Con “rồng” Trung Quốc có đủ mạnh để hung hăng? |
Tác Giả: Ks. Nghĩa Nguyễn | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 9 Năm 2010 06:07 | |||
Trong những ngày gần đây, báo chí và giới truyền thông TQ đã đăng những lời lẽ thật cay cú nhắm tới quan điểm của Hoa Kỳ trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh hải và quyền lợi ở Biển Đông. Và TQ hung hăng hăm dọa, có lúc dẫn dụ răn đe Việt Nam, có lúc trịch thượng bài xích quan hệ đối tác giữa VN-HK. Có Phải TQ đã thực sự đủ mạnh về kinh tế và quân sự để có thể trấn áp được Hoa Kỳ? TQ được gì và đánh mất gì với thái độ hung hăng và kiêu ngạo của họ? Thử nhìn sâu hơn vào những vấn đề sau đây: Hôm nay, nền kinh tế TQ với GDP của quý II đã vuợt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Điều này có thật sự nói lên rằng TQ là một nước mà người dân đã giàu có? Chắc chắn là không, vì với 1.3 tỷ người, bình quân thu nhập (per capita) $3600 đô la trên đầu người ngang tầm với những quốc gia còn chậm phát triển như Algeria, El Salvador và Albania… TQ hiện nay chỉ là một công xưởng khổng lồ của thế giới và lĩnh vực kỷ thuật và công nghệ cao còn phụ thuộc rất nhiều vào sự đầu tư của các nuớc Nhật Bản, Nam Hàn và Tây phương. Một điều trớ trêu, lúc nào TQ cũng nêu lên rằng: Ngày nay, TQ là chủ nợ và HK là con nợ, nhưng chủ nợ TQ lại gom góp tiền thặng dư đầu tư vào thị truờng tài chính của con nợ HK, và lúc nào cũng nơm nớp sợ Hoa Kỳ và Châu Âu giảm chi tiêu. Đó chính là cái ràng buộc khắc nghiệt cho sức mạnh của nền kinh tế TQ, mà TQ cần phải nhận thức rõ về vị thế thực sự của họ trong cái thế hỗ tương để mưu cầu thịnh vượng chung của cộng đồng thế giới ngày nay. “Trung Quốc với 1.3 tỷ người, bình quân thu nhập (per capita) $3600 đô la trên đầu người ngang tầm với những quốc gia còn chậm phát triển như Algeria, El Salvador và Albania…” Sự phát triển và thành công liên tục trong 30 năm của kinh tế TQ là đáng tự hào và ủng hộ. Chỉ có điều, Chính phủ TQ đã đánh bóng quá mức về thành tựu kinh tế nhằm tạo ra tâm lý “thần thánh cho chế độ”: chỉ có (ta) TQ là trên hết. Thật ra, sự trỗi dậy của kinh tế TQ không có gì độc đáo trong lịch sử nhân loại. HK có nhiều giai đoạn phát triển rực rỡ, Nhật Bản phát triển liên tục từ năm 1955 tới 1985 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Bởi vì, TQ tạo ra một nhìn nhận sai lầm dẫn đến thái độ kiêu ngạo thái quá, theo nhận xét của Diệp Hải Lâm, (chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc): Cái tâm lý "TQ là trên hết, và những gì TQ làm ngày nay thì không ai có quyền phản đối và chỉ trích" mà hậu quả là nguời TQ đã dần dần đánh mất sự tin tuởng và thiện cảm của cộng đồng thế giới. Một quốc gia giàu có, càng có trách nhiệm tiếp tay với cộng đồng thế giới để giải quyết vấn đề an ninh, hiểm họa do thiên tai, và thịnh vuợng chung của nhân loại. Ấy thế mà, TQ đã tỏ thái độ thiếu thiện chí, tự cho mình có quyền đứng ra ngoài và không hợp tác tại Hội nghị khí hậu ở Copenhagen hồi cuối năm ngoái. TQ đã không tỏ rõ lập trường cứng rắn phê phán hành động hiếu chiến, gây hấn của Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn gần đây, trong khi cả thế giới lên tiếng phản đối. Hơn nưã, TQ ngày càng lộ liễu chính sách bá quyền, bành trướng lãnh thổ ngang ngược ở Biển Đông, và TQ đang tạo ra tiền đề xung đột lãnh thổ với Ấn Độ. Trong tương lai, nếu TQ không thay đổi cách hành xử như hiện nay