Home Tin Tức Bình Luận 36 kế của Tàu

36 kế của Tàu PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Trọng Hiệp   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 09:14

    Theo dõi tin tức trên báo chí quốc doanh trong những ngày cuối tháng Tư và đầu tháng Năm, sau các chuyến “viếng thăm hữu nghị” Trung Quốc của Phùng Quang Thanh và Nguyễn Tấn Dũng, người dân lắc đầu không biết quan hệ Việt Trung là quan hệ gì, nhất là cái “chiều sâu” của mối quan hệ.

 
Ngày 3.5.2010, sau khi Nguyễn Tấn Dũng về đến Hà Nội sau chuyến viếng thăm Trung Quốc, báo Nhân Dân đã bình luận là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã “đi vào chiều sâu”.

Thế nhưng sau đó thì cái “chiều sâu” ấy đã thể hiện như thế nào?

Ngày 7.5.2010, báo chí quốc doanh đưa các tin:

“Việt Nam phản đối Trung Quốc về lệnh cấm đánh cá”

“Phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam”

“Trung Quốc lại bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi”

“Trạm rađa 550 trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi): Nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam”.

Buồn cười hơn, ngày 8.5.2010, báo chí quốc doanh lại nói đến một quan hệ “chiều sâu” khác:

“Hải quân Việt Nam và Trung Quốc tuần tra liên hợp”.

Như vậy thì phải có cái gì đó không ổn trong cái “chiều sâu” đó, và cụ thể hơn là chuyến viếng thăm Trung Quốc của Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 26.4 đến 1.5.2010.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu một bài học.

Thủ đoạn thương thuyết của Trung Quốc

Năm 1986, báo chí Pháp đã đề cập chuyện một nhà thương thuyết Pháp phát điên chỉ sau 9 tháng “làm ăn” với Trung Quốc. Ông ta điên đến độ phát cuồng, nhảy ra giữa Quảng Trường Thiên An Môn la hét và chửi bới om sòm để rồi sau đó bị bắt và bị trục xuất.

Ông ta là đại diện của một công ty lọc dầu Pháp, được cử đến Bắc Kinh để điều đình một hợp đồng trị giá 500 triệu Mỹ kim với Bộ Ngoại Thương và Kinh Tế Đối Ngoại Trung Quốc. Đến làm ăn với con cháu của những Tôn Tử, Ngô Khởi, Khương Lữ Vọng hay Tào Tôn Tử, Ngô Khởi, Khương Lữ Vọng hay Tào Tháo mà chẳng hiểu gì về mưu mô Trung Quốc cả, và do đó đã bị đưa vào tròng.

Thoạt đầu, khi mới đặt chân đến Bắc Kinh, ông ta được đón tiếp bằng một lễ lạt tiếp tân rất trọng thể, rườm rà và quy cách. Điều đó có vuốt ve cái tôi của ông bao nhiêu đi nữa cũng không quan trọng bằng hậu quả gây nên ở sự mệt mỏi về thể xác vì ngay ngày hôm sau lại phải ngồi vào bàn thương thảo.

Hơn thế nữa, khi phải đơn thương độc mã đấu trí với những viên chức đối tác Trung Quốc đang vận dụng chiến thuật “xa luân chiến”, thần trí và thể xác ông ta đã bị vắt kiệt. Mới ngày đầu, ông ta đã phải chi li giới thiệu về công ty mình cũng như những đề nghị về dự án thì ngay ngày hôm sau phải vất vả trình bày lại vì lúc này chính quyền Trung Quốc cử một toán điều đình khác đến thay thế.

Cứ thế, điên đầu và chán ngán với sư lập đi lập lại cùng một đề tài, những yếu kém, những sơ hở của ông ta cứ dần dà bộc lộ qua những thay đổi trong ngôn ngữ, trong lập luận. Sau mấy tháng như vậy, cuộc thương thảo bị đình chỉ bất hạn định với một thông điệp không chính thức về một vài thay đổi có lợi cho phía Trung Quốc như một điều kiện để tiếp tục dự án.

