Home Tin Tức Bình Luận Bà Sakineh Ashtiani bị tử hình

Bà Sakineh Ashtiani bị tử hình PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Thứ Tư, 08 Tháng 9 Năm 2010 09:58

 Hình như họ không thể nào chấp nhận được rằng một người đàn bà cũng là một chủ nhà, như người chồng!

Một gia đình thuê căn lầu có lối đi riêng trong ngôi nhà cháu tôi ở Montréal, Canada. Bữa đầu tháng 7 khi tôi đang ở đây, ông thuê nhà xuống gõ cửa, lễ phép nói: “Thưa bà, chúng tôi sắp về Tunisie nghỉ hè, thăm gia đình. Xin nhờ bà đưa cho chồng bà hai ngân phiếu này, chúng tôi trả tiền nhà tháng 7 và tháng 8 luôn.”

Cô cháu tôi kể lại chuyện, lắc đầu: Tháng nào ông ấy cũng nói như vậy. Không bao giờ ông ta trả tiền nhà trực tiếp cho mình mà luôn luôn nhờ đưa tiền nhà “cho chồng bà!”

Hai vợ chồng họ còn trẻ, ăn ở rất lịch sự, tử tế; họ giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng hơn nhà mình nữa, không thể chê vào đâu được. Cả hai đều đi làm, ông ấy làm nghề kế toán, đã tốt nghiệp đại học ở đây, nói tiếng Anh, tiếng Pháp trôi chảy; đứa con trai thì đi học, rất ngoan ngoãn, lễ phép.

 Nhưng hình như họ không thể nào chấp nhận được rằng một người đàn bà cũng là một chủ nhà, như người chồng!

Nhiều người gốc từ các xứ Hồi Giáo đã trở thành công dân Canada nhưng vẫn giữ phong tục, văn hóa cổ truyền. Một câu chuyện bi thương mới xẩy ra năm qua khi một gia đình người gốc Afghanistan đã giết đứa con gái 16 tuổi, vì cô gái đã đi chơi với bạn trai, dù bố mẹ cấm.

Người mẹ cũng tham dự vào vụ giết con này với chồng và con trai. Sau khi giết con gái, người cha điện thoại báo cho cảnh sát biết để đến bắt ông ta đưa ra tòa. Là công dân Canada, họ muốn tỏ ra biết bảo vệ danh dự, ăn ở lương thiện, có trách nhiệm, tôn trọng luật lệ của xứ sở này. Nhưng mặt khác họ vẫn thấy bổn phận phải “bảo vệ danh dự gia đình” theo truyền thống quê hương họ. Họ coi truyền thống đó có tính chất thiêng liêng, vượt lên trên luật lệ của thế gian.

Ông Jose Manuel Barroso, chủ tịch Ủy Hội Cộng Ðồng Aạu Châu có thể kết án những hành động như vậy là “dã man không thể tả được,” như ông đã kết án chính quyền Iran trong vụ xử tử một phụ nữ về tội ngoại tình bằng cách ném đá. Nhưng những người tin tưởng và thực hành các truyền thống lâu đời đó lại coi chính họ mới thực sự sống văn minh, những người khác họ mới là dã man, mọi rợ.

Cả thế giới đang chăm chú nhìn về nước Iran, chờ đợi quyết định của tòa án tối cao của các giáo sĩ. Từ mấy năm nay nhiều người đã ký kiến nghị gửi chính quyền và giáo quyền ở đó xin đừng giết bà Sakineh Mohammad Ashtiani.

Bà Sakineh đã bị kết tội “ngoại tình.” Bà có thể bị xử tử bằng cách ném đá cho tới chết theo phong tục cổ. Bà bị truy tố vì, sau khi chồng đã chết vào năm 2006, bà ăn nằm với người đàn ông khác. Ðối với họ, đó là tội ngoại tình. Bà bị kết án phạt đánh đòn 99 roi. Người con trai lớn, lúc đó 17 tuổi, đã yêu cầu có mặt lúc mẹ bị hành hạ, vì anh “không muốn bỏ rơi mẹ tôi phải chịu bao đau đớn, sỉ nhục trong cảnh cô đơn.”

