Home Tin Tức Bình Luận Hy vọng của nước Mỹ

Hy vọng của nước Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Thứ Hai, 04 Tháng 1 Năm 2010 15:06

 Ông mục sư trẻ nói rất có duyên, làm các tín đồ bật cười lên nhiều lần. 

 Hai cháu ngoại tôi thường vẫn đi vườn trẻ trong một nhà thờ. Tuần trước, nhân mẹ các cháu được mời đàn cho đêm Giáng Sinh, cả gia đình đến xem lễ. Ông mục sư trẻ nói rất có duyên, làm các tín đồ bật cười lên nhiều lần. Ông dùng computer chiếu hình, phim và các câu trong Kinh Thánh, lâu lâu các tín đồ đứng dậy hát nhiều bài rất hay, lời bài hát chiếu trên màn ảnh lớn cho người không thuộc đọc.

Vào lúc cuối buổi lễ, ông mời tất cả mọi người lần lượt lên trước bàn thờ “nhận Thiên Chúa vào mình;” và ông nhấn mạnh, “Dù quý vị theo tôn giáo nào hoặc không có tôn giáo cũng xin mời lên dự!” Tôi rời ghế ngồi, bước tới, lần đầu tiên tham dự vào một nghi thức rất thiêng liêng đã được đặt ra từ hai ngàn năm nay. Khi tôi cầm miếng bánh mì nhúng vô ly rượu nho ông mục sư cầm trên tay, ông cười tươi, chúc tụng và cám ơn tôi đã chia vui ngày Thiên Chúa giáng trần.

Tôi chắc ông nói thành thật. Vì ở đây là một thành phố nhỏ, có người lạ tới người ta biết liền. Nhìn tôi là ông có thể đoán cháu ngoại tôi vẫn đem gửi ở đây. Dân ở thành phố Dubuque đi đổ xăng hay vào chợ mua bánh mì là có dịp gặp và chào hỏi một vài người quen. Tôi nhìn thấy độ 4 người Á Ðông trong số khoảng 150 người dự lễ ở nhà thờ. Trong không khí một đêm Giáng Sinh như vậy, ai cũng vui mừng và thành thật với nhau, kể cả những người không tôn giáo.

Người Mỹ rất sùng đạo, tín ngưỡng mạnh hơn dân các nước Âu Châu cùng trình độ phát triển kinh tế. Nhưng lòng mộ đạo của họ không làm cho người khác sợ; như cô Ayaan Hirsi Ali nhận xét. Khi những người Mỹ có đạo nghe trả lời rằng cô vô thần, thì “Họ không dọa giết tôi, mà nói sẽ cầu nguyện cho tôi.” Ðó là một kinh nghiệm mới lạ đối với cô Hirsi Ali; vốn gốc theo Hồi Giáo ở Somali. Cô đã trốn khỏi quê hương để tránh bị đối xử kỳ thị, đã đi qua nhiều nước trước khi định cư tại Hòa Lan. Cô ngạc nhiên khi thấy “Cảnh sát ở đây không đòi hối lộ, mà lại sẵn sàng giúp mình!”

 Cô tham gia phong trào tranh đấu cho các phụ nữ bị áp bức, rồi đắc cử làm đại biểu Quốc Hội Hòa Lan. Cô cộng tác với một nhà làm phim, về tình trạng các phụ nữ Hồi Giáo bị chồng hành hạ, ngay ở Âu Châu. Nhà làm phim bị ám sát. Trên ngực áo ông ghim một miếng giấy hẹn sẽ giết nốt cô Hirsi Ali. Biết là họ không nói đùa, cô di cư lần nữa, sang Mỹ để “tị nạn.”

Năm ngoái cô Hirsi Ali và hai người Mỹ bạn đồng nghiệp cùng coi ti vi hai ứng cử viên phó tổng thống Mỹ tranh luận với nhau. Một người Mỹ đảng Dân Chủ thì nghe bà Palin nói câu nào cũng chê, còn người kia đảng Cộng Hòa thì không thể nào chịu nổi cái mặt ông Biden trịch thượng. Họ cãi nhau kịch liệt suốt buổi, nghe xong cô Hirsi Ali nghĩ rằng nước Mỹ sắp có nội chiến đến nơi, giống như cảnh chém giết lẫn nhau ở xứ Somali - biết đâu, cô sẽ phải đi tị nạn lần nữa! Nhưng sau khi mùa tranh cử chấm dứt, cô gặp hai đồng nghiệp đó thấy họ vẫn đi với nhau, đang chia nhau ăn một miếng bánh ngọt. Tôi quen hai vợ chồng người Mỹ ở miền Trung Tây, ông chồng luôn luôn bầu Dân Chủ, bà vợ lúc nào cũng Cộng Hòa, nhưng chắc vì đã lớn tuổi nên không bao giờ họ nói chuyện chính trị với nhau, hoặc với các con.

