Home Tin Tức Bình Luận Việt Nam luôn ám ảnh giới lãnh đạo Mỹ

Việt Nam luôn ám ảnh giới lãnh đạo Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My / RFI   
Thứ Sáu, 01 Tháng 10 Năm 2010 09:19

Ba mươi lăm năm sau chiến tranh, cuộc chiến Việt Nam tiếp tục đè nặng lên nước Mỹ, lên các quyết định của những nhà lãnh đạo nước Mỹ.

 Đó là nhận định của đặc phái viên Le Figaro tại Washington, trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam luôn ám ảnh các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ».

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tham dự Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN lần thứ 17 tổ chức vào tháng 7/2010 tại Hà Nội. / Reuters

Tác giả bài báo viết tiếp, có thể nhận thấy ngay điều đó khi nghe phát biểu đầy xúc động hôm thứ tư 29/9 của Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, trong buổi họp hạn chế của ban lịch sử thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Cuộc họp này được tổ chức nhân dịp cho công bố 24 000 tài liệu được giải mã, nói lên lịch sử phức tạp của thời kỳ đó.

Bà Clinton nói : « Đối với thế hệ của tôi, cuộc chiến này đã làm thay đổi cái nhìn của chúng tôi về thế giới », gây nên « những cuộc đối thoại đớn đau » làm chia rẽ các gia đình. Bà nhìn nhận : « Các bài học của thời kỳ này tiếp tục ảnh hưởng đến quyết định của chúng tôi » - ý nói tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay tại Afghanistan.

Bà Hillary Clinton cũng cho rằng tiến trình hòa giải Mỹ - Việt là một kiểu mẫu cần phải noi theo. Bà nói : « Chúng ta đã biết để lại phía sau một quá khứ mà chúng ta không thể thay đổi được, để cùng nhau xây dựng tương lai ».

Le Figaro nhận xét, cho đến nay mặc dù đã có hàng ngàn cuốn sách và bộ phim ra đời, nhưng cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục không kém phần quyết liệt đối với câu hỏi, liệu có thể thắng được cuộc chiến Việt Nam hay không. Và hai phe với hai cách nhìn trái ngược vẫn tiếp tục đối đầu nhau trong cuộc họp hôm thứ tư, một cách tuy lịch sự nhưng kiên quyết.

Một bên là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người kiến tạo chính sách Mỹ đối với Việt Nam trong thời kỳ các Tổng thống Johnson và Nixon cầm quyền. Ông Kissinger tin rằng « Lẽ ra đã có thể thắng được trong chiến tranh Việt Nam » nếu nước Mỹ đã không bị chia rẽ trầm trọng.

 Ông Kissinger nói : « Tôi cho rằng điều chủ yếu làm cho mọi việc xấu đi ở Việt Nam, là do chính chúng ta đã tự hại mình. Thay vì những lời phê bình thông thường về các quyết định có thể bàn thảo được ở mỗi giai đoạn của tiến trình, thì lại biến thành các cuộc tranh cãi về mặt đạo đức của chính sách ngoại giao Mỹ nói chung… ». Ông Henry Kissinger không ngần ngại đả kích vai trò thường là « thù địch » và « phá hoại » của các báo đài Mỹ.

Ông Richard Holbrooke, nhà ngoại giao Mỹ đã từng phục vụ tại Saigon từ năm 1963 đến năm 1966, hiện là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Afghanistan, đã phản đối lại nhận xét của ông Kissinger. Theo ông Holbrooke thì thế nào cuộc chiến tại Việt Nam cũng dẫn đến thất bại. Ông nhấn mạnh : « Đây không phải là chuyện thiếu kiên nhẫn, là vấn đề nguồn lực hay tại các nhà báo tỏ ra thù nghịch…Đôi khi ngay cả các cường quốc mạnh nhất cũng không thể thực hiện được mục đích ».

Ý kiến này cũng được ông Rich Rush, con trai của ông Dean Rush, cựu Ngoại trưởng thời Tổng thống Kennedy, chia sẻ. Ông nói với Le Figaro là : « Thất bại là từ chiến trường, từ khả năng chiến đấu mãnh liệt của Bắc Việt…Tôi rất tiếc phải nói như thế, vì cha tôi đã từng đóng một vai trò, nhưng chiến tranh Việt Nam rõ ràng là quyết định tồi tệ nhất về chính sách ngoại giao của chúng tôi xưa nay ».

Ông Rich Rush nói thêm : « Ngay cả khi chúng tôi có khả năng hòa giải với người Việt Nam, thì các vết thương nội tại – như sự chia rẽ, sự nghi ngại trước các chính sách – vẫn chưa liền sẹo ».

Lên tiếng kêu gọi rút ra bài học từ Việt Nam, ông Richard Holbrooke cũng kêu gọi nước Mỹ đừng cứng nhắc. Theo ông, có những « điểm tương đồng » giữa chiến tranh Afghanistan và Việt Nam, nhưng cũng có những «khác biệt về cơ bản ». Ông nhận định : « Chúng ta đi chiến đấu ở Afghanistan vì chúng ta đã bị tấn công khủng bố ngày 11/9…còn khi lao vào chiến tranh Việt Nam, chúng ta vẫn chưa ý thức được điều ấy. Hồi đó chúng ta không có cái nhìn rõ ràng về mục tiêu cuộc chiến ».

Tác giả kết thúc bài báo bằng câu hỏi : « Nhưng liệu các mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan có thật sự rõ ràng hay không ? ».