Home Tin Tức Bình Luận Từ Hoa Thịnh Ðốn: Ðầu tiên, tiền đâu???

Từ Hoa Thịnh Ðốn: Ðầu tiên, tiền đâu??? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Bảy, 14 Tháng 8 Năm 2010 09:27

 Hai tuần nữa các đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ sẽ rời chiến trường Iraq, chỉ để lại 50,000 binh sĩ đảm trách hai công tác cố vấn và huấn luyện

 cho quân đội nước bạn, theo đúng thỏa thuận đã đạt được giữa hai chính phủ trước ngày Tổng Thống George W. Bush mãn nhiệm. Cũng theo cam kết giữa Baghdad và Washington, kể từ ngày mùng 1 tháng 9, 2010 Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ đảm trách huấn luyện cảnh sát và các đơn vị an ninh bán quân sự cho Iraq ở 16 tỉnh thành, đồng thời mở rộng các chương trình dân sự qua 5 văn phòng lãnh sự được thiết lập ở các khu vực khác nhau.

Trong 2 năm qua nhiều cuộc thảo luận đã được thực hiện giữa 2 chính phủ về chương trình này, và giữa lúc mọi diễn tiến đều “thật tốt đẹp” như các viên chức Hoa Kỳ ở Baghdad thường nói thì ngay tại thủ đô Washington, chuyện diễn ra không dễ dàng như mọi người đã nghĩ. Lý do: số tiền Bộ Ngoại Giao cần để trang trải các phí tổn ngày một cao, nhiều hơn con số được nói đến chỉ một vài tháng trước đây.

Các viên chức hành pháp Hoa Kỳ cho hay dưới thời Tổng Thống George W. Bush, Tòa Bạch Ốc dự đoán chi phí Bộ Ngoại Giao cần có “không quá 1.2 tỷ dollars,” tháng rồi Tổng Thống Barack Obama được Quốc Hội chấp thuận ngân khoản đặc biệt 1.8 tỷ dành cho Iraq “nhưng vẫn chưa đủ để trang trải mọi chi phí.” Giữa tuần rồi, chính Ðại Tướng Tư Lệnh Chiến Trường Ray Odierno đã phải cất công từ Baghdad về lại thủ đô cũng chỉ với mục đích vận động xin thêm tiền cho Bộ Ngoại Giao thực hiện kế hoạch chuyển hướng từ quân sự sang dân sự.

Trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, ông Thứ Trưởng Ðặc Trách Chính Sách Patrick Kennedy nói: “Chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ đưa người sang Baghdad hoạt động nếu không có đủ phương tiện cần thiết để bảo vệ an ninh cho họ.” Bản báo cáo gửi cho Thượng và Hạ Viện cũng nói kế hoạch chỉ thành công với điều kiện nhân viên dân sự Mỹ giao tiếp trực tiếp với dân chúng, và nếu không có phương tiện bảo vệ an ninh, “nhân viên dân sự - phần lớn làm việc cho Bộ Ngoại Giao và các chương trình yểm trợ phát triển - không thể làm tròn trách nhiệm hai chính phủ đã đề ra.” Báo cáo này kết thúc với đề nghị Quốc Hội cấp thêm 400 triệu nữa cho tài khóa sắp tới, tức gấp đôi số tiền đã được nói đến dưới thời Tổng Thống Bush.

Từ sau biến cố 11 tháng 9, 2001, chưa bao giờ Quốc Hội từ chối đề nghị ngân sách Afghanistan và Iraq do Hành Pháp đệ nạp, nhưng lần này chuyện hoàn toàn khác: bên Thượng Viện bắt đầu tỏ vẻ bực bội, than với báo chí là Tòa Bạch Ốc xem Quốc Hội “như chỗ in ra tiền, trong khi một đồng chi ra là một đồng phải đi vay nợ.” Một phụ tá thuộc văn phòng ông Chủ Tịch Khối Ða Số Harry Reid nói thêm: “Khi đưa đề nghị sang cho Quốc Hội bên Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao đã không tính toán kỹ lưỡng thành ra mới chuyện thiếu hụt mới xảy ra.” Một nhân viên của Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện còn trách: “họ - Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao - coi thường chúng tôi, cứ nghĩ là đưa ra con số cho Iraq là chúng tôi phải gật đầu ngay tức khắc.”