và nhìn nhận đúng vị trí của mình trên thế giới, TQ sẽ bị cô lập và đánh mất đi vị thế chiến lược đang lên của họ trên bình diện quốc tế. TQ, một quốc gia còn quá nhiều bất ổn nội tại thì làm sao đủ sức để ra tay "bình thiên hạ". Vấn đề xung đột sắc tộc ở Tây Tạng, Hồi giáo Tân cuơng, và Nội Mông lúc nào cũng chực có cơ hội để bùng nổ. Sự phát triển kinh tế trong chế độ tập quyền, độc đoán của Chính phủ TQ dẫn đến sự phân hóa sâu sắc quyền lợi giữa nông thôn và thành thị. Sự chênh lệch tới tột đỉnh giữa tầng lớp giàu có và đại bộ phận nghèo khó tạo ra những mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong xã hội. Một chính sách kinh tế gấp rút và sự phát triển ồ ạt đã tàn phá hủy hoại môi truờng tàn khốc trên diện rộng là cái giá đắt đỏ TQ phải trả trong tuơng lai. Một nền kinh tế thị trường phát triển đòi hỏi một trật tự mới của xã hội tương xứng và một nền chính trị dân chủ tiến bộ phù hợp nảy sinh chính là nỗi lo sợ của giới cầm quyền cộng sản TQ hiện nay. Chừng đó nguyên nhân cũng đủ kìm hãm TQ trong một thời gian dài trước khi trở thành một trong những siêu cường của thế giới. [Đánh giá của nguời viết dựa trên National Geographic, Special issue; May 2008 “CHINA-Inside the Dragon”] Một điều kiện thiết yếu để có thể trở thành siêu cường thế giới là có thể phát huy sức mạnh của quyền lực mềm. TQ không có thực tâm và chính nghĩa trong chiến lược phát triển quyền lực mềm trên thế giới đi đôi với phát triển kinh tế. Để thỏa mãn cho nhu cầu nguyên liệu khổng lồ, TQ đang ra sức tận thu và vơ vét tài nguyên khắp thế giới, nhất là những quốc gia giàu tài nguyên ở châu Phi và châu Á còn lạc hậu. Mặc dầu TQ có giúp đỡ về tài chánh, góp phần phát triển cải thiện về cơ sở hạ tầng, đưa văn hóa TQ tới vài xứ sở ở châu Phi và ở châu Á, nhưng điều tai hại là TQ lại lũng đoạn và nuôi dưỡng các chính thể độc tài ở những nước mình chìa bàn tay ra “giúp đỡ” (Miến Điện, Sudan, Dafur, Congo, Zimbawe….) để hòng khai thác tài nguyên một cách dễ dàng và có lợi hơn cho họ. Kết quả, việc làm của Trung Quốc đâu có đem lại sự công bằng ấm no thật sự cho người dân bản xứ, mà chỉ càng làm cho những mâu thuẫn xung đột giữa nguời dân và chính quyền nước họ ngày càng gay gắt hơn. Có thể nói đường lối khai thác khoáng sản của TQ ở các quốc gia nghèo trên thế giới không khác mấy chủ nghĩa tư bản lạc hậu ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Một thực tế nữa, TQ phải nhận rõ rằng: Ngày nay tiếng Anh và văn hóa Âu Mỹ chinh phục thế giới, giá trị nhân quyền, dân chủ, tự do và nền kỹ thuật tiên tiến mà HK tiên phong là những giá trị mà các nước ở châu phi và châu Á và ngay cả bản thân TQ vẫn nhắm tới. Đó là sức mạnh mà TQ vẫn chưa có thể có đuợc trong thế kỷ XXI này. Hãy nhìn lại, sức mạnh nào đã giúp cho HK, từng một thời bị gọi là "sen đầm" của chủ nghĩa đế quốc, thực tế đã đứng ra thống lĩnh thế giới xuyên suốt gần tám thập niên. Không phải là sự giàu có của HK mà chính là quyền lực mềm có được từ một đường lối chính trị đúng đắn. Đó là HK chủ trương phát huy nền chính trị dân chủ, và một thế giới cạnh tranh tự do vì hòa bình thịnh vượng cho tất cả dân tộc trên thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, với sức mạnh vô địch về quân sự và một nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, HK đã không dùng sức mạnh đó để tranh giành chiếm đoạt lãnh thổ làm thuộc địa như đế quốc Tây Ban Nha, Pháp, Anh