Home Tin Tức Bình Luận Chuyện Hà Nội, chuyện Thăng Long

Chuyện Hà Nội, chuyện Thăng Long PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Hai, 04 Tháng 10 Năm 2010 14:21

Tuần này chính quyền Hà Nội làm lễ kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long. Tôi không biết Thăng Long nhưng tôi tưởng tôi biết Hà Nội

 bởi tuy lớn lên ở Sài Gòn, nhưng tôi cũng lớn lên trong tiếng nhạc, lời thơ, câu văn của những nghệ sĩ vẫn còn hồi tưởng đến Hà Nội.

Hà Nội trong con mắt tôi là Hà Nội qua cái nhìn lưu luyến của nhạc sĩ Vũ Thành:

Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về, lòng khách tha hương, vương sầu thương...

Rồi đây dù lạc ngàn nơi. Ta hướng về chốn xa vời. Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai.

Nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi”.

Ký ức của tôi về Hà Nội không nhiều lắm. Nhớ trường tiểu học Thanh Quan với cái sân chơi bụi mù vì nhảy dây, nhớ những con đường cây sấu cao, bóng mát, nhớ hồ Gươm, và nhớ Hàng Ðào nơi có nhà ông cố ngoại. Nó cũng là hương vị khó quên của những buổi đi ăn bánh tôm Hồ Tây, những lần ra đê sông Hồng ngóng gió, nhưng buổi đi chơi vườn Bách Thảo, leo núi Nùng. Nhưng dầu sao nó cũng là những hình ảnh đẹp.

Thành ra tôi thật vô cùng thất vọng khi lần đầu tiên đến Hà Nội hồi đầu thập niên 1990. Tôi muốn nói là đến Hà Nội vì quả thật tôi không trở về. Thành phố của nhạc sĩ Vũ Thành sao nhếch nhác và nhỏ bé quá.

Cái thành phố mà tôi nhớ lớn lắm bây giờ thâu lại nhỏ xíu, chẳng khác gì Pleiku, “đi năm phút đã về chốn cũ.” Tôi đi tìm trường Thanh Quan thì không ai biết nó mang tên gì bây giờ. Vườn Bách thảo xơ xác, núi Nùng biến đâu mất không ai biết đến nữa.

 Hàng Ðào bây giờ không còn những cửa hàng bán vải lụa với các cô bán hàng xinh đẹp. Hồ Gươm còn đó, nhưng sao hồ cạn quá thế. Nước hồ lại xanh một màu la lạ vì rêu nhiều quá. Hồ Tây thì vẫn vậy, nhưng sao cũng nhỏ bé. Bánh tôm thì thất vọng vô cùng. Cái bánh giòn tan đầy khoai bây giờ đã trở thành một miếng tôm tẩm bột chiên, không có khoai và không giòn.

Ðiều còn làm tôi thất vọng hơn nữa là giọng nói của người Hà Nội. Cái giọng mà tôi yên chí là giọng Hà Nội không thấy đâu cả, được thay thế bởi một thứ âm thanh the thé, chanh chua và thiếu lễ độ.

Sau lần đó, tôi đã trở lại Hà Nội nhiều lần nữa. Mỗi lần trở lại Hà Nội lại thay đổi nhưng thay đổi mà chẳng đẹp đẽ gì hơn. Hà Nội lan rộng ra bao trùm những làng mạc xung quanh. Làng Láng, nay là nơi có trụ sở của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, đã trở thành một quận huyện. Xe cộ ngày càng nhiều nhưng vẫn vô trật tự.

Có lần tôi về, thành phố vừa mới cho đặt một cái bùng binh kiểu round about ở khu Lý Thái Tổ. Sợ hết hồn vì lần đầu tiên tôi thấy người ta cùng đi xuôi và đi ngược một bùng binh. Hà Nội đã biết ăn chơi, đã biết chưng diện, nhưng Hà Nội đã mất hết cái đáng yêu.

Và điều đáng buồn nhất là ở Hà Nội mà ăn món ăn Hà Nội lại dở hơn ở Sài Gòn. Chả cá Lã Vọng bây giờ người ta không nướng cá nữa mà đem chiên lên, thua xa chả cá Sơn Hải hay Như Ý ở Tân Ðịnh.

