Home Tin Tức Bình Luận Hệ quả của sự khác biệt giữa sách lược chống cộng của Hoa kỳ và người Việt chống cộng ở hải ngoại

Hệ quả của sự khác biệt giữa sách lược chống cộng của Hoa kỳ và người Việt chống cộng ở hải ngoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Ý   
Thứ Ba, 10 Tháng 8 Năm 2010 20:27

           Trong tuần qua, dư luận quan tâm đến các cuốc hội luận công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, của Luật sư Hòang Duy Hùng,

tức  Nghị viên Al Hòang của Thành phố  Houston, như để tham khảo ý kiến đồng hương trước khi quyết định có nên tham gia  phái đoàn của chính quyền Houston về Hà

 
Nội trong tháng 9 hoặc tháng 10 để hòan tất kế hoạch thiết lập đường bay trực tiếp từ Houston đến Hà nội và Sàigòn, không phải qua những quốc gia đệ tam như Trung Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản như hiện nay.
    
        Theo thư “Tâm tình đường bay Houston & Việt Nam” ngày 30-7-2010 của Nghị viên Al Hòang được phổ biến rộng rãi trên mạng internet, thì vì lợi ích kinh tế cho thành phố, kế họach thiết lập đường bay trực tiếp giữa Houston và Việt Nam đã được cơ quan hữu trách của Thành Phố Houston xúc tiến các cuộc nghiên cứu gần mười năm qua và nay đã đi vào giai đọan chót cần hòan tất các hợp đồng để đi vào thực hiện. Vì Nghị viên Al Hòang là Phó Chủ Tịch của Ủy Ban Quốc Tế Vận trong Hội Đồng Nghị Viên  Thành Phố Houston , nên vào cuối tháng 7- 2010, trong một buổi điều trần của Ủy Ban, ông Mario Dias, Giám Đốc Phi Trường Houton (Houston Airport System thường gọi là HAS) đã yêu cầu  Nghị viên Al Hòang tham gia vào  phái đoàn của chính quyền Houston đến Hà Nội trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới đây, để giúp giải quyết kế hoạch này thuận lợi và thành công, nhờ gốc Việt Nam có kinh nghiệm và thông thạo ngôn ngữ Việt.
    
         Theo Nghị viên Al Hòang cho biết,  thì mặc dầu việc tham gia phái đòan chính quyền Thành phố Houston đi Hà nội vào tháng 9 hay tháng 10 tới đây là nhiệm vụ của một Nghị viên, và quyền quyết định đi hay không cũng là quyền của một nghị viên, không có tính cách bắt buộc, nhưng trước khi quyết định ông thấy cần tham khảo rộng rãi ý kiến đồng hương về sự lợi hại của quyết định này.Nghị viên Al Hòang giải thích:

   “Là một nghị viên thì công việc như vậy là trách nhiệm của tôi đối với Thành Phố.  Nhưng tôi xuất thân từ Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản, tôi được dân chúng của mọi sắc dân bầu cho tôi, nhưng lá phiếu của người Mỹ gốc Việt kỳ vừa qua đã giúp tôi thắng được đối thủ.  Tôi cảm kích sự thương yêu nâng đỡ đó của quý đồng hương nên không ai buộc tôi, tôi vẫn kính báo đến đồng hương.  Những ý kiến của quý đồng hương từ công khai hay đến riêng tư, tôi đều sẽ trân trọng cân nhắc…”
 
          Ngay sau khi Nghị viên Al Hòang mở các cuộc tham khảo công khai hay trong chốn riêng tư đã có những ý kiến đóng góp xây dựng qua các phương tiện truyền thông hay hội thảo của hai khuynh hướng chống cộng bảo thủ và chống cộng cấp tiến. Những người chống cộng theo khuynh hướng bảo thủ, mà Nghị viên Al Hòang gọi là “người Việt có tâm tư chống Cộng theo lối xưa và không đặt lợi ích của Thành Phố lên trên”,  thì phản ứng gay gắt, quyết liệt chống lại việc Nghị viên Al Hòang tham gia phái đòan chính quyền Houston đi Hà Nội.Những người theo khuynh hướng này thì kiên định trên lập trường chống cộng đến cùng, không đối thọai, không bắt tay “hòa giải hòa hợp với Việt cộng”trong bất cứ hòan cảnh nào, đã đưa ra những lập luận chống cộng quen thuộc từ 35 năm qua, để cho rằng nếu Nghị viên Al Hòang quyết định tham gia phái đòan đi Việt Nam, là phản lại những cử tri người Mỹ gốc việt đã bỏ phiếu cho ông đắc cử Nghị viên đơn vị F, và rằng như thế là “ông Hùng không còn tranh đấu nữa mà đã đi theo CSVN rồi hoặc ông Hùng đang thi hành cái gọi là Nghị Quyết 36 hoặc ông Hùng là Việt gian”.
    