Phát điên, ông tay chạy ra giữa Quảng trường Thiên An Môn, chỉ vào chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông mà chửi.

Nếu những nhà binh pháp Trung Hoa quan niệm rằng chiến tranh là một nghệ thuật bịp bợm nhằm lừa dối đối phương: dương đông kích tây, lộng giả thành chân, trong nụ cười có con dao sắc hay giết gà để nhát khỉ; những viên chức mẫn cán của Bộ Ngoại Thương và Kinh Tế Đối Ngoại Trung Quốc cũng đã áp dụng y chang một sách lược như thế. Trong cái gọi là “tam thập lục kế”, kế thứ tư dạy rằng nếu chúng ta dưỡng binh thì phải không quên sử dụng những phương pháp nghi binh để quấy đảo, không cho đối phương một phút thảnh thơi. Vị doanh nhân hoá điên kia, như đã thấy, cũng đã đương đầu với một tình trạng tương tự...

Chuyến đi Trung Quốc của Nguyễn Tấn Dũng vừa qua cũng diễn ra y hệt, và chính vì thế nên mới có mối quan hệ “chiều sâu” ê chề và cay đắng nói trên.

Đầu tiên, ngay trước khi Dũng bắt đầu chuyến viếng thăm vào ngày 26.4.2010, thì ngày 25.4. chính phủ Trung Quốc đã có hành động dằn mặt bằng việc tuyên bố phái tàu ngư chính đến tuần tra khu vực quanh quần đảo Trường Sa, thuộc hải phận Việt Nam,

Hành động của Trung Quốc là một thái độ ngang ngược, tỏ ý coi thường. Lý do là chỉ mới ba tuần trước đó, ngày 5.4 chính phủ Việt Nam đã chính thức yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt ngay các hoạt động ‘tuần tra ngư chính’” và xem đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

Sau đó là một loạt các chuyến thăm tỉnh lẻ để vắt kiệt sức lực và sự tỉnh táo của Nguyễn Tấn Dũng.

Sáng 27.4, Dũng đến thành phố Nam Kinh của tỉnh Giang Tô, tại đây đã hội kiến với chủ tịch tỉnh La Chí Quân. Theo Thông tấn xã Việt Nam thì tại đây hai bên đã “ký kết nhiều văn kiện hợp tác nhằm tạo thêm khuôn khổ pháp lý và động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Giang Tô”.

Khó có thể tưởng tượng cảnh thủ tướng, đại diện cho một nước lại có thể đến để đàm phán trong tư thế ngang hàng với người đứng đầu một tỉnh như vậy. Tuy nhiên đã làm thì phải làm cho ra trò và việc này làm Dũng mệt óc không ít.

Buổi sáng vừa “hội kiến, thương thảo, ký kết” xong, đến buổi chiều ngày 27.4.2010 thì Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam lại đến thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Tại đây Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Bí thư Tỉnh ủy Triệu Hồng Chúc, và hai bên đã cam kết sẽ “thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa Chiết Giang và Việt Nam trong các lĩnh vực.”

Sau chuyến viếng thăm Chiết Giang thì Nguyễn Tấn Dũng cùng phái đoàn đến Thượng Hải tham dự Hội chợ Thượng Hải và gặp Hồ Cẩm Đào. Liên miên hội kiến, liên miên thương thuyết, rõ ràng Dũng sẽ không còn đủ sức lực, sự sáng suốt và cứng cáp cần có để đối diện với Hồ Cẩm Đào. Hậu quả là cái “quan hệ chiều sâu” như đã thấy ở trên.

Ba mươi sáu kế

Người Trung Quốc có “Tam thập lục kế” là một bộ sách tập hợp 36 mưu chước quân sự - chính trị của cổ đại, xuất hiện từ thời Nam Bắc triều và tới thời nhà Minh thì được tập hợp thành sách.

Các sách lược này được tóm tắt lại thành “Ba mươi sáu kế”, sau đây chúng ta thử xem Trung Quốc đã áp dụng những loại kế nào.

