Home Tin Tức Bình Luận Một thể thức được khẳng định 6 lần trong hiến pháp, nhưng chưa một lần được thực thi

Một thể thức được khẳng định 6 lần trong hiến pháp, nhưng chưa một lần được thực thi PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Nguyên Hồng   
Chúa Nhật, 25 Tháng 7 Năm 2010 09:33

Cho đến nay đã qua 64 năm, kể từ năm 1946 bản hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời,

 nước Việt Nam (trước năm 1954, miền Bắc từ 1946 đến 1975, cả hai miền Nam – Bắc sau 1975), đã công bố và đưa vào thực thi 4 bản hiến pháp. Đó là những bản hiến pháp ra đời vào các ngày: 09/11/1946; 31/12/1959; 18/12/1980; 15/04/1992.

Ngoại trừ hai bản hiến pháp năm 1959 và 1980 có đặc thù thời chiến và nặng tính bao cấp, đi theo hoàn toàn đường lối tăm tối của Chủ Nghĩa Xã Hội phi dân chủ. Cả hai bản hiến pháp năm 1946 và 1992 được chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đánh giá là những bản hiến pháp hàm chứa tinh thần Nhân Đạo và Dân Chủ cao. Riêng bản hiến pháp 1946 còn được một vài chuyên gia về chính trị xã hội trong nước và quốc tế đánh giá là một hiến pháp tiến bộ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Vì lý do Chiến Tranh Đông Dương xảy ra vào 19/12/1946 nên cuộc tổng tuyển cử toàn quốc bầu Nghị Viện đã không được thực hiện, hiển nhiên bản hiến pháp 1946 trở nên mất điều kiện áp dụng. Đây cũng là một cơ hội thuận lợi về thời gian để Cộng Sản Quốc Tế đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, nhúng tay thao túng và điều khiển nền chính trị xã hội Dân Chủ non trẻ tại Việt Nam đi theo con đường của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Nói “nền chính trị xã hội Dân Chủ non trẻ của Việt Nam” vì bản thân từ Tuyên Ngôn Độc Lập (02/09/1945) đến cơ cấu chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đặc biệt là bản hiến pháp năm 1946, đều thể hiện Việt Nam lúc ấy là một nước Dân Chủ có cơ cấu nhà nước đa nguyên đa đảng.

 
 Đến nay, bản hiến pháp năm 1992 đã được công bố và có hiệu lực pháp lý 18 năm. Nói chung, tất cả 12 chương và 147 điều trong hiến pháp này, chế độ CSVN đều đã tiến hành thực hiện. Tuy cái cách thi hành hiến pháp theo tư tưởng Độc Tài Cộng Sản, tùy ý diễn ý các điều khoản hiến pháp theo hướng có lợi cho đảng cầm quyền là điều đã xảy ra. Đặc biệt là việc suy diễn Điều 4 Hiến Pháp 1992, nhằm đưa vị trí cầm quyền độc tôn vĩnh cửu của Đảng CSVN lên, là điều hết sức bất minh. Nhưng dù sao thì nó vẫn là điều khoản mà chế độ CSVN đã thi hành.

  Nhưng có một vấn đề hết sức quan trọng, được nhấn mạnh tới 3 lần trong Hiến Pháp 1946, tại chương II Mục C, Điều 21; Chương III Điều 32; Chương VII Điều 70 phần C. Đồng thời điều này cũng được nhắc lại đến 3 lần trong Hiến Pháp 1992 tại Chương V, Điều 53; Chương VI Điều 84, Câu 14; Điều 91 câu 12. Đó là “Quyền phúc quyết của nhân dân” hay là vấn đề “Trưng cầu dân ý”. Cho đến nay là 64 năm đằng đẵng, chưa hề một lần được chế độ độc tài CSVN thực hiện. Điều này có thể là điều duy nhất trong hiến pháp mà họ cố tình “bỏ quên”…

