Home Tin Tức Bình Luận Ý nghĩa ngày lễ lao động Hoa Kỳ

Ý nghĩa ngày lễ lao động Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Ý   
Thứ Ba, 07 Tháng 9 Năm 2010 07:58
 Hàng năm vào ngày Thứ Hai của tuần lễ đầu tiên của Tháng 9, nhân dân Hoa Kỳ đã mừng Lễ Lao Ðộng của mình bằng một ngày nghỉ lao động, nối tiếp hai ngày nghỉ cuối tuần tạo thành một “Long we ek – end” được nghỉ việc tới 3 ngày liền.

 

        Là ngày Lễ Lao Ðộng của mình, vì là ngày vinh danh dành riêng cho người lao động Hoa Kỳ, khác với ngày Lễ Lao Ðộng Quốc tế hàng năm vào ngày 1 tháng 5, với ý nghĩa như là để vinh danh người lao động trên toàn thế giới.

         Vậy ai là những người lao động và vì sao người lao động được vinh danh?

         Trước hết người lao động là những người phải tiêu hao trí não hay sức lực của mình để làm ra tài hoá, sản phẩm vật chất hay tinh thần cung ứng cho nhu cầu của con người và xã hội. Về mặt kinh tế người ta thường phân biệt  ra hai loại: Lao động trí óc và lao động chân tay. Biểu hiện của hai loại lao động này là cách phục sức như chúng ta thường thấy: công nhân làm việc trong các hãng xưởng thường là mặc áo xanh, người làm việc trong văn phòng thường là mặc áo trắng thắt Cravaste cổ cứng. Nhưng dù là lao động trí óc hay lao động chân tay, tựu chung là lực lượng lao động đã làm ra của cải vật chất cũng như tinh thần cho toàn xã hội. Và vì vậy, người lao động chân chính ở đâu trên thế giới cũng cần và xứng đáng được vinh danh.

 

        Thế nhưng vinh danh không phải trong tinh thần đấu tranh giai cấp giữa người lao động và chủ tư bản bỏ vốn đầu tư sản xuất, như chủ trương của Karl Marx và thực hành chủ nghĩa cộng sản của Lenine và những người cộng sản sau này. Bởi vì sự vinh danh này chỉ là chiêu bài lừa mị để kích động lòng căm thù giai cấp làm động lực tiến hành bạo lực cách mạng đẫm máu cướp chính quyền, thiết lập một chế độ mệnh danh là “Chuyên chính vô sản”, hay là nền độc tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng thế.

        Chiêu bài lừa mị, vì thực tế sau khi cướp được chính quyền nhân danh quyền của người lao động, song người lao động chỉ được cho ăn bánh vẽ, làm việc cật lực, “Làm ngày không đủ, tranh thù làm đêm”, thi đua lao động để được phong cấp bằng đủ thứ mỹ từ như :“Anh hùng lao động”, “lao động tiên tiến”, “Lao động xuất sắc”, nhưng thành quả lao động thì thuộc về giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền, một giai cấp mới hợp thành một tập đoàn thống trị, độc quyền bóc lột người lao động đến tận xương tủy. Ðây là một thực tế mà người Việt Nam hơn ai hết đã được chứng kiến hay cũng từng là nạn nhân của cộng sản Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

        Như vậy thì ngày Lễ Lao Ðộng Hoa Kỳ  là để vinh danh người lao động Hoa Kỳ phải mang một ý nghĩa khác với người cộng sản và các chế độ độc tài cộng sản. Ðó là sự vinh danh thực sự được thể hiện bằng những quyền lợi thực sự của người lao động Hoa Kỳ, trong một chế độ dân chủ thực sự. Ðó là những quyền pháp định: quyền được làm việc, trong điều kiện an toàn lao động tối đa và thời gian làm việc cực nhọc tối thiểu. Ðó là quyền được hưởng dụng thành quả lao động tương xứng với khả năng, sức lực bỏ ra để làm của cải vật chất cũng như tinh thần cho con người và xã hội.

 

        Sau cùng, ý nghĩa cao nhất của ngày Lễ Lao Ðộng Hoa Kỳ là giá trị nhân bản được thể hiện rõ nét trong mối tương quan giữa người lao động bỏ sức và nhà tư bản bỏ vốn. Ðó là mối tương quan hài hoà chứ không là mâu thuẫn đối kháng như  những luận điểm và chủ trương đấu tranh giai cấp sắt máu của những người cộng sản. Một mối tương quan thiết lập trên tinh thần “Lao tư lưỡng lợi”, người có của, người có công, hợp tác sản xuất làm giầu của cải vật chất cũng như tinh thần cho con người và xã hội. Thành quả lao động này người lao động cũng như nhà tư bản đều chung hưởng trên căn bản một hợp đồng lao động thoả đáng, dưới sự bảo vệ của luật pháp cho quyền lợi và nghĩa vụ của cả đôi bên.