Home Tin Tức Bình Luận Dân số, di dân và mị dân

Dân số, di dân và mị dân PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Sáu, 23 Tháng 7 Năm 2010 15:51

Luật Di Trú Arizona nhìn từ... rất xa

Ngày 23 tháng 4, bà Thống Ðốc Jan Brewer của tiểu bang Arizona ban hành Ðạo luật Di Trú của tiểu bang có tên rất lạ là “Yểm trợ việc thi hành luật pháp và an ninh khu phố.”

Với mã số dễ nhớ hơn, Ðạo Luật Arizona Senate Bill 1070 (hay AZ SB1070) sẽ chính thức áp dụng vào ngày 29 tháng 7.

 Từ mấy tháng qua, đạo luật gây tranh luận trong chính trường Hoa Kỳ, với tỷ lệ ủng hộ rất lớn của công chúng tại Arizona (64%) hay toàn quốc (trên 60%) và sự chống đối của chính quyền Barack Obamavà nhiều đảng viên Dân Chủ. Bộ Tư Pháp còn đòi kiện đạo luật này và một vài địa phương khác, kể cả Los Angeles, thì đòi tẩy chay Arizona.

Trong một năm có bầu cử, tranh luận với ít nhiều gian manh là chuyện bình thường.

Nhưng không bình thường là khi người ta nhảy vào cuộc vì cảm quan mà không chịu đọc kỹ văn bản - điều tối thiểu - và tìm hiểu bối cảnh sâu xa và phức tạp của vấn đề. Nhìn từ bên ngoài, đây là một hài kịch của nền dân chủ Mỹ, khi dân chúng để các chính khách xỏ mũi với sự toa rập của người có ẩn ý, hoặc sống nhờ vào các dịch vụ liên hệ đến di dân.

Vì đạo luật này liên quan đến di dân bất hợp pháp, ta hãy bắt đầu bằng chuyện di dân, và nhìn từ xa, trong một viễn ảnh trường kỳ...

Hoa Kỳ là quốc gia tuyệt vời khi cung cấp rất nhiều thông tin cho dân chúng, nhưng cũng là một xứ kỳ cục khi dân chúng lười biếng không sử dụng những thông tin đó, cứ để các chính khách dễ dàng lừa mị.

Chẳng hạn, cơ quan Kiểm Tra Dân Số (U.S. Census Bureau) có niêm yết một đồng hồ dân số, được thường xuyên và tức thời cập nhật. Tham khảo đồng hồ điện này trên Internet (http://www.census.gov/main/www/popclock.html), ta phát giác là dân số Mỹ hiện ở khoảng gần 310 triệu, chính xác là 309,771,511 người vào lúc 03 giờ 15 giờ quốc tế ngày 19 tháng 7, 2010! Ðồng hồ ấy còn cho biết vài chi tiết lý thú: trung bình cứ mỗi bảy giây lại có một trẻ em ra đời, mỗi 13 giây có thêm một người chết, mỗi 37 giây có thêm một di dân. Kết quả là cứ 11 giây thì dân số Hoa Kỳ tăng thêm một người. Thú vị lắm.

Bây giờ, tắt cái đồng hồ ấy đi mà nhìn xa hơn một chút vào dân số học hay nhân khẩu học.

Thông thường, dân số một nước là kết số của sinh suất (số người sinh ra) trừ đi tử suất (số người chết đi), cộng hay trừ số di dân từ bên ngoài vào hay từ bên trong bỏ đi ra ngoài. Theo U.S. Census, xã hội Mỹ có sinh suất - tô suất sinh con trung bình của một phụ nữ - là 2,05. Sinh suất 2,05 tại Mỹ hơi thấp hơn hệ số thay thế - là “hệ số tử-sinh”? - là 2,1: muốn dân số không giảm, thì trung bình một phụ nữ phải sinh được 2,1 đứa con trong quãng đời sinh đẻ của mình.

