Home Tin Tức Bình Luận Hoa Kỳ và Trung Cộng với chính sách ngược chiều tại Việt Nam.

Hoa Kỳ và Trung Cộng với chính sách ngược chiều tại Việt Nam. PDF Print E-mail
Tác Giả: Lý Đại Nguyên   
Thứ Năm, 24 Tháng 6 Năm 2010 21:39

Đô Đốc Mike Mullen, chủ tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ, viên tướng hàng đầu của Mỹ vừa lên tiếng ở Hiệp Hội Châu Á tại Washington,

ngày 10/06/2010, về việc Trung Cộng tăng cường sức mạnh quân sự và ngưng các liên hệ quân sự với Hoa Kỳ. Rằng: “Mức độ đầu tư mạnh vào khả năng quân sự hiện đại trên biển và trên không mới đây, dường như không phù hợp với mục đích mà Trung Quốc tuyên bố chỉ là để bảo vệ lãnh thổ. Nhưng các khoảng cách rộng lớn dường như đang thành hình giữa ý định mà Trung Quốc tuyên bố so với các chương trình quân sự của họ, khiến cho tôi phải suy nghĩ xa hơn là chỉ thắc mắc về kết quả tự nhiên sau này. Và quả thực, tôi đã đi từ thắc mắc đến lo ngại thực sự”. Lời nhận định trên đây của tướng Mullen đưa ra sau lời phát biểu của bộ trưởng Quóc Phòng Mỹ, Robert Gates, vào ngày 03/06/2010, trên đường đến dự hội nghị an ninh cấp vùng tại Singapore, nhằm tố cáo các sĩ quan cao cấp của quân đội Trung Cộng không theo đuổi chính sách giống như các nhà lãnh đạo lão thành của họ, đã tìm cách phát triển những lãnh vực khác trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

 

Không chỉ Đô Đốc Mullen lo ngại về tham vọng bành trướng của giới ‘quân phiệt’ Trung Cộng, mà các nước Đông Nam Á, từ trước tới nay vốn chủ trương gia tăng sự phụ thuộc kinh tế giữa Asean và Trung Cộng, cho đó là một biện pháp tích cực trong việc ngăn cản các mối lo ngại trong khu vực. Nhưng dù đã ký Tuyên Bố Ứng Xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 giữa Trung Quốc và Asean, mà Trung Cộng vẫn ngang nhiên đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích toàn vùng, đồng thời đem tầu chiến xuống khống chế các nước ven biển. Không những Trung Cộng trực tiếp chiếm quyền làm chủ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo trong Trường Sa của Việt Nam mà các cuộc tập trận Hải Quân của Trung Cộng hồi tháng 3 và tháng 4 năm nay cũng đã chứng minh, cho phép Hải Quân của họ lần đầu tiên vượt ra đại dương, tiến đến Nhật Bản, Đài Loan, Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia, nuốt trọn thủy lộ chiến lược quốc tế Malacca. An ninh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương thực sự bị ‘Quân Phiệt Trung Cộng’ đe dọa.

Tại sao lại gọi là ‘Quân Phiệt Trung Cộng’? Vì quyền lực lãnh tụ của đảng Cộng Sản Trung Hoa theo Mao Trạch Đông, đều ‘dựa trên nòng súng’. Mao Trạch Đông sở dĩ có được quyền lực tuyệt đối vì ông ở chức vụ ‘Thống Soái’ quân giải phóng, trực tiếp chỉ huy quân đội, chủ tịch đảng, chủ tịch nước. Đặng Tiểu Bình cũng là một trong thập ‘Đại Nguyên Soái’ của quân đội Trung Cộng, nên quyền lực của ông mới kéo dài trong đảng, trong nước cho tới chết, dù sau khi không còn chức tước gì của đảng và chính phủ nữa. Giang Trạch Dân tuy là tổng bí thư đảng, kiêm chủ tịch nước, mà vẫn phải núp bóng Đặng Tiểu Bình để ngoan ngoãn đưa Hồ Cẩm Đào đuợc Đặng Tiểu Bình chỉ định, vào chức tối cao lãnh đạo đảng và nhà nước. Như vậy đàng sau những người cầm đầu chính trị tại Trung Quốc, thực lực trước sau gì cũng nằm trong tay giới chức quân sự. Vì giới lãnh đạo chính trị độc tài cộng sản, phải dùng tới sức mạnh của các lực lượng vũ trang để khống chế, tước đoạt mọi quyền tự do của dân chúng. Đồng thời nuôi dưỡng tinh thần ‘Đế Quốc Đại Hán’ trong tư tưởng toàn dân, qua việc tăng cường sức mạnh quân đội, tạo thành niềm tự hào dân tộc của một đại cường ngang tầm với siêu cường Hoa Kỳ.

