Phá sản một âm mưu "Tự diễn biến" của CSVN đối với Giáo hội VN |
Tác Giả: Nữ vương Công lý | |||
Chúa Nhật, 11 Tháng 4 Năm 2010 22:29 | |||
"Thì Giáo hội đã có bao giờ hiệp nhất đâu mà sợ chia rẽ". Có một ít người cho rằng nói đến những điều này là nhạy cảm, là làm chia rẽ trong nội bộ Giáo hội. Tuy nhiên, nội bộ Giáo hội như thế nào chẳng cần phải sợ chia rẽ nếu thực sự đã có thống nhất và hiệp thông. Nếu đã chia rẽ thì cũng không vì nói ra sự thật mà chia rẽ thêm. Một nguyên Giám mục đã nói rằng: "Thì Giáo hội đã có bao giờ hiệp nhất đâu mà sợ chia rẽ". Hội nghị thường niên của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã kết thúc với một thư ngắn đề cập vài ba vấn đề gửi cộng đồng dân Chúa như bao cuộc họp khác. Nhưng cuộc họp này lại thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng dân Chúa khắp nơi. Giáo dân chú ý không phải bởi những vấn đề được nêu ra như bức thư đã đề cập về niềm hân hoan với Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện thành công vì sự kiện đó ai cũng đã biết. Chẳng phải bởi những lời kêu gọi giáo dân tích cực tham gia các sự kiện sắp tới cho hoành tráng bằng "lời cầu nguyện, bằng những góp ý chân thành và bằng cả sự trợ giúp vật chất theo khả năng của mình" để "Tất cả đều nhằm xây dựng sự hiệp thông trong giáo hội vốn là mục tiêu hàng đầu của Năm Thánh này". Sự hiệp thông được kêu gọi toàn thể dân Chúa, hẳn là loại trừ HĐGMVN? Bởi những sự kiện vừa qua đã chứng minh rằng ngay trong HĐGMVN đã thiếu hoặc có thể nói là không có sự hiệp thông. Người ta chú ý cũng không bởi bức thư có nói về Năm Thánh Linh mục, mà trong năm thánh đó các linh mục bị đánh đập vỡ mặt các Giám mục cũng lặng im. Cũng không phải với những dự định sắp tới và những lời suy tư rằng tinh thần hiệp nhất, sự thông công và tình yêu mến nhau như các môn đệ Đức Giêsu thuở nào. Người ta chú ý, bởi cuộc họp này đã diễn ra sau những cuộc mặc cả gay gắt, phức tạp và những diễn biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Cuộc mặc cả đó như thế nào? Những thông tin đáng tin cậy cho biết: Vấn đề gây nhức nhối nhất cho nhà cầm quyền hiện nay là quyết tâm "đẩy" Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội bằng nhiều thủ đoạn. Từ những đòn nhơ bẩn của truyền thông đã bị vạch mặt đến những ngón đòn ly gián thâm hiểm giữa các Giám mục, các linh mục và giáo dân... Những ngón đòn đó không có mấy tác dụng ở TGP Hà Nội. Một trong những con bài được dùng đến là vấn đề thiết lập bang giao với Tòa Thánh Vatican được đem ra sử dụng triệt để. Người ta còn nhớ, năm trước, khi tình hình ở TGP Hà Nội căng thẳng nhất, là lúc Hà Nội chủ động mời đoàn Tòa Thánh Vatican sang để "họp bàn thiết lập quan hệ ngoại giao" (?) Khi đó, nhiều người đã hiểu rằng việc này chủ yếu là để mượn tay Tòa Thánh giải quyết vấn đề của Giáo hội VN với nhà nước, nhất là ở TGP Hà Nội. Nhưng cuộc họp đã không đem đến kết quả như Hà Nội mong đợi. Sau đó nhà cầm quyền Hà Nội đã "bật đèn xanh" cho Hội Đồng Giám mục VN rằng Hà Nội sẵn sàng mời Đức Giáo Hoàng sang thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Được lời như cởi tấm lòng, trong chuyến AdLimina tháng 6/2009, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chính thức đặt lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam. Trong cuộc viếng thăm Vatican 12/2009, ông Nguyễn Minh Triết khi triều yết Giáo Hoàng cũng đã đưa lời mời đến Đức Giáo Hoàng