Nhưng dù sinh suất hơi thấp, dân số Hoa Kỳ vẫn tăng. Vì sao?

Xã hội trẻ trung nhờ di dân

Trong các nước kỹ nghệ hóa, Hoa Kỳ là nơi hiếm hoi mà dân số gia tăng, chủ yếu là nhờ di dân.

Các xứ khác, từ Âu Châu qua Nhật Bản, người ta sinh con đẻ cái ít hơn nên dân số không tăng, có khi giảm, và thành phần cao niên chiếm tỷ lệ ngày một cao hơn. Nghĩa là dân số bị “lão hóa.” Họ lại có chế độ di dân hạn chế hơn Hoa Kỳ. Ðiều ấy ảnh hưởng đến năng suất kinh tế vì dân số của thành phần ở tuổi lao động giảm dần trong khi thành phần già lão cứ tăng cùng gánh nặng về hưu bổng và chi phí bảo dưỡng y tế.

 Tại Hoa Kỳ, tuổi trung vị - có phân nửa già hơn và phân nửa trẻ hơn - là 36,7 tuổi, là khá trẻ so với các nước công nghiệp khác.

Nhìn như vậy thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế trong thời gian khá lâu, trong khi các nước tiên tiến kia cứ suy bại dần chỉ vì dân số. Yếu tố chính là Hoa Kỳ có chánh sách di dân cởi mở hơn cả và sinh suất rất cao của thành phần di dân - đa số từ các quốc gia nghèo hơn nước Mỹ - bù đắp được sự hao hụt của thành phần khá giả trong bản địa, đa số là người da trắng gốc từ Âu Châu. Người viết xin miễn đi vào chi tiết về nhân khẩu học và sinh suất của từng thành phần sắc tộc, mà chỉ nhấn mạnh đến đặc tính và ưu thế của Hoa Kỳ: chính sách đón nhận di dân.

Cho nên bảo rằng Hoa Kỳ đang có xu hướng kỳ thị di dân, hoặc xa rời đặc tính truyền thống từ thời lập quốc là “hiệp chủng quốc” - đa chủng mà hợp nhất thành quốc gia - là nói điều ngoa ngụy. Hoặc là vì hiểu lầm.

Nhưng Hoa Kỳ nhận di dân là để xây dựng sức mạnh tổng hợp cho nước Mỹ, muốn xây dựng thì phải hội nhập di dân vào cộng đồng quốc gia. Dù đến từ bất cứ nơi nào thì sau một hai thế hệ, di dân đều chọn nơi này làm quê hương, sống và suy nghĩ như đại đa số người Mỹ. Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến nay vẫn tin vào khả năng hội nhập ấy để ai ai cũng trở thành người Mỹ và bảo vệ nước Mỹ. Chúng ta hãy ngẫm lại bản thân thì rõ: Sau biến cố 1975, người Việt tỵ nạn trải qua nhiều khó khăn mới được nhận vào Mỹ và phải qua nhiều thập niên mới hội nhập được.

Nói đến hội nhập là đề cập tới thời gian, đến giáo dục, lưu lượng di dân và cách sinh hoạt của từng thành phần di dân trong tập thể rộng lớn của cả quốc gia.

Mà đây không là vấn đề duy nhất.

Hội nhập di dân nhập lậu?

Hoa Kỳ đang bị một tai họa là hiện tượng di dân nhập lậu, bất hợp pháp.

Vì là chuyện lậu, nên đồng hồ dân số không kiểm tra được, con số di dân lậu có thể lên tới từ 12 đến 20 triệu người. Ða số tới hơn 80% là từ Mễ Tây Cơ (57%), Trung Mỹ (24%); từ Á Châu chỉ có chừng 9% và từ Âu Châu hay Gia Nã Ðại là 4%.