Chính quyền Iran từng tố cáo bà Sakineh Ashtiani đồng lõa trong vụ giết chồng bà. Họ còn nói rằng bà đã thú nhận tội giết chồng - chắc cũng như Bukharin ra tòa đã thú tội phản bội đảng cộng sản sau khi được công an của Stalin hỏi cung! Khi ra tòa bà đã phủ nhận lời thú tội đó.

Sau khi được tòa án ở thành phố Tabriz tha bổng vì thiếu bằng cớ, bà Sakineh bị đem ra xử lại về tội ngoại tình, với bản án tử hình sau được đổi cho chết bằng cách treo cổ thay vì bị ném đá. Hai người con của bà Sakineh đã vận động khắp nơi với sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền trong nước Iran, để cứu mẹ.

 Các nhân vật nổi danh và nhiều tổ chức trên trên thế giới lên tiếng can thiệp; cho nên bản án tử hình đáng lẽ thi hành vào tháng 7 vừa qua, đã được hoãn lại, cho Tòa án Tối Cao phúc thẩm.

Người con trai lớn Sajad, 22 tuổi, lại báo tin mẹ anh còn bị kết thêm tội về hành vi phản đạo đức, sau khi tờ Thời Báo ở Teheran đăng bức hình bà không quàng khăn trùm đầu. Bà bị kết án đánh roi 99 lần, vì chụp hình để đầu trần, trái pháp lệnh của các giáo sĩ. Tờ báo này sau đó đã đính chính, giải thích đó là hình một phụ nữ Iran khác, nay đã sống tị nạn ở Thụy Ðiển. Nhưng người con trai không biết bà Sakineh Ashtiani đã bị đánh hay chưa.

Cả thế giới bày tỏ lòng phẫn nộ trước cách đối xử của chính quyền Iran đối với một góa phụ 43 tuổi. Nhiều cuộc biểu tình ở London, Paris, Washington. Thành phố Roma treo một chân dung lớn của bà (đội khăn kín đầu) trước cửa tòa đô chính.

 Tòa Thánh Vatican, với chủ trương bác bỏ án tử hình ở mọi nơi, đã can thiệp một cách tín đáo để xin hội đồng giáo sĩ tối cao ở Iran trả tự do cho bà. Tổng Thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nói ông đã ra lệnh đại sứ nước ông trực tiếp can thiệp với Tổng Thống IranMahmoud Ahmadinejad xin ân xá, và hứa sẽ cho bà Sakineh được sang Brazin tị nạn.

Bà Carla Bruni, vợ Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy viết cho bà một lá thư ngỏ, nói: “Sakineh, bà nên biết tên của bà đang là một biểu tượng của cả thế giới. Chồng tôi sẽ lên tiếng bênh vực bà, nước Pháp sẽ không bỏ rơi bà.”

Sau khi bức thư được công bố, các tờ “báo đảng” ở Teheran chửi tác giả bằng những từ thô lỗ. Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng can thiệp, yêu cầu chính phủ Iran tôn trọng quyền tự do làm người của dân, đặc biệt là các phụ nữ.

Chính quyền Iran đã tự bào chữa hệ thống pháp luật của họ bằng cách chỉ trích lại các nước Tây Phương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Iran nói các nếu chính phủ Âu Châu coi việc xử tử hình một người đàn bà ngoại tình và giết chồng là vi phạm nhân quyền, thì hãy thả tất cả các tên sát nhân trong nhà tù của họ đi!

Họ còn lên giọng dạy bảo các nước Âu Mỹ hãy coi lại hệ thống xã hội của mình xem có tốt hay không trước khi phản đối Iran. Họ hỏi tại sao các nước Âu Châu lại ủng hộ Israel khi nước này đối xử bất công với người Palestine?

Những phản ứng trên có thể cho thấy quan niệm về công lý và nhân quyền của chế độ thần quyền ở Iran khác hẳn thế giới bên ngoài.

 Nhưng việc tự bào chữa mình bằng cách kể những lỗi lầm của người khác, như chính quyền Iran hay làm, không phải là phương cách hợp lý nhất để chối bỏ tội lỗi. Không phải vì có nhiều người đã vi phạm nhân quyền mà hành động vi phạm của mình được coi là hữu lý.

