Phường bát âm của Đảng: An đánh xuôi, Mạnh thổi ngược |
Tác Giả: Blog Kami | |||||
Thứ Sáu, 02 Tháng 7 Năm 2010 04:31 | |||||
Thật là không nhịn được cười khi đọc ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh, phát biểu tại buổi đồng chí Tổng Bí thư và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc với cử tri tại Công an tỉnh và huyện Phổ Yên để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 của Quốc hội trên trang VNNet [1]. Theo bản tin có tựa đề “Tổng Bí thư:Quốc hội chưa thông qua dự án lớn là điều bình thường” trong chuyên mục chính trị cho biết, khi trao đổi với cử tri về việc Nghị quyết về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam chưa được Quốc hội thông qua, Tổng Bí thư nêu rõ, một trong những mục tiêu quan trọng của thời kỳ quá độ lên CNXH là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư đã khẳng định: (trích) ” Bộ máy Nhà nước ở Việt Nam không hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập mà có sự phân định nhiệm vụ, hoạt động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng “. Như chúng ta đã biết, cùng vào thời gian này chỉ trước đó có 2 ngày, ngày 24/6/2010 cũng trên trang tin VNNet này có đăng bài phỏng vấn quan trọng của ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội Việt nam về việc sửa đổi Hiến pháp [2]. Khi nói về vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước, Chủ tịch Nguyễn văn An đã phân tích cho thấy việc phân công phải hướng tới cân bằng tương đối, phải rõ ràng, rành mạch. Kiểm soát phải có chế tài, phải chặt chẽ, hiệu lực, vì phân công phải cân bằng thì mới có khả năng kiểm soát hiệu lực, sự kiểm soát hiệu lực nằm ngay trong sự phân công công bằng và tất cả những cái đó nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị. Đó là tính ưu việt của chế độ cộng hòa hay dân chủ cộng hòa hơn hẳn chế độ quân chủ, vì quyền lực dưới thể chế cộng hòa không tập trung vào một người hay một lực lượng, một cơ quan nào, mà được phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội – Chính phủ – Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất. Chủ tịch Nguyên Văn An nhấn mạnh (trích): “Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa… Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực. Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện “. Ban đầu thì còn ăn ý, bây giờ thì đảng bắt đầu chơi loạn cào cào Mặc dù về mặt thực tế thì đổng chí TBT Nông Đức Mạnh nói không sai, vì quyền lực nhà nước cao nhất hiện nay ở Việt nam hiện nay hoàn toàn đang nằm trong tay Ban lãnh đạo đảng CSVN, nhưng cần phải hiểu rằng điều này chỉ được phép hiểu ngầm với nhau kể cả trong nội bộ đảng CSVN và ngay cả toàn dân . Nhưng tuyệt đối không được công khai phát biểu, nhất là chỗ đông người và đặc biệt ở cương vị TBT như đồng chí Nông Đức Mạnh là một điều cấm kỵ. Bởi vì nói như vậy là vi phạm Hiến pháp, luật pháp cao nhất của nhà nước, Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam đã khẳng định tại Điều 83-Chương V là “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”, chứ luật pháp nào quy định cho phép đảng CSVN được lãnh đạo Quốc hội? Hình như từ trước đến nay, các cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền Việt nam họ quen với kiểu sử dụng luật “rừng” theo kiểu “luật là tao, tao là luật”, nên họ thản nhiên phát biểu những điều vi hiến một cách công khai. Mấy bữa trước thì ông Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, hôm nay lại được thêm ông TBT Nông Đức Mạnh. Là lãnh đạo cao cấp