Home Tin Tức Bình Luận Afghanistan có thành Việt Nam thứ hai?

Afghanistan có thành Việt Nam thứ hai? PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Long, phóng viên RFA   
Thứ Bảy, 07 Tháng 8 Năm 2010 05:07

Liệu Afghanistan có thành Việt Nam thứ hai, nhân vụ tiết lộ 92 ngàn tài liệu mật?


AFP PHOTO / Yuri Cortez / Một binh sĩ Mỹ tuần tra với binh sĩ Afghanistan ở Kukaran trong tỉnh Kandahar hôm 6 tháng 8 năm 2010.

92 ngàn tài liệu mật bị tung ra giữa lúc quân Mỹ bị tổn thất cao nhất trong tháng 7, quân Taliban tấn công sát thủ đô Kabul, lực lượng Mỹ tiếp tục tăng quân.

Tình hình tại Afghanistan lúc này, vào khi tài liệu quốc phòng bị tiết lộ, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến tình trạng chiến cuộc Việt Nam khi những tài liệu mật gọi là "Pentagon Papers" bị tung ra từ giữa năm 1971, dẫn đến sự suy sụp tình hình miền Nam Việt Nam những năm sau đó.

Liệu Afghanistan có trở thành Việt Nam thứ hai cho Hoa Kỳ hay không? Việt Long trình bày những tìm hiểu dành cho câu trả lời.

Đe dọa an ninh quốc gia
Vụ tiết lộ bí mật quân sự với khối lượng chưa từng có tại Hoa Kỳ đã tung ra công khai hơn 90 ngàn văn bản, trong số đó nhiều tài liệu cho biết chi tiết về những điều cáo buộc nói là lực lượng Mỹ che dấu những vụ thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Thêm vào đó các tài liệu mật này còn cho thấy những mối lo ngại của Hoa Kỳ về việc Pakistan vẫn bí mật giúp quân Taliban dù Islamabad đã nhận của Mỹ hằng tỉ đô la. Bên cạnh đó là tình hình nghiêm trọng tại Afghanistan vào khi Tổng thống Obama quyết định tăng quân.

Những văn kiện này là bộ sưu tập những tin tình báo từ chiến trường và những mối đe dọa hiện hữu từ trước khi Tổng thống Obama ra lệnh tăng quân hồi tháng 12.

Tổng quát, bộ tài liệu còn trưng ra hình ảnh khá ảm đạm trong sự lượng định của Ngũ giác đài về tình hình chiến trường Afghanistan, giữa tình hình an ninh suy kém và lực lượng Taliban được củng cố mạnh hơn lên.


 Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Hamid Karzai trò chuyện tại bữa ăn tối ở Kabul, Afghanistan, ngày 28 tháng 3 năm 2010. White House Photo by Pete Souza.

Tòa Bạch ốc lên án sự tiết lộ thông tin như vậy có thể đe dọa nền an ninh quốc gia và gây nguy hiểm cho sinh mạng lính Mỹ. Ngũ giác Đài gọi đó là hành vi phạm tội hình sự. 

Julian Assange, người sáng lập Website Wikileaks, là tổ chức nhận được kho tài liệu, cho biết nhóm này đã giữ lại 15 ngàn văn kiện được cho là có ảnh hưởng đến sự an nguy của người Mỹ. 

Ngay sau đó các viên chức hành pháp và quân sự đã cho biết những cộng tác viên tình báo ở Afghanistan là những người sẽ bị hại trong thời gian tới, vì tên họ được thấy trong các tài liệu mật đã bị tiết lộ.

Vụ này nổ ra vào lúc tòa Bạch ốc gặp khó khăn về mặt tinh thần của người dân ủng hộ sự tham chịến của Mỹ tại Afghanistan, trong khi quân Taliban nỗ lực gia tăng hoạt động mạnh để cố gây thật nhiều tổn thất cho quân Mỹ.

Tình hình đó khiến người ta không khỏi liên tưởng tới vụ gọi là " Pentagon Papers", khi Daniel Elsberg tung lên mặt báo hằng ngàn trang tài liệu mật của các bộ quốc phòng Mỹ liên quan đến chiến cuộc tại Việt Nam, vào những năm 1971, 1972.

Vụ "Pentagon Papers" năm 1971
Năm 1971 chiến sự gia tăng khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị tổn thất đáng kể trong trận Hạ Lào, trong khi quân Mỹ tiếp tục chuyển giao dần nhiệm vụ tác chiến cho quân đội quốc gia miền Nam.

