Home Tin Tức Bình Luận “Chúng ta phải nói to lên” và “sự im lặng đáng ngờ”

“Chúng ta phải nói to lên” và “sự im lặng đáng ngờ” PDF Print E-mail
Tác Giả: Song Hà   
Thứ Ba, 09 Tháng 2 Năm 2010 13:55

Trách nhiệm truyền thông công giáo là phải nói lên sự thật, dù sự thật đó tạm thời không có lợi, nhưng sẽ giúp sự xấu xa bị đẩy lùi.

 

 Những sự thật được nói ra dù khó chịu, cũng có tác dụng để Giáo hội cần đổi mới chính mình, không đóng khung trong một chiếc lồng “duy ý chí” và tự mãn cách huyễn hoặc. Vì như thế là chúng ta đã giết chết Giáo hội của mình.

Nhiều người nói rằng, chúng ta đừng nói những chuyện nội bộ giáo hội, dễ bị chia rẽ và bị bóng tối lợi dụng. Đó cũng là một cách nghĩ của một số người. Nhưng cũng có người cho rằng, bản chất của truyền thông phải là trung thực và minh bạch, đó mới là truyền thông chân chính.

Nói ra hay không nói ra?
Bản chất truyền thông cộng sản là thông tin một chiều, nhiều khi chỉ là tuyên truyền dối trá, lừa bịp... đến khi người dân hiểu được sự thật thì đã muộn. Biết bao công viên, đường phố, trường học mang tên Lê Văn Tám trên đất nước này, ngày ngày vẫn gieo vào đầu óc trẻ thơ những hình tượng dối trá là minh chứng hùng hồn, chưa cần nói đến những thông tin như vừa qua đối với những vấn đề liên quan đến Công giáo và cả Phật giáo qua vụ Bát Nhã...

Còn trách nhiệm truyền thông công giáo là phải nói lên sự thật, dù sự thật đó tạm thời không có lợi, nhưng sẽ giúp sự xấu xa bị đẩy lùi. Những sự thật được nói ra dù khó chịu, cũng có tác dụng để Giáo hội cần đổi mới chính mình, không đóng khung trong một chiếc lồng “duy ý chí” và tự mãn cách huyễn hoặc. Vì như thế là chúng ta đã giết chết Giáo hội của mình.

Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tiên phong làm điều đó khi Ngài đã xin lỗi tất cả những ai đã bị giáo hội xúc phạm.
Đặc biệt năm nay là năm Thánh 2010, trong đó Giáo hội kêu gọi Sám hối, hòa giải và hy vọng.
Đó cũng là một cách để thực hiện công việc truyền thông đi trên con đường sự thật, công lý.
Và đó cũng là khác biệt cốt lõi giữa truyền thông công giáo và truyền thông cộng sản.

Vụ Đồng Chiêm – Thánh giá bị đập nát, là điểm mới nhất trong một chuỗi vụ việc liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam mà qua đó, người Công giáo và không công giáo, không chỉ trong nước mà cả thế giới càng hiểu được thực chất của một nhà nước như thế nào là “của dân, vì dân, do dân” và chính sách “trước sau như một luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng” ở Việt Nam.

Nhưng, cũng qua những sự kiện đó, giáo dân Việt Nam hiểu sâu hơn nữa một điều mà lâu nay họ ít khi có dịp để kiểm nghiệm. Đó là cách làm việc và thái độ của một số vị trong hàng Giáo phẩm Việt Nam, Hội Đồng Giám mục VN nói chung.

Từ những nét lịch sử tương đồng giữa Ba Lan và Việt Nam
Đất nước Ba Lan với 95% là người Công giáo là một quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm sống với chế độ cộng sản.
Trong lịch sử, quan hệ giữa Ba Lan cộng sản và Việt Nam ngày xưa là mối quan hệ “đồng chí, anh em trong phe XHCN”. Vì vậy ngay cả mặt tôn giáo, chính phủ cộng sản Ba Lan cũng đã giúp đỡ VN từ khi nhà nước này còn trong trứng nước.

