Home Tin Tức Bình Luận Ðiểm qua về tình hình người Việt hải ngoại trên thế giới

Ðiểm qua về tình hình người Việt hải ngoại trên thế giới PDF Print E-mail
Thứ Hai, 08 Tháng 2 Năm 2010 10:30

Nói chung, thì trong 35 năm đến cư ngụ sinh sống tại nước ngoài, bà con người Việt chúng ta đã hội nhập khá thành công với xã hội các quốc gia sở tại.

 

 
 Cựu cầu thủ linebacker Ðạt Nguyễn trong đội Dallas Cowboys. (Hình: Getty Images)

Năm 2010 được kể như là năm thứ 35 kể từ ngày đa số người Việt bắt đầu rời xa quê hương để tới định cư tại nước ngoài, sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam sụp đổ vào ngày 30 tháng 4, 1975.

Thống kê cho biết là hiện có khoảng 3.5 triệu người Việt đang sinh sống tại trên 60 quốc gia trên thế giới. Trong số này, đông nhất là tại Hoa Kỳ với trên 1.5 triệu người, rồi đến Pháp cỡ 250 ngàn, Australia cỡ 200 ngàn, Canada 150 ngàn v.v... Tại nước Nga và các nước Ðông Âu, thì có đến 4-500 ngàn, phần lớn là dân đi từ miền Bắc Việt Nam, trong đó có một số di dân bất hợp pháp. Còn tại Á Châu, thì riêng tại Cambodia có đến 500 ngàn, tại Ðài Loan, Ðại Hàn mỗi nước có đến 100-200 ngàn, phần lớn là các cô dâu theo chồng về nước. Ðó là chưa kể đến số “lao động hợp tác” tại nhiều quốc gia như Mã Lai, các nước ở Trung Ðông, v.v... số người này chỉ cư ngụ tại các nước đó trong khoảng thời gian được quy định theo hợp đồng lao động, chứ không phải là di dân với quy chế “cư trú vĩnh viễn,” hoặc được nhập tịch để có tư cách một công dân của quốc gia mình cư ngụ.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày khái quát về tình hình sinh hoạt của số đông bà con người Việt hiện định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Âu Mỹ, dựa theo các số liệu và thông tin mới nhất có thể thâu thập được. Mấy năm trước đây, đã xuất hiện một số cuốn sách như bộ “Vẻ Vang Dân Việt” của tác giả Trọng Minh ở Mỹ, hoặc bộ “Người Việt Hải Ngoại/ Vòng Quanh Thế Giới” của tác giả Ðỗ Thông Minh ở Nhật bản v.v... Ðó là những tài liệu rất quý, được soạn thảo rất công phu, ghi lại những sự thành công vượt bậc của một số người Việt hải ngoại, cũng như về tình hình sinh hoạt của các cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới.

Nói chung, thì trong 35 năm đến cư ngụ sinh sống tại nước ngoài, bà con người Việt chúng ta đã hội nhập khá thành công với xã hội các quốc gia sở tại. Ðiển hình như ở Pháp, nhờ sẵn có sự gần gũi, liên hệ giao tiếp với văn hóa, ngôn ngữ Pháp từ nhiều thế hệ trước đây, nên qua đến thế hệ thứ hai, thì người Việt đã có thể rất thoải mái sinh hoạt trong lòng xã hội Pháp và được người dân sở tại đánh giá cao hơn so với các di dân thuộc sắc tộc thiểu số khác rất nhiều. Ta sẽ phân tích chi tiết hơn về hiện tượng hội nhập thành công này trong một số lãnh vực như sau:

1- Về phương diện giáo dục và khoa học kỹ thuật

Có thể nói người Việt, nhất là con em thuộc thế hệ thứ hai đã rất thành công trong việc học vấn tại nhiều nơi. Mỗi năm, học sinh và sinh viên Việt Nam đều chiếm lãnh được nhiều phần thưởng vào loại cao nhất trong hệ thống các trường học tại Âu Châu cũng như tại Mỹ. Ðiều này cũng dễ hiểu, vì hầu hết dân tỵ nạn khi phải rời bỏ quê hương để ra đi, thì chỉ có đôi bàn tay trắng, chứ nào có mang theo được tài sản vốn liếng gì đâu. Bởi thế mà họ bị thôi thúc để mà cố gắng hết mình trong việc mưu sinh, và ổn định cuộc sống trong một môi trường xã hội hoàn toàn xa lạ so với quê hương bản quán của mình. Nhất là lũ con vừa thương cha mẹ vất vả cực nhọc, nên phải ra sức mà học tập để có được một chỗ đứng, một nghề nghiệp vững chắc trong xã hội vốn đã sẵn có trình độ khoa học kỹ thuật và kinh tế phát triển cao độ như tại các nước Âu Mỹ.