Sang năm 1972 là những trận thư hùng chưa từng có tại Việt Nam giữa quân đội của hai miền Nam Bắc Việt Nam, trong đó lực lượng Việt Nam Cộng Hòa giữ vững được phòng tuyến cho mọi tỉnh thành sau những gánh tổn thất khổng lồ của cả hai bên.

Đến khi quân Mỹ dứt hẳn nhiệm vụ yểm trợ không lực cho quân đội miền Nam thì Bắc Việt tung quân và chiến cụ vào miền Nam cố giành ưu thế lãnh thổ và tâm lý, thử nghiệm chiến trường, trong lúc quyết tâm ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa của chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ bị vụ Daniel Ellsberg giáng những đòn chí tử không thể nào gượng dậy.

Tháng 6/1971 là lúc tài liệu mật do Daniel Ellsberg lấy cắp được của bộ quốc phòng Mỹ lần đầu tiên được đăng công khai một phần đầu trên báo Times.

Chỉ một phần tài liệu này đã lập tức trở thành quả bom tấn đánh trúng ngay nỗ lực chiến tranh của tòa Bạch ốc, cả từ thời các Tổng thống Kennedy, Johnson cho tới vị đương nhiệm lúc đó là Tổng thống Nixon.

Nhà nghiên cứu Daniel Ellsberg, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến, tiến sĩ kinh tế học Harvard, làm công việc nghiên cứu cho bộ quốc phòng Hoa Kỳ, từng báo cáo biến cố vịnh Bắc Việt năm 1964 cho Bộ trưởng McNamara, từng phục vụ tại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau cùng được giao nhiệm vụ nghiên cứu những tài liệu tối mật về chiến tranh Việt Nam.


 Tổng thống Barack Obama thăm hỏi quân đội Mỹ tại một hội trường ở sân bay Bagram, Afghanistan, hôm 28 tháng 3 năm 2010. White House Photo by Pete Souza.

 Ông dần dần mang tư tưởng phản chiến, bắt đầu tiết lộ dần tài liệu đó từ năm 1968 ở những chỗ riêng tư và giới phản chiến cả trong và ngoài chính quyền.

Trận chiến pháp lý bắt đầu nổ ra giữa hành pháp Mỹ với Daniel Ellsberg cùng nhiều tờ báo hàng đầu của Mỹ.

Daniel Ellsberg trốn lánh, tiếp tục tuôn tài liệu cho 15 tờ báo khác trong khi báo Times phải đối đầu với tòa án. Rồi tòa án tối cao Hoa Kỳ vào cuộc, tuyên phán đảo ngược nhiều phán quyết của tòa án liên bang, vũ đài pháp lý diễn ra những trận tưng bừng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ ...

Trong bối cảnh đó công luận gần như đứng hẳn về phía giới truyền thông và Daniel Elllsberg. Lập trường quan điểm phản chiến càng ngày càng bùng lên mạnh mẽ và chiếm hẳn vũ đài công luận.

Uy tín của chính phủ Mỹ qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống bị sa sút nặng nề, và những nỗ lực tiếp tục giữ lời hứa yểm trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chống lại chế độ Cộng Sản Hà Nội bị trúng những đòn tâm lý không thể hồi phục. 

Ngày nay, quân Taliban đang áp dụng kinh nghiệm của quân đội Bắc Việt hồi năm Mậu thân 1968 đến 1972: gây tổn thất càng nhiều càng tốt cho lực lượng Mỹ, đánh mạnh ở ngay thủ đô Kabul vào lúc Ngũ giác đài vừa tỏ quyết tâm và tăng cường lực lượng cho những chiến dịch quyết định trong vòng 1 năm để bắt đầu tiến trình lui quân, các giới chức lãnh đạo vừa mạnh tiếng xác định ưu thế quân sự và chiến lược, xác quyết ở một chiến thắng sau cùng.

Taliban mong người dân Mỹ càng nghe những lời quyềt tâm chiến thắng thì càng thấy thanh niên Mỹ bị tổn hại nhiều hơn, thế trận càng bất ổn ở thủ đô.

Taliban mong tình hình được người Mỹ tưởng như không khác nào khi phòng tuyến Sài Gòn đầy khói lửa, tòa đại sứ Mỹ bị biệt động thành cảm tử tấn kích cách nay 42 năm, ngay sau khi tướng Westmoreland cam đoan chiến thắng.

