Bắc Kinh vô tình "phong thánh" cho Lưu Hiểu Ba |
Tác Giả: Mai Vân / RFI | |||
Thứ Ba, 12 Tháng 10 Năm 2010 10:24 | |||
Ảnh hưởng của việc nhà văn Trung Quốc Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng Nobel Hoà bình tiếp tục là đề tài thu hút báo giới Pháp. Một trong những hệ quả được nhật báo Le Monde nêu bật, là nhà ly khai đã trở thành nhân vật đầu tàu mà giới hoạt động dân chủ tại Trung Quốc đang cần. Lưu HIểu Ba khi còn tự do ( ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp) REUTERS Trước tiên, Le Monde trở lại với phản ứng cố hữu của Trung Quốc trong hàng tựa : "Bắc Kinh che giấu giải Nobel Hoà bình đối với người Trung Quốc". Theo tờ báo, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng bưng bít các thông tin, trong khi mà công an truy bức những nhà dân chủ. Riêng bà Lưu Hà, tuy được đưa đi thăm chồng vào hôm thứ 7 ở nhà tù Liêu Ninh và thông báo cho ông biết tin ông được trao giải Nobel, hiện giờ thì bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh, không đươc tiếp bất kỳ ai, không được trả lời điện thoại. Giới hoạt động dân chủ, những người bạn của Lưu Hiểu Ba thì bị công an quấy nhiễu, hù doạ, cấm các cuộc tập hợp, gặp gỡ của họ. Thông tin về việc ông Lưu Hiểu Ba đươc giải Nobel Hoà bình hoàn toàn bị chính quyền bưng bít, báo chí không đề cập đến. Le Monde nhận thấy sự im lặng của họ càng thêm chối tai, vì họ đã nêu dông dài về các giải Nobel khác trước đó. Câu hỏi hiện nay là chính quyền có thể bưng bít thông tin đến bao giờ ? Le Monde nhận thấy là sự công nhận của quốc tế đối với hoạt động của ông Lưu Hiểu Ba qua giải Nobel Hòa bình, đánh dấu một giai đoạn mới đối với phong trào dân chủ Trung Quốc đang ngày càng bạo dạn hơn. Le Monde, trích lời sử gia Mỹ, Perry Link, nghiên cứu về sự cố Thiên An Môn, nổi ám ảnh của Bắc Kinh, cho biết là tại Trung Quốc đang diễn ra một cuộc cách mạng "màu sắc" tựa như các phong trào ở Đông Âu, đã từng làm thay đổi các chế độ tại đây, với những gương mặt tiêu biểu, có sức thuyết phục, lôi cuốn quần chúng. Le Monde phân tích là ngược lại với một bà Aung San Suu Kyi, hay ông Nelson Mandela, hoặc một Lech Walesa, là những người đều có phiá sau một phong trào tổ chức chặt chẽ, Lưu Hiểu Ba là "một nhà trí thức hoàn toàn độc lập", không có một tổ chức nào ở phiá sau. Nhưng tác giả bài báo trích dẫn nhận định của ông Perry Link trên tờ Wall Street Journal vừa qua cho là, khi trao giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba, Ủy ban Nobel và đảng Cộng Sản vô hình chung mang lại điều mà các nhà dân chủ và giới ly khai ở Trung Quốc đang cần nhất : một gương mặt đầu đàn tiêu biểu, một lãnh đạo có tầm cỡ. Theo Le Monde, Bắc Kinh đã vô hiệu hoá được những nhà đãu tranh dân chủ có uy tín, ví dụ như Ngụy Kinh Sinh. Sau 18 trong tù, nhà ly khai này được trả tự do, để rồi đi sang Hoa Kỳ. Đây là một sự mặc cả giữa Băc Kinh và tổng thống Clinton thời đó. Đối với lãnh đạo ly khai Duy Ngô Nhĩ, bà Rebiya Kadeer, cũng vậy. Bà đươc trả tự do và cho đi sang Mỹ năm 2005, trước chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. Tác giả bài báo nhắc lại là khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel vào năm 1989, nhiều người đã đánh giá là sự kiện này sẽ không làm thay đổi gì tình hình ở Tây Tạng. Tuy nhiên việc Lưu Hiểu Ba được giải thưởng đã đặt Bắc Kinh trước vấn đề hình ảnh của mình : không chỉ tình hình trong nước được soi rọi, mà cả vai trò của Bắc Kinh trên các quyền tự do cơ bản bên ngoài biên giới của mình. Có lẽ vì thế mà trên vấn đề vi phạm nhân quyền, bên cạnh phản ứng cố hữu "đây là vấn đề nội bộ", giờ đây các nhà ngoại giao Trung Quốc đang có trách nhiệm ngăn chặn ở ngoài những gì có thể làm hoen ố hình ảnh, tránh cho Bắc Kinh bị chỉ trích. Le Monde nêu ví dụ vào năm ngoái, 2009, lãnh sự quán Trung Quốc đã gây sức ép lên các nhà tổ chức liên hoan phim quốc tế ở Melbourne (Úc), để họ không cho chiếu một cuốn phim tài liệu về lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ, bà Rebiya kadeer. Dĩ nhiên là năm nay, Bắc Kinh đã cử người qua thuyết phục Ủy Ban Nobel Na Uy.
|