng thật, nhưng nó ở quá xa và phần lớn dân Mỹ không biết nó ảnh hưởng gì đến túi tiền của họ. Khi chính phủ và Quốc Hội tỏ ra chỉ chú ý đến những vấn đề lớn xa xôi và lâu dài đó, trong khi ít có ai nhắc nhở tới số phận hàng chục triệu người không có tiền mua sắm để đón lễ Giáng Sinh sắp tới, thì coi chừng, sang năm dân sẽ trừng phạt!

Khi Tổng Thống Obama bắt đầu chứng tỏ cho mọi người Mỹ thấy là ông “cũng lo lắng” đến người người thất nghiệp thì may mắn lại có một tin vui: Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong Tháng Mười Một giảm chút đỉnh, từ 10.2% xuống 10% (Trước khi kinh tế Mỹ đi vào suy thoái, cuối năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 4.7%). Số công việc làm bị mất trong Tháng Mười Một chỉ có 11,000, nhẹ hơn con số 111,000 giốp bị mất trong Tháng Mười. Ðây là những tin vui sau khi kinh tế Mỹ đã bị mất hơn 7 triệu công việc làm trong hai năm qua.

Nhưng niềm vui nhỏ bé này cũng rất mong manh. Cũng vì vậy mà thị trường chứng khoán New York tăng vọt lên sau khi nghe tin thất nghiệp giảm, sau đó lại xuống để chỉ tăng nhè nhẹ. Tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm chỉ vì nhiều người đã bỏ cuộc không đi tìm việc nữa, do đó tên họ bị gạt ra khỏi danh sách những người thất nghiệp. Trong 6 tháng vừa qua, đã có hơn một triệu người “ra khỏi thị trường nhân dụng,” không đi tìm việc nữa! Sau khi nghe “tin mừng” về thị trường nhân dụng này, nhiều người đã bỏ cuộc trước đây sẽ “gia nhập thị trường” đi tìm việc trở lại, và có thể làm tỷ lệ tăng lên. Từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều người kiếm được việc làm nhờ dịp Lễ Giáng Sinh. Nhưng các con số hàng bán sau ngày Lễ Tạ Ơn vừa qua cho thấy các cửa hàng bán lẻ không phấn khởi lắm cho nên hy vọng này cũng rất nhỏ.

Sang năm 2010, sau mùa Giáng Sinh, tỷ lệ thất nghiệp có thể lại tăng lên. Muốn có thêm nhiều công việc làm, thì kinh tế phải phục hồi để các xí nghiệp phải hoạt động nhiều hơn. Nhưng ngay khi số hàng bán tăng lên, thường các xí nghiệp cũng không tuyển thêm người mới, vì chưa biết chắc chắn. Họ sẽ yêu cầu các công nhân đang làm việc tăng năng suất hoặc tăng giờ làm phụ trội, và chỉ tuyển thêm người vào làm việc bán thời gian. Ðó là lý do số giờ làm việc mỗi tuần tăng chút đỉnh, từ trung bình 33 giờ một tuần tăng thêm được một phần năm giờ, tức thêm 12 phút nữa. Cũng vì những người lao động đang có việc phải làm thêm giờ phụ trội nhiều hơn cho nên số lương trung bình cũng tăng lên được hơn 4 đô la, thành 622 đô la một tuần.

Nhiều người lao động được lãnh thêm lương sẽ chi tiêu nhiều hơn, hy vọng tạo ra công việc làm cho những người lao động khác! Ðó là một nguồn hy vọng. Một điều thêm hy vọng nữa là trong một chu kỳ kinh tế bình thường, các xí nghiệp sẽ tuyển nhân viên mới thường xuyên sau khi họ bắt đầu tăng số nhân viên bán thời gian được ba đến 6 tháng. Trong 4 tháng vừa qua, tháng nào các xí nghiệp Mỹ đã tăng số nhân viên bán thời gian, trong Tháng Mười Một thêm 52,000 người được tuyển. Nếu đà này tiếp tục được vài ba tháng nữa, con số lao động được tuyển sẽ tăng lên, giảm bớt nạn thất nghiệp. Nhưng sau cùng, chỉ khi nào giới tiêu thụ tin tưởng và chịu chi thêm tiền thì kinh tế mới thực sự hồi phục.

Một yếu tố chính khiến người tiêu thụ ở Mỹ bớt chi tiền là tình trạng các ngân hàng chưa sẵn sàng cho vay. Kinh tế Mỹ do người tiêu thụ làm chủ, họ quyết định gần 70% tổng sản lượng nội địa. Trong cả thập niên qua, số tiêu thụ tăng mạnh nhờ người ta vay nợ được dễ dàng - một ưu điểm mà cũng chứa những nhược điểm nguy hiểm! Nhưng sau hai năm suy thoái kinh tế, người Mỹ đã thay đổi thói quen vay nợ. Từ 6 tháng nay số thẻ tín dụng (credit cards) do các ngân hàng cấp đã giảm một phần tư, bớt 100 triệu thẻ, một hiện tượng chưa từng thấy. Một phần vì các ngân hàng thắt chặt điều kiện cấp thẻ tín dụng, nhưng lý do chính là chính những người dùng thẻ đã hủy bỏ bớt số thẻ cầm trong tay.