sang thăm Việt Nam. Tưởng rằng con mồi đã cắn câu, nhà cầm quyền VN bằng con đường bí mật thông báo với Vatican rằng: "Mọi vấn đề đón tiếp Giáo Hoàng không có gì khó khăn với VN, chỉ còn một sự "tắc nghẽn nhỏ" là quan hệ giữa Tòa TGMHN do TGM Ngô Quang Kiệt dẫn đầu và chính quyền Hà Nội. Nếu vấn đề này khai thông được thì Giáo Hoàng có thể đến thăm Việt Nam và được dành cho sự đón tiếp trọng thị". Trả lời yêu cầu này của Hà Nội, Tòa Thánh đã trả lời nước đôi: "Việc này chỉ có thể giải quyết được nếu được sự nhất trí của HĐGMVN là địa phương đề xuất". Một nguồn tin cho biết, một cán bộ khẳng định đã nhìn thấy tận mắt văn bản này từ Ban Tôn giáo. Với HĐGMVN, việc đón tiếp được ĐGH trong nhiệm kỳ này rất quan trọng, đánh dấu một điểm mốc của thời kỳ "vàng son" của HĐGMVN. Biết điều đó, chính quyền hứa: "Nếu HĐGMVN góp phần giải quyết được ách tắc ở Hà Nội, thì việc đón ĐGH là điều rất dễ dàng với mọi điều kiện ưu tiên. Chẳng hạn ĐGH sẽ được đến cả ba miền Bắc, Trung, Nam, chuyến đi sẽ được nhà nước VN cho truyền hình trực tiếp, ở HN sẽ được dùng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình làm nơi đón tiếp thật hoành tráng..." Những lời hứa với một viễn cảnh tương lai đẹp như "Thiên đường xã hội chủ nghĩa" đã làm nhiều vị "say men chiến thắng" và những cuộc mặc cả đã bắt đầu để "giải quyết bế tắc". Nhiều phương án đã được đặt ra nhằm giải quyết "êm đẹp" vấn đề TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội. Về nhân sự, một phương án được đưa ra là chuyển GM Nguyễn Văn Khảm ra Phát Diệm làm bàn đạp để đưa lên Hà Nội trong một thời gian ngắn sau đó. Nhưng phương án này đã không thực thi được khi GM Nguyễn Năng được tấn phong tại Phát Diệm. Trong buổi tấn phong đó, cách hành xử đối với TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ vị trí ngồi đến không một lời cảm ơn của Ban tổ chức đã gây một số thắc mắc cho báo chí và giáo dân. Nhưng cũng tại buổi tấn phong này, tấm lòng giáo dân đã thể hiện hết sức sống động tình cảm, niềm tin và sự yêu mến Đức Tổng Giám mục Hà Nội đã làm nhiều người "choáng" và tất nhiên nhiều vị đã không hài lòng. Nhưng dù có hài lòng hay không, thì lòng dân là vẫn là gốc của mọi vấn đề. Chính vì lòng dân như vậy mà có một số vị dù rất muốn tiến bước để ngồi vào cái ghế "TGM Hà Nội" đã phải chùn chân. Thậm chí, để đưa TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi HN, nhà nước VN còn đề nghị lập thêm hai TGP mới là TGP Vinh - Thanh và một TGP ở Miền Nam để đưa TGM Giuse về một trong hai nơi, miễn là ra khỏi Hà Nội. Phương án đưa một Giám mục đến tuổi nghỉ hưu ra Hà Nội để thay Đức TGM Giuse trước đó được tính đến đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của giáo dân Hà Nội và mọi tầng lớp khác đã buộc phải hủy bỏ. Đề con bài này có giá hơn, gần đến ngày Hội nghị thường niên HĐGM họp, nhà cầm quyền Hà Nội đã tự ý hoãn lại cuộc họp hỗn hợp bàn về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican mà lẽ ra được tiến hành trong các ngày 20/23 để tỏ ra rằng VN không cần thiết và thăm dò phản ứng. Để giải quyết được vấn đề "bế tắc", cuộc họp khai mạc thời điểm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đang chữa bệnh ở Vatican sẽ có chương trình bàn về nhân sự vào sáng 9/4/2010, theo nguồn tin chúng tôi có, có thể trong việc bàn bạc này hai nhân sự được đưa ra là GM Nguyễn Văn Nhơn hoặc GM Nguyễn Văn Khảm, Chủ tịch HĐGM sẽ được đề cử