Home Tin Tức Bình Luận Mê tín trên báo chí Việt Nam

Mê tín trên báo chí Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Tuấn   
Thứ Ba, 09 Tháng 11 Năm 2010 19:21

Báo chí Việt Nam dạo gần đây có xu hướng sex và mê tín đến ngạc nhiên.

 Chuyện “sex sells” thì có khi còn hiểu được, vì nó liên quan đến thương mại, nhưng chuyện mê tín thì quả là khó hiểu trong một xã hội mà đáng lý ra mê tín đã bị diệt từ lâu.

Đọc một bản tin trên VNN (“Rồng thiêng” hiện lên trời mừng thủ đô nghìn tuổi) kèm theo lời bình luận “Điều đáng kinh ngạc là đám mây ‘rồng’ này khá trùng hợp với hình dạng của con rồng thời Lý, triều đại đã chọn Hà Nội làm thủ đô của cả nước” làm tôi không khỏi phì cười.

Một độc giả nào đó chụp lại những bức ảnh với những đám mây hội tụ mà độc giả cho là “rồng thiêng” xuất hiện trên bầu trời Hà Nội.
 Hình như vị độc giả và tòa soạn báo VNN muốn nói rằng rồng xuất hiện để ăn mừng đại lễ, hay buổi lễ có sự chứng giám của một thần linh nào đó.

Cũng có thể hàm ý của bài báo là có một đấng tối cao nào đó đang ngồi đâu đó trên trời cao nhìn xuống hài lòng với buổi lễ ngàn năm Thăng Long.
Tôi ngạc nhiên là tại sao người ta lại ấu trĩ đến thế. Tại sao một tờ báo như Vietnamnet lại ấu trĩ đến như thế. Xin lỗi các bạn trong VNN, tôi không có từ nào khác ngoài “ấu trĩ” để mô tả việc đăng bản tin đó.

Một bức ảnh có thể có nhiều nghĩa tùy theo cảm nhận của từng người. Người phương Tây hay nói beauty is in the eye of the beholder để nói rằng cái đẹp là một cảm nhận định tính tương đối.
Đã là cảm nhận thì nó tùy thuộc vào cá nhân, vào cặp mắt thẩm mỹ của từng người.
Có thể tôi thấy Meryl Streep đẹp, nhưng bạn không thấy như thế. Có thể tôi thấy tranh của Bùi Xuân Phái đẹp, nhưng người nước ngoài nhìn vào thì chỉ chẳng thấy gì ngoài những nét vẻ nguệch ngoạc.

Nếu tôi đưa cho bạn xem một phim X quang, có lẽ bạn sẽ chẳng thấy gì trong đó, nhưng tôi thì biết phim đó nói lên cái gì. Nói ra những ví dụ trên cũng chỉ để nói rằng những bức hình mà Vietnamnet cho là “rồng thiêng” hội tụ đó chỉ là một cảm nhận cá nhân của một độc giả.

Có thể vị độc giả đó muốn mình thấy rồng nên nhìn những đám mây đó như là hình dáng con rồng. Nhưng tôi chưa thấy rồng bao giờ trong đời, nên tôi chỉ nhìn thấy đó là những hình dạng ngẫu nhiên được kết cấu từ những đám mây trong một khoảnh khắc nào đó.
Vietnamnet đăng những tấm hình đó và bảo là “rồng thiêng” là một cách áp đặt cái nhìn cá nhân cho chúng tôi - những độc giả - và tôi nghĩ điều đó không phù hợp với tiêu chí của người làm báo.

Bức hình Vietnamnet đăng kèm theo lời nhận xét kèm theo thể hiện một sự mê tín.
 Mê tín là một tật xấu, u mê, tin vào thần thánh một cách mù quáng. Do đó, người mê tín thường có trình độ học vấn thấp, vì họ không lí giải được hiện tượng và sự kiện.
Hình như những người theo chủ nghĩa duy vật chống mê tín, và tôi nghĩ họ đúng. Thế nhưng ở Việt Nam dạo này, mê tính đã trở thành một trào lưu.
 Báo chí đăng rất nhiều tin về những “điềm” lạ, những sự kiện mà họ cho rằng khoa học không giải thích được (hàm ý nói có thần linh nào đó).

 Sự mê tín của giới báo chí làm tôi liên tưởng đến số đề. Người đánh số đề rất mê tín, và họ diễn giải những gì họ thấy, họ nằm mơ qua lăng kính… số đề.
Nhưng mê tín là điều làm tôi ngạc nhiên. Nghe nói giới lãnh đạo ngày nay cũng rất mê tín. Báo chí từng phản ảnh một Bộ về kinh tế dành hẳn một cái phòng để thờ (ai?).
Bệnh viện nào cũng có miếu hay bàn thờ. Đền chùa cũng thế. Người ta đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín dị đoan, và biến chùa thành nơi thực hành những hủ tục mê tín dị đoan.

Còn lãnh đạo thì mỗi việc làm của họ đều được sự hướng dẫn của những “chuyên gia” về phong thủy và thầy bà. Câu chuyện về lắp trái tim cho Thánh Gióng gần đây cho thấy mê tín đã lên đến đỉnh.

Theo tôi, mê tín thể hiện sự thiếu tự tin vào lí trí và khoa học. Vì thiếu tự tin, thiếu lí trí, nên người ta dễ dàng tin vào những thần thánh phù hộ mình.
Người ta sẵn sàng hối lộ Phật, Chúa để có được may mắn. Nhìn qua những cảnh người ta đi chùa với những lời khấn tôi không khỏi phì cười.

Thay vì thăng quan tiến chức bằng con đường học hành và làm việc, người ta chọn con đường dễ dàng hơn: cầu cúng thần linh. Người ta đem tiền bạc và hàng hóa đến nhờ thần linh chiếu cố cho thăng chức. Đó chẳng những là một hình thức thiếu tự tin, mà còn là một hình thức hối lộ.
Có thể nói rằng hối lộ và tham nhũng ở nước ta bắt đầu từ mê tín! Người ta đang biến Phật giáo – một tôn giáo dựa vào lí trí và khoa học – thành một tôn giáo mê tín, và đó là một tội.

Nhìn bức hình với những đám mây di chuyển ngẫu nhiên mà hình dung ra “rồng thiêng” thì tôi nghĩ đó là một sự mê tín của người có tưởng tượng phong phú pha lẫn tâm hồn thi thơ hơn là khoa học.