 Ðến món bún chả thì ngày càng lai nhưng không ngon bằng bún thịt nướng. Ngay cả đến bánh dầy kẹp chả quế cũng dở quá vì chả quế không có mùi quế. Nhưng Hà Nội lại biết làm cơm Huế, cơm Nam. Có lần tôi tò mò hỏi bà mợ của tôi, một người Hà Nội cũ, và cụ giải thích “Nhờ ơn mấy chục năm sống với bác với đảng, cực khổ quá nên quên mất cái khéo của mình. Vả lại thời trước, thiếu quá nên phải chế biến, mãi rồi quen, cứ tưởng cái đó là hay. Nhưng người ta lại tự ái, không chịu học, thành ra làm cơm Bắc thì dở, nhưng vì không biết, đi học làm cơm Nam, cơm Trung nên mới ngon.”

Riết rồi tôi sợ về Hà Nội. Ði về làm phóng sự, bắt buộc phải qua Hà Nội, nhưng chỉ ghé vài ngày rồi đi tỉnh hay vào Sài Gòn. Sài Gòn tuy đã “nhạt nắng”, tiều tụy hơn, nhưng vẫn có cái sinh khí và cái đáng yêu của nó. Dân Sài Gòn vẫn biết nhậu và người Sài Gòn vẫn biết sống. Về Sài Gòn, dầu mất mát thiếu thốn, vẫn cho tôi cái cảm tưởng về quê.

Nay người ta đang tô son điểm phấn cho Hà Nội gọi là để kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long. Người ta đòi kỷ niệm Thăng Long nhưng dấu vết của thành Thăng Long đang bị người ta phá hoại.

Mới đây báo chí đã loan tin là một đoạn của Hoàng thành Thành Thăng Long đã bị đào bới lên để làm “cầu vượt”. Ðoạn hoàng thành đó bây giờ là con đường Hoàng Hoa Thám. Nhà sử học Phan Huy Lê, trong bài phỏng vấn với báo điện tử Tuần Việt Nam, đã than thở là đoạn bị đào xới đã để lộ ra nhiều di vật như gạch, ngói, đồ gốm có niên đại thời Ðại La, Lý, Trần, Lê.

 Ðặc biệt ông Lê tức tối kể là trong số đó “có viên gạch vồ thời Lê Sơ còn nguyên vẹn”. Ông bảo “Nếu tiến hành khai quật theo phương pháp khảo cổ học cho đến hết chân thành, đến lớp sinh thổ thì sẽ cung cấp nhiều cứ liệu có giá trị khoa học cao để góp phần nghiên cứu lịch sử bồi trúc của đoạn thành này, mối quan hệ giữa thành thời Lê sơ với thời Lý, Trần trước đó.”

Nhưng có ai để ý đến đâu. Chính quyền lờ đi, đoạn tường thành cổ bị phá tan tành. Thật khác hẳn với đất nước mà tôi đang sống hiện nay. Ở Anh này, ngay trong thành phố Luân Ðôn đông đúc bận rộn, một nhà tắm của thời Ðế quốc La Mã vẫn còn được giữ nguyên vẹn dưới tầng hầm của một căn nhà.

Một đoạn của tường thành cổ thời La Mã được giữ nguyên để cho dân chúng xem. Mỗi lần xây nhà, xây cửa, khi đào đụng phải một di tích cổ sử, lập tức công việc xây cất phải ngừng lại để các nhà khảo cổ nghiên cứu, đào bới cẩn thận, lúc nào xong mới được xây tiếp.

Mà vì người ta không biết quí Thăng Long nên người ta cũng chẳng coi Hà Nội ra gì cả. Khu phố cổ, tuy không cổ lắm, vì hầu hết chỉ mới được dựng lên thời Tây, đã bị người ta đem sơn ra sơn xanh sơn đỏ trông hết sức nhố nhăng.

Ðiều đáng buồn hơn nữa là vì Hà Nội và Thăng Long là di sản của dân tộc. Giáo sư Lê đã có lần say mê kể cho tôi nghe về khu cổ thành thời Lý mà theo ông đã làm các nhà khảo cổ Nhật Bản thán phục.

Những cái cột lim to lớn nằm cách khá xa chứng tỏ là khả năng kiến trúc của dân Việt thời đó rất cao, bởi nếu không thì mái ngói của cung điện đã sụp đổ. Hà Nội, ngay cả Hà Nội do Tây xây chăng nữa cũng đã vài trăm năm.

Thay vì sơn xanh sơn đỏ, thay vì chăng đèn kết hoa, sao không đem tiền đó đi trùng tu khu phố cổ, đi dựng lại thành Thăng Long thời nhà Lý, dầu chỉ là qua computer generated. Ðó mới thực là những công việc xứng đáng để nhớ đến Ngàn Năm Thăng Long.