Home Tin Tức Bình Luận Nợ càng lớn nhà càng phải cao?

Nợ càng lớn nhà càng phải cao? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Giang /BBC   
Thứ Bảy, 09 Tháng 1 Năm 2010 16:57

Thế giới bước vào năm 2010 với pháo hoa tưng bừng ở một nơi lẽ ra không khí phải rất buồn bã.

 

 Dubai, thương cảng lừng danh tại vùng Vịnh đứng bên bờ phá sản nhưng tòa tháp Burj cao nhất thế giới vẫn được khai trương ồn ào.

Tưởng được thiên hạ vỗ tay hoan nghênh nhưng hóa ra không phải.

Chưa bao giờ tôi thấy việc xây các cao ốc vươn lên cả tầng mây lại bị chê dữ dội đến như vậy.

Đầu tiên là dân trong nghề.

Tòa tháp 828 mét bị các kiến trúc sư Đức gọi là ví dụ xấu, tạo tiền lệ không tốt cho ngành xây dựng, và là công trình "ca ngợi tiền bạc".

Trên tờ Daily Finance gần đây, Bruce Watson đặt câu hỏi:

"Tòa tháp cao nhất thế giới là một tượng đài hay bia mộ cho Dubai?"

Các báo Anh còn nói việc xây cao ốc "vung tay quá trán" nhiều khi là chỉ dấu cho một thời khánh tận.

Chẳng hạn như Malaysia khánh thành xong tòa tháp đôi Petronas thì vùng Đông Nam Á bước vào khủng hoảng tài chính 1997.

Xa hơn, tòa Great Empire Building ở Mỹ cũng ra mắt lúc Phương Tây rơi vào cuộc Khủng hoảng thập niên 1930 dẫn tới Thế chiến.

Với khoản nợ trên 18 tỉ USD, nhiều hơn một nửa GDP, các lãnh đạo Dubai đã ít có lý do để lạc quan dù nay ngọn tháp của họ được tiếng là cao nhất hoàn cầu.

Thỏa mãn tham vọng
Thực ra, việc các quốc gia hay các tập đoàn xây cao ốc cũng giống như người bình thường chúng ta thích xây nhà tầng mà thôi.

Ai chẳng muốn nhà mình cao hơn nhà hàng xóm, vừa thoáng mát hơn, vừa thỏa niềm kiêu hãnh âm ỉ bên trong.

Nhưng với các quốc gia thì đó còn là tham vọng chứng tỏ một ưu thế chính trị, chứ không chỉ là thông điệp kinh tế.

Chỉ có điều nhà cao mà nội dung không có gì thì thật đáng tiếc.

Ngoài chuyện bị chê là "trọc phú", xây nhà cao, thừa phòng ốc cũng là một sự lãng phí tàn sản và không gian.

Các phòng trên những cao ốc thường bị bỏ trống vì thực ra độ cao quá không phải là môi trường tốt cho con người.

Với tòa tháp Burj thì bệnh "leo cao" quả là quá mức.

Ban đầu, nhà đầu tư chỉ định xây cao hơn tháp Taiwan 101 để phá kỷ lục thế giới nhưng càng xây nó lại càng cao, vượt dự kiến hàng trăm mét, tính cả ngọn tháp.

Tôi đã có dịp lên ngọn tháp ở thủ đô Đài Bắc.

Cảnh nhìn thật kỳ vĩ nhưng cũng khá chóng mặt.

Sau khi lượn ở sảnh ngắm cảnh, chụp ảnh, tôi trả thêm ít đô-la Đài để leo thang bộ để lên tận tầng cao trên nữa.

Ở đó gió thổi ù ù và có chấn song sắt rất cao vây quanh một cái sân thượng tối mò.

Người ta cũng gài cả camera an ninh.

Hỏi thì được giải thích đó là các biện pháp để ngăn những kẻ muốn tự sát một cách "hoành tráng" trèo ra ngoài tháp để phi thân xuống.

Thì ra ngoài vai trò làm biểu tượng, các ngọn tháp cao còn có "chức năng" phục vụ người ta nhảy tự do.

Nghĩ cho cùng, leo cao cũng là sự bắt đầu của việc tụt xuống, hoặc bay xuống tùy sở thích.

Ngọn tháp ở Dubai đã mất ngay tên cũ vì được đặt tên lại là Sheikh Khalifa, theo tên chủ nhân của Abu Dhabi, vương quốc chủ chốt của liên minh vừa vào cuộc cứu nợ và gần như là mua lại Dubai.

Wall Street Journal viết: "Tòa tháp mới, được đổi tên thành Burj Khalifa là biểu tượng cho việc Dubai mất độc lập."

Bài học này chắc sẽ không được nhiều nước lắng nghe.

Vì mốt xây cao ốc vẫn rất thịnh tại nhiều nơi, nhất là châu Á.