Home Tin Tức Bình Luận Trả lại sự thật cho lịch sử

Trả lại sự thật cho lịch sử PDF Print E-mail
Tác Giả: V.A.   
Thứ Bảy, 13 Tháng 3 Năm 2010 12:24

Ðây là một công trình đầy khó khăn, đòi hỏi sự đóng góp của thật nhiều những bàn tay

 

Ngày 30 tháng 4 tới đây là ngày đánh dấu 35 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc với nhiều u uẩn cho cả một quân đội đang chiến đấu dũng mãnh bỗng bị đẩy vào vào một tình thế bi thảm: Ðạn dược và những phương tiện chiến đấu khác cạn kiệt. Cuối cùng, họ đành thúc thủ trong một cuộc chiến mà kẻ xấu đã được dàn xếp để đội vòng nguyệt quế do những mưu toan chính trị đen tối từ Washington, từ Paris, từ Bắc Kinh.

Ngày nay, nếu bước vào các cửa tiệm sách ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể nhận ra hàng trăm tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của các tác giả Mỹ, những cuốn hồi ký của những nhà lãnh đạo quốc gia và những nhà lãnh đạo quân sự, những chiến lược gia Hoa Kỳ có liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Nhưng nếu đọc các cuốn sách ấy, một người Việt Nam có cảm tưởng cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến giữa Mỹ và Cộng Sản Bắc Việt trong khi QLVNCH chỉ là những hình ảnh mờ nhạt bên cạnh những sai lầm của các chiến lược gia Hoa Kỳ.

Sai lầm, nói dối, chủ quan và thiếu tinh thần đồng minh, các chính phủ Hoa Kỳ đã phủi tay. Ba mươi lăm năm sắp qua, nhìn lại đống tro tàn của lịch sử, chúng ta vẫn còn những canh cánh trong lòng, nhưng không ai muốn cứ khóc than mãi cho những vết thương khó kéo được da non. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể cứ để cho lịch sử bị chôn vùi mãi dưới những lớp bụi sai lạc và không công bằng. Tại sao?

Tuy là một quân đội thua trận và phải lưu lạc khắp nơi trên thế giới, nhận những quốc gia khác làm quê hương thứ hai của mình, nhưng các cựu quân nhân trong QLVNCH vẫn còn là những nhân chứng sống cho cả một giai đoạn chiến trận, vinh có, nhục có, chiến thắng có, thất bại có. Thế nhưng, giữa những khối mầu sắc đậm nhạt của lịch sử vào những thập niên chiến tranh ngăn làn sóng đỏ, những đóng góp của một quân lực từng nổi tiếng là hùng mạnh vào hàng thứ tư trên thế giới như QLVNCH không thể bị tước đoạt bởi một khối nhà báo Mỹ ngạo mạn và thiếu công bằng khi viết về cuộc chiến Việt Nam.

Những nhân chứng sống cho cuộc chiến đấu ấy còn rất nhiều trong các cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Pháp, ở Bắc Âu, ở Anh và Việt Nam. Chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày khi mở những trang cáo phó, phân ưu, tìm thấy những người lính già từng một thời ngang dọc trên các chiến trường nối tiếp nhau trở thành người thiên cổ, mang xuống tuyền đài tấm lòng u uẩn, những chiến công và cả những thất bại của một đời đánh đông, dẹp bắc.

Cho đến nay, những sử liệu chiến tranh Việt Nam được giải mật đã cho thấy một câu trả lời rất rõ ràng: Nếu chúng ta có những nhà lãnh đạo bản lãnh hơn và một đồng minh thành thật hơn, người dân Việt Nam hiện nay không phải sống trong hoàn cảnh hèn mọn của những con người bị người Cộng Sản cướp đi những quyền thiêng liêng nhất.

Chúng ta có thể tin tưởng như vậy. Bởi vì ngay trong một cộng đồng nhỏ bé của bất cứ một thành phố nào trên đất Mỹ, đất Úc và Âu Châu, chúng ta cũng vẫn có thể tìm ra những cựu binh VNCH mà những chiến công còn ghi rõ trên những tấm huy chương đeo trên ngực áo của họ vào mỗi khi họ cần mặc lại những bộ quân phục trong các dịp họp mặt hay lễ lạt.