Mùa Hè năm ngoái tôi cũng ở Dubuque mấy tuần, vào lúc mùa tranh cử tổng thống đang mở màn. Có bữa tôi theo con cháu đến coi một ngôi nhà đề bảng bán. Trong lúc mọi người đang đi thăm thú bên trong, tôi vô sự dạo quanh nhà. Một người đàn ông Mỹ to lớn mở cửa bước từ trong chiếc xe vận tải ra bắt tay tôi, chắc ông ta tưởng tôi nhìn thấy ông ở trong xe nên phải ra chào. Chân ông đi hơi khập khiễng. Ðó là ông chủ nhà, nhưng ông phó mặc việc bán nhà cho vợ, ông ra ngồi trong xe “trốn khách.”

Ông Hansen là một người lao động, giới trung lưu tiêu biểu; ông đi làm từ lúc trẻ, lớn lên phải thi lấy bằng tương đương tốt nghiệp trung học để được vô trường kỹ thuật học nghề, và suốt đời ông làm cái nghề thợ nguội đã học. Ông đã về hưu, đang bán nhà để về ở gần các con và cháu nội.

Tôi tò mò hỏi tại sao khu đất nhà ông lại bị thắt nhỏ lại ở phía sau, ông Hansen cho biết khu đất vẫn vuông vắn, chỉ có cái hàng rào bị bẻ quẹo thôi. Vì ông cho ông hàng xóm mượn đất xây cái ga ra để hai xe. Ga ra lớn nên lẹm sang đất nhà ông vì bên đó họ đất không rộng đủ. Vì vậy phải lái cái hàng rào quẹo vào, trông thấy đất thót lại nhưng trên giấy tờ thì mảnh đất của ông vẫn vuông vắn.

Hàng xóm ở đây rất tốt, ông Hansen nói. Chỉ tay vào những tấm bảng tranh cử trên bãi cỏ trước nhà, ông cười, nói: Tụi tôi chỉ cãi nhau hai năm một lần thôi. Thằng đó nó phò đảng Dân Chủ, còn tôi tôi chỉ thích Cộng Hòa. Như để giải thích lý do, ông nói, “Tôi không thể nào chấp nhận được chuyện tự do phá thai! Giản dị như vậy!”

Cứ đến mùa bầu cử là ông hàng xóm đem các tấm bảng cổ động cho các ứng cử viên Dân Chủ về cắm dọc con đường trước cửa nhà ông ta. Ðủ loại quảng cáo, từ những người tranh cử hội đồng thị xã, tới đại biểu nghị viện tiểu bang, đại biểu quốc hội liên bang, hay là ứng cử viên tổng thống. Mỗi lần như vậy, ông Hansen lại đi xin mấy tấm bảng của ứng cử viên Cộng Hòa về cắm trước cửa nhà mình để đáp lễ.

 Trong mùa tranh cử là họ ít khi gặp nhau. Nhưng tháng trước ông Hansen phải vô nhà thương mổ cái đầu gối, nằm dưỡng bệnh mất cả tháng mới đi lại được. Cả tháng trời, mấy người hàng xóm thay phiên nhau cắt cỏ đằng trước đằng sau, mà “cái thằng theo đảng Dân Chủ” cắt giúp nhiều nhất. Vì ở đây ai cũng tử tế như vậy cả!

Trong cuộc sống cá nhân, người Mỹ rất “nhiệt thành” về tôn giáo cũng như chính trị, người không ưa thì bảo là họ quá khích. Nhưng họ đã tập được thói quen là, ở trong gia đình, giữa bạn bè hay xóm làng, khi đối xử với nhau thì hãy đặt những niềm tin và khuynh hướng chính trị của mình ra ngoài. Không ai ép buộc người khác phải theo mình cả, vì vô ích.

Ðây không phải lối sống tự nhiên một sớm một chiều mà một quốc gia tạo nên được. Nếu cứ để yên, loài người ở đâu cũng chứa đầy thành kiến, óc phân biệt, đầy tự ái và mặc cảm, thấy người lạ thì nghi kị, khinh thường, hoặc sợ hãi. Vào thế kỷ 17, những di dân đầu tiên từ Anh Quốc sang tiểu bang Massachusetts có lúc còn giết nhau vì những tín điều và giáo lý khác biệt.

