Home Tin Tức Bình Luận Ðạo Islam, dự án Cordoba và người Muslim ở New York

Ðạo Islam, dự án Cordoba và người Muslim ở New York PDF Print E-mail
Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Tư, 01 Tháng 9 Năm 2010 15:33

Bài viết dưới đây gồm những đoạn sao chép từ sách báo, từ điển, tài liệu nhằm cống hiến bạn đọc của Trang Thời Sự Nhân Văn của Người Việt

dăm ba điều quanh một vấn đề càng ngày càng sôi nổi trong đó dù muốn dù không, dư luận, nhất là Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, phải nói đến: vấn đề tự do tín ngưỡng tại Hoa Kỳ và dự án xây một Trung Tâm Văn Hóa Ðạo Islam (ta thường gọi sai lầm là Ðạo Hồi, Hồi Giáo), chỉ ba ngã tư cách khu Ground Zero (nền bị san bằng) của Khu Tháp Ðôi Thương Mại Thế Giới, New York, đã bị khủng bố Hồi Giáo phá đổ bằng hai chiếc máy bay phản lực ngày 9 tháng 11 năm 2001.

Nhân sự kiện này, người viết thấy nên tìm hiểu thêm, dù sơ sài, về Ðạo Islam ở Việt Nam, về khối dân tộc thiểu số của chúng ta ở Ninh Thuận, Phan Rang, An Giang, về Kinh Co-ran (Qur'an). Vì không phải là một bài biên khảo khoa học, chỉ là một bài báo, nên các chi tiết sẽ lần lượt và tự nhiên hiện ra khi sự kiện được đề cập, như dưới đây.


Một trung tâm đạo Islam tại Châu Giang, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Sự kiện

Buổi chiều ngày 27 tháng 7 năm 2010, Hội đồng Thành phố New York họp tại Tòa nhà Thị chính ở Manhattan, nơi dân cư trong vùng có thể thảo luận với các nghị viên về mọi chuyện, từ việc nối dài đường xe buýt, hướng dẫn du lịch, thì bỗng nhiên có một giọng nổi lên từ đám cử tọa: “Thế còn nhà thờ Hồi Giáo (the mosque) thì sao?”

Ngay lập tức, phòng hội thành phố trở nên căng thẳng với những tiếng la to: “Không có nhà thờ Hồi Giáo! Không nhà thờ Hồi Giáo ở Ground Zero!”

Thật ra, nhà thờ chỉ là một phần của dự án. Theo báo Financial Times thì đó là một Trung Tâm Văn Hóa Ðạo Islam cao 13 tầng, sẽ là nơi lui tới làm việc của 150 nhân viên, và không kể cả ngàn khách vãng lai, dừ trù xây cất tốn phí khoảng từ 100 đến 150 triệu Mỹ kim. Trong sẽ có một rạp hát có 500 chỗ ngồi, phòng triển lãm, trường dạy nấu ăn, bể bơi, sân bóng rổ, thư viện, nhà ăn, hai tầng trên cùng sẽ là “trung tâm cầu nguyện xây hình vòm” [kiểu nhà thờ Hồi Giáo.]

Chủ nhân khu đất rộng vài chục mẫu, là Faisal Abdul Rauf và vợ là Daisy Khan, nhà phát triển là Sharif Gamal. Nhà thờ đấng Allah chỉ cách khu Nền San Bằng có ba khu phố.

 Rauf đã có riêng một ngôi nhà thờ cách đó 12 khu phố, từ 28 năm nay. Ông ta được coi là một nhà lãnh đạo Muslim tại New York, từng viết sách, và là tác giả cuốn “What's Right with Islam;” khi tái bản qua loại bìa mỏng, ông ta thêm một hàng chữ nhỏ ở bên dưới: “What's Right with America.” [Khi nói tới tôn giáo, người ta gọi là Ðạo Islam. Khi nói tới người theo đạo Islam, thờ phượng Allah, người ta gọi người đó là Muslim.]