Một người ăn cắp trong một cửa hàng không thể tự biện hộ bằng cách tố cáo lại rằng chủ hàng đã bán giá đắt để kiếm lợi quá nhiều. Những chính quyền độc tài ở Miến Ðiện, Bắc Hàn,Việt Nam, Sudan, thường chỉ trích các cảnh bất công trong xã hội Tây phương để biện hộ cho các chính sách khinh thường quyền tự do của người dân trong nước họ.

Trên thế giới đã có nhiều nơi xử tử các phụ nữ ngoại tình bằng cách ném đá tới chết. Luật cổ truyền của Do Thái Giáo nói đến 18 trường hợp có thể xử tử bằng cách ném đá.

Có chứng tích cho thấy lối hành hình này cũng đã phổ biến ở Hy Lạp thời cổ đại. Trước đây 2000 năm có thể đó là một phương pháp xử án bình thường ở vùng Trung Ðông; vì vậy mới có câu chuyện chúa Giê Su hỏi, “Ai thấy mình không có tội thì ném hòn đá đầu tiên đi!”

Phong tục ném đá chắc rất phổ biến trong thời đó, không ai muốn đi ngược lại. Cho nên những tác giả Tân Ước cũng không ghi lại ý kiến của Chúa Giê Su, ngài có thể phản đối ngay việc giết người, dù người đó bị coi là có tội trong cõi nhân gian này. Nhiều tác giả công nhận một Hội Ðồng Phán Quan (Sanhedrin) của Do Thái Giáo đã bãi bỏ hẳn án tử hình từ năm 30, Tây lịch, vì tin con người không thể cướp quyền sống chết do Thượng Ðế ban cho người khác.

Các học giả cho biết trong Kinh Kuran của Hồi Giáo không hề có một chữ nào viết về “rajm” tức là Ném Ðá hay ném đá cho đến chết.

Một số quốc gia Hồi Giáo đã áp dụng cách xử tội này dựa trên những luật lệ được phát triển sau này, nhân danh Kinh Kuran. Hiện nay một số quốc gia Hồi Giáo còn áp dụng hình phạt ném đá như Afghanistan, Iran, Saudi Arabia, Somalia, Sudan, và Nigeria. Nhưng hiện có nhiều phong trào phụ nữ tại các nước Iran hoặc Afghanistan đang công khai vận động bãi bỏ phong tục này.

Phong tục hành hình bằng cách ném đá hầu như chỉ áp cho các phụ nữ ngoại tình, ít khi dùng cho các tội khác. Ðúng ra, đó không phải chỉ là việc xử tử hình mà còn là tra tấn, hành hạ nữa. Ðiều đó cho thấy tinh thần trọng nam khinh nữ cũng là một phong tục phổ biến từ mấy ngàn năm trước còn lưu cữu tới giờ.

Loài người được coi là càng ngày càng văn minh hơn vì đã biết thay đổi các phong tục, trong đó có việc bác bỏ thái độ trọng nam khinh nữ.

Phụ nữ có thể đã bị kỳ thị từ khi có sự phân công, phái nam đi săn bắn, đàn bà phải cho con bú nên chỉ đi hái lượm ở gần. Nhưng nhân loại đã tiến bộ từ tình trạng săn bắn du mục sang công việc chăn nuôi, trồng trọt là nhờ phụ nữ.

Chỉ có những người đàn bà sống ở gần hang ổ, nhà cửa, mới có cơ hội và đủ tính kiên nhẫn để thí nghiệm các việc trồng trọt và chăn nuôi. Loài người thực sự văn minh, một số ít người sản xuất đủ thực phẩm cho nhiều người, nhờ phát minh vĩ đại đó. Nhờ phát minh căn bản đó mà mỗi xã hội cổ sơ mới có thể nuôi những người không cần làm ra thực phẩm, nhưng các nghệ sĩ, những nhà phát minh, các thợ khéo, giúp tiến tới những hoạt động thương mại, công nghệ, vân vân sau này.

Không phải vì biết ơn phụ nữ đã sáng tạo ra nền văn minh nhân loại, mà vì tôn trọng quyền của tất cả mọi người được quyền sống như nhau, mà loài người đã đề cao quyền bình đẳng giữa nam và nữ.

