Home Tin Tức Bình Luận Một câu chuyện âm nhạc

Một câu chuyện âm nhạc PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Hai, 15 Tháng 3 Năm 2010 15:01

 một nhà văn nổi tiếng hiện nay của Nga khẳng định chính nhạc rock mới là lý do gây nên sự sụp đổ của Liên Xô.

Hôm nọ tôi đọc được trên tờ International Herald Tribunes, ấn bản quốc tế của tờ New York Times, một bài trong đó một nhà văn nổi tiếng hiện nay của Nga khẳng định chính nhạc rock mới là lý do gây nên sự sụp đổ của Liên Xô.

Nghe ra thì có vẻ như ông ta ngụy biện. Nhưng Vladimir Sorokin là một con người có tài thuyết phục. Xin phép trước hết mở ngoặc để nói về Sorokin bởi tên tuổi ông còn ít được biết đến ở ngoại quốc. Ông được coi là văn sĩ nổi tiếng và được ưa chuộng nhất trong số các nhà văn hậu hiện đại của Nga. Trong nhiều năm thời còn Liên Xô, văn ông bị cấm và chỉ được lén lút xuất bản ngầm. Một phần có lẽ văn ông được ưa chuộng vì những điều mỉa mai mà ông viết hợp với tâm trạng của người Nga.

Một cuốn tiểu thuyết gần đây của ông chẳng hạn, A Day in the Life of an Oprichnik, tả lại một nước Nga quái đản vào năm 2028, với một Sa Hoàng ở điện Kremlin, nhưng tiếng Nga đã lai nhiều chữ tiếng Hán, và để bảo vệ cho quốc gia chống lại các nước láng giềng, một “Vạn lý trường thành Nga” đã được dựng lên.

Âm nhạc, Sorokin giải thích, là nghệ thuật toàn hảo nhất, bởi như Pasternak nói nó có khả năng “ám ảnh cao nhất”. Và bởi vậy, hậu quả của cú shock âm nhạc rất khó tiên đoán. Nó có thể thay đổi con người toàn diện, từ ý thích, cảm tình, luân lý, ngôn ngữ, quần áo và đến cả chính trị nữa.

Sorokin kể là cũng như tất cả người dân Liên Xô, âm nhạc đối với ông khởi đầu rất bình thường. Âm nhạc thời thơ ấu của ông là âm nhạc cổ điển của Schumann, của Bach và của Beethoven. Âm nhạc như vậy êm đềm, như tiếng nhạc piano, êm ả, lười biếng như ngày hè, nhưng không tạo chấn động.

Chấn động đến với ông vào một buổi chiều tháng 9 năm 1972, trong apartment của người bạn học tên là Vitya. Hè năm đó, Vitya đã được tham dự giải vô địch ping pong sinh viên thế giới và đã mang về từ thành phố Stockholm xa vời ba đĩa hát: Led Zeppelin's II, Deep Purple's Machine Head và Uriah Heep's Look at Yourself. Năm đó ông 18 tuổi và ông nói là không hoàn toàn “thất học” đối với nhạc pop. Những “Beatli”, “Rollingi” và Monkees vẫn thường vẳng ra từ những tape recorders của các bạn, mở ra những âm thanh xa lạ, mới mẻ và những không gian kỳ lạ. Nhưng tất cả những cái đó mới chỉ là nhạc dạo, là một sự chuẩn bị, chờ một cái gì đó làm cho máu chảy nhanh hơn trong cơ thể họ. Và việc đó đã xảy ra khi Vitya bỏ Zeppelin vào máy và “Whole Lotta Love” bùng lên trong tiếng thét kêu gọi.

Ông bảo những nút chai chặn lỗ tai của ông do âm nhạc êm dịu của Liên Xô đã bị văng ra. Và não bộ của anh chàng thanh niên Sorokin đã bị một sự thay đổi sinh hóa không bao giờ có thể lật ngược lại được. Nó là một bài học không thể quên được của tự do. Và có lẽ đó cũng là ngày mà ông đã tự nhiên trở thành một kẻ bất phục, một người chống đối, một dissident.

Ông nhớ lại một ca sĩ trong một ban nhạc rock thời đó đã kể với ông là khi lần đầu tiên nghe The Beatles thì ông ta đã cảm thấy như những cái gối đã rớt khỏi lỗ tai ông ta. Trước đó, một nhà văn Nga đã có một cảm giác tương tự khi lần đầu tiên ông ta được nghe nhạc Jazz Mỹ. Ông nói đối với thế hệ của ông, những chiếc gối phủ lỗ tai họ đã bị đánh bật ra bởi nhạc Hard rock. Và từ đó, ông và các bạn ông không còn nghe được âm nhạc của Liên Xô nữa. Họ bắt đầu mời các ban nhạc rock chui đến trình diễn cho các party của sinh viên. Họ chơi những bản nổi tiếng. Và ông còn nhớ là mấy cô bạn gái không hài lòng, vì trong những party này không ai chịu nhảy cả, họ chỉ ngồi và lắng nghe. Và bài học tự do tiếp tục.

