Home Tin Tức Bình Luận Thân Mỹ, tại sao không?

Thân Mỹ, tại sao không? PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Ngọc Uy   
Thứ Tư, 16 Tháng 6 Năm 2010 10:26

Trong bối cảnh tình hình chính trị của khu vực và thế giới có nhiều biến động, thách thức, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, phải tìm kiếm cho mình liên minh đối tác chiến lược về quân sự để đảm bảo an ninh cho mình.

 
Việt Nam nằm trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị và quân sự, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh hải, do đó để đảm bảo và giữ vững quyền lợi của mình cũng như sự ổn định, Việt Nam nói riêng và các quốc gia Đông Nam Á nói chung cần có một đối tác quân sự có “trọng lượng” lớn nhằm đối trọng với sự bành trướng ngày một quy mô và mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trong số các cường quốc quân sự lớn mạnh trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Anh, Pháp… thì Liên Xô (hậu thân là Nga) đã từng đóng quân trên đất nước ta. Chúng ta nhớ rằng, Liên Xô đã thuê cảng Cam Ranh từ 1978 đến 2002 và giữa Liên Xô với Việt Nam đã có kí Hiệp ước tương trợ lẫn nhau nhưng thực tế Liên Xô đã không trả cho chúng ta một xu nào tiền thuê (đúng ra Liên Xô phải trả 200 triệu USD mỗi năm, 25 năm vị chi là 5 tỷ USD) và trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Bắc, Liên Xô đã bỏ rơi Việt Nam. Các cường quốc còn lại như Đức, Pháp, Anh là những đế quốc đã hết thời, quá già cỗi, không còn đủ sức vươn cánh tay quyền lực tới vùng Viễn Đông xa xôi. Do đó, suy đi tính lại kỹ càng, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn Mỹ để cân bằng quyền lực khu vực.

Quan hệ Việt-Mỹ: những cơ hội bị bỏ lỡ
Lịch sử nhà Nguyễn ghi nhận vào năm 1819 (cuối đời Gia Long), hai thương thuyền của Mỹ cập bến cảng Sài Gòn để mua đường. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đã tiếp đãi tử tế thuyền trưởng John White và dành mọi sự dễ dãi trong việc mua bán. Năm 1831 (đời Minh Mạng), tổng thống Mỹ Andrew Jackson dự định đặt đại diện ngoại giao tại vương quốc Đại Nam và cử ông Shilluber làm lãnh sự, nhưng vua Minh Mạng đã từ chối. Năm 1832, tàu Peacock chở phái đoàn sứ giả Mỹ, do hai ông Edmund Robert và Georges Thompson cầm đầu, cập bến Đà Nẵng xin trình quốc thư và thỉnh cầu được ký kết một hiệp ước thương mãi, nhưng vì quốc thư không ghi rõ danh hiệu của vua và quốc hiệu Đại Nam nên Minh Mạng không tiếp nhận. Vua chỉ truyền lệnh đón tiếp tử tế phái đoàn Mỹ ở Công quán và chỉ định cho họ chỗ đậu tàu là vụng Sơn Trà ở Đà Nẵng. Sau đó tàu Peacock nhổ neo rời Đại Nam đi Xiêm La. Năm 1836, tàu Peacock cũng với đặc sứ E. Robert trở lại Đà Nẵng với hi vọng ký một hiệp ước thương mại, nhưng ông E. Robert bị bệnh, tàu Peacock phải rời Đà Nẵng đi Macao đề cấp cứu; tàu cập bến Ma Cao thì ông E. Robert đã chết . Sau lần gặp gỡ bất thành này, quan hệ giữa Hoa Kì và Đại Nam bị gián đoạn trong gần bốn thập niên (1836-1873).

Quá trình này được tiếp nối bởi Bùi Viện (1839-1878). Năm 1873, Bùi Viện một mình một thuyền long đong biển khơi muôn trùng sang Mỹ kêu gọi Mỹ viện trợ Việt Nam đánh đuổi Pháp. Bùi Viện đã diện kiến với tổng thống Mỹ thứ 18 lúc đó là Uylisses Grant (1869-1877). Tuy nhiên, do không mang theo quốc thư nên không đạt được thỏa thuận nào, ông đành quay trở về nước. Đến 1875, Bùi Viện lại một lần nữa sang Mỹ kêu gọi Mỹ giúp đỡ đánh đuổi Pháp nhưng chính phủ Mỹ đã cự tuyệt vì hoàn cảnh lúc bấy giờ ở Mỹ và Việt Nam đã có nhiều thay đổi, hơn nữa nước Mỹ lúc đó theo chủ nghĩa “biệt lập”, chưa đủ sức để bành trướng ra xa.