Những năm dòng người di cư vào Nam cả linh mục và giáo dân khá nhiều, nhiều nơi không có linh mục coi sóc. Khi đó đoàn linh mục “quốc doanh” Ba Lan đã được phái đến Việt Nam. Cũng thời gian đó, Việt Nam đã lập ra cái gọi là Ủy ban Liên lạc Công giáo gồm những linh mục “quốc doanh nội” để đón tiếp và tạo điều kiện cho các “đồng chí” linh mục Ba Lan hoàn thành “nhiệm vụ quốc tế vô sản” tại Việt Nam đối với Công giáo.

Hồi đó Đức Giám mục Trịnh Như Khuê đã nhất định không hợp tác, không đồng ý cho đoàn “linh mục cán bộ quốc tế” này tự do làm lễ. Nhờ các “linh mục quốc doanh nội” đã “vận động” bằng nhiều cách nên “tổ công tác” được vào ở trong một phòng của Tòa Giám mục Hà Nội, nhưng chỉ được làm lễ trong một phòng nhỏ và các giáo dân, linh mục VN không được ai xem lễ.

Dù sau đó đoàn này cũng đã đi một số nơi cấp phát áo lễ, chén đựng mình thánh và các vật dụng tôn giáo... nhưng xem ra không "đắt hàng". Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn đã kết thúc chuyến công tác làm nghĩa vụ quốc tế để “lên đường về nước”.Chuyến “công tác” đã thất bại bởi sự nhìn xa trông rộng của hàng giáo phẩm Hà Nội.
Thái độ đó của cố GM – Hồng Y Trịnh Như Khuê đã để lại cho Giáo phận Hà Nội ngày nay một truyền thống “nói không với đàn két” là vậy.
Nghe đâu ông Nguyễn Thế Thảo chủ tịch Hà Nội cũng đã được đào tạo tại Ba Lan, bằng cơm áo và tiền của của giáo dân Ba Lan thời Cộng sản. (Như đã nói dân Ba Lan gần như 100% là công giáo)

Còn nhớ, mới đây ông Nguyễn Thế Thảo đã đến Ba Lan và “trân trọng mời Thành phố Vacsava tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trân trọng mời Bà thị trưởng cùng các đại biểu của Vac-sa-va đến  Hà Nội dự kỷ niệm Đại lễ 1000 năm”.
Không rõ là một thời gian nữa, chính quyền Vacsava thời hậu cộng sản có sang theo lời mời của ông Thảo hay không? Và bà Thị trưởng sẽ nghĩ gì khi ngày hôm nay cả nước Ba Lan đang cầu nguyện cho tôn giáo Việt Nam.

Những người công giáo Ba Lan cũng đã có một thời đầy kinh nghiệm khi trải qua giai đoạn cộng sản trên đất nước mình nên họ rất hiểu hoàn cảnh Giáo hội Việt Nam hiện nay và đã cất lên tiếng nói cho cả thế giới biết về Đồng Chiêm, về Giáo hội Việt Nam

Đức Giám mục Tarnowski Wiktor Skworc, chủ tịch Ủy Ban Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí và các đài truyền thanh, truyền hình trong khuôn khổ ngày Hiệp Thông, Liên Đới và Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Việt Nam đã nói: “chúng ta phải nói to lên cho mọi người nghe là Giáo Hội đang bị bách hại tại Việt Nam, và chúng ta không thể câm nín nhượng bộ được.”

Đọc lời của một Giám mục từ Ba Lan, một đất nước “cựu cộng sản” cách xa Việt Nam tôi thấy băn khoăn lạ.
Những chuyện ở Việt Nam của giáo hội Việt Nam thì mắc mớ chi đến vị Giám mục từ đất nước Ba Lan? Biết đâu không khéo, ngày mai “người phát ngôn Bộ Nhại giao” lại lên tiếng phản đối là “can thiệp công việc nội bộ” thì khốn, biết đâu bà Thị trưởng Vacsava lại không thể vào được VN vì “cấp hộ chiếu muộn quá” thì sao?