Một cổ tục khác rất phổ biến trong lịch sử là tội tử hình, theo một điều luật cổ của Hoàng Ðế Hammurabi, ban hành 17 thế kỷ trước Công nguyên, đưa tới câu tục ngữ nổi tiếng: “Mắt trả bằng mắt, răng trả bằng răng.” Nhưng loài người văn minh cũng nhận thấy việc giết chết một phạm nhân không giúp cho tội ác giảm bớt, mà có thể vì muốn tập thể trả thù một cá nhân.

Hiện nay có 95 quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình. Những nước còn giữ, chiếm kỷ lục là Trung Quốc, năm 2009 đã giết 1700 người (nghi có thể trên 10,000 người nhưng không được báo cáo), rồi đến Iran, giết 388 người, sau tới Iraq (120), Á Rập Saudi (69), nước Mỹ đứng hàng thứ 5 với 52 vụ hành hình vào năm đó.

Ở những nước còn giữ án tử hình, người ta cũng tìm cách làm cho việc nhân danh xã hội, nhân danh công lý mà giết người có thể nhân đạo hơn. Dân chúng Mỹ hiện còn đang tranh luận về phương pháp xử tử bằng ghế điện hay chích thuốc, cách nào nhanh hơn và bớt gây đau đớn hơn.

Tiến từ tình trạng dã man sang văn minh, người ta cũng không muốn để cho việc xử tử hình mang tính chất trả thù, và nhất là không khích động thú tính trong con người. Những vụ hành hình công khai, nhất là những vụ treo cổ, ném đá, đều là những dịp để nhiều người thỏa mãn khuynh hướng giết chóc của họ.

Ở các nước, kể cả ở Việt Nam, khi còn những vụ hành hình trước công chúng, nói là để răn đe người khác, thực sự có nhiều người đã kéo nhau đi xem, như một cuộc giải trí. Các bạo chúa thường lợi dụng thú tính tiềm tàng trong mọi người dân để biện hộ cho những cuộc hành hình công khai đó.

Những vụ đấu tố bằng “tòa án nhân dân” do cộng sản Trung Hoa tổ chức thời cải cách ruộng đất cũng vậy. Những “phiên tòa” đó vừa kích thích óc trả thù, máu giết người của đám bần cố nông, vừa là cơ hội để bọn cướp được chính quyền tiêu diệt những người bất đồng ý kiến.

Cộng sản Việt Nam đã học được phương pháp đó của các đồng chí Trung Quốc, đem áp dụng ở nước ta, dưới sự chỉ đạo của các “cố vấn.” Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ người Việt lại đối xử với nhau một cách tàn bạo, như đem chôn sống người, chôn đứng người còn sống chỉ để hở cái đầu rồi cho cầy bừa đi qua. Phương pháp đó chắc phải là sáng kiến của các đồng chí “cố vấn Trung Quốc vĩ đại,” đem sang nước ta từ một quốc gia đã sáng chế ra những phương pháp giết người tinh vi mô tả trong Ðàn Hương Hình của Mặc Ngôn. Hoàn toàn do thú tính thúc đẩy. Nghĩ lại, chúng còn thấy chia sẻ nỗi nhục, khi người Việt Nam lại giết nhau như vậy.

Chúng ta cùng góp lời cầu nguyện cho bà Sakineh Mohammad Ashtiani. Bà hiện là biểu tượng cho cả thế giới nhìn vào, như Carla Bruni viết.

Chúng ta thẩm lượng trình độ văn minh của nước Iran qua vụ này. Việc họ có làm bom nguyên tử hay không cũng không quan trọng cho danh dự quốc gia của họ bằng cách họ đối xử với bà Ashtiani.

Hy vọng các giáo sĩ ở Iran sẽ không giết bà chỉ vì muốn chứng tỏ họ coi thường các lời nói của bà Hillary Clinton ở Mỹ hay ông Jose Manuel Barroso ở Âu Châu. Một dân tộc đã sản xuất ra những bậc Thánh như Zaratgustra, Mani, các triết gia như Jalaleddin Ashtiani, Kazem Assar, Ibrahim Ashtyani (không biết có họ với bà Ashtiani ngày nay hay không), những thi sĩ như Omar Khayyam, Rubi, Sadi, vân vân, chắc sẽ cố sống xứng đáng với tiền nhân của họ.

Cũng như người Việt Nam mình sẽ cố sống xứng đáng là con cháu của Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi. Phải sống hòa vào chiều tiến hóa của nền văn minh nhân loại.