Home Tin Tức Bình Luận Lá thư Luân Ðôn : Cảnh Sát Bạn Dân

Lá thư Luân Ðôn : Cảnh Sát Bạn Dân PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng   
Thứ Sáu, 18 Tháng 12 Năm 2009 22:09

Khác với Pháp và nhiều nước tại Châu Âu mà cảnh sát vẫn bị dân chúng coi như thù nghịch, tại Anh danh từ cảnh sát là bạn dân cho đến nay vẫn hầu hết được coi như là đúng.

Ðối với những ai có tinh thần chống đối, thì thái độ của dân chúng đối với chính quyền mà “guồng máy áp chế” biểu hiện là cảnh sát thì đó là một điều thất vọng lớn. Nhưng những chuyện xảy ra tuần qua có thể cho những người này một số hy vọng.

Sau mấy năm kể từ khi đạo luật chống khủng bố được ra đời, việc cảnh sát ngăn chặn một số người chụp hình tại một số nơi công cộng không tạo ra một phản ứng bao nhiêu thì bỗng nhiên tuần qua báo chí đã đưa ra một loạt những bài báo về những người chụp hình bị bắt giữ hoặc ngăn chặn không cho chụp hình vì những lý do không có gì là chính đáng. Các tờ báo, không phải chỉ những tờ báo lá cải mà cả đến những tờ báo đứng đắn nhu tờ Guardian cũng gởi phóng viên cầm máy hình ra chụp tại những nơi công cộng thách thức cảnh sát can thiệp. Và YouTube hiện đang đầy những cảnh cảnh sát và nhiếp ảnh viên đối đầu với nhau.

Ðáng chú ý hơn nữa là việc tờ báo Daily Mail cuối tuần qua đã nhảy vào vụ này, giải thích cho các độc giả của họ rằng họ không việc gì phải hợp tác với cảnh sát, dù rằng chỉ nói lên tên tuổi và địa chỉ đồng thời cung cấp một bản chỉ nam về những gì phải làm nếu bị cảnh sát chặn lại.

Sự phản đối của công chúng đã khiến cho một số quan chức cao cấp cảnh sát phải lên tiếng. Cuối Tháng Mười Một vừa qua Chánh Thanh Tra cảnh sát Anh đã lên tiếng cảnh cáo về nguy cơ cảnh sát “mất sự đồng tình của quần chúng.” Tuần trước, ông Andy Trotter một ngôi sao đang lên trong Hiệp Hội Những Cảnh Sát Trưởng (Association of Chief Police Officer) cũng lên tiếng nói một cách tương tự. Và tuần này thì đến ông John Yates người được coi là có uy tín nhất trong Sở Cảnh Sát Luân Ðôn Scotland Yard cũng đã lên tiếng nhắc nhở những nhân viên dưới quyền về “quyền của quần chúng được chụp hình ở những nơi công cộng.”

Và bây giờ thì cảnh sát đã được lệnh ngưng không được dùng đạo luật chống khủng bố để thẩm vấn và khám xét những người chụp hình lương thiện nữa. Một bức thư gởi cho các quan chức cảnh sát cao cấp tại Anh và xứ Wales từ phía Hiệp Hội Các Cảnh Sát Trưởng hôm Thứ Ba vừa qua đã khuyến cáo rằng những quyền lực dành cho cảnh sát trong đạo luật chống khủng bố chỉ được sử dụng nếu có lý do chính đáng. Bức thư viết “Các nhân viên cảnh sát cũng như các trợ lý cộng đồng của cảnh sát được lưu ý là chúng ta không nên ngăn chặn và khám xét người ta vì việc chụp hình. Giới hạn một cách không cần thiết việc chụp hình, dù là tài tử hay chuyên nghiệp đều là chuyện không thể chấp nhận được.”

Cố nhiên là còn có những người cảnh sát không đồng ý. Cảnh sát thuộc Khu Tài Chánh Luân Ðôn (City of London police) đã biện minh cho các hành động của họ bằng cách công bố một câu chuyện về việc bắt được một nhóm tình nghi là Al Qaeda sau khi ngăn chặn và khám xét một người đàn ông đang dùng chiếc điện thoại di động của mình để quay video một mục tiêu khủng bố khả dĩ. Nhưng khi đọc câu chuyện này người ta bỗng cảm thấy ngạc nhiên về những mâu thuẫn và thiếu sót mà nội vụ được kể lại.

 Ðặc biệt có lẽ điều làm người ta ngạc nhiên nhất là sự kết thúc kỳ cục của vụ này. Hai người bị đưa ra tòa và kết án về tội mua bán điện thoại di động và hàng xa xỉ giả mạo, trong khi cảnh sát thì nói rằng tuy rằng Công Tố Viện đã “quyết định là có đủ bằng chứng để truy tố hai tên này về tội khủng bố, nhưng việc này không nằm trong lợi ích chung của xã hội vì chúng cũng sẽ phải chịu một án lệnh tương đương với tội lừa đảo.” Thật là khó hiểu!

Hành động của cảnh sát City of London cho thấy chính giới cảnh sát đã đóng một phần không nhỏ trong việc quần chúng của Anh càng ngày càng trở nên bất mãn với họ. Việc đối xử với các người chụp hình chỉ là hành động mới nhất của một loạt những hành động như việc dùng bạo lực đối xử với những người biểu tình; việc lợi dụng đạo luật chống khủng bố và luật mới về bằng chứng hình sự (Police and Criminal Evidence Act). Tất cả những hành động đó là biểu hiện của một cung cách gìn giữ trật tự trị an kiêu căng mà hiện đang quay trở lại ám ảnh lực lượng cảnh sát Anh.

Ðiều mỉa mai là chính những quan chức cầm đầu cảnh sát biết rõ những hậu quả của chuyện này. Peter Neyroud, giám đốc cơ quan National Policing Improvement Agency vừa qua đã lên tiếng nói đến giá trị của sự đồng tình còn quý giá hơn là những kỹ thuật hiện đại; hoặc là tuyên bố của Sir Hugh Orde, chủ tịch Hiệp Hội Các Cảnh Sát Trưởng, về sự cảnh sát cần phải tôn trọng nhân quyền.

 Và những lời nói của hai ông này không phải chỉ là những lời nói cửa miệng mà xuất phát từ những niềm tin thật sự.

Nhưng không phải chỉ riêng cảnh sát bị ảnh hưởng khi làm mất lòng tin và sự ủng hộ của quần chúng. Cả xã hội Anh cũng trở nên nghèo nàn hơn nếu để mất niềm tin này. Ðiều này có thể khiến cho những người chống đối không đồng ý. Nhưng con đường kia sẽ dẫn đến một tình trạng tồi tệ hơn nhiều, một lực lưọng cảnh sát thù nghịch can thiệp gay gắt hơn vào các hoạt động xã hội. Và đó là một kết quả mà cả đa số những quan chức cảnh sát cao cấp cũng không muốn. Nước Anh như vậy còn may mắn lắm thay.