Và cả giáo hội Ba Lan nữa, chuyện Việt Nam đã có Giáo hội Việt Nam lo, cơn cớ gì họ “xía vào” đây để phức tạp? Việt Nam cũng có một Hội đồng Giám mục chứ đâu phải như Lào hay Apganistan? Và HĐGMVN vẫn hoạt động, vẫn họp hành đều đều chứ đâu đã nghỉ hưu hết tất cả?
Nhưng, ngẫm ra mới biết rằng: Vẫn có một giáo hội hoàn vũ sống đúng tinh thần “Hiệp nhất, thông công”.

“Cần phải nói to lên...” và “sự im lặng đáng ngờ”
Với những vấn nạn mà giáo hội công giáo Việt Nam đang gặp phải, những cơ sở bị chiếm đoạt từ lâu vẫn là điều nhức nhối. Giáo dân bị đánh tơi bời, mở đầu Năm Thánh Linh mục thì các linh mục đã nhận được những trận đòn túa máu, gãy xương. Hết Đức Mẹ sầu bi bị đập gãy nát, đến Đức Mẹ đi ở tù, rồi mở đầu Năm Thánh 2010 thì Thánh giá là biểu tượng linh thiêng nhất của người Ki tô cũng không thoát khỏi những nhát búa rùng rợn, tan nát...

Tất cả đều nhận được “sự im lặng đáng sợ” hay nói như giáo dân hôm nay là “sự im lặng đáng ngờ” của HĐGMVN.

Vụ việc Đồng Chiêm, khi Thánh giá đã bị đập tan, đã có một sự phạm Thánh tại đó, HĐGMVN cũng “bình chân như vại”, coi như chuyện đó là “Cháy nhà hàng xóm” đã được báo chí nhà nước lợi dụng triệt để và coi đó như một thắng lợi cơ bản của “quản lý nhà nước” đối với tôn giáo. Phải chăng để hiểu được điều này, cũng là một sự mầu nhiệm?
 Hãy nghe một tờ báo là tên lính xung kích trên mặt trận đánh phá Giáo hội công giáo từ Nam ra Bắc viết: “Và cho dù các tờ báo mạng phản động liên tục hối thúc, thậm chí thóa mạ, nhưng Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng không hiệp thông ... hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra là "kính Chúa, yêu nước", "sống tốt đời, đẹp đạo".

Ai cố tình chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thì đã rõ, ai tự nhiên đập biểu tượng niềm tin để gây nên nỗi này thì chắc HĐGMVN biết hết. Nhưng những dòng trên, như những lời ca ngợi, động viên khuyến khích HĐGMVN sống “tốt đời, đẹp đạo” và “kính Chúa, yêu nước” mà bỏ rơi những anh chị em trong gia đình mình đang bị bách hại.

Khi Ban biên tập trang web HĐGMVN đang phân trần “Lên tiếng hay không lên tiếng” như một lời biện minh cho thái độ của mình, thì từ một góc trời châu Âu xa xôi, có một Giám mục đã kêu gọi mọi người “Chúng ta cần phải nói to lên cho mọi người nghe là Giáo Hội đang bị bách hại tại Việt Nam, và chúng ta không thể câm nín nhượng bộ được...”
Những lời này nghe hẳn chói tai nhiều người.

Phải chăng Đức GM châu Âu kia đã không hiểu rằng cần phải im lặng, mặc kệ những đau khổ mà giáo dân linh mục VN phải chịu, ông cứ chui vào chăn cho ấm là xong. Giáo hội này là Giáo hội của Việt Nam chứ đâu phải Giáo hội của Ba Lan hay của Châu Âu?

Tại sao có hai thái độ khá ngược nhau như vậy? Phải chăng Đức GM Châu Âu kia đã đi ngược lại “đường hướng đối thoại” “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” hoặc “đem yêu thương vào nơi oán thù” và bây giờ là “Một giáo dân tốt cũng là một công dân tốt” mà một số người vẫn dùng như lá bùa khi cần dán vào miệng để im lặng, kể cả một số ĐGM?
Thực ra đâu phải thế. Chính các GMVN đã xác định rất rõ những điều cần có, những việc phải làm trong Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là trong Năm Thánh 2010.