Các tiểu bang tiếp giáp với Mễ Tây Cơ bị sức ép nhiều nhất vì làn sóng di dân nhập lậu từ Trung Nam Mỹ. Họ phải xử lý vấn đề bằng nhiều cách khác nhau khi chính quyền liên bang không giải quyết được. Năm 2007, chính quyền Bush đề nghị dự luật cải tổ theo chiều hướng đưa di dân lậu vào chương trình “khách lao động” - tạm thời, rồi hợp pháp hóa dần. Việc ấy không thành vì sự phản đối của đa số, nhất là đa số trong đảng Cộng Hoà. Lý luận của họ: hợp thức hóa việc di dân bất hợp pháp là cổ võ nạn nhập lậu và gây bất công với những người đang xin nhập cư hợp pháp và đã phải chờ đợi quá lâu.

Vì hạn chế di dân từ đầu, các xứ khác ít gặp vấn đề này. Và nếu các quốc gia khác trên thế giới có trục xuất những kẻ vào lậu thì là lẽ thường.

Chuyện thứ hai là tinh thần hội nhập của thành phần di dân quan trọng nhất.

Từ chối hội nhập

Hãy nói về toàn cảnh đã.

Sự phân bố của dân số Hoa Kỳ theo chủng tộc (thống kê năm 1008) cho thấy dân da trắng chiếm 75% (hơn 228 triệu), kế đó là dân Latino, chiếm hơn 15% dân số toàn quốc (khoảng 47 triệu). Dân da đen gốc Phi Châu có 12,4% dân số (37 triệu) và dân gốc Á chiếm vỏn vẹn có 4,4% (hơn 13 triệu). Một chi tiết khác là trong các thành phần được gọi là “da trắng” lại có nhiều người tự nghĩ mình là Latino (hay Hispanic). Ý thức La tinh của họ là một yếu tố đáng chú ý.

Khác với di dân xuất phát từ Âu Châu hay Á Châu vì sự cách ngỡ của hai đại dương, di dân gốc Trung Nam Mỹ, gọi chung là Latino, lại ở gần cố hương. Họ gắn bó với quê hương hoặc gia đình thân nhân ở bên kia biên giới và thường xuyên thăm viếng hoặc gửi tiền về nhà. Nhiều người trong số này không coi Hoa Kỳ là tổ quốc mà có tình liên đới với nơi xuất phát. Họ còn đòi chính quyền địa phương giảng dạy tiếng Tây Ban Nha để duy trì bản sắc. Ðó là việc làm chính đáng, nhưng của cộng đồng chứ không thể là nhiệm vụ của chính quyền. Nhiệm vụ của chính quyền là giúp di dân vượt qua rào cản của ngôn ngữ, học tiếng Anh, để hội nhập vào quốc gia tiếp cư.

Chuyện thứ ba là mật độ tập trung.

Mễ hóa một phần nước Mỹ

Mọi cộng đồng di dân thường tập trung ở nơi hình thành đầu tiên nên có mật độ dân số cao ở một số địa phương. Với cộng đồng Latino, nơi tập trung là các tiểu bang miền Nam và miền Tây - lên tới phía Bắc của California.

Với ý thức về căn cước hay căn tính, khi họ sống tập trung ở một số địa phương nhất định - và nhiều người lên tới vị trí rất cao trong chính quyền địa phương thì sức nặng chính trị của họ tất nhiên là có ảnh hưởng, và có ảnh hưởng hơn các sắc dân khác. Khi phải quyết định về chánh sách địa phương, cái “Mỹ tính” - ý thức là dân Mỹ - hay “Mễ tính” là ý thức Latino hay Hispanic, cái nào nặng hơn? Một thí dụ là năm 2007, khi biểu tình chống lại chủ trương kiểm soát và hạn chế di dân bất hợp pháp, thành phần dân chúng biểu tình đã trương cờ Mễ, cho tới khi thấy hố thì mới phất cờ Mỹ.

Nhìn về dài thì đặc tính tập trung và tinh thần liên đới hai mặt ấy sẽ là một vấn đề xã hội và chính trị của nước Mỹ.