         Trong khi đó, những người Việt chống cộng theo khuynh hướng cấp tiến thì cho ý kiến một cách ôn hòa hơn, cho rằng: Chống cộng có nhiều cách, chống cộng từ xa hay tiếp cận với đối phương bằng thế hợp pháp, bán hợp pháp và cả bất hợp pháp nếu cần, miễn sao hành động có lợi cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam và phát triển đất nước. Luật sư Hòang Duy Hùng, với tư cách công dân Hoa Kỳ, Nghị viên Thành Phố Houston, nếu tham gia phái đòan chính quyền Thành phố Houston đến Việt Nam, là có tư thế hợp pháp tiếp cận với đối phương, là một người có lập trường chống cộng kiên định và thành tích chống cộng trong quá khứ, có tài ứng biến ắt phải biết cần làm gì và nên làm gì vừa có lợi cho Thành phố Houston, vừa có lợi cho sự nghiệp chống cộng chung. Vì như thế, Nghị viên Al Hòang vừa hòan thành nhiệm vụ Nghị viên đem lại lợi ích kinh tế cho thành phố Houston, vừa phù hợp với sách lược chống cộng mới của Hoa Kỳ thực hiện sau chiến tranh Việt Nam, với nội dung căn bản ngắn gọn là: Tiếp cận, chuyển đổi  Việt cộng từ đối phương qua đối tác, bằng đối thọai trong môi trường “Mật ngọt kinh tế thị trường”, không chủ trương dùng bạo lực lật đổ Việt cộng để thay thế mà bằng cải tạo từng bước để biến chất Việt cộng thành công cụ chiến lược mới trong vùng của Hoa Kỳ. Sách lược này của Hoa Kỳ dường như đã có sức thuyết phục nhiều người vì đang có hiệu quả thực tiễn mà mọi người có thể kiểm chứng được.
 
       Tựu chung, sở dĩ có những phản ứng trái ngược  về việc Nghị viên Al Hòang có  hay không nên tham gia phái đòan chính quyền hữu trách Thành phố Houston đến Hà Nội để hòan tất công đọan cuối cùng cho kế họach thiết lập đường bay trực tiếp từ Houston đến Việt Nam, chính là hệ quả tất nhiên của sự khác biệt giữa sách lược chống  cộng của Hòa Kỳ và phương cách chống cộng của người Việt hải ngọai, kể từ sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc 35 năm trước đây.

         Thành ra, Nghị viên Al Hòang đã và đang phải đứng trước sự chọn lựa quyết định đầy khó khăn, đi hay không đi, lợi hại thế nào. Nếu quyết định đi, liệu  luật sư Hòang Duy Hùng có thể cùng lúc thực hiện được nhiệm vụ của một nghị viên  đối với cử tri đơn vị F nói riêng,vì lợi ích kinh tế cho  tòan thành phố Houston nói chung; có thực hiện được nhiệm vụ của một công dân Hòa kỳ theo sách lược chống cộng mới của Hoa Kỳ vì lợi ích của quốc gia Hoa Kỳ; và có thực hiện được nhiệm vụ của một người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đối với Quê Mẹ Việt Nam hay không?

         Tất cả tùy thuộc vào sự sáng suốt lựa chọn một quyết định, với lòng can đảm, tự tin  và tự trọng của nghị viên Al Hoàng, một trong nhiều tài năng lãnh đạo trẻ đầy triển vọng của khối người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngọai, đang có khuynh hướng thử nghiệm một phương cách chống cộng mới  mà họ cho rằng có thể có hiệu quả hơn, phù hợp với chiến lược quốc tế mới của Hoa Kỳ nói riêng và các cường quốc cực nói chung.

          Thiện Ý
Houston, ngày 9-8-2010