1. Man thiên quá hải, nghĩa là “Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn”.

2. Vây Ngụy cứu Triệu. Thời Chiến Quốc, Bàng Quyên đem quân nước Ngụy tấn công nước Triệu. Tôn Tẩn, bạn học cũ của Bàng Quyên, bày kế cho nước Tề đem quân vây nước Ngụy, khiến Bàng Quyên phải kéo quân về giải vây, nước Triệu được cứu.

Có lẽ đây là mưu chước mà Trung Quốc đang áp dụng với Việt Nam. Họ “vây” nước Việt Nam nhưng lại cứu Đảng cộng sản Việt Nam, tình thế oái ăm này khiến giới lãnh đạo cộng sản VN chỉ có thể phản đối cầm chừng và chiếu lệ, dẫn tới mối quan hệ “chiều sâu” đầy mỉa mai nói trên.

3. Tá đao sát nhân, tức “Mượn dao giết người”.

Đây cũng là mưu chước mà Trung Quốc đang áp dụng. Họ luôn hô hào “tình hữu nghị” nhưng cho các thuyền vũ trang của mình tàn sát hay cướp bóc ngư dân Việt Nam.

4. Dĩ dật đãi lao, nghĩa là “lấy y khỏe, nhàn để đối phó với mỏi mệt”.

Đây là chước mà họ áp dụng trong chuyến “viếng thăm hữu nghị” của Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi.

5. Sấn hỏa đả kiếp, nghĩa là lợi dụng lúc cháy nhà mà ra tay hành động.

Cũng là sách lược của Trung Quốc khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Họ đã ra tay, buộc Việt Nam phải lạy lục mới cho “bình thường hoá quan hệ” và sau đó là các Hiệp định biên giới và Hiệp định Vịnh Bắc Bộ.

6. Thanh Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại.

7. Vô trung sinh hữu, kế nghi binh

8. Ám độ Trần Thương, chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới.

9. Cách ngạn quan hỏa, đứng cách bờ để xem lửa cháy, để yên cho kẻ địch tự rối loạn.

Đây cũng là sách lược lớn nhất mà Trung Quốc áp dụng với Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay, làm mọi cách để duy trì một nước Việt Nam chia cắt vì nội chiến để suy yếu và dễ bề thao túng.

10. Tiếu lý tàng đao, trong nụ cười có con dao sắc.

Đây cũng chính là “quan hệ hữu nghị chiều sâu” nói trên. Luôn hô hào “láng giềng hữu nghị” nhưng lấn đất lấn biển và cướp bóc được là ra tay ngay.

11. Lý đại đào cương, nghĩa là mận chết thay đào, đưa người khác ra gánh chịu tai họa cho mình.

12. Thuận thủ khiên dương, nghĩa là thuận tay bắt dê, phải nắm lấy cơ hội trong tay.

Việc Trung Quốc lấn lướt trên biển Đông trước thái độ nhu nhược của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam chính là trò “thuận thủ khiên dương”.

13. Đả thảo kinh xà, tức là đánh cỏ động rắn, tấn công vào xung quanh kẻ địch khiến chúng hoảng sợ.

Việc tuyên bố đi tuần, bắt giữ ngư dân ngay trước khi Nguyễn Tấn Dũng đến Trung Quốc cũng là chiến thuật đe doạ, làm Dũng không dám nói nhiều khi đến Trung Quốc.

14. Tá thi hoàn hồn, tức mượn xác trả hồn, mượn thân xác khác để đưa hồn về.

15. Điệu hổ ly sơn

16. Dục cầm cố túng, muốn bắt thì phải thả, lấy chuyện Khổng Minh tha Mạnh Hoạch bảy lần “thất cầm thất túng” khiến Mạnh Hoạch đội ơn mà không dám làm phản nữa.

17. Phao chuyên dẫn ngọc, tức ném gạch đưa ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch nhằm đạt cái lợi lớn hơn.

