Home Tin Tức Bình Luận Do Thái quá mà hóa mệt

Do Thái quá mà hóa mệt PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Năm, 10 Tháng 6 Năm 2010 15:24
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài- Hoa Kỳ giữa David và Goliath trên Dải Gaza...

Trong vụ khủng hoảng vừa qua - mà chưa qua - giữa Israel và Turkey về việc tiếp vận cho dân Palestine trên dải Gaza, nhiều người Việt đã liên tưởng đến biến cố 1975 của mình. Với một chút hài lòng và rất nhiều cảm tính.

Bài viết này sẽ nhắc lại chuyện cũ theo ấn bản mới, và như thông lệ, sẽ khác hẳn suy luận cứ coi là phổ thông....

Chẳng là sau biến cố 1975 của Việt Nam, nhiều người Việt chúng ta đã lầm tương quan nhân quả - lấy quả làm nhân - mà cho rằng Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam để cứu quốc gia Israel vì sức vận động của dân Do Thái hoặc vì Henry Kissinger là người Ðức gốc Do Thái. Rồi từ đó, một số người chạy theo trào lưu rất Mỹ để nói dông dài về khả năng vận động siêu đẳng của dân Mỹ gốc Do Thái - gọi là “lobby” của người Jews.

Lồng trong đó có cả một số nhận định không sai về vài ba đặc tính tiêu cực của dân Do Thái, như biển lận, bần tiện, kỳ thị chủng tộc, khinh người, v.v... Không sai vì trúng được chừng... 10%.

Sắc dân nào cũng có thể nổi tiếng về một vài thói xấu được nâng thành tiêu biểu, và càng có nhiều ảnh hưởng thì càng dễ bị phê bình như vậy. Truyện vui về “lobby Do Thái” cũng không khác - mà không mấy chính xác.

Và vì thiếu chính xác nên ta vẫn sẽ lại đánh giá lầm nước Mỹ.

Hãy nói về huyền thoại “lobby Do Thái” trước.

Sắc dân nào trong xứ Hiệp Chủng Quốc này cũng đều muốn vận động chính trường Hoa Kỳ cho những mục tiêu riêng của cộng đồng mình. Ðằng sau cộng đồng ấy, đôi khi còn có một quốc gia. Dân Mỹ gốc Mễ có thể vận động cho cộng đồng Latino nói chung, và đôi khi cho cả xứ Mexico. Dân Mỹ gốc Nga hay gốc Ấn, gốc Ðài Loan, Ðại Hàn... cũng vậy....

Vấn đề đáng đặt ra và cần đặt ra là khi nào việc vận động ấy dẫn nước Mỹ tới những quyết định có lợi cho quốc gia xuất xứ mà có hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Dân Do Thái nổi tiếng là có khả năng vận động rất cao vì những thành tựu đa diện của họ trong xã hội Hoa Kỳ. Vấn đề đáng đặt ra, và chỉ đáng thành vấn đề, là khi họ vận động Hoa Kỳ lấy những quyết định có lợi cho quốc gia Israel mà đi ngược quyền lợi của nước Mỹ. Chuyện ấy dường như chưa xảy ra!

Sau vụ thảm sát dân Do Thái tại Âu Châu, cả thế giới có thiện cảm với Do Thái. Và dân Do Thái ở mọi nơi khéo khai thác thiện cảm ấy thành lợi thế tuyên truyền để giành lấy mảnh đất của họ trong lịch sử nhưng sau này là nơi sinh sống của dân Á Rập, đó là đất Palestine. Từ đó, quốc gia Israel ra đời năm 1948, trước tiên là qua trận đấu trí với đế quốc Anh.

Trong cuộc vận động tuyệt vời ấy - với huyền thoại về con tầu Exodus và “Miền Ðất Hứa” - dân Do Thái tại Mỹ có góp phần đáng kể, nhưng không duy nhất. Hãy để huyền thoại này qua một bên, chút nữa ta sẽ xem tới một ấn bản mới trong vụ Gaza.

Vấn đề cần nói là sau khi quốc gia Israel thành hình, Hoa Kỳ có thay đổi chính sách và tự gây hại cho mình vì sức vận động của “lobby Do Thái” tại Mỹ không? Sự thật là... không.

Sau thời lập quốc, Israel áp dụng chánh sách “xã hội chủ nghĩa” trong việc xây dựng quốc gia lồng trong chiến lược thân Liên Bang Xô Viết để giải tỏa sức ép của một xứ Á Rập Hồi Giáo cũng mê trò xã hội chủ nghĩa là xứ Egypt thời Nasser. Và vì vậy không có quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Trong vụ Egypt phong toả kênh đào Suez năm 1956, Hoa Kỳ thời Tổng Thống Eisenhower của đảng Cộng Hòa lại chống hai đế quốc Anh, Pháp và Israel!