Hôm Thứ Ba, theo bản tin của Newsmax.com, một cuốn băng xuất hiện và đưa lên Internet cho thấy Faisal Rauf từng nói trước một cử tọa người Úc câu này:

 “Bàn tay của người Mỹ nhuốm máu người muslims nhiều hơn là bàn tay của al-Qaida nhuốm máu những người vô tội ở những đạo khác.” (non-muslims)

Dự án nguyên thủy của ông gọi là Cordoba House. Bà Sarah Palin và ông Newt Gingrich chống đối mạnh mẽ. Họ gọi cái tên ấy là một “sự sỉ nhục” cho người Mỹ.

Tờ Financial Times số ra ngày 15 tháng 8, 2010 viết rằng, ông Gingrich nói: “Nó nhắc tới Cordoba ở Tây Ban Nha, thủ đô của những người Muslims đi chinh phục. Sau khi chiến thắng những người Thiên Chúa Giáo Tây Ban Nha, họ đã biến ngôi nhà thờ Công Giáo thành ngôi nhà thờ Hồi Giáo lớn thứ ba trên thế giới.

Hôm nay họ đề nghị xây Trung tâm Cordoba chính là muốn có một biểu tượng để bất cứ người islamist nào trên thế giới cũng nhận biết rằng Cordoba là một biểu tượng chinh phục của Islam.” [ở Mỹ].

Sau đó, nhóm Rauf và Gamal bỏ tên Cordoba, thay bằng Park51, một nơi “dành cho mọi người New York, và là một cái tên rất New York.”

Ðảng viên Cộng Hòa Rick Lazio dự định ra tranh cử thống đốc New York đưa ra đề nghị cần điều tra ai tài trợ nhóm này, và đây cũng là chủ đề tranh cử chính của ông. Và cho tới nay, tháng 7 và tháng 8, khắp nước Mỹ bàn tán về tự do tín ngưỡng, về giới hạn của sự khoan dung, về ý nghĩa vụ 9/11 và sự kính trọng nỗi đau thương của các nạn nhận khủng bố Hồi Giáo.

Vấn đề bùng nổ khi Tổng Thống Barack Obama tới dự lễ chay Ramadan và tuyên bố thuận lợi cho dự án nói trên. Ngay lập tức, vấn đề Obama là người đạo Hồi được nêu lên trở lại, mặc dù Tòa Bạch Ốc nhiều lần minh xác tổng thống là người theo Thiên Chúa Giáo.

Ý nghĩa của Islam

“Từ “Islam” xuất phát từ căn ngữ Ả Rập à, SLM, trong sự vật, có nghĩa là hòa bình, thanh khiết, thần phục và vâng mệnh. Trong tôn giáo, có nghĩa là thần phục vào ý chí của Thượng Ðế, tuân theo Thiên Luật tức Luật của Thượng Ðế [..

.]Trước đây, các tác giả phương Tây đã gọi đạo Islam theo từ tiếng Anh là “Mohammadism,” việc đặt tên sai này xem tôn giáo được đặt tên theo một con người theo mô thức của đạo Thiên Chúa là Christianity do từ Christ, hoặc đạo Do Thái là Judaism do tên Juda, v.v.

Tại Việt Nam, đạo Islam từ trước thường được quen gọi là Hồi Giáo hoặc Ðạo Hồi, các sách vở, từ điển cũng thường ghi như thế, cho nên có một thời một số người cứ hiểu lầm đạo Islam là đạo của Hồi Quốc tức nước Pakistan ngày nay.

