Bác sĩ, mà không là gì khác! |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Ba, 16 Tháng 2 Năm 2010 14:44 | |||
Chỉ vì người mẹ muốn ép con trở thành một bác sĩ, một tấn thảm kịch đã xảy ra trong một gia đình người Việt ở Cali, khi đứa con trong một giây phút quẫn bức đã bóp cổ người mẹ yêu thương của mình. Người mẹ với ý muốn cho con mình sau này là một bác sĩ đã không còn nữa, và đứa con có thể trở thành một người tù chung thân với nỗi ân hận dày vò khôn nguôi. Hình minh họa Biết bao nhiêu bậc cha mẹ Việt Nam đã muốn cho con mình trở thành bác sĩ, và chỉ là bác sĩ mà không là gì khác. Từ ước muốn, hướng dẫn, chỉ đường, đến răn đe, gây áp lực, giận dỗi và trách móc, phải nói là đa số cha mẹ người Việt chúng ta mang bệnh sùng bái địa vị này và mong muốn cho con cái trở thành một bác sĩ. Chuyện này không chỉ mới xảy ra lần đầu trong xã hội Việt Nam cũ kỹ thói đời và bám víu hư danh. Trước đây, đã có những đứa con tự tử vì không chịu nổi sức ép từ cha mẹ bắt con phải học hành và chọn nghề nghiệp theo ý muốn của mình. Một người cha trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có con vừa tốt nghiệp bác sĩ y khoa, và sợ không ai biết đến vinh dự này, để khoe danh, ông chỉ còn cách đăng một cột báo chúc mừng chính con ông. Cũng cách đây hai năm, trên đài SBTN, trong mục Tử Vi hàng tuần, một khán giả đã gọi vào. Câu hỏi của vị này là con trai ông sinh vào giờ này, ngày này, năm này, về sau khi lớn lên có học bác sĩ được không? Xin nói thêm là lúc đó cậu con trai mới ba tuổi rưỡi. Bác sĩ là gì mà người ta ham muốn đến mức cuồng nhiệt như thế. Nghề thầy thuốc mà ta thường gọi là thày lang dưới thời phong kiến xa xưa là nghề cứu nhân độ thế và dân chúng cũng chỉ gọi là Thầy, nghề Thầy Lang là ghế gia truyền, hay dược truyền dạy giới hạn, cũng cao quý như Thầy Dạy Học, và bệnh nhân đền đáp ơn Thầy bằng tình nghĩa, lấy lễ vật mà tạ ơn Thầy. Ðến thời Pháp thuộc, đem văn minh đến cho dân bản xứ, người Pháp mở bệnh viện Tây Y, đào tạo bác sĩ y khoa, con số bác sĩ lúc bấy giờ rất hiếm hoi, một số được du học từ Pháp, một số được đào tạo tại chỗ như trường Y sĩ Ðông Dương, Hà Nội. Vì trường dạy bằng tiếng Pháp, việc học tốn kém nên chỉ có con nhà giàu hay con cái quan chức thuộc địa mới có thể trở thành bác sĩ. Thời đó, một bệnh viện tỉnh may ra mới có một bác sĩ, được trọng nể, quyền hạn tối đa và người dân thường gọi là Quan Ðốc. Tâm lý của bệnh nhân, nhất là trong giới bình dân, ít học, gặp trường hợp thân nhân đau ốm nặng, nguy hiểm, “thập tử nhất sinh” sinh ra tâm lý cầu khẩn, kêu nài, van xin cứu mạng mà không nghĩ đó là bổn phận của người thầy thuốc ăn lương nhà nước. Tâm lý của bệnh nhân và sự ưu đãi của chính quyền dần dần đưa đến chỗ người bác sĩ coi bản thân mình là quan trọng, quyền uy, dù cả chục năm sau, ngay thời chúng ta đã thoát nô lệ, thành lập nền dân chủ. Người ta kể chuyện trong một đơn vị quân đội, một bác sĩ trưng tập mang cấp bậc trung úy, khi một người lính đến xin chữa bệnh, đã vô tình gọi ông là “Trung Úy” mà không gọi là “Bác Sĩ”, đã phán rằng: “Anh về kêu ông Trung Úy Ðại Ðội Trưởng của anh chữa bệnh cho anh đi!” Xã