Nhìn lại thì Mỹ quyết định về đối sách với Israel căn cứ trên quyền lợi của mình hơn là vì lobby Do Thái. Và khi ấy, Israel phải tìm điểm tựa ở các cường quốc khác ở đằng sau khối Á Rập, và ở đằng xa, như Liên Xô hay Pháp - khi Pháp còn muốn giữ lấy thuộc địa Algérie, cho tới 1962. Sau đó, Pháp cũng đổi ý và Israel tuột dù mặc dù chính trường Pháp cũng không thiếu gì người gốc Do Thái.

Hoa Kỳ chỉ thay đổi đối sách với Israel về sau, và chủ yếu là căn cứ trên quyền lợi của Mỹ trong thời Chiến Tranh Lạnh khi cần ứng phó với mối nguy Xô Viết và cần tranh thủ một số quốc gia Á Rập, như Egypt, Jordan. Nhìn từ bên ngoài, và nếu nhìn cho kỹ, thì ban đầu dân Mỹ có thể có thiện cảm với xứ Israel nhưng chẳng vì vậy mà lãnh đạo Hoa Kỳ có chánh sách ngoại giao “thân Israel” tới độ hy sinh quyền lợi tối thượng của nước Mỹ. Nhắc lại chuyện cũ của chúng ta: Hoa Kỳ hy sinh miền Nam Việt Nam vì những tính toán của chính quyền Nixon - chưa kể những sai lầm của chính chúng ta - chứ không để cứu lấy xứ Israel trong các năm 1972-1973.

Nếu Hoa Kỳ có nhu cầu yểm trợ xứ Israel vào lúc đó thì cũng do quyền lợi lâu dài của nước Mỹ, chứ chẳng vì sức mạnh của “lobby Do Thái.” Trong các tính toán của Hoa Kỳ, Israel có là một yếu tố đáng kể, nhưng không là yếu tố chủ động. Quyền lợi của Mỹ mới là chủ động.

Vả lại, ngày nay đa số dân Do Thái tại Mỹ lại bỏ phiếu bên đảng Dân Chủ và chưa chắc đã ủng hộ chính quyền Israel, dù là trong tay đảng Xã Hội hay thuộc phe Bảo Thủ.

Từ chuyện ngày nay, ta nói sang một cường quốc Hồi Giáo, so với xứ Israel nhỏ xíu như chàng David thì đó là một anh Goliath khổng lồ, xứ Turkey, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại khu vực Trung Ðông, xưa kia, Turkey là đồng minh của Israel nhưng còn là đồng minh thật sự chiến lược của Mỹ, thành viên của Minh Ước Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO. Nhưng chiến tranh lạnh đã kết thúc và xứ Turkey đang tìm cho mình một vị thế cường quốc cấp khu vực.

Là hậu thân của đế quốc Hồi Giáo Ottoman bị sụp đổ 90 năm về trước, xứ Turkey liên thủ với Mỹ và NATO trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh. Sau này Turkey có xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu mà bị cự tuyệt. Tây Tiến hay Bắc Tiến không được, Turkey bèn tiến về phía Ðông để liên kết với xứ Armenia và Cộng Hòa Azerbaijian tại Trung Á, thì lại gặp trở ngại với Liên Bang Nga.

Vì vậy, và dưới sự lãnh đạo của đảng Công Lý và Phát Triển Hồi Giáo (AKP) theo xu hướng Hồi Giáo khá cực đoan và đi ngược chủ trương xây dựng thế quyền của Mustapha Kemal, xứ Turkey muốn bành trướng ảnh hưởng trong khối Hồi Giáo: họ nhìn xuống miền Nam.

Với dân số 73 triệu nằm tiếp giáp giữa hai khu vực Âu và Á của đại lục địa Âu-Á và là bản lề giữa Âu Châu ở trên và Trung Ðông ở dưới, xứ Turkey có thể chi phối cả hai chiến trường nóng hiện nay của Hoa Kỳ là Iraq và Afghanistan. Và còn có thể liên kết với một đối thủ của Mỹ là xứ Iran. Vì vậy, Turkey trở thành yếu tố đáng quan tâm và vận dụng - có khi nâng đỡ - của Hoa Kỳ. Không thấy ai nói đến “lobby người Thổ” trong chính trường Mỹ mà người ta chỉ nhìn thấy vị trí của Turkey trên khu vực quan tâm của Hoa Kỳ.

Và đấy là hoàn cảnh khó xử ngày nay của chính quyền Obama khi hai đồng minh nằm trên vùng hỏa tuyến của Mỹ, là Turkey và Israel, lại ở trên hai chiến tuyến đối lập.

