Home Tin Tức Bình Luận Cảm nghĩ về việc thay thế Đức TGM Hà Nội

Cảm nghĩ về việc thay thế Đức TGM Hà Nội PDF Print E-mail
Tác Giả: JB Nhật Anh   
Thứ Hai, 26 Tháng 4 Năm 2010 08:09

 Tôi thổn thức khi đọc những dòng chia sẻ từ đáy lòng của nhiều người trước sự chia tay sắp đến với Đức Tổng.

Những thông tin về sự thay thế ĐTGM Giu-se truyền đi trong vài tháng nay đang dần thành sự theo những thế cách lắt léo, khó hiểu và gây nhiều thắc mắc, băn khoăn, lo lắng và thất vọng cho cá nhân tôi và rất nhiều người, cả giáo dân và tu sỹ không chỉ trong giáo phận Hà Nội.
 
Những thông tin về vấn đề này, mới đây còn được nhiều người, trong đó có cả các trang chính thức, coi là suy đoán hàm hồ, là giả thiết thiếu cơ sở lại đang trở thành sự thật. Biết bao câu hỏi đã được đặt ra, biết bao suy tư đã được diễn tả, bao ước nguyện đã được bộc bạch, bao tình cảm đã được gửi gắm, bao tâm trạng lo lắng âm thầm không nói ra của rất nhiều người quan tâm đến Đức Tổng Giu-se, đến Hoà bình và Công lý cũng như đường hướng mà Giáo hội đang nhắm tới. Những tâm tình này được thể hiện sinh động trong các buổi lễ, trong thư thỉnh nguyện, hay đã và đang được đăng tải trên các trang mạng với một mong ước duy nhất là tiếng lòng của họ được các Đấng bậc trong Giáo hội lắng nghe. Tuy nhiên xem ra giờ đây, tất cả những tâm tư chân thành đó chỉ là tiếng kêu nơi sa mạc.
 
Có thể nói rằng việc ra đi hay ở lại của Vị TGM Hà Nội đã và đang trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm và lo lắng dõi theo của rất nhiều người trong khi Giáo hội đang hân hoan kỷ niệm năm Thánh. Việc truy cập những thông tin này trên mạng không dễ dàng bởi tường lửa và sự kiểm soát của nhà cầm quyền, nhưng những thông tin được cập nhật, những sự thật được bạch hoá, và những sự kiện đang và sắp xảy ra đang làm cho giáo dân hết sức hoang mang về con đường mà giáo hội Việt Nam đang và sẽ hướng đến. Những toan tính trần tục và những cuộc mặc cả đen tối của những liên minh ma quỷ đang luồn lách trong đời sống Giáo hội và thử thách niềm tin của cộng đồng dân Chúa thông qua những quyết định đi ngược lại những mong mỏi của con cái Chúa và làm ảnh hưởng tới cái nhìn về một Hội Thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.
 
Tôi cũng như rất nhiều người đang cảm thấy đau đớn và xót xa khi Vị Mục tử yêu quý và dũng cảm của mình sắp bị bắt đi khỏi đàn chiên mà Ngài đã và đang xả thân để bảo vệ và dẫn dắt.

Tôi thổn thức khi đọc những dòng chia sẻ từ đáy lòng của nhiều người trước sự chia tay sắp đến với Đức Tổng. Qua đó chúng ta càng hiểu thêm về mối dây ràng buộc thiêng liêng và tình liên đới thắm thiết giữa đàn chiên và Vị Chủ chiên đích thực. Tôi có cảm giác như đang trải nghiệm sự chán nản và nỗi thất vọng của các Thánh Tông đồ thủa xưa khi sắp phải chia tay với Thày Chí Thánh trong bữa tiệc ly 2000 năm trước.
 
Mọi người đều biết vì sao mà Đức TGM Giu-se lại được đàn chiên yêu quý và gắn bó đến như vậy?

Tôi thấy rất đúng khi nhận định rằng: Trong thời đại ngày nay, giáo hội cần những CHỨNG NHÂN hơn là những nhà GIẢNG THUYẾT. Bởi vì tình yêu không chỉ đến bằng lời nói mà phải bằng việc làm. Chính Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta về hành động yêu thương đến tột cùng bằng sự chết để làm chứng cho tình yêu. Và bởi thế, Ngài đã được Thiên Chúa tôn vinh và Vương quốc của Ngài trường tồn mãi.

Chỉ có tình yêu chân thành và đức hy sinh mới lôi kéo được lòng người. Cũng giống như trong xã hội ta ngày nay, người dân đâu có còn tin vào những lời nói hoa mỹ về một chế độ tươi đẹp bởi đó chỉ là những chiêc bánh vẽ khi thực tế việc làm và lời nói quá khác xa nhau.
 
Tuy nhiên, tại sao chúng ta lại phải lo lắng khi có thể mất vị Chủ chăn của mình đến như vậy? Bởi vì tôi và các bạn đều muốn có thể nói những câu yêu thương, nhưng chúng ta có muốn và dám làm những điều như vậy hay không, bởi vì nói luôn dễ hơn làm.

Và tôi tự hỏi, nếu Giáo hội không bênh vực người công chính và đứng về phía những kẻ yếu thế thì làm sao chúng ta có thể kêu gọi sống yêu thương và chia sẻ đây?

Nếu tiếng nói và nguyện vọng chính đáng và tốt đẹp của giáo dân không được lắng nghe thì làm sao chúng ta có thể kêu gọi sự cộng tác để xây dựng ngôi nhà chung của Giáo hội?

Tại sao trong khi xã hội đầy rẫy bất công và giả trá mà chúng ta chỉ được nghe đến những việc làm và lời nói bênh vực đàn chiên và bảo vệ tài sản giáo hội từ ĐTGM ở Hà Nội và ĐGM ở Vinh? Các Đức Giám mục khác đang ở đâu khi Thánh giá Chúa ở Đồng Chiêm bị phá nát, các linh mục ở Tam Toà bị hành hung, ngôi trường ở Loan Lý bị cướp đoạt, Giáo hoàng học viện ở Đà Lạt bị lấn chiếm???? Nếu giáo hội chỉ là các Đấng bậc mà không có giáo dân thì nhiệm vụ “đánh lưới người” mà Chúa Giê-su đã trao phó cho các Tông đồ sẽ có thể thu nhiều kết quả như điều Chúa muốn hay không?

Và còn biết bao điều mà tôi muốn được giải đáp mà không thể tìm được câu trả lời thoả đáng khi đang chứng kiến những gì đang diễn ra.

Nếu như Đức TGM Giu-se phải ra đi, tôi tin rằng tình cảm của giáo dân Hà Nội sẽ không vì thế mà giảm đi mà còn yêu quý Ngài hơn.

Tôi cũng cầu mong cho vị TGM mới sẽ tiếp tục vun đắp những công trình mà người tiền nhiệm đã dựng nên để giáo phận Hà Nội sớm nhận được những gì có thể đã mất không chỉ là tài sản của Giáo hội như Toà Khâm sứ, đất đai của giáo xứ Thái Hà, Thánh giá Đồng Chiêm, … mà quan trọng hơn là xây dựng được niềm tin vào sự đồng hành của Chủ Chiên với đoàn chiên đau khổ của mình. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hy vọng về một trang sử mới của giáo phận Hà Nội như trong thư chúc mừng của HĐGM Việt Nam.