Hãy tưởng tượng: nếu biên giới Hoa Kỳ tiếp cận với Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa tập trung tại biên vực lại chung thủy với Hán tộc hơn là với Chú Sam thì ta đoán ra vấn đề. Nói cho gần, nếu người Việt gốc Hoa hay thiểu số sơn cước tại các tỉnh cực Bắc Việt Nam hay người Việt gốc Miên tại các tỉnh miền Tây của Nam bộ lại có tình liên đới hay tinh thần căn thuộc với quốc gia ở bên kia biên giới và có ngày đòi đưa lãnh thổ “hồi quy cố quốc” thì xứ sở sẽ ra sao? Câu hỏi ấy không có gì là trừu tượng hay hàn lâm vì Bắc Kinh có nghĩ đến chuyện này.

Riêng tại Hoa Kỳ nếu có nhìn lại bản đồ của lãnh thổ Mễ ngày xưa với bản đồ của khu vực có mật độ người Mễ cao nhất trong lãnh thổ Mỹ ngày nay thì ta thấy... giống nhau y hệt!

Nhìn về dài hơn một chu kỳ tranh cử thì 500 năm sau khi từ Âu Châu chạy qua Tân thế giới theo cái trớn của Kha Luân Bố - Columbus năm 1492 - cư dân Trung Nam Mỹ đang lặng lẽ... Bắc tiến. Họ tới nơi thì sống tập trung, và sinh con đẻ cái với sinh suất rất cao. Họ sẽ làm nước Mỹ biến đổi, rất chậm mà rất chắc. Cuộc chạy đua về hội nhập và phân tán đang đặt ra.

Chuyện ấy, nửa thế kỷ nữa thì mình sẽ lo. Ngay trước mắt thì nên lo chuyện khác.

Di tản kinh tế và di tản tội ác

Mễ Tây Cơ có 110 triệu dân và nền kinh tế đứng hạng 11 thế giới, với sản lượng hàng năm cỡ ngàn tỷ Mỹ kim. Gồm có 31 tiểu bang, thật ra Hợp Chủng Quốc Mễ Tây Cơ (Estados Unidos Mexicanos) là trường hợp gần với Lebanon sau nội chiến 1975, hay Cộng Hoà Dân Chủ Congo thời Mobutu hay... Pakistan nay mai. Chính quyền trung ương bó tay trước nội loạn.

Mầm ung thư xứ này là khoảng 700 tổ chức buôn lậu và phân phối ma túy (drug cartels). Hung hiểm nhất là Gulf Cartel với lực lượng võ trang là Los Zetas, bên cạnh là lực lượng Sinaloa Cartel (cũng gọi là... “Federation”), hoặc các nhóm Beltran Leyva Organization, Carillo Fuentes Organization...

Là thành viên Thỏa Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA, và bạn hàng số một sau Canada, Mễ Tây Cơ mua bán với Mỹ hơn 400 tỷ đô la hàng hoá. Và... cung cấp 90% lượng ma túy cho Hoa Kỳ! Cũng dễ thôi, khi biên giới Mỹ-Mễ kéo dài hơn ba ngàn cây số tại bốn tiểu bang.

Doanh thu về ma túy của Mễ lên tới 40-50 tỷ đô la một năm, bằng 20% tổng số xuất cảng của Mễ bán cho Mỹ, và tập trung trong tay các tổ chức tội ác được trang bị như quân đội. Họ ngang nhiên tuyển mộ các sát thủ hay cựu chiến binh Mễ bằng bảng quảng cáo bill board dựng bên đường, với lương cao bổng hậu.