hội Việt Nam dưới hai thời Cộng Hòa cho đến khi di cư ra nước ngoài cho đến bây giờ vẫn còn quá nhiều gia đình trọng vọng, cho bác sĩ là giới thượng lưu trí thức (kể cả việc kiếm nhiều tiền), nên theo lề thói này, cha mẹ hãnh diện có con ra trường bác sĩ, mỹ nhân cũng mơ ước có chồng bác sĩ, bác sĩ là “top ten” trong nấc thang danh vọng và địa vị trong xã hội. Ðó là quan niệm của một xã hội đã quá cũ, có thể nói là cổ hủ của những người lớn tuổi có thể hiện nay không còn thích hợp với trào lưu mới và khác với quan niệm của lớp trẻ lớn lên tại hải ngoại hiện nay. Ðể trở thành một Y Khoa Bác Sĩ, ngoài sự thôi thúc, ép buộc của cha mẹ, các vị bác sĩ tương lai phải trải qua nhiều thử thách hy sinh, và chịu đựng lớn lao mà ngay cả cha mẹ cũng khó thông cảm và hiểu cho con, đó là chưa nói đến số tiền nợ vay khổng lồ thường lên đến nhiều trăm nghìn đô la mà sau khi tốt nghiệp họ phải hoàn trả. Trong bài này chúng tôi chỉ nói đến những bác sĩ tốt nghiệp từ các Ðại Học Mỹ. Về khả năng học vấn, muốn học y khoa, sinh viên phải tốt nghiệp Cử Nhân (B.S.) ngành sinh học (Biology) mất 4 năm + 4 năm tại một trường y khoa + 4 đến 8 năm cho chương trình bác sĩ nội trú (residency), tùy theo ngành chuyên khoa (specialty). Thời gian nội trú là thời gian làm việc hầu như không công cho bệnh viện. Họ được trả lương, trung bình 45,000/năm, nhưng phải làm việc từ 80-120 giờ mỗi tuần. Bác sĩ nội trú làm việc rất căng thẳng, nhiều khi thiếu ngủ. Sớm lắm một bác sĩ ra trường cũng đã đến tuổi 32. Một thời gian dài vùi mình vào sách đèn, tốn kém, căng thẳng, gần như đốt hết tuổi thanh xuân. Sinh viên phải có điểm trung bình GPA (Grade Point Average) từ 3.0 trở lên, là một trong những yếu tố cạnh tranh gay gắt lúc nạp đơn xin nhận vào trường Y. Muốn được nhận vào học, ứng viên phải có điểm MCAT (Medical College Admission Testing) thật cao vì chỗ học có giới hạn tùy theo trường. Nếu muốn chọn những trường danh tiếng (và học phí cao) như Harvard, John Hopkins, Princeton, University of Pennsylvania, v.v. ứng viên phải thật xuất sắc về mọi phương diện: Ðiểm GPA cao, điểm MCAT cao, thư giới thiệu (recommendations) của giáo sư hay những nhân vật kiệt xuất trong ngành Y có tính thuyết phục, bài luận văn (essay) tạo được ấn tượng nơi người đọc (các viên chức đảm trách việc xét đơn), ứng viên còn phải chứng minh tiềm năng và khả năng của mình qua một cuộc phỏng vấn (oral interview) gay go. Yếu tố tài chánh cũng rất quan trọng: Khi chọn trường để nạp đơn, ứng viên phải có một số tiền lên đến hàng ngàn dollars: tiền nạp đơn (application fees), cho nhiều trường Y (từ 5 đến 7 trường) để chờ được phỏng vấn, chưa nói đến chi phí di chuyển và ăn ở trong vòng từ 3 đến 5 ngày cho mỗi nơi được gọi. Học Y ở giai đoạn này cần một số tiền lớn để trả học phí từ 25,000 đến 50,000/năm, tiền chi tiêu (nhà ở, ăn uống, tiêu vặt) và tiền mua sách. Tiền sách không phải là nhỏ, có khi còn tốn kém hơn cả tiền ăn tiêu là khác! Vì thế mà sinh viên Y khoa trông cậy vào Student loan, và sẽ nhắm mắt ký giấy vay nợ không một chút ngần ngại. Số tiền vay nợ này lên đến hàng trăm nghìn dollars. Ngay sau khi ra