Ðể tranh thủ khối Hồi Giáo, Turkey khai thác lá bài cổ điển là bỗng dưng ưu lo cho số phận của dân Palestine - như nhiều xứ Á Rập khác. Nhưng không phải là dân Palestine tại Tây ngạn sông Jordan dưới quyền cai trị của phe Fatah ôn hòa mà là dân Palestine tại Dải Gaza, dưới quyền cai trị - thống trị - của lực lượng Hamas cực đoan, cuồng tín. Ngoại trừ trường hợp đảng Cộng Hòa Nhân Dân CHP theo xu hướng thế quyền thắng cử tại Turkey sau này, chiến lược của đảng AKP sẽ còn khai thác lá bài Hồi Giáo theo chiều hướng ấy.

Nhìn lại vụ phong tỏa Gaza, cả thế giới lẫn Liên Hiệp Quốc đều lặng thinh trước việc lực lượng Hamas - bị Hoa Kỳ liệt vào thành phần khủng bố - lại liên kết với một lực lượng khủng bố khác là Hezbollah do Iran yểm trợ, và liên tục pháo kích vào vùng sinh hoạt của dân Do Thái, mà lại pháo kích từ Dải Gaza. Vì bị tấn công như vậy, từ nhiều năm nay, Do Thái quyết định phong tỏa Gaza để cắt nguồn tiếp vận võ trang cho phe Hamas. Việc phong tỏa ấy có sự biểu đồng tình kín đáo của một xứ lân bang theo Hồi Giáo, nước Egypt! Ít ai nói tới chuyện này...

Bây giờ Turkey thọc tay vào khu vực đó, và dàn dựng màn cứu trợ dân Palestine để phá vỡ mạng lưới phong tỏa của Israel. Xứ này dựng rất khéo vì học đúng trò tuyên truyền của... dân Do Thái với những con tầu nhân đạo theo kiểu Exodus năm xưa. Bên trong là nhiều dân biểu Turkey lẫn Âu Châu, một hội thiện bỗng dưng vừa được thành lập, v.v... và cả đặc công Hồi Giáo. Y hệt dân Do Thái năm xưa, xứ khổng lồ Turkey dùng phép tuyên truyền về lý do nhân đạo để chiếu bí một đồng minh cũ đang bị cô lập, là Israel.

Chính quyền Benyamin Netanyahu của Israel mắc bẫy khi ngăn chặn vụ xâm nhập. Và mắc bẫy nặng vì sự ươn hèn của cả thế giới - lẫn Liên Hiệp Quốc - khi phải dùng bạo lực để ngăn bạo lực làm chín người thiệt mạng, ngoài một biệt kích Do Thái. Thế giới và Liên Hiệp Quốc ươn hèn vì đều biết là sự thật không đơn giản như vậy: trong khi thiên hạ rất bình tĩnh trước vụ chiến hạm Cheoan của Nam Hàn bị ngư lôi Bắc Hàn bắn chìm thì lại lập tức ồn ào kết án Israel.

Xứ Israel theo chế độ dân chủ, chỉ có một lá phiếu tại Liên Hiệp Quốc, lại chẳng có dầu hỏa và không chơi trò hải tặc, khủng bố, hoặc bắt bí thiên hạ như Bắc Hàn hay Iran, nên lại càng cô thế trước cái gọi là dư luận quốc tế. Trong khi ấy, “lobby Do Thái” làm gì? Có đảo ngược được cảm quan của dư luận Hoa Kỳ hay thế giới không? E rằng không!

Trong khi ấy, Hoa Kỳ làm gì? Nhiều phần là lúng túng.

Chính quyền Obama muốn o bế khối Hồi Giáo theo kiểu “người vái tứ phương” và tự đấm ngực rằng “lỗi tại tôi mọi đàng” - tại Bush mọi đàng - và trong vụ này thì cần tới sự hợp tác của Turkey để giải quyết hai ưu tiên nóng là Iraq và Afghanistan, nên rất khó bênh vực Israel. Vả lại, nhìn từ quan điểm quyền lợi của Mỹ, anh chàng David bé nhỏ là Israel không giữ vị trí trọng yếu bằng gã Goliath khổng lồ là Turkey. Ðã thế, các giáo chủ tại Iran đã vội nhảy vào cuộc: mau mắn ủng hộ việc phá vòng phong toả Dải Gaza, cũng như Turkey. Một cách khác để mặc cả với Mỹ...

Vì vậy, xứ Israel lâm nguy và có khi chơi bạo khi thấy bị đồng minh là Hoa Kỳ hy sinh. Trong giả thuyết đó, Israel càng gây khó cho chính quyền Obama đối với cả Turkey lẫn Iran. Nhìn từ bên ngoài thì quyết định ấy của Tel Aviv, chứ không phải khả năng ba đầu sáu tay của “lobby Do Thái,” mới là điều đáng theo dõi...