Home Tin Tức Bình Luận Vụ Thảm Sát Trong Rừng Katyn

Vụ Thảm Sát Trong Rừng Katyn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn An - RFA   
Thứ Hai, 12 Tháng 4 Năm 2010 14:03

Hôm thứ tư 7 tháng tư, thủ tướng Nga Vladimir V. Putin đã làm một cử chỉ đẹp

khi đến tham dự lễ tưởng niệm hơn 20 ngàn sĩ quan và viên chức chính quyền Ba Lan bị quân đội Xô Viết giết chết 70 năm trứơc tại khu rừng Katyn, gần thành phố Smolensk ở phía tây nước Nga.

 Ông chính là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến để chia sẻ với người Ba Lan nỗi đau đớn, khi tưởng niệm những người con ưu tú của Ba Lan chết thảm dưới họng súng của hồng quân Liên Xô vào khi đại chiến thế giới lần thứ hai vừa bắt đầu.

Mặc dù không chính thức xin lỗi đất nứơc và người dân Ba Lan, nhưng ông Putin xác nhận cuộc thảm sát là một trong những bi kịch mà chế độ toàn trị Xô Viết đã gây ra, và ra tay thực hiện chính là những nhân viên mật vụ Xô Viết, lúc đó trực thụôc cơ quan được gọi là tắt NKVD, tạm dịch là cục an ninh nội chính nhân dân, sau này là bộ nội vụ và hiện nay là KGB mà chính ông Putin từng lãnh đạo.

Trong suốt mấy chục năm trời, các nhà lãnh đạo Matxcơva lúc nào cũng đổ tội tàn sát mấy chục ngàn người tù Ba Lan cho mật vụ của phát xít Đức. Họ tiếp tục đổ tội ngay cả sau khi Liện Xô sụp đổ, và bản văn lệnh giết toàn bộ 25,900 tù nhân Ba Lan do Stalin ký ngày 15 tháng ba năm 1940 đựơc công bố. Khi biết thủ tứơng Putin sẽ đến tham dự lễ tưởng niệm tại rừng Katyn, đảng cộng sản Nga tuyên bố trên website của mình rằng, “Ông (Putin) có thể xin lỗi bao nhiêu thì tuỳ ông về cái gọi là tội lỗi của chế độ Xô Viết, nhưng không ai có thể che dấu được trách nhiệm của người Đức trong vụ tàn sát quân nhân Ba Lan (ở Katyn).”

Một trong những nhân xét về người cộng sản do chính những người từng ở trong guồng máy phát biểu là, họ không bao giờ biết nhận lỗi, và lúc nào cũng “nói lấy được.” Thì đây là một thí dụ minh hoạ về đặc tính ấy, cũng có thể gọi là tính “ngoan cố” mà họ thường dùng để kết tội người khác, cũng là điều đựơc diễn tả trong câu ví “cà cuống chết đến đít còn cay.”

Khi Hồng quân Nga tiến vào Ba Lan năm 1939, họ đã bắt đi hơn 25 ngàn người, là những sĩ quan, và công chức, trí thức hàng đầu của đất nứơc Ba Lan lúc bấy giờ. Vì quân đội không đủ lương thực nuôi, nên số tù nhân này đựơc chuyển giao cho NKVD của Beria quản lý. Theo đế nghị của Beria, ngày 15 tháng ba năm 1940 Stalin ký lệnh tử hình cho 14.700 tù binh và 11.000 tù dân sự.

Các cụôc tàn sát được NKVD tiến hành một cách quy mô, có tố chức và hoàn tất trong vòng ba tuần lễ sau đó tại các nhà tù. Khoảng 22 ngàn người đã bị giết chết. Vài ngàn người may mắn thoát chết nói chung là vì có sự can thiệp của một số cơ quan cũng như vì NKVD thấy có thể sử dụng họ sau này. Theo tài liệu của cuốn “Stalin and his hangmen: The Tyrant and those who killed for him” của Donald Rayfield thì tính riêng về các sĩ quan, đã có 11 tứơng lãnh, một đô đốc hải quân, 77 đại tá, 197 trung tá, 541 thiếu tá, 1441 đại uý, 6061 trung uý trở xuống, 18 giáo sĩ tuyên uý bị giết trong tháng tư năm 1940.

