Home Tin Tức Bình Luận Mỹ: “Thế giới tuyệt mật” nằm ngoài tầm kiểm soát

Mỹ: “Thế giới tuyệt mật” nằm ngoài tầm kiểm soát PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Bảy, 28 Tháng 8 Năm 2010 05:50

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã dẫn đến việc hình thành quá nhiều tổ chức tình báo ở nước Mỹ

và hệ quả là "thế giới tuyệt mật" này ngày nay đã rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nổi. Và cái giá phải trả là tính hiệu quả và an ninh cho người dân Mỹ không được bảo đảm.

Đó là mối lo ngại của Washington Post, nhật báo Mỹ mới công bố kết quả cuộc điều tra quy mô kéo dài 2 năm của họ về đề tài "Nước Mỹ tuyệt mật".
 

Một trong những biểu đồ tương tác
trong dự án điều tra "Nước Mỹ tuyệt
 mật" của tờ Washington Post.
 

Tờ báo nhấn mạnh, trong vòng 9 năm "thế giới tuyệt mật mà Chính phủ Mỹ sản sinh ra từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 giờ đã quá đông đảo dẫn đến tình trạng khó điều hành và người ta không còn biết thông tin bí mật có giá trị bao nhiêu, bao nhiêu nhân lực được sử dụng, bao nhiêu chương trình đang tồn tại cũng như bao nhiêu cơ quan tình báo khác nhau thực hiện cùng một chiến dịch". Những con số được tiết lộ đủ khiến người ta chóng mặt.

Sau năm 2001, hay chính xác hơn là từ sau ngày 11/9 gây bàng hoàng cả thế giới, trên toàn nước Mỹ có 263 tổ chức liên quan đến tình báo được thành lập hay tái tổ chức. Tổng cộng, 1.271 cơ quan tình báo do chính phủ chính thức quản lý và 1.931 công ty nhà thầu tư nhân được phân bố rải rác trên 10.000 địa điểm, làm việc cho các chương trình liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố hay thu thập thông tin tình báo.

Gần 854.000 người được quyền truy cập những thông tin tình báo tuyệt mật của nước Mỹ. Và tất cả 33 tòa nhà phục vụ cho hệ thống tình báo và chống khủng bố khổng lồ của nước Mỹ đã xây dựng xong hay đang trong tiến trình xây dựng trong thành phố Washington và các vùng lân cận - tức là khoảng gấp 3 lần diện tích của Lầu Năm Góc!

Về mặt kinh tế, sự bùng nổ xây dựng này cũng có gánh nặng riêng của nó: 75 tỉ USD (khoảng 58 tỉ euro) được đầu tư trong năm 2009 chỉ riêng cho lĩnh vực tình báo, tức kinh phí gấp đôi trước sự kiện ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, con số này thật ra chỉ thể hiện một phần trong các chương trình chính thức. Nhiều sứ mạng vẫn còn được coi là "không chính thức" và không được bao gồm trong khoản tiền được đầu tư này. Sự xuất hiện hàng loạt của những cơ quan này đang gây ra hệ lụy là sự phát sinh những cơ cấu quản lý rườm rà và chồng chéo lên nhau.

Ví dụ, tờ Washington Post đã thống kê được 51 tổ chức liên bang liên quan đến tình báo và chống khủng bố đặt trụ sở tại 15 thành phố khác nhau trên đất Mỹ, và tất cả đều thực hiện chung sứ mạng là theo dõi sự lưu thông của tài sản của các mạng lưới khủng bố trên toàn thế giới.

Và hậu quả là sự yếu kém của cả một hệ thống tình báo và chống khủng bố của Mỹ sau ngày 11/9 đã bất ngờ lộ ra trước mắt mọi người sau vụ tàn sát ở căn cứ quân sự Fort Hood ngay trên đất Mỹ - lúc đó một binh sĩ quy theo đạo Hồi đã tấn công 13 chiến hữu khác trong khu căn cứ trong tháng 11 năm ngoái.

Bộ phận chịu trách nhiệm về phản gián trong quân đội - nhóm tình báo 902 - sau đó đã đặc biệt quan tâm đến những thông tin đáng lo ngại về thủ lĩnh Hasan, như là những mối đe dọa và các e-mail của ông ta với một lãnh đạo Hồi giáo cực đoan người Yemen.

Nhóm tình báo 902 đặc biệt quan tâm đến các nhóm khủng bố tiến triển trên đất Mỹ, một sứ mạng từng được thực hiện bởi Bộ An ninh nội địa và một đơn vị trong FBI.