Và mới đây, một tin rất cảm động: Ðó là một hội nghị nhan đề: “35 năm nhìn lại: Trả lại sự thật cho lịch sử.” Theo lời giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một người trong ban tổ chức, khởi thủy ý kiến tổ chức hội nghị này vào dịp tưởng niệm 30 tháng 4 năm nay là do một số những người còn có tấm lòng với dân tộc và QLVNCH đưa ra. Sau đó, những người bạn Mỹ có cảm tình với VNCH cũng đã đồng ý đứng trong hội nghị. Ðài SBTN ở Washington, DC, cũng sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào hội nghị với những bản tin và phóng sự chung quanh cuộc hội ngộ đáng chú ý này.

Theo những tin tức từ ban tổ chức, những người tham dự sẽ thảo luận rất chi tiết những trận đánh lừng danh trong quân sử VNCH như An Lộc, Quảng Trị, Tết Mậu Thân. Ai cũng hiểu rằng, những trận đánh vừa kể không có sự trợ chiến trực tiếp của Hoa Kỳ. QLVNCH đã dùng những vũ khí đạn dược được Hoa Kỳ viện trợ và tự mình chiến đấu, bảo vệ hay tái chiếm những phần đất đã mất. Họ thừa khả năng đứng vững trước một đối phương quân số lớn hơn gấp bội và mở cuộc tấn công sau khi đã thỏa thuận hưu chiến. Ngoài những trận đánh này, không thiếu gì những trận khác từ Quảng Trị đến Cà Mau, quân lực của chúng ta cũng toàn là “tự lực chiến đấu,” chứ đâu có phải trận nào cũng phải có Mỹ nhúng tay vào. Ðịa phương quân, nghĩa quân - lực lượng diện địa VNCH - có bao giờ được sự tiếp tay chiến đấu của quân Mỹ mà sau họ cũng phá vỡ được những trận công đồn đả viện của Việt Cộng?

Chúng ta không thể phủ nhận sự quan trọng của viện trợ quân sự và sự huấn luyện của Mỹ cho QLVNCH, nhưng nếu ở mặt trận nào có hành quân hỗn hợp thì mũi dùi chính vẫn là VNCH. Cho nên, bảo rằng cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến giữa Mỹ và CSVN là sai lệch, là thiên vị. Bây giờ nếu chúng ta yêu cầu những tác giả Hoa Kỳ đính chính và sửa lại những tác phẩm của họ thì chắc là không đời nào những ông quan báo chí Mỹ đó đồng ý. Tốt nhất là chúng ta cùng nhau tự sửa lại, với những hội nghị liên tiếp hàng năm như thế này. Trong những hội nghị đó, chúng ta chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu những tài liệu từ những nguồn gồm những nhân chứng sống: Mời các cựu tướng lãnh, các sĩ quan các cấp, các hạ sĩ quan, binh lính thuộc các quân binh chủng, kể cả quân báo, tâm lý chiến nói chuyện trước hội nghị.

Sau đó, hội nghị cần thiết lập các ủy ban để tập trung các tài liệu, nghiên cứu đối chiếu với kho tài liệu đã giải mật của Hoa Kỳ, mời gọi tất cả những nhân chứng kể lại cuộc chiến đấu của mình. Theo như tôi biết hiện nay, những tập san như Tập San Biệt Ðộng Quân, KBC Hải Ngoại, Ða Hiệu, những đặc san của các hiệp hội cựu quân nhân, có những tài liệu quí giá do chính những nhân chứng kể lại. Chúng ta liệu có thời giờ, phương tiện và khả năng tập trung, biên tập lại và nếu cần thì đối chiếu để mỗi năm ấn hành được một tập kỷ yếu chỉ với một mục đích là “trả lại sự thật cho lịch sử” hay không? Nếu được, sẽ dịch ra Anh ngữ và chuyển đến Quốc Hội Mỹ, chính phủ và các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ.

Ðây là một công trình đầy khó khăn, đòi hỏi sự đóng góp của thật nhiều những bàn tay, khối óc của các cựu quân nhân VNCH cũng như những nhân chứng không phải là lính. Nhưng, theo tôi, không có khó khăn nào mà chúng ta không vượt qua được nếu mọi người từng mặc áo lính hay chưa mặc áo lính còn giữ được lòng nhiệt thành muốn trả lại sự thật cho lịch sử Việt Nam.

Ðó là ý kiến đóng góp của tôi với tư cách một nhà báo với hội nghị “35 năm nhìn lại: Trả lại sự thật cho lịch sử.” Cho tới nay chúng ta mới mở được một hội nghị như thế này cũng là muộn rồi, nhưng nếu đoàn kết và gạt bỏ những khác biệt để cùng thực hiện một mục tiêu chung, chúng ta vẫn còn cơ hội.