Và đó là lý do ông khẳng định là sự kết thúc của thời đại Liên Xô, mà người ta nay thường giải thích đã sụp đổ vì cuộc khủng hoảng dầu hỏa thời thập niên 1980, thực ra đã là vì nhiều triệu nút chai bịt lỗ tai của thanh niên đã bị bung ra. Ðầu óc của các thanh niên Liên Xô đã được khai sáng bởi nhạc rock. Jimi Hendrix, khi la hét với cây đàn Fender Stratocaster, đã không biết là có công hiệu gấp mấy lần trong việc phá hủy tâm hồn Liên Xô so với Solzhenitsyn và “Quần đảo ngục tù”.

Và một phần của sức tàn phá như sóng thần của nhạc rock đối với chế độ Liên Xô cũng vì các ca sĩ này hát bằng tiếng Anh, ngôn ngữ của Tây phương, một ngôn ngữ bị cấm bởi nếu không phải là bức màn sắt thì cũng là bức màn gỗ. Sau khi học tiếng Anh qua kiểu “Khi ông Lenin đi Luân Ðôn”, ông và các bạn khó khăn lắm mới hiểu nổi tiếng Anh của các bản nhạc rock. Nhưng một khi hiểu rồi thì họ cho điều mà ông gọi là Anglo-rock trở thành âm thanh của thiên thần. Họ tìm ra đủ mọi ý nghĩa từ âm nhạc này. Và họ làm cho các thanh niên Nga ao ước những ước mơ không thể đạt được như được nghe Zeppeliny hay Rollingi trình diễn ở Moscow. Nhưng năm 1972 thì chỉ có mọc cánh bay mới có thể vượt được bức tường gỗ của Brezhnev. Mấy tên lãnh tụ già nua của Bộ Chính Trị từ chối không cho họ nghe âm thanh thần thánh đó. Và ông bảo ông có thể tha thứ cho chế độ xấu xa của Liên Xô, nhưng điều mà ông không thể tha thứ là không cho một ban nhạc rock Tây phương nào vào Moscow trong thời thập niên 1970.

Câu chuyện của Sorokin làm tôi nhớ lần đầu tiên tôi về Hà Nội hồi năm 1994. Lúc đó Hà Nội còn buồn chán lắm. Ðêm đến 10 giờ ra đường chẳng còn ai cả. Cả thành phố chỉ có mỗi một tiệm cơm Tây, một tiệm Fish & Chips do một ông người Úc đến mở. Nhưng thanh niên Hà Nội năm đó cũng bắt đầu mê nhạc lạ. Họ rất thích “nhạc vàng” tức là “nhạc Sàigòn trước năm 1975”, và nhạc ngoại quốc.

Trong khách sạn mini tôi ở, cô giữ két là một cô sinh viên học Anh văn. Cô cảm thấy bực tức vì tiếng Anh trường dạy không giúp cô hiểu được lời hát của Bon Jovi hay Aerosmith. Cô thường nhờ tôi ghi lại lời của các bản nhạc này. Cô bảo cô chỉ ao ước có thể trở thành ca sĩ. Ban đêm khi cô nghỉ, khách sạn có một cậu ngồi canh. Cậu này, cũng sinh viên, thì chỉ mê nhạc vàng. Có một lần cậu hỏi tôi “Cô ơi, hồi đó ở Sài Gòn người ta cho hát bài Kỷ vật cho em hả cô?” Tôi gật đầu bảo “Cho hát chứ. Bài đó có gì đâu mà không cho hát.” Cậu ta lắc đầu “Bài đó phản động lắm, chống chiến tranh. Cháu tưởng phải bị cấm chứ!” Tôi ngồi giải thích cho cậu cuộc sống ở miền Nam hồi trước. Nghe xong cậu thở dài “Không biết bao giờ ở đây mới được như vậy.”

Tiếc thay tiếng nhạc của miền Nam cũ và của Bon Jovi đã không làm được điều mà Sorokin bảo nhạc rock đã làm cho Liên Xô. Nhưng nghĩ lại, có thể mầm mống đó cũng đã bắt đầu thâm nhập vào tâm hồn thanh niên.