Nhiều nguồn thông tin đều đưa ra con số 300 ngàn chuyên viên tốt nghiệp đại học trở lên, như bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, thì so với nhân số trên 3 triệu người Việt hải ngoại, chúng ta có đến xấp xỉ 10% dân có bằng đại học. Ðây quả là một tỉ lệ cao so với bất kỳ một dân tộc được coi là văn minh tiến bộ nào. Hơn nữa, sinh viên Việt nam đều rất thành công cả tại những đại học danh tiếng như Harvard, MIT, Yale, Stanford v.v... ở Mỹ, hay như Sorbonne, Cao Ðẳng Sư Phạm... tại Pháp. Và khá nhiều chuyên gia đã được học giới toàn cầu đánh giá cao, điển hình như Tiến Sĩ Trịnh Xuân Thuận, chuyên gia về ngành Vật Lý Thiên Thể (Astro-Physics), Bác Sĩ Nghiêm Ðại Ðạo, chuyên về khoa Giải Phẫu Mạch Máu và Ghép Cơ Quan tại Ðại Học Pennsylvania, Bác Sĩ Daniel Trương Dũng, Giám Ðốc Trung Tâm Bệnh Parkinson của Ðại học UCI, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh chuyên về Khoa Học Không Gian, Tiến Sĩ Phùng Liên Ðoàn chuyên gia về ngành Vật Lý Hạt Nhân, Giáo Sư Phạm Xuân Yêm, Giám Ðốc Nghiên Cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia ở Pháp, Kỹ Sư Dương Nguyệt Ánh, chuyên gia chế tạo loại bom “Áp Nhiệt” v.v...

Lại còn phải kể đến một số các giáo sư đại học mà còn rất trẻ tuổi, mới vào tuổi đôi mươi. Và còn rất đông sinh viên xuất sắc mà được cấp phát học bổng suốt trong nhiều năm để theo đuổi việc học tập và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu nổi danh trên thế giới, như học bổng của Bill & Melinda Gates Foundation, học bổng Rhodes Scholar v.v...

2 - Trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật

Thế hệ những nhà nghiên cứu văn hóa kỳ cựu như Thái Văn Kiểm, Vũ Ký ở Âu Châu, về ngữ học, văn học như Nguyễn Ðình Hòa, Huỳnh Sanh Thông đều có những đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam đối với nước ngoài. Riêng nền sinh hoạt văn học hải ngoại đã đạt tới sự phổ biến sâu rộng với rất nhiều sách báo được xuất bản, và đặc biệt lại còn được phổ biến trên mạng lưới điện tử toàn cầu, qua rất nhiều các loại trang nhà, các website, các blog. Các nhà văn, nhà thơ đã từng thành danh trước năm 1975 như Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa, v.v... thì đã được tiếp nối bởi thế hệ trẻ các nhà văn, nhà thơ rất là đông đảo, hùng hậu. Ðiều này chứng tỏ sức sáng tác phong phú bền bỉ về văn học, trong bầu không khí tự do thông thoáng tại các quốc gia dân chủ đa nguyên. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành truyền thông, sự giao lưu văn hóa và chuyển giao thông tin mỗi ngày thêm mau lẹ, và góp phần nối kết gắn bó chặt chẽ giữa các cộng đồng người Việt hải ngoại ở rải rác khắp mọi nơi trên thế giới với nhau, cũng như với đại khối dân tộc tại quê hương bản quán Việt Nam.