  Vấn đề lấy ý kiến của dân, cụ thể là thông qua hình thức “Trưng cầu dân ý” còn quá mơ hồ và xa sỉ đối với người dân Việt Nam trong chế độ Cộng Sản. Nhưng nó lại là một hình thức sinh hoạt chính trị xã hội rất bình thường, thể hiện tinh thần Dân Chủ ở các nước tự do. Muốn có một hay nhiều cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân được thành công. Trên cơ sở khoa học, chế độ cầm quyền phải đặt ra “Luật trưng cầu dân ý”. Luật này được đề ra nhằm đảm bảo tính khoa học và sự công minh của một cuộc lấy ý kiến nhân dân.

  Việt Nam hiện nay chưa có “Luật trưng cầu dân ý”. Điều đó càng khẳng định sự gian manh của chế độ CSVN, họ sẽ viện cớ “chưa có luật trưng cầu dân ý” để khước từ ý kiến của toàn dân. Trước sức ép của giới luật gia trong nước và sự quan tâm của bạn bè quốc tế, ngày 02/06/2006 một cuộc hội thảo về dự luật trưng cầu dân ý do Hội Luật Gia Việt Nam chủ trì, được tiến hành tại Hà Nội. Nhưng cuộc hội thảo ấy cũng chỉ diễn ra vỏn vẹn có một ngày, sau đó chuyện “Trưng cấu dân ý” lại “rơi tõm” vào quên lãng…

Một vấn đề cần xem xét trong việc trưng cầu dân ý, đó là “Sáng kiến trưng cầu dân ý”, cụ thể là vấn đề gì thì phải cần trưng cầu ý kiến toàn dân?

Một quốc gia có hàng ngàn công việc và đề tài cấp nhà nước nhằm phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội vv… Thông thường, người ta chỉ trưng cầu dân ý những vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Nhưng đôi khi chỉ là những đề tài “nhạy cảm” mà nhà nước không dám gánh chịu trách nhiệm, nếu quyết pháp của họ đem lại một kết quả xấu…

Tuy có thể tốn kém về tiền bạc chi phí cho một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng có thể nói: “Tất cả mọi cuộc trưng cầu dân ý đều tốt, vì nó thể hiện tính Dân Chủ Toàn Dân”.

Hiến Pháp 1992 hiện nay của Việt Nam đang sử dụng, có nhiều chương, điều, không còn phù hợp với tiến trình phát triển đất nước, thậm chí nó đã tự mâu thuẫn ngay từ khi chưa ban hành. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã gia nhập nền Kinh Tế Thị Trường, tức là quan hệ sản xuất và phát triển kinh tế theo mô hình đa thành phần của chế độ Tư Bản Chủ Nghĩa. Mặt khác, chính trị và kinh tế là hai vấn đề không thể tách rời trong sự phát triển của bất kỳ một quốc gia nào. Vì vậy việc sửa đổi hiến pháp cho phù hợp tình hình chung là điều tất yếu.

Nhưng sửa đổi, hoặc thay đổi những điều khoản nào của hiến pháp, lại là điều không thuộc quyền của dân. Trước hết, nếu như có một cuộc trưng cầu dân ý (trong giả định), thì việc đưa ra chủ đề (sáng kiến) nào để xin ý kiến toàn dân lại là do chế độ cầm quyền định đoạt.

Ai cũng biết: Điều 4 Hiến Pháp 1992 là bất công và bất minh. Nếu nghiên cứu kỹ thì điều 4 đó hiện nay là vô giá trị *. Vì vậy Điều 4 Hiến Pháp 1992 cần bị xóa bỏ. Trong trường hợp nhà cầm quyền CSVN “tảng lờ” điều 4, mà lại đi sửa đổi những điều khoản khác của hiến pháp, thì coi như cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp đã hầu như không còn ý nghĩa nữa, vì điều 4 tai ngược kia, và sự cố tình (hoặc vô ý) hiểu sai về nó, mới chính là vật cản lớn nhất trên con đường dân chủ hóa đất nước.