Tháng tư năm 1943, tức là ba năm sau, ngừơi Đức phát giác ra một ngôi mộ tập thể trong đó có hài cốt của 4.500 sĩ quan Ba Lan. Một uỷ ban thụôc hội Hồng Thập tự Thuỵ Sĩ lúc đó xác nhận rằng những người này bị giết ba năm trứơc đó, khi mà 25.000 người Ba Lan mất tích, và họ nằm trong số người bất hạnh này.

Tuy nhiên, Matxcơva tuyên bố những người ấy bị phát xít Đức giết. Tuyên bố của Statin mang tính khẳng định đến nỗi cả Anh lẫn Hoa kỳ lúc bấy giờ đều bác bỏ phúc trình của hội Hồng Thập Tự Thuỵ sĩ. Họ thậm chí tin rằng những tờ báo Nga tìm thấy trong ngôi mộ tập thể thực ra do quân Đức bỏ vô để đổ tội cho “nứơc Liên Xô vô tội.” Sự dối trá không chỉ dừng lại ở đó.

Qua năm sau, Stalin ra lệnh thành lập một uỷ ban điều tra bao gồm hai học giả, chủ tịch hội Hồng Thập Tự Xô Viết và nhà văn Aleksei Tolstoi (tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng “con đường đau khổ,” nhưng không có một đảng viên cộng sản hay viên chức NKVD nào. Những ngừơi ấy,tiếc thay đã đồng loã với Uỷ ban tuyên truyền chống Đức của nhà cầm quyền, tạo ra một số nhân chứng giả để cáo buộc phát xít Đức đã gây ra tội ác giết tù nhân Ba Lan.

 Stalin còn ra lệnh làm một cuốn phim, nhưng các nhân chứng đã thuộc bài quá khiến cuốn phim trở thành trơ trẽn và giả tạo, đến nỗi chính Tolstoi phải khuyến cáo đừng cho trình chiếu. Vào tháng ba năm 1946, tại phiên toà xử phát xít Đức tại Nuremberg, khi luật sư của Goering nói đến vụ thảm sát Katyn, thì đại diện Nga đã thẳng tay bác bỏ.

Nhưng tại Minsk, đã có một số tướng lãnh Đức bị treo cổ sau khi bị kết án đã tàn sát sĩ quan Ba Lan tại Katyn. Những lời nói dối chẳng khác gì những mũi tên đã rời khỏi cây cung và không thể ngừng mà cứ tiếp tục lao đi. Lời cáo buộc phát xít Đức là thủ phạm vụ tàn sát Katyn tiếp tục đựợc đảng cộng sản Nga khẳng định và tái khẳng định, ngay cả khi lệnh tàn sát do Stalin ký đã được trưng bày ra trước công chúng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1992. Sự “kiên nhẫn” và “kiên quyết” của họ, nói cho cùng, cũng đáng phục thật! 70 năm đã qua đi.

Chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi ngay tại nơi khai sinh và phát triển nó thành một tai hoạ cho nhân loại, nhưng dư âm và di hoạ của nó thì vẫn còn đó, đặc biệt là cho đất nứơc Ba Lan. Hôm thứ bảy 10 tháng tư, 132 người, bao gồm những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của đất nứơc Ba Lan tự do không cộng sản và một số người thân của những nạn nhân ở Katyn ngày trước đã tử nạn trên đừơng đến Katyn để tưởng niệm những người bị thảm sát oan ức 70 năm trước.

Chiếc máy bay Tupolev 154 do Nga chế tạo chở họ đâm vào cây trong sương mù và vỡ thành hàng trăm mảnh. Chính thủ tứơng Vladimir V. Putin đựơc chỉ định làm chủ tịch uỷ ban điều tra tai nạn của một chiếc máy bay do Nga chế tạo, vỡ nát trên đất Nga, chở những nhân vật cao cấp nhất của Ba Lan đến Nga để tưởng niệm những người con ưu tú của Ba Lan bị Hồng quân Nga thảm sát 70 năm trước. Định mệnh? Chắc là thế, nhưng là một định mệnh trớ trêu và tàn khốc!