Người Mỹ đã bắt đầu tình nguyện tiết kiệm nhiều hơn, vì lo lắng tương lai hơn, sau khi cả nước đã “mất” 12 ngàn tỷ đô la vì giá nhà đất và chứng khoán bị giảm giá. Tuy con số mất đó chỉ xuất hiện trên sổ sách, nếu người ta không bán nhà và không bán cổ phiếu thì chưa mất gì cả, nhưng khi cảm thấy “nghèo hơn” thì mọi người cũng bớt chi tiêu! Tình trạng tiết kiệm gia tăng trong cơn suy thoái này rất đặc biệt. Trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng số vay nợ của cả nước Mỹ đã giảm, lần đầu tiên hiện tượng này xẩy ra kể từ năm 1952! Trong thời gian đó, chính phủ đã đi vay thêm rất nhiều, nhưng con số vay thêm đó không lớn bằng số tín dụng giảm trong lãnh vực tư, khi người tiêu thụ và các xí nghiệp hoặc bớt vay hoặc trả bớt nợ cũ! Ðối với toàn thể nền kinh tế thì đây cũng có thể là một điều may, vì khi lãnh vực tư bớt vay nợ thì vấn đề ngân sách khiếm hụt sẽ không nguy hiểm bằng khi kinh tế đang phát triển mà từ quan đến dân ai ai cũng muốn vay nợ!

Khi người tiêu thụ bớt chi tiêu, như ở Trung Quốc muốn kích thích kinh tế thì chính quyền đã thay thế bằng cách đưa tiền cho các xí nghiệp nhà nước đầu tư, mặc dù nhiều dự án đầu tư không mang lại ích lợi lâu dài mà chỉ nuôi thêm tham nhũng. Ở nước Mỹ, chính quyền không thể ép các xí nghiệp đầu tư, mà các xí nghiệp nhỏ và cỡ trung đang gặp khó khăn khi vay nợ cũng không muốn bỏ tiền ra đầu tư trong lúc này. Cho nên, việc kích thích kinh tế ở Mỹ hiện cũng trông đợi vào tiền chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu như thế nào để số cầu tăng lên ngay mà vẫn có lợi ích ích lâu dài, đó là vấn đề mà cả nước Mỹ đã bàn cãi từ cả năm nay.

Trong khi khai mạc “họp thượng đỉnh” về “giốp, Tổng Thống Obama nói ông xin nghe mọi ý kiến giúp tạo thêm việc làm, và ông công nhận rằng chỉ lãnh vực tư mới có thể làm công việc đó chứ không phải nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ thì muốn nhà nước phải tiêu thêm! Họ đang nhắm vào số tiền chưa dùng tới trong ngân sách giải cứu các ngân hàng, có từ thời Tổng Thống Bush. Ý định này có thể sẽ bị chống đối mạnh mẽ, mà Tòa Bạch Ốc cũng không ủng hộ.

Kế hoạch mà ông Obama sẽ công bố trong tuần tới sẽ trợ cấp các chính quyền tiểu bang và thành phố để họ ngưng sa thải nhân viên. Chính phủ cũng sẽ trợ cấp cho những chương trình tiết kiệm năng lượng khi sửa sang nhà cửa, để tạo thêm công việc làm và kích thích tiêu thụ, đồng thời giải đáp một vấn đề lâu dài là nước Mỹ tùy thuộc quá nhiều vào dầu, khí nhập cảng. Ông Obama sẽ giảm thuế cho các xí nghiệp nhỏ để khuyến khích họ tuyển thêm người làm việc. Ngoài những món chi tiêu mới đó, còn nhiều chương trình trong đạo luật kích thích kinh tế từ đầu năm nay chưa được chi tiêu, trong năm tới sẽ thi hành đây đủ hy vọng sẽ tạo thêm công việc làm. Nước Mỹ cần tạo thêm 8 triệu công việc để tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống như trước cơn suy thoái, cộng thêm 1.5 triệu công việc mới cho những thanh niên mới bước vào thị trường nhân dụng mỗi năm.

Những kế hoach chi tiêu của nhà nước sẽ tạo ra được tối đa là 2 triệu công việc trong một thời gian. Sẽ không giúp được bao nhiêu nếu dân Mỹ không chi tiêu ngay những đồng tiền họ mới nhận được. Hiện cũng có nhiều điềm tốt, cho phép mọi người hy vọng.

Một, là dân Mỹ không thể nhịn chi tiêu mãi được. Nhiều gia đình muốn thay xe hơi, thay tủ lạnh, mua bộ âm thanh mới, đã trì hoãn trong gần 2 năm qua, thế nào họ cũng phải đi sắm đồ mới. Họ sẽ kích thích sản xuất. Các xí nghiệp trong năm qua đã giảm số hàng chứa trong kho, nhưng đến nay số tồn kho xuống đến mức quá thấp, họ sẽ bắt buộc phải sản xuất hoặc mua hàng tồn kho trong mấy tháng nữa. Yếu tố chính gây nên cuộc suy thoái lần này là thị trường địa ốc khủng hoảng. Trong tuần qua, thị trường nhà cửa có nhưng tin vui hiếm hoi. Số nhà mới xây được bán đã tăng lên, và giá khá ổn định.

Với những điềm lành đó, người ta hy vọng kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục trong nửa đầu năm 2010. Khi đó, các xí nghiệp sẽ tuyển người, số thất nghiệp sẽ giảm. Và dân Mỹ lại hăng hái đi vay nợ!