Giới lãnh đạo chính trị Trung Cộng, biết rõ là nền kinh tế Trung Hoa vẫn phải nương vào Mỹ, khả năng quân sự của nước họ còn thua xa Mỹ, quyền lực chính trị quốc tế chưa đủ mạnh bằng Mỹ. Nhưng Hoa Kỳ hiện nay đã qua thời kỳ ‘tạo lập sức mạnh’ toàn cầu cho riêng mình, cả về kinh tế, quân sự, chính trị, mà bước sang thời cùng giúp nhau giải quyết vấn đề ‘toàn cầu hóa’. Từ ‘kinh tế thị trường toàn cầu hóa’, tiến lên ‘dân chủ hóa toàn cầu”, tới ‘phòng thủ chung toàn cầu’. Nước Mỹ không còn theo đuổi chính sách dùng các chính quyền ‘vệ tinh’ cho mình nữa, mà mở rộng bang giao và ngoại thương với tất cả các nước có chế độ khác nhau, miễn là các nước đó không giúp cho phong trào ‘khủng bố quốc tế’. Nhưng lại đặt vấn đề Nhân Quyền lên hàng đầu của chính sách ngoại giao quốc tế. Tức là không chỉ thắt chặt liên hệ về mặt chính quyền quốc gia, mà thúc đẩy các chính quyền của mỗi nước đó phải tôn trọng nhân quyền của công dân nước họ. Thế nên nước Mỹ trước đây đã ban hành luật về Tự Do Tôn Giáo. Ngày 17/05/2010, tổng thống Mỹ, Obama đã ký ban hành đạo luật Daniel Pearl, ủng hộ Tự Do Báo Chí Toàn Cầu. Mang tên của nữ ký giả của tờ Wall Street Journal đã bị quân khủng bố giết tại Pakistan năm 2002. Ngày 15/06/2010, bộ ngoại giao Mỹ đưa Việtnan và một số nước vào danh sách quan ngại về tệ nạn buôn người. Chính vì chủ trương tự do cho toàn nhân loại này của Mỹ, mà Trung Cộng và các nước còn bị cai trị bởi chế độ độc tài vẫn chỉ ‘bằng mặt chứ không bằng lòng’ với chủ trương của Mỹ.

Đây là một trở ngại lớn đối với chủ trương ‘nhập nội’ Việt Nam của Hoa Kỳ. Việt Cộng biết rõ, ‘Đi với Mỹ thì mất đảng’ Vì sớm muộn gì Việt Nam cũng phải ‘dân chủ hóa’ thì mới trở thành một nước giầu mạnh thực sự, có căn bản từ toàn dân, phát huy được nội lực dân tộc, đủ sức chủ động gia nhập ngang tầm với các nước khác trong tiến trình toàn cầu hóa khắp mặt, mới đủ sức tự phòng vệ đất nước, để cùng với khối Asean phát triển kinh tế và thế lực chính trị, làm cùn nhụt tham vọng ‘bành trướng’ của ‘Quân Phiệt Trung Cộng’. Nhưng kể từ năm 1991, Việt Cộng đã quay lại thần phục Trung Cộng. Đảng cộng sản Việt Nam đều bị nằm trong sự an bài của đảng cộng sản Trung Hoa, qua sự kiểm soát trực tiếp của Tổng Cục II Việt Cộng, trực thuộc sở Tình Báo Hoa Nam Trung Cộng. Nên Trung Cộng đã không cho Việt Nam ký hiệp ước Quy chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn -PNTR- với Hoa Kỳ năm 1999, phải để cho Trung Quốc ký trước một năm, cướp được tiên cơ đầu tư quốc tế, mãi đến ngày 13/07/2000, Việt Nam mới được ký, thành ra ‘trâu chậm uống nước đục’. Nên về mặt kinh tế Việtnam vẫn là đàn em của Trung Cộng.

Hiện nay chính sách của Trung Cộng là nắm thật chắc chính quyền Việt Cộng tại Hà Nội để thực hiện kế hoạch ‘tằm ăn dâu’ Việt Nam và toàn vùng Đông Nam Á. Còn Hoa Kỳ thì cũng quyết ‘nhập nội’ toàn diện tại Việt Nam, nhưng lại với chủ trương trao trả quyền lực lại cho Người Dân Việt Nam, mà không thể mạnh tay áp dụng ‘chiến tranh nhân dân’ theo kiểu cộng sản thời chiến tranh lạnh đối với Mỹ. Chỉ có thể hỗ trợ cho các cuộc ‘đấu tranh ôn hòa’ của toàn dân đòi ‘dân chủ hóa’, buộc nhà cầm quyền phải thay đổi luật lệ từ độc tài sang tự do. Trong nhất thời, thế của Mỹ ở Việt Nam xem ra yếu hơn Trung Cộng, vì Trung Cộng vẫn có lợi điểm dùng sự tự nguyện của chính quyền cộng sản Hà Nội để đàn áp các phong trào đòi tự do dân chủ nhân quyền, chủ quyền dân tộc và toàn vẹn tổ quốc của người dân Việt Nam. Ngược lại, Mỹ đôi khi phải nhân nhượng nhà cầm quyền Hà Nội để dành lấy những thoả thuận về chiến lược của Hà Nội với Mỹ, nhằm tách Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng. Khó vậy thay!

Little Saigon ngày 15/06/2010.