ĐGM Nguyễn Văn Nhơn: “Năm Thánh này giúp chúng tôi đặt trọng tâm vào Đức Kitô và vào căn tính của Giáo Hội: một «Giáo Hội hiệp thông » trong đó tất cả các thành phần liên kết với nhau”.

Không hiểu là “tất cả các thành phần” như lời Đức GM Chủ tịch HĐGM nói có bao gồm các Giám mục không? Hay chỉ bao gồm các giáo dân? Và Giáo Hội mà Đức GM Chủ tịch nói đến là “Một” giáo hội Việt Nam hay chia ra từng Giáo hội nhỏ độc lập để thực hiện “hiệp thông” như lời Ngài đã nói ở trên? Có phải câu: “Liên quan đến từng vụ việc cụ thể tại từng địa phương, hơn ai hết, vị giám mục sở tại vừa là người có trách nhiệm chăm sóc một phần Dân Thiên Chúa tại đây (x. GM số 11) vừa là người nắm rõ tình hình và bối cảnh của vấn đề, chính ngài là người đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết”  là câu trả lời rằng cái “Giáo hội” mà Đức GM chủ tịch nói trên chỉ là các giáo hội chia nhỏ cho từng địa phương? Hoặc giáo hội đó chỉ là các giáo phận miền bắc cùng với Giáo phận Komtum xa xôi mà thôi?

Những câu hỏi này, may chăng chỉ có thể giải thích được bằng hành động, và những hành động vừa qua của HĐGM thật khó hiểu để giải thích những điều này một cách thuyết phục.

Cũng thật khó hiểu hơn, khi được hỏi về “tự do minh chứng đức tin ở VN” Đức GM chủ tịch HĐGMVN đã nói rằng: “Biến cố hôm 24 tháng 11 năm 2009 vừa qua đã là câu trả lời. Nếu bước trên đường tông đồ thì Chúa Thánh Thần giải thoát và thúc đẩy chúng tôi làm chứng. Đó là điều không ai có thể ngăn cản nổi”.
Vâng, biến cố 24/11/2009 là câu trả lời cho sự “tự do minh chứng đức tin công giáo ở VN”, nhưng biến cố đập tan Thánh giá hôm 6/1/2010 có đủ yếu tố “cần và đủ” để phải nói lên thái độ “Làm chứng đức tin” hay không?

Hay bởi đập tan Thánh giá là điều không quan trọng?
Chắc không phải thế. Bởi cũng chính Đức GM Chủ tịch nói rằng: “người kitô hữu chúng ta tuyên xưng Thánh Giá là Nguồn Ơn Cứu Độ và là Vinh Quang của chúng ta”. Vậy khi Nguồn ơn Cứu độ bị đập nát, bị lăng nhục bởi những bàn tay nhớp nhúa vô đạo, cớ sao “chúng ta” lại im?

Hay lỗi là vì “Chúa Thánh Thần” chưa “giải thoát và thúc đẩy”? Ai? điều gì đã “ngăn cản” được sự cần thiết phải làm chứng cho Thiên Chúa, rằng Thánh giá là biểu tượng linh thánh, là tình yêu thương của Đấng cứu độ không có bất cứ ai được nhục mạ và xúc phạm?

“Đem yêu thương vào nơi oán thù” là một cách hành động đúng theo lời răn của Thiên Chúa, nhưng không có nghĩa là điều đó ngăn cản chúng ta cất lên tiếng nói để tôn vinh Thánh giá và tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá của Con Thiên Chúa trước sự dữ và sự phạm Thánh.
Chính vì vậy, những lời hoa mỹ, đẹp đẽ đến đâu để giải thích cho sự “im lặng đáng ngờ” khi Thánh giá bị nhục mạ, bị đập tan thì đều không thể chấp nhận được, dù đó là ai.
Nói về hiện tình tự do tôn giáo ở VN, Đức GM Chủ tịch nói: “Ngày hôm nay chúng tôi có tự do hơn một chút, cũng là nhờ sự hiểu biết nhau hơn. Nhà nước thấy không còn gì phải sợ tôn giáo nữa, vì tôn giáo đến là để phục vụ”.