Nhiều viên chức an ninh cao cấp của Mễ, tương đương với Giám đốc FBI hay cơ quan kiểm soát ma túy DEA tại Hoa Kỳ, đã bị trùm ma túy cho người vào ám sát giữa thủ đô, với sự đồng lõa của nhiều nhân viên an ninh khác. Sau khi bắn hạ các viên chức chỉ huy an ninh, Sinaloa còn hăm sẽ diệt luôn cả Tổng Thống Félipe Calderón! Tình hình trở thành nguy ngập khiến quân lực Mễ - vỏn vẹn có 200 ngàn - được huy động để bảo vệ an ninh trong các khu vực nóng nhất - tiếp giáp với Hoa Kỳ. Bên này biên giới, các cơ quan an ninh Mỹ cũng được báo động. Cho nên, ngoài thành phần tìm vào đất Mỹ để có cơ hội kinh tế khá hơn, không ít người chạy vào Mỹ để lánh nạn. Theo sau là các tổ chức tội ác.

Cuối năm 2007, ông Bush nghĩ đến việc “rút củi dưới nồi” với “Sáng kiến Merida” đề nghị với Tổng Thống Caldéron: Hoa Kỳ sẽ viện trợ một tỷ tư trong ba năm để cung cấp phương tiện canh phòng và huấn luyện về hình sự, điều tra và pháp lý. Ngoài 100 triệu trong ngân khoản đó cho các nước Trung Mỹ, kế hoạch xin giải ngân ngay 500 triệu cho tài khóa 2008 để xứ Mễ kịp thời tăng cường phòng ngự biên giới Mỹ-Mễ. Nhưng “Sáng kiến Merida” bị phe Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ đả kích là không xin ý kiến trước của Lập Pháp. Và nghiệp đoàn AFL-CIO đòi các con tin của mình trong Quốc Hội phải bác bỏ vì... Mễ Tây Cơ vi phạm nhân quyền! (Xin đọc lại bài “Vì Sao Mễ Sẽ Ðánh Mỹ” trên cột báo này, trong số ra ngày 16 tháng 3... năm ngoái.)

Một năm sau, tình hình còn suy đồi hơn gấp bội mà nhiều người Mỹ không chịu nhìn ra.

Vì vậy, tiểu bang Arizona đành lo lấy thân.

Khi chính quyền liên bang không bảo vệ được biên giới và di dân lậu lẫn tội ác đang tràn vào lãnh thổ thì họ phải tăng cường kiểm soát. Và phải thi hành việc đó mà không gây ra hiện tượng kỳ thị vì màu da “racial profiling”: đạo luật được tu chính (bởi đạo luật 2162 của Hạ Viện) nội một tuần sau khi được biểu quyết để khắc phục vấn đề thủ tục xét hỏi. Và nói chung, luật của Arizona chỉ thi hành những biện pháp kiểm soát có sẵn trong bộ Luật Liên Bang - mà ít ai chấp hành.

Nhưng đạo luật đó là cơ hội cho các chính khách nhảy vào ăn có.

Ðảng Dân Chủ thì muốn tranh thủ lá phiếu thiểu số nên đả kích Arizona. Phe bảo thủ bên đảng Cộng Hoà thì ủng hộ đạo luật có thể vì nhắm vào cử tri da trắng dù biết là về dài việc ấy khiến họ mất hậu thuẫn Latino, như họ đã mất tại California từ năm 1994 vì Ðề Luật 187 chống lại việc dùng ngân sách liên bang phục vụ di dân nhập lậu. Thuần về chính trị thì phe nào cũng có lý riêng nhưng nên sòng phẳng trả giá cho sự chọn lựa, chứ đừng nên lộn sòng.

Bảo rằng đạo luật của Arizona, hoặc bất cứ ai muốn hạn chế nạn di dân nhập lậu, là kỳ thị di dân thì người ta chưa hiểu gì cả, hoặc cố tình nói gian. Hoa Kỳ cần di dân, nhưng vào Mỹ một cách hợp pháp cho sự hội nhập hài hòa. Hãy tìm hiểu hoàn cảnh của xứ Mễ khi họ triệt để - và tàn nhẫn - diệt trừ di dân nhập lậu từ các quốc gia nghèo hơn ở miền Nam lên thì rõ.

Arizona chưa là Mễ Tây Cơ!