18. Cầm tặc cầm vương, tức bắt giặc bắt vua hay một dạng hỗn chiến kế.

Cách Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông bằng cách bắt bớ và cướp bóc ngư dân cũng là một kiểu “cầm tặc cầm vương”. Giới lãnh đạo cộng sản VN “biết điều” thì chỉ mới chừng ấy, nếu không “biết điều” thì làm mạnh hơn.

19. Phủ để trừu tâm, nghĩa là rút củi đáy nồi, đánh tiêu hao hậu cần khiến đối phương kiệt quệ dần và phải chịu thua.

Đây là cách mà Trung Quốc áp dụng khi đầu tư vào các mỏ bauxite, rừng đầu nguồn để làm Việt Nam kiệt quệ.

20. Hỗn thủy mạc ngư, tức đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế hỗn loạn để ra tay đạt mục đích.

21. Kim thiền thoát xác, nghĩa là ve sầu lột xác, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp.

22. Quan môn tróc tặng, tức đóng cửa bắt giặc, dồn giặc vào thế bí không thể chạy thoát.

23. Viễn giao cận công, xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực.

Đây không chỉ là một mưu chước mà là một chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng trong lịch sử và hiện đang tiếp tục sử dụng. Chúng ta sẽ bàn sâu vào sách lược này trong phần kế tiếp.

24. Giả đạo phạt Quắc, mượn đường giệt Quắc, hòa hoãn địch để rồi quay lại tấn công bằng lợi thế do chính địch tạo ra cho mình.

Hiện Trung Quốc đã quá “thân thiện” với Việt Nam, nếu quay sang tấn công thì thuận lợi cho Trung Quốc vô cùng.

25. Thâu lương hoán trụ, trộm rường thay cột, phá hủy cơ sở của địch

Cũng như mưu chước đã chỉ ra trong phần thứ 19.

26. Chi tang mạ hòe, chỉ cây dâu để mắng cây hòe, tấn công gián tiếp đối phương thông qua một trung gian khác.

27. Giả si bất điên, giả ngu chứ không điên, làm cho quân địch coi thường mình mà không đề phòng.

28. Thượng ốc trừu thê, lên nhà rút thang hay qua cầu rút ván

29. Thụ thượng khai hoa, tức trên cây hoa nở

30. Phản khách vi chủ, từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng.

Trung Quốc đã đưa công nhân của mình vào nhiều công trình xây dựng và khai thác mỏ tại Việt Nam và nhất định sẽ “bám trụ” lâu dài. Từ chỗ là khách họ sẽ lấn lướt và vươn lên vai trò của chủ!

31. Mỹ nhân kế, tức sử dụng gái đẹp để lung lạc đối phương.

Theo các tin tức chưa kiểm chứng thì Lê Khả Phiêu đã bị mỹ nhân kế của Trung Quốc nên mới có Hiệp định biên giới gây dư luận.

32. Không thành kế. Cùng đường, khi thành không có quân lại bị quân địch uy hiếp thì phải dùng những hành động kì lạ, trầm tĩnh khiến quân địch khiếp sợ tưởng có mai phục mà bỏ đi. Thời Tam Quốc, vì không có quân, Khổng Minh đã ôm đàn ra cửa thành ngồi dạo khiến Tư Mã Ý sợ hãi rút quân.

33. Phản gián kế, lợi dụng kế của đối phương để biến thành kế của mình.

34. Khổ nhục kế, tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch. Câu Tiễn sau khi thất bại trước Phù Sai thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm cả chất thải của Phù Sai để giúp thầy thuốc khám bệnh cho Ngô vương, tất cả chỉ để che dấu sự chuẩn bị trả thù của nước Việt.

35. Liên hoàn kế, sử dụng nhiều kế liên tiếp, móc nối nhiều kế với nhau.

Nhìn lại thì Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều kế với Việt Nam.

36. Tẩu vi thượng sách, gặp kẻ địch mạnh thì kế chuồn là thích hợp hơn cả trong 36 kế.

Đây là kế mà giới lãnh đạo cộng sản sẽ áp dụng. Hiện ai cũng gởi tiền ra trương mục nước ngoài, cho con cái du học và tìm cách “bám trụ” nước ngoài, có biến thì chạy!