Chiến thuật của Taliban là đánh gục tinh thần chiến đấu của người Mỹ ngay tại Washington, điều mà Hà Nội đã làm được với sự yểm trợ hết sức của cả khối Cộng Sản trong thời chiến tranh lạnh. 

Afghanistan không thể là Việt Nam?

 Tổng thống Barack Obama nói chuyện với quân đội Mỹ tại sân bay Bagram ở Afghanistan, ngày 28 tháng 3 năm 2010. White House Photo by Pete Souza.

Trong khi đó thì 92 ngàn tài liệu mật tung ra, khác nào vụ Daniel Ellsberg.

Từ trước đó tại Washington cũng đã manh nha những ý kiến phản đối chiến tranh, có ảnh hưởng phần nào đến quyết tâm của người dân Mỹ để cho chính phủ của họ đem quân đội đi tìm diệt những quân khủng bố đã dùng thủ đoạn tàn bạo có một không hai trong lịch sử nhân loại, gây cái chết cho hằng ngàn người Mỹ và người ngoại quốc ở New York cách nay đã chín năm.

Công luận Mỹ đã nhận xét công bằng, rằng tình trạng nước Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam không thể lập lại vào thời này. Ít ai nhắc đến thời kỳ Việt Nam ngày xưa kia.

Kho 92 ngàn tài liệu tung ra cũng không gây được tác dụng tâm lý nào.

Lưỡng đảng Quốc hội vẫn nhất trí tung tiền yểm trợ cho chiến cuộc Afghanistan, sự chống đối không đáng kể. Giới truyền thông Mỹ vẫn không hề quên mối hận 911 ở New York.

Tổn thất của quân Mỹ tại Afghanistan trong tháng 7 là 66 binh sĩ, mức cao kỷ lục trong 9 năm nay, so với những tháng ngày quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam trong bảy năm trời chỉ là những con số lẻ phần trăm.

Nhìn rộng ra, lực lượng Taliban chỉ bao gồm những trung đội tiểu đội biệt kích khủng bố cảm tử, họa hoằn mới có cuộc tấn công cấp đại đội vào đồn bót cảnh sát Afghanistan.

Xứ miền bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày xưa từng đưa hàng sư đoàn xâm nhập, rôi đến hằng quân đoàn tràn qua giới tuyến, mới gây được những trận tấn kích chiến luợc làm nghiêng cán cân chiến cuộc, với cái giá phải trả là sinh mạng hằng ngàn bộ đội.

Chỉ có chiến trường mới quyết định được tình thế. Quân Taliban còn phải củng cố lực lượng và tạo được thế trận bao vây thành thị trong hằng chục năm nữa, để người Mỹ mất lòng kiên nhẫn vì không giải quyết được chiến trường, trong khi chính phủ Kabul sau chừng đó năm vẫn không có được một quân đội biết chiến đấu hữu hiệu. 

Taliban chỉ có thể chiến thắng khi có đủ chừng đó yếu tố hội lại, trong tình huống giả thuyết là quân đội Mỹ không thi hành được chiến thuật nào để lùng diệt được những tiểu đội trung đội khủng bố cảm tử, người dân Afghanistan với thu nhập mãi mãi dưới mức nghèo đói không thể có được cuộc sống sung túc và an ninh, hạ tầng cơ sở kinh tế của xứ này không bao giờ được xây dựng đầy đủ. 

Muốn thành công bằng chiến tranh nổi dậy, nhất định phải tạo được những cuộc tấn công trận địa chiến với nhân lực và vũ khí từ ngoài lãnh thổ đưa vào, gấp bội lực lượng Kabul. 

Lịch sử thế giới xưa nay chưa bao giờ có những nhóm giặc cỏ chỉ hoạt động du kích, đột kích, chỉ chiếm được lãnh thổ cấp làng, huyện rồi bị tái chíêm, không đánh được một trận nào tới cấp trung đoàn, sư đoàn mà lại lật đổ được một triều đình, một chính phủ.

Trong tình huống giả thuyết là quân đội Mỹ không thi hành được chiến thuật nào để lùng diệt được những tiểu đội trung đội khủng bố cảm tử, người dân Afghanistan với thu nhập mãi mãi dưới mức nghèo đói không thể có được cuộc sống sung túc và an ninh, hạ tầng cơ sở kinh tế của xứ này không bao giờ được xây dựng đầy đủ. 

Afghanistan không thể là một Việt Nam thứ hai cho người Mỹ.