đã từng làm. HK chọn cho mình vị trí tiên phong để giúp đỡ, liên kết, vực dậy sức sống cộng đồng Tây Âu sau chiến tranh, tạo đồng minh chiến lược nhằm đưa một phần thế giới tới sự phồn vinh, dân chủ tiến bộ. Kết quả, có lẽ không gì ngoạn mục hơn là sự tăng trưởng năng động mọi mặt của bên này đã phơi ra sự suy thoái về kinh tế, tình trạng quan liêu, tham nhũng và rạn nứt về liên minh ý thức hệ của bên kia để dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, sự tan rã của khối CS Đông Âu và Liên Bang Xô Viết, đem đến một nền an ninh và hạnh phúc lớn hơn cho nhân loại. TQ cũng cần phải nhìn nhận sự thật rằng: Sự phát triển kinh tế ngày nay của TQ cũng không ngoài sự giúp đỡ hợp tác kinh tế bắt đầu vào thập niên 70 của HK với TQ cho đến nay. Ngày nay, sức mạnh của Hoa Kỳ không phải ở cái ưu thế về quân sự của 11 hàng không mẫu hạm nguyên tử (mà TQ có lối gọi là những con "vệ khuyển" của HK), và hàng chục tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân nằm khắp năm châu, hoặc những căn cứ quân sự nằm rải rác khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà chủ yếu là sức mạnh của uy tín, là sự đoàn kết và tín nhiệm của không ít quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn đứng đằng sau HK để cùng nhau bảo vệ và giữ gìn trật tự của thế giới mà HK là quốc gia tiên phong. Tờ Nhật báo Quân đội giải phóng, tờ báo quân đội hàng đầu của TQ, ngày 15/8/10 đã phải nhận định rằng: “Lịch sử và thực tế một lần nữa cho thấy một đất nước không có tầm nhìn bao quát về thế giới là một đất nước đi thụt lùi. Một quân đội thiếu một viễn kiến toàn cầu là một quân đội vô vọng. Hoa Kỳ là một mẫu mực hay để học hỏi về hai phương diện nói trên”. Bài báo nói thêm: "Lề lối suy nghĩ của quân đội Trung Quốc đang lỗi thời và nên học hỏi từ những nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ". Một sự thật cay đắng mà người TQ nói riêng và người châu Á nói chung phải hiểu, là thế kỷ XXI này vẫn chưa phải là thế kỷ của nguời châu Á. Đơn cử một ví dụ hơi xa xôi một chút: Lãnh thổ nước Nga phần lớn là nằm ở châu Á, nhưng người Nga là người Âu châu "da trắng" với văn hóa của Âu châu, cái bắt tay của họ đến thế giới Âu Mỹ vẫn dễ dàng hơn là chìa tay tới phương Đông. Ấn Độ là một quốc gia có nền văn minh lâu đời như TQ, có nền kinh tế, tiềm lực quân sự và dân số không thua TQ nhiều, nhưng cách hành xử của Ấn Độ khác hẳn TQ. Chính sách ngoại giao của Ấn Độ "biết người biết ta" không ngạo mạn, hợp tác với thế giới về an ninh để cùng phát triển kinh tế trong hòa bình, và tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho sức mạnh tiềm năng nguyên tử [Hợp tác nguyên tử giữa HK-Ấn Độ đã được ký kết hồi tháng 7 năm 2005. Tóm lại, qua 30 năm phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Chính phủ cộng sản TQ, vì củng cố quyền lực, nước này đã tạo ra một con “rồng” mới đủ mạnh nhưng đầy kiêu căng, ngạo mạn và hung hăng (không phải những học giả, những nhà chính khách và chính trị gia lỗi lạc của TQ không biết điều đó, nhưng khó cưỡng lại). Có lẽ trong một thời gian không lâu thế giới sẽ có vài “liều thuốc đắng dã tật” để giúp con “rồng đầy tật xấu” này trở lại con rồng Mushu thân thiện, hiền hòa, khôi hài nhưng không thiếu sự thông thái (như trong phim hoạt hình Mulan, phim dựng theo câu truyện dân gian Hoa Mộc Lan của TQ thời xưa của Đạo diễn nổi tiếng Tony Bancroft) mà thế giới yêu thích.
|