Viễn giao cận công

Từ thời thời Xuân thu, Chiến quốc, các triều đại Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “xa hoà, gần đánh”, gọi là “viễn giao cận công”. Lấy thí dụ, trong khi làm hoà với Chiêm Thành, Trung Quốc lại bao phen gây hấn với Việt Nam vì lẽ đơn giản là đưa quân đi xa thì tốn kém, đánh gần thì tiện hơn. Đồng thời, đánh Việt Nam thì sẽ làm những lân bang “viễn giao” như Chiêm Thành lo sợ, do đó chăm chỉ triều cống hơn!

Trong tình thế hiện tại, với đường lối ngoại giao thực dụng, Trung Quốc cũng lập lại y chang kế sách trong mưu đồ bành trướng xuống phương Nam.

Thứ nhất, mặc dầu tham vọng của Trung Quốc dính líu đến hải phận của nhiều nước ASEAN, đồng thời xâm phạm đến Công ước biển của Liên hiệp quốc; Trung Quốc luôn “kiên định” lập trường của mình là không “quốc tế hoá vấn đề”.

Trung Quốc chủ trương giải quyết bằng đàm phán, nhưng đó là những cuộc đàm phán song phương, giữa Trung Quốc và từng nước riêng rẽ, không thông qua khối ASEAN hay cơ quan tài phán quốc tế nào đó.

Xét cho cùng, đó không chỉ là phương sách “bẽ đũa từng cái” mà còn phục vụ đường lối của Trung Quốc như đã nói ở trên. Trong khi có thể bành trướng dần ra ngoài, Trung Quốc vẫn không gây va chạm với những khối liên minh, không chọc giận một khối quốc gia,và không làm lớn vấn đề, không thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và nhờ đó không làm xấu đi hình ảnh của mình.

Trong khi đó thì khối ASEAN chỉ là một liên minh rời rạc vì ngoài yếu tố địa lý thì chẳng có yếu tố văn hoá lịch sử nào ràng buộc họ cả. Trên thực tế thì ASEAN ra đời chỉ vì các thành viên ban đầu... sợ cộng sản, mà cộng sản ở đây là Trung Cộng và Bắc Việt.

Thật vậy: trong mối ám ảnh về “thế bài domino” của phong trào cộng sản Á châu, khối ASEAN đã ra đời với mục tiêu liên kết để ngăn chặn làn sóng đỏ. Khi cộng sản tan tành thì ASEAN chuyển hướng sang mục tiêu kinh tế cũng như bảo vệ sự ổn định chính trị. Mà nguyên tắc cao nhất của “ổn định chính trị” của ASEAN cũng là “giữ nguyên tình trạng hiện tại” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của từng thành viên”. Thực chất của nguyên tắc này chỉ là bảo vệ những thể chế độc tài, tham nhũng đang hiện diện ở từng nước, mệnh danh là “giá trị Á châu”.

Một liên minh như vậy thì chỉ là một liên minh duy lợi, do đó nếu không có lợi lộc thì càng dễ tan hàng. Hơn thế nữa, nhiều thành viên ASEAN cũng xung đột với nhau về biên giới và hải phận, thí dụ Việt Nam và Cambodia, Việt Nam và Malaysia hay Indonesia v.v...

Trong khi đó thì thành viên ASEAN nào cũng xem Trung Quốc như là thị trường lớn nhất, béo bở nhất, do đó các nước thành viên ASEAN rất dễ bị Trung Quốc lung lạc, dễ chà đạp lên quyền lợi của nhau để kiếm miếng mồi này. Dù VN có xô xát với Trung Quốc thì đó cũng chỉ là chuyện “nội bộ” giữa hai nước, điều mà các thành viên ASEAN khác quan tâm là cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại tại thị trường vĩ đại Trung Quốc.

Bởi thế, trong thế trận với Trung Quốc, Việt Nam đã trở nên hoàn toàn cô đơn bởi ASEAN chỉ là một liên minh chắp vá.