Về lãnh vực sáng tác và trình diễn nghệ thuật, nhờ sự tiến bộ về kỹ thuật âm thanh cũng như hình ảnh, người Việt hải ngoại cũng đạt tới trình độ phát triển và sinh hoạt rất cao trong các ngành điện ảnh cũng như ca vũ nhạc kịch. Ðặc biệt là ngành âm nhạc có sức thu hút số đông thính giả ái mộ. Ðiển hình như các Trung Tâm Thúy Nga, Asia đều liên tục cống hiến cho công chúng những buổi trình diễn văn nghệ thật đặc sắc, mà lại còn được ghi băng hình, bắt đầu bằng VCR và tiến lên DVD được phổ biến toàn thế giới. Về phía các nghệ sĩ đã từng nổi tiếng ở Việt Nam hồi trước năm 1975, thì vẫn còn tham gia sinh hoạt nghệ thuật mà được công chúng mến chuộng, điển hình như nữ tài tử Kiều Chinh, nghệ sĩ Bích Thuận, ca sĩ Thanh Tuyền, Khánh Ly v.v...

Các đài phát thanh, truyền hình cũng được tổ chức khắp các thành phố mà có đông người Việt định cư. Nhờ vậy mà việc phổ biến tin tức cũng như sinh hoạt văn hóa xã hội của cộng đồng được triển khai dễ dàng, góp phần tăng thêm mối liên kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, cũng như bảo tồn được ngôn ngữ và văn hóa Việt nam nơi thế hệ thứ hai, thứ ba của các gia đình định cư ở nước ngoài.

Về sinh hoạt thể thao, tại nhiều thành phố lớn vẫn có tổ chức thi đấu những môn thể thao mà người Việt ưa thích như bóng tròn, bóng bàn, bóng chuyền. Ðặc biệt các võ đường dạy môn võ Việt Nam, Nhu đạo, Taekondo, Karate, và nhất là môn “Võ dưỡng sinh, khí công” cho giới cao niên, thì đều thu hút số đông người đến tập luyện, tạo thành phong trào rèn luyện thân thể, bảo tồn sức khỏe. Một số vận động viên thể thao đã trở thành nổi tiếng, ngay cả đối với giới hâm mộ người Mỹ, như Ðạt Nguyễn trong bộ môn “banh cà na” (football của Mỹ).

3 - Trong lãnh vực kinh doanh

Tương đối người Việt hải ngoại đã khá thành công trong lãnh vực kinh doanh đủ các ngành nghề, từ buôn bán lẻ, điều hành các cơ sở dịch vụ, mở các nhà hàng ăn uống giải khát cho đến mua bán nhà cửa, địa ốc, các cơ sở chuyên về bảo hiểm v.v... Người Việt cũng khá thành công trong dịch vụ chăm sóc móng tay (ở Mỹ gọi là nghề làm nail), tạo công ăn việc làm cho biết bao nhiêu người, mà không đòi hỏi phải được đào tạo chuyên môn phức tạp và dài ngày so với các nghề khác.

Hầu hết các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ tốt nghiệp từ trước năm 1975, thì đều đã qua được kỳ thi để lấy được bằng hành nghề (licence) tại các quốc gia Âu Mỹ. Khác với nghề luật sư ở Mỹ, thì chỉ có thế hệ thứ hai mới có thể thi đậu tương đối dễ dàng để có thể hành nghề. Hiện có đến trên 1,000 luật sư gốc Việt mà đang hành nghề riêng tại Mỹ (practicing lawyer). Và dĩ nhiên số bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ trẻ đang hành nghề cũng phải lên đến con số nhiều ngàn người. Lớp chuyên viên về luật pháp, cũng như về y tế này thường làm việc trong các cơ sở có quy mô lớn của người Mỹ, nên dễ thi thố tài năng chuyên môn cao cấp của mình.

Còn về các cơ sở kinh doanh trong các ngành nghề khác do người Việt điều hành, thì tuy chưa có lớn lao lắm, nhưng đã tạo cơ hội cho một số chủ nhân đạt tới danh hiệu triệu phú cả theo tiêu chuẩn của xã hội Mỹ. Ðiển hình như hệ thống Lee's Sandwich chuyên bán bánh mì, bánh ngọt, thì đã có đến mấy chục cơ sở kinh doanh tại nhiều thành phố tại Mỹ, mà có đông người Việt cư ngụ. (Còn tiếp)