Home Tin Tức Bình Luận Biển Ðông dậy sóng

Biển Ðông dậy sóng PDF Print E-mail
Tác Giả: Võ Long Triều   
Thứ Hai, 02 Tháng 8 Năm 2010 18:56

 Mọi vật chuyển biến không ngừng. Qui luật tự nhiên trong trời đất là như vậy. Kinh tế chính trị xã hội đều phải thay đổi theo thời gian.

Năm 1972, Mao Trạch Ðông tuyên bố: Kẻ thù ngày hôm trước cũng có thể biến thành bạn mình ngày hôm sau. Lập tức các bản tuyên truyền chống “con cọp giấy Mỹ quốc” đều phải bôi bỏ nội dung. Trung Quốc chuẩn bị tiếp đón long trọng Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon cùng với Ngoại Trưởng Henry Kissinger. Hậu quả, Trung Cộng tiếp sức Hà Nội đánh chiếm miền Nam Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi.

Hinh minh hoa 

Năm 2008 Tổng Thống Obama trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đã nhiệt tình ca ngợi sự phát triển, tiến bộ của xứ này và thẳng thừng tuyên bố Hoa Kỳ không phản đối Trung Cộng trở thành một siêu cường quốc.

Sự nhún nhường, thái độ hòa nhã, xã giao quá đáng của Tổng Thống Obama cho phép Trung Quốc hiểu ngầm con nợ Hoa Kỳ yếu thế, nên “thừa thắng xong lên” tuyên bố: “Biển Ðông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc cũng như Ðài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.”

Ðồng thời Trung Quốc nới rộng hải phận của mình bằng một “lưỡi bò” chiếm trọn các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước Philippines, Mã Lai Á, Brunei, Ðài Loan cũng giành quyền sở hữu một số đảo trong vùng.

Ngoài ra hải quân Trung Quốc còn quấy nhiễu, khiêu khích tàu Impecable của Mỹ di chuyển trong hải phận quốc tế. Hơn thế nữa Trung Quốc cấm công ty dầu hỏa của Mỹ không được phép khai thác trong hải phận Việt Nam.

Bất ngờ chính sách thay đổi. Ngày 27 tháng 7 năm 2010, ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hilary Clinton tuyên bố tại “Diễn Ðàn ASEAN-ARF” ở Hà Nôi: “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của Châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Ðông.”

Bà còn nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi chống dùng võ lực hay đe dọa bằng võ lực của bất cứ nước nào trong sự tranh chấp chủ quyền hải đảo và ranh giới hải phận.”

Cũng tại diễn đàn này bà ngoại trưởng còn bày tỏ quan điểm của Hoa Kỳ là khuyến khích cách giải quyết bất đồng về chủ quyền hải phận, đặc biệt quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng đường lối ngoại giao đa phương. Ðiều mà Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết bằng sự thương lượng song phương, để dễ bắt nạt, hăm dọa, mua chuộc đối phương, nhứt là với Việt Nam, nước láng giềng “hữu nghị” có thỏa thuận hợp tác toàn diện với người đồng chí “Tốt” là Trung Quốc. Tờ New York Times nhận định bà Hillary Clinton đã đặt Trung Quốc vào một tình thế “bối rối”.

Trước ngày khai mạc diễn đàn ASEAN, khi biết tin quân đội Hoa Kỳ sẽ tập trận qui mô, chung với quân Nam Hàn ngày 25 tháng 7 năm 2010 với sự tham gia của hàng không mẫu hạm và ba tàu ngầm lớn chuyên chở 154 hỏa tiễn Tomahawk, túc trực tại ba căn cứ Subic Bay Philippines, Busan Nam Hàn và Diego Garcia, có khả năng bắn chính xác vào mục tiêu cách xa 1,000 dặm. Còn có nhiều tàu chiến, phi cơ chiến đấu và trực thăng của hai nước đồng minh tham dự.

Trung Quốc lớn tiếng phản đối hành động này có tính cách đe dọa quốc gia họ và Bắc Triều Tiên. Ông Xu Guangquian, chiến lược gia quân sự Trung Quốc cảnh cáo: “Trung Quốc cương quyết bảo vệ không gian chiến lược của mình đối mặt với mọi đe dọa đến từ các nước khác.” Ngày 20 tháng 7 năm 2010 Trung Quốc diệu võ dương oai bằng một cuộc tập trận lớn phô trương sức mạnh hải quân của mình.

Sau lời phát biểu của ngoại trưởng Mỹ, Bắc Kinh lập tức phản ứng mạnh. Ngoại trưởng Trung Cộng, Dương Khiết Trì cho rằng bà Clinton nhắm vào Trung Quốc, tạo cho cộng đồng quốc tế một ấn tượng sai lầm rằng tình hình biển Ðông là do Trung Quốc gây xáo trộn, gieo lo ngại cho các nước trong khu vực. Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ âm mưu quốc tế hóa vấn đề biển Ðông.

Dương Thiết Trì còn tuyên bố ASEAN không phải là diễn đàn thích hợp để bàn thảo về biển Ðông. Cũng nên nhắc lại là tháng 4 vừa qua Trung Quốc đã thông báo cho hai viên chức cao cấp của Hoa Kỳ là ông Jeffrey A. Bader và James B. Steinberg rằng biển Ðông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ðồng thời Trung Quốc cũng từng khẳng định huyện Tam Sa, nghĩa là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, là hải phận của Trung Quốc không chối cãi được.