mà họ ăn nói hàm hồ, không có chút kiến thức về quản lý nhà nước và về luật pháp, bạ đâu nói đấy không sợ ai người ta cười cho vì nói đến đâu là lòi cái dốt ra đến đó. Vậy mà vẫn công nhiên tồn tại, cả một đất nước tự hào là có IQ cao mà không ai dám mở miệng phê phán, nhắc nhở vì sợ. Được biết giữa TBT Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Văn An có những điểm tương đồng rất lý thú, hai ông cùng từng là lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN, cùng từng là Ủy viên Bộ Chính trị, cùng từng là Chủ tịch Quốc hội và cùng từng học tập ở Trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và cùng phải tuân thủ nghiêm ngặt điều lệ của đảng CSVN theo quy định. Vậy lý do gì giữa hai ông cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN lại có các quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau như vậy? Không cần phải bình luận thêm chúng ta cũng hiểu ai nói đúng và ai nói sai. Nếu ở trong một phường bát âm chuyên đi thổi kèn phục vụ đám ma mà có chuyện như thế người ta gọi là “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mỗi ông một phách. Trong cái bối cảnh chính trị trong nước đang tang gia bối rối, nước sôi lửa bỏng sau cú bị Quốc hội chơi xỏ đã bác bỏ đại Dự án ĐSCT, coi chủ trương của đảng không là cái gì làm cho ban nhạc bát âm của đảng xem ra càng bối rối tợn. Ông Nguyễn Văn An vốn là tay “chống” nay đổi mới phong cách cứ theo đúng bài bản, theo đúng luật mà chơi cho vừa lòng tang chủ bởi “Sống dầu đèn – Chết kèn trống”. Còn ông Nông Đức Mạnh chuyên thổi kèn tí te, te tí theo kiểu nhạc “rừng”, bất kể bài bản, bất kể nhịp phách không quan tâm gì đến nhạc nhẽo, nay thấy tình hình nghe có vẻ thất thế, ông thợ kèn Mạnh sợ mất nghề kiếm ăn mới vội nói toạc móng heo cho thiên hạ biết ngón nghề bịp bợm của Phường Bát Âm của đảng từ xưa đến nay. Đó là Phường Bát Âm của đảng vốn xưa nay chơi không cần nhạc, không cần bài bản hay làn điệu mà các nhạc công không nghề nhạc cứ thi nhau thổi rống lên, gõ lung tung bất tuân quy luật, kiểu đó ông kèn Nông Đức Mạnh nói với các tang chủ gọi là “bất cần tam quyền phân lập” Cứ kiểu này có lẽ phải sớm giải tán ban nhạc mới ổn, không thì lại có đánh nhau to. Như vậy thế thì còn gọi gì là đồng chí hướng, đồng tư tưởng hay là đồng đảng nữa? Lần này về Hà nội, Ban Bí thư cần xắp xếp bố trí cho hai ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Văn An gặp nhau để trao đổi và thống nhất lại quan điểm. Bởi vì theo định nghĩa đảng chính trị là tổ chức tập hợp các cá nhân có đồng chí hướng và quan điểm chính trị, do vậy nếu để tình trạng này thì nghe không ổn, có lẽ phải tách đảng CSVN ra làm hai cho phù hợp với xu hướng của từng nhóm vốn đang không đồng nhất. Đảng CSVN là một đảng chính trị mang danh là kiệt xuất, là tổ chức đảng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước, được ví như là người cầm lái cho con tàu Việt nam đang hướng về tương lai để tiến lên phía trước. Vậy mà tổ lái đại diện cho toàn thể nhân dân Việt nam hơn 80 năm tuổi đời, mà đến giờ phút này còn mỗi ông một phách, kiểu ông lái chính thì bảo (rẽ) phải, ông lái phụ lại bảo (rẽ) trái thì không hiểu các ông sẽ đưa con tàu Việt nam về đâu. Đúng là người ta bảo đảng CSVN lấy Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là định hướng, mà CNXH là chữ viết tắt của câu “Cả nước xuống hố”, câu đó cũng không oan cho những ai đã và đang gửi gắm tính mạng cho con tàu mà tổ lái của đảng đang nhắm mắt lao về phía trước để đưa cả nước lao xuống hố. Blog Kami
|