trường sinh viên phải hoàn trả số tiền nợ này cho đến hết. Cuộc đời bác sĩ bắt đầu bằng những khó khăn khác, trước hết, phải hành nghề để có tiền trang trải món nợ khổng lồ họ vay mượn trong thời gian theo học. Có người chọn giải pháp hành nghề cho chính phủ trong một thời gian nhất định ở vùng xa xôi như Alaska chẳng hạn để được xóa nợ. Ðiều này có nghĩa là phải sống nhiều năm ở những nơi hẻo lánh, xa gia đình. Có một số khác may mắn hơn, được tuyển phục vụ cho quân đội để được xóa nợ hay giảm nợ. Phần còn lại hành nghề trong các bệnh viện, các tổ hợp bác sĩ hay mở phòng mạch riêng của mình. Và áp lực của việc hành nghề, mức thu nhập và việc trang trải nợ nần, chính là mối quan tâm hàng đầu của một bác sĩ y khoa. Chi phí bảo hiểm hành nghề (malpractice insurance) ngày càng cao chất ngất vì hậu quả của những vụ kiện bác sĩ cùng với số tiền bồi thường lên đến hàng triệu hoặc chục triệu dollars mỗi vụ, các công ty bảo hiểm không ngần ngại tăng tiền bảo hiểm. Có những ngành chuyên môn như sản phụ khoa (obstetrics-gynecology) bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thập niên 1980-1990, nhiều bác sĩ sản phụ khoa đã phải bỏ nghề chuyên môn của mình chỉ vì không thể đóng nổi số tiền bảo hiểm! Áp lực làm ra tiền để trang trải nợ nần chi phí có lúc đã đẩy đưa các bác sĩ y khoa vào con đường phạm pháp: gian lận medicare, gian lận bảo hiểm, bán toa thuốc, đã xẩy ra trong cộng đồng. Rất may đây cũng chỉ là một số ít, nhưng cũng đã nói lên được mặt bên kia của đồng tiền! Nhiều bậc cha mẹ đã không hiểu con, trước hết là quan điểm sống và những nghề nghiệp phù hợp với mỗi con người. Có cha mẹ bắt con học y khoa nhưng con sợ máu và sợ tử thi. Con cái có thể chọn nghề mà chúng thích chứ không phải nghề hái ra tiền theo quan niệm quá xưa của cha mẹ. Cái danh mà cha mẹ bắt con phải đạt đến không phải là cái tuổi trẻ ngày nay trong xã hội này đi tìm. Cha mẹ không hiểu tâm tính, nguyện vọng của con cái và ngược lại, đó là một trong những nguyên nhân tạo nên tấn bi kịch của gia đình. Phụ huynh ép con theo quan niệm của mình thì than thở rằng: xã hội, thời đại mới thay đổi, con cái phá hỏng truyền thống đạo đức, thành lũy gia đình. Trong khi đó, các bạn trẻ thì thấy mình bị đè nén, bị hy sinh, bị tước mất tự do định đoạt cho đời mình và cần phải phản kháng. Phản kháng nào cũng gây nên thảm kịch. Chúng tôi cũng biết rằng những bậc cha mẹ ép con phải học để trở thành bác sĩ cũng chỉ vì lo cho tương lai của con, mặc dù con đường đi đến tương lai không phải chỉ là một con đường duy nhất. Cha mẹ cũng không phải để cậy nhờ lúc con thành tài, mà chỉ vì cái danh “bác sĩ” đã nhiều năm trong xã hội Việt Nam, tích lũy thành một thứ hào quang, để hãnh diện, ganh đua, thôi thúc con cái đi theo con đường của mình mà quên mất bản sắc, cá tính cũng như những nguyện vọng của con là những người mà họ hết lòng thương yêu, lo lắng. Thế hệ xưa cũ và những quan niệm lệch hướng của thời chúng ta đã qua rồi, nên để cho con cái của chúng ta quyết định lấy cuộc đời theo sở nguyện của chúng. Trở thành một bác sĩ y khoa, hay không, đâu phải là cái gì ghê gớm lắm cho một đời người.
|