Home Tin Tức Bình Luận Mỹ-Trung tranh giành ảnh hưởng, lôi kéo Indonesia

Mỹ-Trung tranh giành ảnh hưởng, lôi kéo Indonesia PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 10 Tháng 11 Năm 2010 12:25

Ngay trước khi tổng thống Mỹ Obama đặt chân tới Jakarta ngày hôm qua, thứ ba 09/11, thì hôm thứ hai, một phái đoàn hùng hậu của Trung Quốc kết thúc chuyến đi Indonesia

với một lời hứa cực kỳ hấp dẫn : Bắc Kinh sẽ đầu tư khoảng 6,4 tỷ đô la vào các dự án hạ tầng cơ sở tại Indonesia trong thời gian tới.


Tổng thống Obama đọc diễn văn tại Đại học Jakarta (REUTERS)

Vào lúc Hoa Kỳ quan tâm trở lại châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, Indonesia đương nhiên là đối tượng mà Washington và Bắc Kinh tìm mọi cách tranh thủ, lôi kéo về phe mình.

Theo giới quan sát, trong số 10 nước Đông Nam Á, thì không ở nơi nào, giới ngoại giao Mỹ và Trung Quốc lại tỏ ra năng động như tại Indonesia, nước có vị trí địa lý chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, giàu tài nguyên.

Cho đến nay, Indonesia luôn tuyên bố theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết, nước Đông Nam Á duy nhất là thành viên G20 và đang khao khát khẳng định vị trí của mình trên chính trường quốc tế.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua cùng với đồng nhiệm Indonesia, tổng thống Obama nói rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc “kiềm chế” Trung Quốc. Phát biểu này không có sức thuyết phục, bởi vì trước đó, tại New Delhi, ông Obama đã tuyên bố Mỹ ủng hộ Ấn Độ, đối thủ của Trung Quốc, trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Khi nhắc lại những kỷ niệm thời tuổi thơ có bốn năm sống tại nước này, tổng thống Mỹ đã tìm cách thuyết phục Indonesia chia sẻ những giá trị chung, nhấn mạnh Indonesia là một đối tác quan trọng nhằm bảo đảm sự phồn thịnh trong khu vực châu Á.

Thế nhưng, có một thực tế là Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi muốn chinh phục Indonesia. Mặc dù Jakarta vẫn có những nghi ngại đối với Bắc Kinh, nhưng trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Indonesia về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Đồng thời, Indonesia tỏ ra tự tin hơn khi nhấn mạnh tính độc lập trong chính sách đối ngoại theo hướng thực hiện một sự “cân bằng năng động” trong khu vực.

Ông Juwono Sudarsono, từng là bộ trưởng Quốc phòng Indonesia từ 2004 đến 2009, được báo New York Times trích dẫn, giải thích, “Chúng tôi muốn duy trì một khoảng cách chiến lược với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi có thể đi giữa sự cạnh tranh này và thỉnh thoảng đưa ra những tín hiệu rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều quan trọng đối với chúng tôi, bởi vì nếu chúng tôi tự xích lại gần một bên thì điều này sẽ làm tổn hại những giá trị cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Indonesia”.

Indonesia muốn giữ khoảng cách cân bằng

Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nhận định rằng ngoại trừ Lào, Cam Bốt, Miến Điện thì Indonesia, cũng giống như một số nước Đông Nam Á khác, dường như muốn thiết lập quan hệ kinh tế, chiến lược chặt chẽ hơn với Mỹ.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về châu Á, thì “Indonesia có thể không bao giờ công khai liên kết với Mỹ nhưng họ có thể học cách chơi” giữ khoảng cách cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tháng bẩy năm nay, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm hợp tác với Kopassus, lực lượng đặc biệt của quân đội Indonesa, bị quy trách nhiệm trong các vụ trấn áp, tàn sát thường dân Đông Timor trong những năm 90. Việc hủy bