Home Tin Tức Bình Luận Chính sách quốc phòng của Việt Cộng

Chính sách quốc phòng của Việt Cộng PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ðạt Thịnh   
Thứ Sáu, 10 Tháng 9 Năm 2010 10:28

 Chưa đầy nửa năm Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Cộng đã đi chầu Trung Cộng đến hai lần;

lần này, Vịnh ở Bắc Kinh 4 ngày, và tại đây, ông ta tái khẳng định đặc tính bốn không trong chính sách quốc phòng của Việt Cộng:
 
1) không tham gia các liên minh quân sự,

2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào,

3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và

4) không dựa vào nước này để chống nước kia. 
                                   

 
               Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tới chào
               Thượng tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc
 
Chính sách này nói lên quyết tâm làm chiếc đũa đơn lẻ, không nằm trong bó đũa Ðông Nam Á mà Hoa Kỳ đang mong muốn thực hiện. Và quyết tâm này tuân hành đúng từng chữ ý theo muốn của Trung Cộng. Vịnh khẳng định thêm quyết tâm đó bằng câu giải thích, “Như vậy, không chỉ với Mỹ, mà Việt Nam cũng sẽ không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào.”

Trong cuộc tranh chấp chủ quyền vô cùng gay go tại Biển Ðông hiện nay, chính sách không đồng minh quân sự với bất cứ nước nào, chỉ có thể có nghĩa là không tạo sức mạnh để phòng thủ lãnh hải.
 
Thái độ, hôm nay chấp nhận để mặc những pháo hạm trá hình thành tầu “ngư chính” thi hành chính sách ngư nghiệp của Trung Cộng trên lãnh hải Việt Nam, chấp nhận việc những tầu cảnh sát biển này bắt bớ, phạt vạ ngư phủ Việt Nam vì không tôn trọng luật lệ của Trung Quốc, không thể không đưa đến việc, ngày mai, sang năm, xác nhận quyền của Trung Cộng khai thác mọi nguồn lợi trong lòng Biển Ðông.
 
Thành thử, chính sách quốc phòng của Việt Cộng, nghe như trung lập, nhưng lại nói lên rất rõ quyết tâm dâng Biển Ðông cho Trung Cộng. Hình ảnh điển hình cho chính sách quốc phòng này là thái độ của một nạn nhân bị cướp bảo tên cướp là “tôi sẽ không gọi cảnh sát.”

Ðiển hình ví von này không thật sát với cuộc tranh chấp Biển Ðông, vì nạn nhân bị cướp không phải là Việt Cộng, mà là người Việt Nam, là nước Việt Nam. Việt Cộng không mất gì cả trong lúc Việt Nam đang mất Biển Ðông, ngư dân Việt Nam mất nghiệp và có nhiều người mất mạng.
 
Trong quyết tâm dân Biển Ðông, Vịnh sang Bắc Kinh để xác định thái độ tuân hành những đòi hỏi của Trung Cộng, đòi hỏi quan trọng nhất là chúng đòi Việt Cộng có thái độ đi ngược lại lập trường của 7 quốc gia sắp đến Hà Nội, để cùng Việt Cộng và Trung Cộng tham dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), dự định khai mạc vào ngày 12/10 sắp tới.
 
Hội nghị 9 bộ trưởng quốc phòng chia thành 2 lập truờng: Trung Cộng và Việt Cộng đồng lập trường không muốn Hoa Kỳ can dự vào những tranh chấp Biển Ðông; 7 quốc gia khác, gồm Nga, Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan, muốn Hạm Ðội 7 vào Biển Ðông, nói riêng, và vào Thái Bình Dương nói chung để tạo thế đối trọng, kềm hãm đà bành trướng của Trung Cộng, đã đạt đến mức báo động.
                                   

 
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tới chào Thượng tướng Lương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc 
 
Hầu hết bộ trưởng quốc phòng của tám quốc gia được mời cùng Việt Cộng nhóm họp đã nhận lời, nhưng Vịnh vẫn sang Bắc Kinh, nói là để đi mời bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt -một biệt đãi so với thái độ của Hà Nội đối với 7 bộ trưởng quốc phòng kia.

Nhiều quan sát viên cho rằng Vịnh, cần sang Bắc Kinh để biện bạch việc Trung Cộng nghi ngờ Việt Cộng “xích lại gần Hoa Kỳ” sau những hoạt động hải quân chung với Mỹ tại Biển Đông. Thái độ phẫn nộ của Trung Cộng khá rõ rệt.
                                   

 
Một lãnh đạo hải quân Trung Quốc nói trên truyền hình rằng:
" Việt Nam sẽ hối tiếc" về việc hoạt động hải quân chung với Mỹ tại Biển Đông.
 
 
Một trong những tướng lãnh Tầu -Đô đốc Dương Di- chỉ trích Hà Nội trở cờ. Ông này nói Việt Nam "đang chơi trò chơi nguy hiểm là kích động hai cường quốc đối đầu nhau nhằm hưởng lợi”. Ông Di còn nói, “đang có tranh chấp lãnh thổ rất gai góc với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam muốn dùng quyền lực của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Thế nhưng, nói cho cùng thì (Việt Nam) sẽ chỉ là quân chốt thí trong ván cờ của Mỹ, tôi sợ rằng Việt Nam trong tương lai sẽ phải hối tiếc về việc này".

Dương Di nhắc cho Việt Cộng nhớ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh: lôi kéo Trung Quốc về phía mình để đối trọng với Liên Xô. "Cả thế giới đều biết tính lợi dụng của người Mỹ”. Ông Di nói ông dẫn chứng Pakistan từng là một trong các đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong Chiến tranh lạnh, nhưng rồi vẫn bị Mỹ bỏ rơi.
 
Một tướng lãnh khác của Trung Cộng, thiếu tướng La Nguyên, chỉ trích việc Hoa Kỳ cương quyết điều động hàng không mẫu hạm tới khu vực Biển Ðông, và cho rằng Mỹ không biết tôn trọng quyền lợi quốc gia của các nước khác. Ông ta không đả động đến việc Trung Cộng, cũng không đếm xỉa gì đến quyền lợi quốc gia của Việt Nam trên Biển Ðông.
 
Ngoài việc chỉ trích Hà Nội, Bắc Kinh còn cảnh cáo Hoa Thịnh Ðốn phải tránh xa các vùng biển gần Trung Cộng, đặc biệt là khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Nhưng không những không “tránh xa”, mà Mỹ còn sáp lại gần hơn, còn đưa Hàng không mẫu hạm USS George Washington tham dự mọi cuộc tập trận tại Hoàng Hải, Ðông Hải, Biển Ðông và biển Nhật Bản, những vùng biển bao quanh Trung Quốc.
 
Ông La Nguyên viết bình luận trên tờ nhật báo của Quân đội Trung Cộng: "Nước nào cũng cần được tôn trọng, quân đội nào cũng cần giữ vẻ oai phong...; như vậy dù có ăn miếng trả miếng, Hoa Kỳ cũng cần sòng phẳng và công bằng,” ý trách Hoa Kỳ “trả miếng” trên mức độ cần thiết khiến hải quân Trung Cộng mất vẻ oai phong, và nước Tầu không được tôn trọng.

Nhưng, dù hải quân Trung Cộng không đủ sức “ăn miếng, trả miếng” với hạm đội 7, Trung Cộng vẫn thắng Hoa Kỳ trên Biển Ðông, nhờ nắm được Việt Cộng, để bắt Việt Cộng cớ thái độ xua đuổi, không cho Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Ðông.
 
Ðiều có thể biết trước là Việt Cộng sẽ lớn tiếng nói lên thái độ xua đuổi này trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng 9 nước; nhưng điều chưa biết là thái độ đó có tạo ra một cuộc chống đối công khai hơn trong quốc nội hay không.

Nhưng việc Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi lực lượng công an phải sẵn sàng dẹp tan mọi nỗ lực “diễn tiến hòa bình” là chỉ dấu cho thấy Việt Cộng rất e dè trước giả thuyết đảo chính hay biểu tình đông đảo.
 