Từ đó quan hệ Việt-Mỹ bị gián đoạn trong một thời gian dài cho đến thập niên 1940. Trong thời gian 1941 đến 1946, mối quân hệ Viêt- Mỹ trải qua một thời kỳ nồng ấm đặc biệt. Tổ chức Việt Minh và Cơ quan tình báo quân sự Mỹ (OSS), tiền thân của Cục Tình báo Hoa Kỳ (CIA), đã có sự hỗ trợ lẫn nhau, Việt Minh cung cấp thông tin về phát xít Nhật cho OSS; OSS viện trợ cho Việt Minh nhiều phương tiện liên lạc, truyền tin, hỗ trợ đắc lực cho việc thông tin giữa các căn cứ cách mạng, làm cho chỉ thị và thông tin nhanh chóng và thông suốt…

Đến tháng 12/1946, Viêt Nam bước vào cuộc kháng chiến mười nghìn ngày với thực dân Pháp. Thực tế, người đứng đầu Mặt trận Việt Minh và sau này là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa là Hồ Chí Minh rất coi trọng mối quan hệ Việt – Mỹ và cố gắng vun đắp mối quan hệ đó cho đến năm 1947, thời điểm mà Mỹ vẫn chưa dính líu với Pháp trong cuộc chiến này. Có lẽ, chính phủ Mỹ chưa hiểu những mong muốn của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Mối quan hệ này bị đóng băng rồi tan vỡ từ những năm 1949-1950 (bên trong chính phủ Mỹ bùng lên chủ nghĩa McCathy), Mỹ đổ tiền chi viện cho Pháp đánh Việt Nam rồi hất cẳng Pháp, dính líu ngày một sâu vào Việt Nam.
Quan hệ Việt-Mỹ bị khủng hoảng cho đến năm 1994 khi chính phủ Mỹ tuyên bố xóa bỏ cấm vận Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta vào năm sau đó. Qua đó, có thể nhận thấy rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có không ít cơ hội để quan hệ hợp tác, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà nhiều lúc chính phủ hai bên chưa có tiếng nói chung, làm cho mối quan hệ Việt-Mỹ gặp không ít sóng gió, trắc trở.

Quan hệ Việt-Mỹ ở thế kỷ XXI: cả hai đều có lợi
Lịch sử của người Việt Nam ta dạy rằng, kẻ luôn dụng tâm đồng hóa dân tộc ta, áp bức nhân dân ta, xâm lược, thôn tính đất nước ta là Trung Quốc. Trung Quốc gấp 30 lần chúng ta về diện tích, 16 lần về dân số, kinh tế thứ ba thế giới, tư duy bành trướng là bản tính của họ. Việc chung sống với nước láng giềng hùng mạnh như Trung Quốc là định mệnh nghiệt ngã nhất của dân tộc ta.

Trong bối cảnh thế giới đa cực, phụ thuộc và tác động sâu sắc lẫn nhau, khó có một quốc gia đơn lẻ nào tạo ra sự đột biến mang tầm toàn cầu. Việt Nam phải sống bên cạnh nước lớn như Trung Quốc thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện nước lớn sẽ “chung sống hòa bình” với mình, cho dù là có chung ý thức hệ đi chăng nữa, tinh thần “16 chữ vàng” hay “bốn tốt” chẳng qua chỉ là trò bịp bợp, mị dân của nước lớn. Do đó, Việt Nam chỉ có thể chơi thân bạn ở xa để đề phòng kẻ thù gần, đó là kế “viễn giao cận công”. Có thể ta không “d” được thì ít nhất cũng làm cho kẻ thù phải e dè, kiêng nể. Muốn vậy, ta cần phải tự lực cánh sinh, dựa vào nội lực của mình là quyết định, ngoài ra cần có sự liên minh với một lực lượng quân sự đủ sức răn đe Trung Quốc. Ở đây, Việt Nam có thể liên minh với hai đối tượng: thứ nhất, các nước Đông Nam Á phải liên kết chặc chẽ với nhau, có chung tiếng nói và biết phối hợp với nhau đồng bộ, nếu không Trung Quốc sẽ “bẻ đũa từng chiếc”; điều này vấp phải một số khó khăn: Đông Nam Á là một khu vực ít có tính thuần nhất, là khu vực đa sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và chia cắt về lãnh thổ, giữa các nước cũng tồn tại tranh chấp lãnh hải; thứ hai: liên minh với Mỹ vì trên thế giới Mỹ là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn về mọi mặt, nhất là về sức mạnh quân sự.

Đề xuất: Để Trung Quốc e dè, nhã nhặn hơn trong cách hành xử ở vùng biển Đông, Việt Nam cần phải lôi kéo Mỹ có mặt ở đây.

Phương án 1: chính phủ Việt Nam nên cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Việc cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh có lợi ích kinh tế: tiền thuê cảng vài tỷ USD mỗi năm, tiếp thu công nghệ Mỹ, chính trị: răn đe Trung Quốc vì từ Cam Ranh đến Bắc Kinh chưa đầy 6000 km theo đường chim bay.

Phương án 2: chính phủ Việt Nam cho Mỹ thuê một hoặc một vài hòn đảo ở quần đảo Trường Sa với những lợi ích tương tự như ở vịnh Cam Ranh. Chính phủ khỏi lo chuyện Mỹ phớt cảng Cam Ranh hay đảo của Việt Nam vì cứ nhìn vào bài hoc Mỹ thuê vịnh Guantanamo của Cuba thì sẽ rõ.

Thừa Thiên Huế, 06/06/2010