Chúng tôi nghĩ rằng Đức GM đã nhầm, chưa bao giờ nhà nước cộng sản sợ tôn giáo, chỉ có tôn giáo và chức sắc tôn giáo sợ nhà nước mà thôi. Chứng minh điều này không khó, những khi HĐGM họp xong đều đến dinh chào quan chức nhà nước được báo chí đăng tải lại. Ở đó chỉ có các quan chức nhà nước nói những điều dạy bảo còn các GM trong HĐGMVN chỉ có bắt tay, cười và... cảm ơn mà thôi. Ít khi có bất cứ một thông tin là các GM đã nói được những gì khi đó.

Vậy thì đâu phải nhà nước sợ tôn giáo? Họ thừa biết rằng, tôn giáo chẳng có gì đáng để sợ, nhất là công giáo. Staline, một lãnh tụ cộng sản khét tiếng từng lớn tiếng: “Giáo hoàng được mấy sư đoàn”?

Chứng nhân hay Thầy dạy?
Trong một loạt bài giảng rất hùng hồn của một vị Giám mục khi còn là linh mục, có bài giảng rằng: “Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Ngày nay, người ta không cần thầy dạy mà người ta cần những chứng nhân””. Tôi đã từng nghe đi nghe lại nhiều lần bài giảng đó, và cứ nghĩ rằng, nếu vị này được lên chức Giám mục, nghĩa là có quyền, có trách nhiệm lớn hơn, Giáo hội chúng ta sẽ có một chứng nhân. Không hiểu vị đó hôm nay sẽ thực hiện mình là thầy dạy hay sẽ là chứng nhân trong HĐGM?

Khi Thánh giá Tam Tòa bị cướp đi, bị nhục mạ, hỏi đến một vị Giám mục có liên quan, chúng tôi được trả lời rằng: “Tôi đã làm hết nhiệm vụ của mình, và vì tôi là Giám mục, nên không được phép có tiếng nói riêng của mình. Tôi là giám mục phó và đứng sau Đức Giám mục”? Khi được hỏi: “Trước khi là Giám mục, Đức Cha có là giáo hữu Ki tô không”? Thì Ngài đã im lặng và khó chịu, trong khi việc Ngài “làm hết nhiệm vụ của mình” là gọi điện cảm ơn Giáo phận Vinh đã lên tiếng, vậy là hết.

Vậy rồi khi lên đến Giám mục Chính tòa, sự kiện Đồng Chiêm xảy ra, chắc cũng chưa ai nghe một lời nào từ Ngài, không biết bây giờ Ngài đang đứng và làm việc sau ai?
Những sự kiện liên tục hướng về Việt Nam trên khắp năm châu, hướng về Giáo xứ nhỏ bé Đồng Chiêm với biểu tượng Thánh giá bị đập nát là một hiện tượng. Một hiện tượng lạ lùng ở Việt Nam, nhưng không lạ khi chúng ta hiểu rằng: Với niềm tin mến của mình, chúng ta đang có một giáo hội hoàn vũ hiệp nhất, thông công và đầy tình liên đới. Đó chính là thực hiện lời Chúa Giê su đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi mượn lời Đức Giám mục Phụ tá Sài Gòn Nguyễn Văn Khảm trong Thánh lễ tạ ơn ở Nhà Thờ Chính tòa Đà Lạt ngày 29/1/2010: “Người Công giáo chúng ta hiệp thông với nhau không phải để gây thanh thế hay vì bất kỳ một động cơ nào khác, mà đơn giản chỉ vì đó là dòng chảy của tình yêu, là điều rất đỗi tự nhiên như nước phải chảy, gió phải thổi, mây phải bay: Sự hiệp thông của tình yêu”.

Và: “Nhà Thờ Chánh Tòa Đà lạt còn quen gọi là Nhà thờ Con Gà. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến tiếng gà gáy trong Phúc âm, tiếng gà thức tỉnh tâm hồn của một Phêrô chối Chúa”
Xin cho Hội Thánh Việt Nam luôn sám hối và luôn sống trong “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ” của Năm Thánh 2010.
Ngày 6/2/2010. Tròn một tháng Thánh giá Đồng Chiêm bị đập tan bởi cộng sản