Cũng trong lúc đó báo quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc loan báo một cuộc thao diễn qui mô khác, đặt dưới sự giám sát của Tổng Tham Mưu Trưởng, Tướng Trần Bình Ðức. Tướng Ðức đưa ra lời kêu gọi quân đội giải phóng Trung Quốc, thẳng thừng nói: “Phải cảnh giác, có thể sẽ có những thay đổi trong nhiệm vụ và cần phải sẵn sàng chuẩn bị cụ thể ứng phó với những đụng độ quân sự”.

Cuộc thao diễn qui mô, kết hợp hai hạm đội Bắc-Nam nhằm mục đích chứng minh cho thế giới thấy Trung Quốc sẵn sàng và có khả năng đối đầu với mọi tình huống. Cách đây không lâu Tướng Tư Lệnh không quân Trung Quốc đã tuyên bố: Không Quân Trung Quốc chẳng những đủ khả năng bảo vệ quốc gia mà còn có thể chiến đấu ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Báo chí Mỹ và ngoại quốc cho rằng bà Clinton tuyên bố: “Biển Ðông là lợi ích quốc gia của Mỹ” có nghĩa là Hoa Kỳ trực tiếp thách thức Trung Quốc.

Tình hình chính trị và quân sự trong vùng Á Châu và biển Ðông đột nhiên trở thành căng thẳng. Việc gì sẽ xảy ra trong tương lai gần và xa?

Sự kiện không thể chối cãi được là khoảng thời gian 2008 trở đi, Trung Quốc công khai bày tỏ chủ trương bành trướng với ý đồ cướp đất chiếm biển bằng cách dùng võ lực ác chiến với hải quân Việt Nam Cộng Hòa và cướp Hoàng Sa năm 1974, dùng hải quân triệt hạ tàu chiến của nước đồng chí “láng giềng hữu nghị” năm 1978 và chiếm thêm một số đảo khác thuộc quyền kiểm soát của người anh em “tốt” là Việt Nam.

Cũng trong thời gian dài đó tàu Trung Quốc đâm chìm, bắn hư ngư thuyền Việt Nam đang lưới bắt cá trong vùng biển thuộc hải phận Việt Nam, ngoài khơi các tỉnh Quảng Ngãi và Ðà Nẵng. Ngư dân Việt Nam thường xuyên gặp tàu lạ mang cờ Trung Quốc nhưng Hà Nội cấm báo chí nêu đích danh. Bọn cướp giết hoặc bắt ngư phủ Việt Nam buộc phải nạp tiền chuộc mạng mà Hà Nội không dám can thiệp phản đối.

Sự thay đổi lập trường của Mỹ làm yên lòng, vững tâm dân chúng thuộc các nước trong vùng Châu Á. Họ bất mãn đối với bá quyền Bắc Kinh nhưng đơn phương họ không dám công khai gây hấn.

Ðặc biệt Việt Nam vui mừng vì tình hình biển Ðông biến chuyển theo chiều hướng thuận lợi, nhờ sự can dự trực tiếp và mạnh mẽ của Hoa Kỳ nên Trung Quốc sẽ giảm áp lực đè nặng trên đầu Bộ Chính Trị đảng đồng thời tạo sự bất mãn tận cùng trong quần chúng. Tình thế hiện tại cho phép Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, khua môi múa mép một cách khôi hài nói rằng: Việt Nam có đủ khả năng chống trả mọi áp lực bất cứ từ đâu đến.

Thực tế Việt Nam chưa quyết tiến thoái như thế nào? Bởi vì giới quan sát cho rằng nếu theo Mỹ thì mất đảng, nghĩa là mất tất cả, còn theo Trung Quốc thì mất nước, dân nổi loạn cũng mất đảng và mất tất cả.

Người ta phải công nhận: Dù Trung Quốc có thao diễn bao nhiêu lần, sức mạnh của hải, lục, không quân và hỏa tiễn tầm xa có bắn tới đâu đi nữa cũng không thể chứng minh được sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể bằng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong hiện tại. Chỉ cần xem Trung Quốc có bao nhiêu hàng không mẫu hạm? Bao nhiêu tàu ngầm, nguyên tử và không nguyên tử? Bao nhiêu hỏa tiễn tầm xa? Và nếu phải đặt vấn đề đầu đạn nguyên tử thì chắc chắn Trung Quốc còn thua kém Hoa Kỳ nhiều lắm.

Những sự biểu dương lực lượng ồ ạt của Trung Quốc chỉ để trấn an dư luận trong nước cũng như vài tuần trước đây, Bác Hàn hăm dọa sẽ dùng bom nguyên tử tiêu diệt Nam Hàn nếu cuộc tập trận chung với Mỹ đe dọa an ninh xứ này. Thực tế võ mồm không hù dọa được hai nước đồng minh diễn tập y như có giặc thật, nhắm vào mục tiêu nào Bắc Triều Tiên phải biết.

Tóm lại, phải nghĩ rằng trong thế yếu ngày nay, Trung Quốc phải đành nuốt hận nhịn thua, không phải giả dại qua ải mà ngược lại phải tuyên bố hung hăng, một thứ cường điệu để qua ải chờ thời mà không mất mặt.

Vấn đề còn lại là trong tương lai gần và tương lai xa Trung Quốc sẽ làm gì? Xin phép được trình bày ở kỳ sau.