Không chỉ gặp khó khăn từ phía Quốc Hội, cánh ngoại giao còn gặp trở ngại với cả phía Quốc Phòng. Trong cuộc thảo luận hồi tháng 4 vừa rồi với ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đưa ý kiến bên quân đội sử dụng trực thăng, xe bọc thép để đưa nhân viên dân sự đi làm công tác ngoại giao và dân vận, đồng thời cho người giúp điều hành hệ thống tiếp liệu từ các trạm xăng cho tới hệ thống kiểm soát an ninh.

Ðến giờ Bộ Quốc Phòng vẫn chưa trả lời yêu cầu này, viện dẫn lý do “sợ không có ngân khoản phụ trội để đáp ứng đòi hỏi của bên ngoại giao” hay như lời một viên chức cao cấp nói với báo chí “chúng tôi muốn dành tất cả mọi phương tiện và ngay cả nhân sự cho chiến trường Iraq, đáng lý bên ngoại giao phải đưa kế hoạch này cho chúng tôi từ lâu rồi, đằng này họ đợi nước đến chân rồi mới nhảy.”

Viên chức này cũng trách bên ngoại giao, nhắc lại “họ từng thúc đẩy chúng tôi ổn định tình hình Iraq để họ có thể bắt đầu các chương trình dân sự, chúng tôi làm xong rồi mà họ vẫn chưa hoạch định xong chương trình hành động cho những năm tới, dù các nhà ngoại giao đều biết quân đội Hoa Kỳ sắp sửa không còn hiện diện ở chiến trường nữa.”

Lỗi ở ai? Bên Tòa Bạch Ốc chỉ tay ngay sang phía Bộ Ngoại Giao, cho rằng “bên đó làm chuyện sai bây giờ muốn chúng tôi nhảy vào can thiệp giúp.” Chẳng những thế, Văn Phòng Ngân Sách còn “bật mí” văn thư gửi cho Bộ Ngoại Giao trong đó có đoạn viết với đại ý như sau: “Chúng tôi e ngại không thể xin thêm tiền cho quý bộ, nếu phải cần chi tiêu thêm, xin quý bộ vui lòng gói ghém trong khoản tiền đang có, chẳng hạn lấy tiền từ ngân khoản dành cho chương trình giúp phát triển Iraq sau thời chiến, và phải chờ đến khi đệ nập ngân sách mới lúc đó sẽ tính sau.” Nghe nói văn thư này do ông Jacob Lew đích thân soạn thảo, ông này trước đây làm việc dưới quyền bà Clinton, và chính bà ngoại trưởng đề nghị với tổng thống đưa người thân tín nhất của mình về lo ngân sách quốc gia!!!

Ðương nhiên bên Bộ Ngoại Giao không chịu thua cuộc, một mặt bà ngoại trưởng vận động trực tiếp với tổng thống, mặt khác bà sẽ ra trước Quốc Hội ngỏ lời xin tiền. Giới thạo tin ở thủ đô cho biết tháng tới khi Lưỡng Viện trở lại làm việc, bà Clinton sẽ xin ra điều trần “để trình bày cặn kẽ hơn về những gì bên ngoại giao sẽ làm trong những năm tới ở Iraq.” Một trong những điểm bà sẽ nói với các vị dân cử: rút quân khỏi Iraq mỗi năm đỡ tốn 16 tỷ bạc, chắc quý ông bà chẳng tiếc gì không cho tôi xin thêm 400 triệu.

Song song với những công tác này, bà ngoại trưởng sẽ gặp lại ông tổng trưởng Quốc Phòng để bảo: “Nếu ông không giúp tôi, số tiền chúng tôi phải bỏ ra thuê các tổ chức tư nhân bảo vệ an ninh cho các viên chức ngoại giao sẽ cao hơn rất nhiều, và quốc gia lại phải mang thêm nợ.”