Hoa Kỳ cũng không nản lòng vì thái độ của Việt Cộng buông bỏ quyền lợi Việt Nam trên Biển Ðông. Hôm thứ Tư 8/18, sau khi gặp gỡ trung tướng Ricardo David, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, đô đốc Robert Willard, tư lệnh Thái Bình Dương tuyên bố với truyền thông là thái độ quả quyết của Trung Quốc tại biển Đông đang gây ra quan ngại trong khu vực; ông nói Hoa Kỳ sẽ hành động nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ các tuyến mậu dịch quan trọng. Willard khẳng định, đã có mặt trên Thái Bình Dương suốt 150 năm qua, hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có mặt trong nhiều năm sắp tới. “Chúng tôi đã thảo luận về thái độ quả quyết của Trung Quốc tại Biển Đông và những quan ngại mà chuyện này gây ra cho khu vực”, Willard nói về cuộc hội đàm giữa ông và tướng Ricardo David. Lập lại lời tuyên bố của ngoại trưởng Hillary Clinton, ông nói Hoa Kỳ sẽ không ngả về bên nào trong các tranh chấp lãnh hải; lập trường này tạo căn bản cho sự hiện diện của Hạm Ðội 7 trên Biển Ðông mà không cần đến thái độ chính trị của Việt Cộng. Willard còn nói Hoa Kỳ sẽ tuân thủ công ước quốc tế, đồng thời phản đối bất cứ việc “sử dụng vũ lực hay các hình thức cưỡng bức nào về chủ quyền mà một quốc gia đưa ra với quốc gia khác”.
 
Bà Clinton đã làm Trung Cộng tức giận vì câu nói này, nghe như chỉ nói chung chung, không nhắm chỉ trích thái độ hung hãn của Trung Cộng. Tại Diễn đàn an ninh khu vực tổ chức ở Hà Nội, bà Clinton nói Hoa Kỳ coi việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải thông qua “tiến trình ngoại giao hợp tác của các bên” là “lợi ích quốc gia” của Mỹ.

“Không ngả về bên nào trong các tranh chấp lãnh hải” tại khu vực Ðông Nam Á, nhưng Hoa Kỳ vẫn ngả về phe những nước nhỏ khi bà Clinton nói Hoa Kỳ phản đối bất cứ việc “sử dụng vũ lực hay các hình thức cưỡng bức nào về chủ quyền mà một quốc gia đưa ra với quốc gia khác”.

Không được sử dụng vũ lực, Trung Cộng không có cách nào bảo vệ cái ‘lưỡi bò’ liếm trọn biển Đông, vùng biển có nhiều quần đảo đang tranh chấp, kể cả Trường Sa - nơi Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines đang khẳng định chủ quyền, và Hoàng Sa, hòn đảo Trung Cộng đã chiếm bằng pháo hạm, từ tay các chiến sĩ hải quân VNCH.
 
Dù Việt Cộng không đồng ý, Hoa Kỳ vẫn còn lý do để có mặt trên Biển Ðông vì nhu cầu bảo vệ an ninh thủy lộ và an ninh lãnh hải của nhiều quốc gia Ðông Nam Á khác. Do đó, chính sách 4 không của Việt Cộng không tạo nhiều thuận lợi cho Trung Cộng.

Đô đốc Willard nói các lực lượng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực để bảo đảm an toàn cho đường hàng hải và không phận, hành lang vận chuyển một số lượng hàng hóa khổng lồ đi qua khu vực này. Ông cũng hối thúc các nước trong khu vực nên xây dựng quân đội một cách đầy đủ nhằm giúp bảo vệ hòa bình.
 
Một tờ báo Tầu xuất bản tại Thượng Hải nêu lên câu hỏi: "Tại sao Mỹ lại chọn thời điểm này để khuấy động sự yên tĩnh ở Biển Đông?" rồi trích lời ông Wang Sheng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc tế của Trung Cộng, nói từ sau vụ chiếc tiểu hạm Cheonan của Nam Hàn bị đánh chìm, Hoa Kỳ đã có "một loạt động thái nhằm quay trở lại Đông Á để tìm kiếm ngôi thống lĩnh trong khu vực này. Hoa Kỳ luôn hướng cặp mắt thèm khát về phía châu Á."
 
Dù thái độ mời gọi của Hoa Kỳ đối với Việt Cộng mang mục đích tạo lợi ích cho Hoa Kỳ trước, thì thái độ 4 không của Việt Cộng vẫn hoàn toàn không đúng, vì nó không bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam trên Biển Ðông.
 
Nguyễn Ðạt Thịnh