Home Tin Tức Bình Luận Khi đạo đức ở Việt Nam xuống cấp

Khi đạo đức ở Việt Nam xuống cấp PDF Print E-mail
Tác Giả: Đông Phố   
Thứ Ba, 20 Tháng 4 Năm 2010 07:39

Chế độ độc tài là mầm mống của những cái ác đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng xã hội Việt Nam ngày nay.

Những ai có thính lực và hệ thần kinh bình thường đều phản xạ giật mình khi bất ngờ nghe tiếng động lớn, chẳng hạn tiếng sấm sét long trời, hay tiếng nổ đinh tai. Tuy nhiên, thường người ta chỉ giật mình trong vài lần đầu tiên, sau đó thì quen dần.

Chuyện xã hội cũng vậy, những vụ việc chấn động thoạt đầu gây sửng sốt, bàng hoàng, song khi được lập đi lập lại nhiều lần thì độ gây sốc của câu chuyện giảm dần, thay vào đó là sự vô cảm đáng sợ.

Có lần ghé thăm người thân ở trại giam Xuân Lộc - Đồng Nai. Khi nhìn hàng chữ to viết trên bức tường phía trước trại giam: ”Cứng làm cho mềm, cong uốn cho thẳng”, tôi bỗng rùng mình khi nghĩ đến những thủ đoạn mà quản giáo ở đây có thể áp dụng nhằm bắt phạm nhân phải khuất phục. Từ việc cho phép bạn tù đánh đập lẫn nhau ngất xỉu, đến việc chính quản giáo cũng tham gia đánh “hội đồng”, để dằn mặt hoặc nhằm mục đích “moi” tiền gia đình phạm nhân.

Qua tìm hiểu, tôi được biết có một phạm nhân từng bị đối xử như vậy. Vì mới được chuyển đến trại, do sức khỏe còn yếu, lại chưa quen lao động chân tay, nên dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, phạm nhân này bị choáng và ngã lăn trên mặt ruộng. Lập tức bị các phạm nhân khác cùng đội (được sự cho phép của quản giáo) đấm đá túi bụi phạm nhân này đến ngất xỉu, sau đó còn bị chính viên quản giáo đá bồi thêm mấy cái vào ngực, vì cho rằng phạm nhân này giả vờ nằm ăn vạ để khỏi phải tiếp tục lao động.

Về sau, phạm nhân này đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của gia đình bằng cách (theo gợi ý của những phạm nhân đã ở lâu năm) cứ mỗi tháng đóng cho cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý đội 500.000 VND để mong được yên thân. Quả là một cách kiếm tiền phi lợi nhuận và cũng thật phi nhân tính của các quản giáo trong nhà tù cộng sản ở nơi đây.

Chuyện không chỉ xảy đối với các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù, ngay cả những phạm nhân còn đang trong qúa trình điều tra cũng thường xuyên bị các diều tra viên còng tay ra sau ghế, rồi đấm hoặc đá vào yết hầu trong khi điều tra. Có thể do máu côn đồ, cũng có thể do phía bị hại mua chuộc, nên có phạm nhân đã từng bị hành như vậy cả một ngày trời.

Chính trong thời gian này gia đình rất khó gặp người thân của mình với lý do “đang trong quá trình điều tra, không được phép gặp”. Nhưng thực chất lúc này cuống họng và mặt phạm nhân đã bị xưng to bởi những trận đòn dã man của các điều tra viên. Nếu cho gia đình gặp mặt e sợ sẽ bị lộ ra ngoài kiểu tra tấn trên. Có phạm nhân cả tháng trời không ăn được, chỉ uống nước và sữa do gia đình gửi vào.

Và nạn nhân của tệ nạn đánh đập hoặc bị khủng bố bằng tinh thần, không chỉ là các phạm nhân, ngay cả các nhân chứng (chuyện chỉ xảy ra trong ngành tư pháp của cộng sản Việt Nam ) cũng bị như vậy.