"Đó là tình trạng thiếu tập trung, chứ không phải là sự thiếu nguồn thông tin từ bên trong căn cứ Fort Hood", tờ Washington Post nhận định.

Hơn nữa, các cơ quan tình báo này tạo ra khoảng 50.000 bản báo cáo mỗi năm và nhiều báo cáo trong số đó đã không được biết đến hoặc lặp lại những báo cáo khác.

Một cựu quan chức trong lĩnh vực tình báo và chống khủng bố cho biết: "Khi có chuyện gì đó xảy ra, mọi cơ quan tình báo đều muốn che giấu nó. Và họ chỉ đáp lại những thông tin dữ liệu đã lưu thông".

Ngoài ra, thêm một khiếm khuyết khác của các cơ quan tình báo Mỹ là mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa họ. Một số chương trình (hay chiến dịch) được giữ bí mật đến mức chỉ một nhúm rất nhỏ nhân vật có đặc quyền được biết đến sự tồn tại của chúng. Bầu không khí bí ẩn và sự "phình" ra của mạng lưới các cơ quan tình báo của Mỹ đã gây cản trở rất nhiều cho sự trao đổi thông tin giữa các cơ quan với nhau.

Tờ Washington Post đưa ra ví dụ về chuyến bay Amsterdam - Detroit. Nhiều tổ chức  đã thu thập hàng đống thông tin về kế hoạch tấn công khủng bố (thất bại) của Umar Farouk Aabdulmuttalab "nhưng đã không có một ai kết hợp các mảnh ghép lại với nhau do hệ thống quá kềnh càng đến mức những quan chức chịu trách nhiệm rơi vào cảnh rối trí" - họ đã thừa nhận như thế.

 
                              Toàn cảnh Lầu Năm Góc. 

Đó là tình trạng của một "con quỷ không đầu" đang làm rối tung đầu óc của giới lãnh đạo trong khu vực tình báo và chống khủng bố của chính quyền Mỹ hiện nay. Nhưng David Gompert, Quyền Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (DNI) lại cam đoan rằng, những cải cách được tiến hành trong những năm sau này đã cho phép "cải thiện chất lượng và số lượng" của những sứ mạng tình báo và chống khủng bố của nước Mỹ. Và David Gompert cho rằng cuộc điều tra của tờ Washington Post "đã không mô tả các cơ quan của chúng ta như chúng ta mong muốn".

Ông tuyên bố có lẽ Lầu Năm Góc cũng nhận ra những sự rườm rà này, "nhưng cũng nên nhớ rằng từ sau sự kiện 11/9/2001 trên đất Mỹ đã không xảy ra vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào" - điều  đó có nghĩa là nước Mỹ đã an toàn hơn, theo David Gompert, sau ngày 11/9 ở Mỹ chỉ xảy ra những vụ tấn công khủng bố lẻ tẻ, vụn vặt, không đáng để hạ uy tín của ngành tình báo Mỹ!

Chính quyền Obama cũng công bố một tài liệu nhằm bắt bẻ lại một số nhận định đánh giá của tờ Washington Post. Nhất là việc xác định tuyệt đại đa số những người Mỹ làm việc trong ngành tình báo đều là những nhân viên hợp đồng.

Theo tài liệu thì đó là trường hợp của chỉ 28% trong tổng số nhân lực. Tài liệu viết: "70% ngân sách được chi cho những hợp đồng mua các vệ tinh và phần mềm chứ không phải cho những nhân viên làm việc hợp đồng".

Cuộc điều tra của tờ Washington Post được triển khai theo 3 hướng. Thứ nhất, tập trung vào cơ cấu tổ chức của các cơ quan dịch vụ tình báo. Thứ hai, điều tra về sự lệ thuộc quá lớn vào các dịch vụ tư nhân của tình báo Mỹ. Và, thứ ba là tác động của guồng máy tình báo Mỹ đến văn hóa và kinh tế nước này.

Trong cuộc điều tra quy mô nhất từ trước đến nay của nhật báo Washington Post, khoảng 20 nhà báo xuất sắc nhất được huy động cho những nhiệm vụ như là phỏng vấn một số nhân vật có liên quan và nghiên cứu hàng ngàn hồ sơ và báo cáo. Trên trang web của mình, tờ báo cũng thực hiện một số công việc như: trao đổi trực tuyến với các tác giả, trang web nhánh, phát động những cuộc nghiên cứu của các cơ quan tình báo, blog đặc biệt v.v..