 Một “nhà hiền giả” nổi danh vào thời lập quốc Mỹ là Benjamen Franklin còn tỏ ý nghi ngờ rằng những người di dân giống Ðức khó mà hội nhập vào lối sống của dân Mỹ! Hai trăm năm sau, dân gốc Ðức chiếm khoảng 50 triệu, ít có ai để ý tổ tiên họ là người gốc Ðức. Một người mang tên Eisenhower đã làm lên đến tổng thống. Và giờ thì đến lượt con trai của một di dân từ Phi Châu đến ở mấy năm rồi lại về, lên làm tổng thống Mỹ!

Bây giờ không còn ai ở Mỹ chủ trương phải giết lẫn nhau vì tín ngưỡng bất đồng hay vì vì xung đột chính trị. Dân xứ này đã tập được thói quen sống lối mới nhờ hai trăm năm được uốn nắn sống theo một bản Hiến Pháp trong đó các quyền tự do và bình đẳng được nhấn mạnh và được thi hành một cách nghiêm mật. Bị luật pháp ràng buộc mãi, dù không muốn thì tính tình người ta cũng đổi.

Lâu lâu, thể chế và pháp luật cũng ảnh hưởng đến đạo đức con người; giống như dân Singapore đã tập được thói quen không xả rác, không vẽ bậy lên tường. (Nếu thành phố Westminster cũng làm luật phạt tội xả rác như vậy thì chắc chắn trong vài năm phong tục Little Saigon cũng thay đổi!) Ðối với di dân thì cũng ít có người Mỹ nào còn lo lắng họ “không thể hội nhập” như ông Benjamen Franklin. Vì nhìn chung quanh họ, cũng khó phân biệt được ai là Mỹ ba đời, ai là Mỹ đời thứ nhất. Trên thế giới chỉ có ba nước là di dân dễ “bị đồng hóa” nhanh chóng thành như dân bản xứ mà không cảm thấy bị “mất gốc.” Ðó là Mỹ, Úc Châu, và Canada, những quốc gia được các đám di dân lập thành.

Một sức mạnh của nước Mỹ là di dân từ khắp thế giới đã tìm tới đây để sống. Trong dân số Mỹ hiện nay có 38 triệu người sinh ở nước khác. Không quốc gia nào có nhiều “người ngoại quốc” như vậy. Cả nước Tầu chỉ có một triệu người dân sinh ở ngoại quốc, Nhật Bản có 2 triệu. Ðức là nước đông di dân nhất Âu Châu, có gần 10 triệu. Nhiều nước Tây Âu, đặc biệt là Bắc Âu, có chính sách rất cởi mở đối với di dân, nhờ truyền thống tự do dân chủ lâu đời. Nhưng di dân thành công trong xã hội thì ở Mỹ vẫn đông nhất so với các nước khác.

Một sức mạnh của nước Mỹ là nhiều người khắp thế giới muốn đến sống ở đây. Vì họ thấy những tấm gương thành công của di dân tới trước. Có những người mới đến đời thứ nhất đã thành công, ông Arnold Schwarzenegger, đương kim thống đốc California là một thí dụ. Tỷ phú Soros là một di dân. Một người Cuba, trốn sang Mỹ năm 15 tuổi, chưa hề học hết trung học, là cha dượng của ông Jeff Bezos, một tỷ phú sáng lập công ty Amazon bán sách trên mạng lưới. Không phải các di dân chỉ đến đây lợi dụng nước Mỹ để làm giầu, chính họ đóng góp vào sự thịnh vượng của nước này bằng sáng kiến, phát minh, óc mạo hiểm trong kinh doanh.

Trong số những công ty kỹ thuật tân tiến thành lập ở Mỹ từ 1995 đến 2005, một phần tư là của các di dân mới đời thứ nhất. Trong số những bằng sáng chế của người Mỹ đã trình lấy tác quyền tại các nước khác, cũng có một phần tư là của di dân. Nhưng ngay cả những người lao động không chuyên môn cũng tìm thấy cơ hội. Ở nước Mỹ không có những cuộc biểu tình đập phá của những thanh niên trong đám di dân; chắc vì họ đều bận đi kiếm việc hoặc đang đi làm, chưa ai cảm thấy tuyệt vọng vì lo bị gạt ra bên lề xã hội mãi mãi.

Ở những nước Canada, Úc, Mỹ, người di dân cảm thấy họ thành dân bản xứ một cách dễ dàng, vì nhòm chung quanh thấy hầu như ai cũng là di dân, nếu không phải một đời thì cũng chỉ ba bốn đời. Ðó là một điều khác biệt giữa Mỹ với các nước tiền tiến về kinh tế ở Tây Âu, và những nước chưa phát triển nhưng rộng lớn như Trung Quốc, Ấn Ðộ.