Chẳng hạn như vụ người trông coi rẫy của ông địa chủ đỏ Phạm Ngọc Thành ở Buôn Ma Thuột, khi người này đứng nhìn một lúc rồi bỏ đi, để mặc bầy chó dữ cắn xé bà Phạm Thị Ngắn (một phụ nữ nghèo đói ở địa phương vào rẫy của ông Thành mót cà-phê) đến chết.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (một nạn nhân trong vụ này) cho biết, khi lấy lời khai của chị, điều tra viên của công an thành phố Buôn Ma Thuột cứ hỏi đi hỏi lại: ”Cây keo (nơi chị Trâm đã trốn thoát bầy chó dữ ) chị trèo lên có mấy cành ? Cây dừa chỗ anh Sơn (Nguyễn Đình Sơn, nhân viên trang trại, người bị nhân chứng tố giác đã chứng kiến cảnh chó bẹc-giê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn nhưng bỏ đi) đứng có mấy quả?

Ai chứng kiến cảnh bầy chó dữ xâu xé một con người cho đến chết mà còn đủ bình tĩnh và lạnh lùng như tên Sơn, để có thể đếm từng cành cây keo hoặc từng trái dừa ? Vậy mà nhân viên điều tra lại có thể hỏi một câu thật bất nhẫn !

Mặc dù chị Trâm đã bày tỏ bức xúc: ”Lúc đó nếu có ai hỏi cha mẹ tôi tên gì, chưa chắc tôi đã nhớ nổi, nói gì đến cây keo có mấy cành, cây dừa có mấy quả ! Chúng tôi đâu phải tội phạm mà công an cứ hỏi hoài như thế ai mà không sợ.” Thế nhưng ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, vẫn chưa chịu buông tha những nhân chứng này, nên khẳng định: ”Sắp tới Viện kiểm sát sẽ tiếp tục gọi chị Điệp và chị Trâm lên làm việc để lấy lại lời khai” ? Xem ra các nhân chứng này sẽ còn tiếp tục bị khủng bố tinh thần.

Đến đây có lẽ chúng ta cũng phần nào hiểu được “nghiệp vụ” điều tra của ngành tư pháp cộng sản Việt Nam đã và vẫn thường làm với những vụ án tương tự khi mà đối tượng bị tố giác phạm tội có liên quan đến một người giàu có hoặc là thân nhân của một viên chức chính quyền, nhằm làm sai lệch vụ án theo hướng khác.

Quen dần với những tiếng động khó chịu giúp người ta thích nghi với thế giới tự nhiên. Song không còn giật mình trước cái ác trong xã hội cũng có nghĩa là tiếp tay cho cái ác hơn xuất hiện.

Điều này đang được khẳng định, khi ngày càng có nhiều học sinh cả nam lẫn nữ đánh bạn, thậm chí đâm chết bạn của mình một cách dã man, ngay trong trường học hoặc ngoài đường phố chỉ vì những cái cớ hết sức vô duyên vì liếc nhìn hay vô tình nói đụng chạm đến mình. Chính báo chí trong nước cũng phải thừa nhận là đạo đức học sinh ở Việt Nam hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Vậy thì nguyên nhân do đâu ? Chẳng phải là chúng đang được hưởng một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tối ưu đó sao !

Nỗi đau này và còn biết bao những nỗi đau khác đang gậm nhấm thân thể vốn gầy gò vì nghèo đói của đại bộ phận người dân phải sống từng ngày khắc khoải dưới chế độ cộng sản Việt Nam .

Báo chí cộng sản vẫn thường rêu rao về những biến đổi tích cực trong đời sống của người dân những năm gần đây, nhưng nhìn lại 30 cầm quyền ở miền Bắc và 65 năm ở cả hai miền, những biến đổi ấy là gì, cũng chỉ như "muối bỏ biển". Bởi thực chất có biến đổi chăng, là từ một người vô sản, những đảng viên cộng sản bây giờ đã trở thành những ông chủ mới, những tên tư bản đỏ. Còn đời sống người dân hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Do đó, điều mà người dân vẫn mong đợi từ lâu, không chỉ là "cơm áo gạo tiền", mà chính là sự thay đổi cả hệ thống chế độ độc tài là mầm mống của những cái ác đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng xã hội Việt Nam ngày nay.