Quả thật, nước Pakistan là nước mà đại đa số người dân theo đạo Islam không phát xuất từ Pakistan và hơn nữa đạo Islam không bao giờ có thể là đạo của một nước được.” (1)

Vẫn theo tác giả được trích dẫn ở trên, thì tên chánh thức trong cộng đồng gọi đạo là Islam, còn các tín đồ theo đạo Islam được gọi là Muslim... Thượng Ðế duy nhất đối với họ là Allah. “Allah là Ðấng Tạo Hóa của muôn loài, Thượng Ðế của tất cả Thượng Ðế, Vua của các vị Vua. Tội lỗi không thể dung tha trong Islam là niềm tin vào mọi thần linh đặt bên cạnh hoặc khác hơn Allah.” (1)

Trong chương sách nói về ý nghĩa của Islam, có đoạn viết rằng người Muslim đích thực tin vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng, những ai được coi là tốt thì sẽ lên thiên đường, và ngược lại thì sẽ bị đày vào địa ngục. Ðiều này chúng ta cũng thấy ở các đạo khác.

Kinh Qur'an do Allah mặc khải

Kinh Koran, Coran, hay cũng viết là Al-Qur'an, là kinh sách của người muslim. Họ coi cuốn kinh này là “lệnh phán truyền” của đấng tối cao, cũng gọi là Thượng Ðế, là Allah. Kinh được mặc khải vào một đêm trong tháng Ramadan của lịch Islam. Sự mặc khải tiếp diễn suốt mười ba năm.

 Kinh là lời của Allah do thiên thần Jibril đọc cho một người không biết chữ nhớ lại, học thuộc lòng, và đọc ra cho nhân loại. Người này là người Ả rập.

Người Việt trong cộng đồng dân tộc Chăm, sống và qui tụ trong một số tỉnh như Ninh Thuận, An Giang, và nhiều người đang sống tại Santa Ana, San Jose, Oregon, và Pháp. Họ có một bản kinh Qur'an bằng Việt ngữ, mà dịch giả là Hassan Abdul Karim, một người Việt có tên đạo Islam. (2)

Phần “Lời mở đầu” của cuốn sách in bản dịch cuốn kinh có viết như sau: “Kinh Qur'an mà người Muslim hiện đang có đã được lưu truyền lại theo hai cách: truyền khẩu và chép tay.

Nabi Muhammad là người thuộc lòng Al-Qur'an. Khi kể lại hiện tượng gặp thiên thần trong hang núi Hira', người thường đọc đi đọc lại năm câu kinh đã được mặc khải cho lần đầu tiên. Nabi Muhammad không những đọc thuộc lòng Kinh Qur'an mà còn ra lệnh và khuyến khích các tín hữu học thuộc lòng nữa.”

“Vào thời kỳ đó chưa có giấy viết, người Muslim tại Makkah trước kỷ nguyên Hijr (dời cư đi Madinah) và những người Muslim tại Madinah về sau, mỗi người tùy theo khả năng của mình, đều dùng các vật dụng khác biệt để ghi Qur'an cho riêng mình, chẳng hạn như loại da thuộc, hoặc da phơi khô, các mảnh gỗ, mảnh xương lạc đà, đá trắng mịn dễ khắc chữ, thân giữa của cành cây chà là, miếng đồ gốm bể, v.v.

Bởi vì lời mặc khải đã được ban xuống từng câu (ayah) hay từng đoạn ngắn, nên người ta ghi chúng tạm trên các vật nhỏ chờ đến khi chương Kinh (surah) được mặc khải đầy đủ, sau đó mới thu nhặt lại để chép vào các vật dụng thích hợp hơn.” Kinh Qur'an bản Việt ngữ in khổ lớn, 6 x 9”, dày 910 trang.

Chú thích:

1. Ðạo Islam (Ðức Tin Và Các Ứng Dụng do Dohamide Abu Talib, M.A., phiên dịch từ nguyên tác tiếng Anh của Hammuđah Abđalati, Ph.D.), Tủ sách Tìm Hiểu Islam, 1995, Santa Ana.2. Kinh Qur'An, Ý Nghĩa Nội Dung, bản Việt Ngữ do Hassan Abdul Karim dịch, Calif, 1997.