Ðó là một lý do bao nhiêu người trẻ tuổi từ khắp nơi đổ vào nước Mỹ sống. Và họ sẽ sinh con đẻ cái. Trong 50 năm tới, Mỹ là quốc gia duy nhất trong số các cường quốc mà dân số sẽ tăng lên chứ không giảm, và trong dân số vẫn còn nhiều người trẻ. Một lý do khiến kinh tế Nhật Bản có thể còn trì trệ là dân chúng càng ngày càng già. Số người già ở Trung Quốc sẽ tăng vọt lên trong năm, mười năm tới. Hai nước đó sẽ phải chi tiêu rất nhiều cho việc nuôi nấng và chăm sóc sức khỏe cho các cụ! Ai hồ hởi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc sẽ lên cao mãi không ngừng thì cứ nhìn vào kinh nghiệm Nhật Bản.

 Trước đây 30 năm người ta cũng nghĩ kinh tế Nhật là vô địch hoàn cầu mãi mãi. Mô hình phát triển kinh tế của hai nước này kiềm chế tiêu thụ và tùy thuộc xuất cảng sẽ theo nhau lần lượt lâm vào ngõ bí. Ở nước Nhật, chế độ dân chủ có tính linh động hơn, có thể chuyển hướng chính sách dễ dàng hơn ở Trung Quốc, mà gần 20 năm nay vẫn chưa thay đổi xong. Và Trung Quốc sẽ còn mối lo xã hội sẽ bất ổn vì sự phát triển của cả nước bị một đảng lợi dụng để hưởng lợi, gây ra cảnh tham nhũng và chênh lệch giầu nghèo ngày càng trầm trọng, mà cứ tiếp tục độc tài thì chưa biết làm sao gỡ được.

Kinh tế Mỹ hiện vẫn đứng hàng đầu về sáng chế, phát minh. Bây giờ ai phát minh được cái gì thường đem “trình tòa” ở ngay nước Mỹ để giữ bản quyền cho chắc. Trong năm 2008, Văn phòng Bản Quyền của chính phủ Mỹ đã phát 8731 bằng sáng chế cho người Nam Hàn, 37,000 bằng sáng chế cho các công ty hoặc cá nhân Nhật Bản. Nhưng cũng trong năm đó, có 92,000 bằng sáng chế được phát cho người Mỹ. Ấn Ðộ, Trung Quốc, đều đứng rất xa phía sau.

Trong 30 năm qua, chỉ có 8 người Á Châu chiếm các giải Nobel về khoa học, trong đó 8 người Nhật Bản. Rất nhiều người Mỹ được giải Nobel đã di cư từ các nước khác tới. Các đại học ở Mỹ thu hút nhân tài khắp thế giới, vì họ đãi ngộ xứng đáng với ngân sách nghiên cứu lớn và không khí đề cao tự do tư tưởng trong xã hội. Nhưng các “nhân tài” cũng được cả xã hội tưởng thưởng bằng tiền bạc khi các sáng kiến của họ được thương mại hóa và thành công.

Một người bạn trẻ của tôi đã đi học rồi làm việc ở Áo Quốc từ vài chục năm. Sau nhiều lần du lịch sang Mỹ, năm nay đang chuẩn bị cùng gia đình di cư sang ở luôn. Tôi hy vọng giúp các bạn trẻ đó thêm tin tưởng vào lựa chọn của họ. Nhân ngày đầu năm 2010, tôi cũng xin gửi quý vị độc giả Người Việt sống tại Mỹ những hình ảnh lạc quan trên đây, để chúc quý vị một năm mới an lành và thịnh vượng. Quý vị đã sống ở nước Mỹ thì biết những ưu điểm và nhược điểm của xã hội này.

 Nhưng quý vị có thể giữ niềm tin vào tương lai của con cháu mình. Vì điểm đáng quý nhất của xã hội Mỹ là nó luôn luôn tự tìm tòi các nhược điểm của mình rồi không ngần ngại phô bầy ra cho cả thế giới thấy. Cơ chế dân chủ cho phép dân Mỹ liên tục tranh luận, đối chọi, rồi bỏ thăm chọn lựa, thí nghiệm các phương thuốc mới để sửa chữa những khuyết điểm của nước Mỹ. Niềm hy vọng của nước Mỹ là do chế độ tự do dân chủ tạo ra.

 Quý vị là di dân, nhưng đừng nghĩ chỉ có mình phải tới đây nhờ vả nước Mỹ. Chính nước Mỹ cũng nhờ có những người như quý vị nên mới được như ngày nay. Cũng như khi bước ra khỏi ngôi giáo đường vào đêm lễ Giáng Sinh, chúng tôi lại được ông mục sư bắt tay cảm ơn lần nữa; chúng tôi biết chính mình cũng đem lại một niềm vui cho ông và các tín hữu trong nhà thờ, trong một đêm lạnh giá tuyết rơi lất phất, khi mọi người vội vã lên xe trở về nhà mở tiệc.