Nhà cầm quyền CSVN sẽ phải trưng cầu dân ý, vì điều này đã được khẳng định tới 6 lần trong hai bản hiến pháp quan trọng: Một bản khai sinh ra nền móng chế độ, và một bản đang là “xương sống chính trị” của xã hội đương thời…

Động thái gần đây nhất của phía nhà cầm quyền CSVN, đó là việc cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đánh tiếng trên báo chí về việc cần phải sửa đổi hiến pháp. Dư luận đánh giá, không phải vô tình mà một vị cựu chủ tịch quốc hội, cựu ủy viên Bộ Chính Trị “bỗng nhiên” lên tiếng. Có thể tới đây, đồng thời chế độ CSVN sẽ cho ban hành “Luật trưng cầu dân ý” và thực hiện trưng cầu dân ý về việc sửa đổi một số điều khoản của hiến pháp.

Nếu điều trên xảy ra, nhân dân Việt Nam cần đồng loạt đưa ra sáng kiến trưng cầu dân ý, đó là: Xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp 1992 để tránh sự ngộ nhận về bản chất của điều khoản hiến pháp này…

Quốc hội Việt Nam hiện nay (theo hiến pháp 1992 không có Tòa Án Hiến Pháp) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền sửa đổi hiến pháp. Họ tuy vẫn chịu sự chi phối nặng nề của Đảng Cộng Sản Việt Nam, và vẫn chưa thể thoát khỏi vai trò bù nhìn mà họ “đảm nhận” mấy chục năm qua. Nhưng trước công luận của quốc tế, và trong hàng ngũ đại biểu quốc hội đã thấp thoáng bóng dáng của một vài nhân vật, vì lý do không được phân phối lợi ích hợp lý theo kiểu ăn chia, cũng có thể vì lý do danh dự, đã dám lên tiếng (tuy còn khá yếu ớt) về những bất hợp lý của nền chính trị độc tài…

Trước sức ép nặng nề về mọi mặt từ Trung Quốc, nhất là tình hình xâm lấn gia tăng của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay chế độ độc tài CSVN đã phải miễn cưỡng lựa chọn Hoa Kỳ làm đối tác đa diện, đặc biệt là về quân sự. Điều này mở ra một triển vọng mới về tiến trình Dân Chủ Hóa Việt Nam. Vì đối với Hoa Kỳ, một quốc gia muốn trở thành đối tác chiến lược của họ, thì dứt khoát phải có sự cải thiện về dân chủ.

Ngoài việc Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Việt Nam có thể làm một cuộc cách mạng hạ bệ chế độ CSVN trong chớp nhoáng (điều này phụ thuộc quá nhiều yếu tố). Đã đến lúc chế độ độc tài CSVN không thể giữ mãi được vị trí độc tôn độc đảng của mình. Họ sẽ phải bắt tay vào việc cải thiện dân chủ, điều này rõ ràng là cần có một lộ trình. Điểm bắt đầu của lộ trình ấy, có lẽ chính là việc sửa đổi hiến pháp…

Lịch sử hơn 60 năm chế độ CSVN cho thấy, người dân Việt Nam không thể chờ đợi sự ban phát quyền lợi từ chế độ Cộng Sản cho họ. Người ta cũng không thể “đòi” một ân huệ nào của chế độ, mà phải “giành lấy”. Nếu người dân Việt Nam biết đồng lòng giành lấy những quyền đã được chính hiến pháp của chế độ CSVN xác nhận, xuất phát từ quyền phúc quyết của toàn dân – “Trưng cầu dân ý”- Một hình thức Dân Chủ Trực Tiếp, mà bất cứ chế độ nào xưng là Dân Chủ đều phải chấp nhận. Thì triển vọng cải thiện Dân Chủ cho Việt Nam là điều sẽ đến.

© Lê Nguyên Hồng