và để Hội nghị quyết định. (Trước đó GM Nguyễn Văn Nhơn đã có thăm dò để chuyển ra HN, nhưng đã không được sự ủng hộ). Dường như nắm chắc những kế hoạch, những dự tính của một số vị trong HĐGMVN về việc bố trí nhân sự và kế hoạch hội nghị, nhà cầm quyền Việt Nam chắc mẩm rằng mọi việc sẽ được diễn ra êm đẹp theo đúng ý nhà nước đề ra. Vì vậy, trong cuộc họp giao ban báo chí sáng thứ 3 hàng tuần vào sáng 6/4/2010 (khi hội nghị bắt đầu khai mạc), Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã chỉ thị cho báo chí "sắp tới khi ông TGMHN Ngô Quang Kiệt thôi chức, báo chí không được đưa tin mà cứ coi đó là việc nội bộ riêng của công giáo". Những phản ứng tức thời của mọi tầng lớp giáo dân, những người yêu sự thật, công lý đã lập tức bùng lên khi những điều đó được bạch hóa trên Nữ Vương Công Lý ngay từ tối 6/4/2010 và được các phương tiện truyền thông tiếp loan đi rộng rãi. Chúa Thánh Thần ra tay Sáng 9/4/2010, bất ngờ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt về Hà Nội trước sự ngỡ ngàng của chính Tòa TGM Hà Nội và linh mục đoàn TGP Hà Nội. Khi nhận được tin lên đến sân bay, thì Ngài đã xuống khỏi máy bay. Đây thực sự là một bất ngờ lớn nhất kể từ đầu năm 2010 đến nay. Sau khi Đức TGM Giuse về Hà Nội, HĐGMVN đang dự tính cuộc họp bàn về nhân sự sáng 9/4/2010 đã nhận được thông tin và cuộc họp đã không được tiến hành như dự định và việc mời Đức Giáo Hoàng sang thăm Việt Nam cũng đã không được nhắc đến dù HĐGMVN đã có lời mời chính thức. Cả ngày 9/4/2010 các GM nghỉ ngơi chờ đến 10/4/2010 dự Thánh lễ cung hiến Nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa. Những sự việc diễn ra trong mấy ngày qua, nhất là trong cuộc họp thường niên quan trọng này không như kế hoạch đã sắp xếp của một số nhân vật theo đường lối thỏa hiệp, im lặng hoặc với chiêu bài "đối thoại" thậm chí là để thao túng cả HĐGMVN rất bất ngờ mà còn làm cho nhà nước Việt Nam cũng hết sức lúng túng. Như vậy, một "âm mưu diễn biến hòa bình" - nói theo cách thường dùng của nhà nước cộng sản - được đem ra áp dụng trong lòng Giáo hội Việt Nam đã bị phá sản. Điều đó đã xảy ra không thể nói gì khác hơn rằng mọi việc không thể vượt ra khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa đối với Giáo hội Việt Nam và ơn Chúa Thánh Thần đã đổ xuống kịp thời, đúng lúc. Những thông tin đã được Nữ Vương Công Lý loan tải đã làm không chỉ giáo dân mà là đa số những người yêu Công lý, sự thật từ ngạc nhiên đến phẫn nộ. Nhiều người dường như cảm thấy khó tin khi HĐGMVN có thể chiều theo quyết ý của nhà nước Cộng sản để "giải quyết bế tắc" bằng cách hi sinh một biểu tượng tận tụy phục vụ đoàn chiên, phục vụ người nghèo và là mẫu gương về việc đấu tranh cho Sự thật Công lý Hòa Bình là Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Có một ít người cho rằng nói đến những điều này là nhạy cảm, là làm chia rẽ trong nội bộ Giáo Hội. Tuy nhiên, nội bộ Giáo hội như thế nào chẳng cần phải sợ chia rẽ nếu thực sự đã có thống nhất và hiệp thông. Nếu đã chia rẽ thì cũng không vì nói ra sự thật mà chia rẽ thêm. Một nguyên Giám mục đã nói rằng: "Thì Giáo hội đã có bao giờ hiệp nhất đâu mà sợ chia rẽ". Sự thật vẫn là sự thật và dù không mấy đẹp đẽ thì vẫn cứ phải nói ra để tự Giáo hội nhìn lại chính mình mà canh tân, mà sám hối. Đặc biệt với những ai đang mơ mộng trong con đường tốt đẹp, tiến thân bằng sự thỏa hiệp với cái ác, với Thần Dữ - Vô thần.
|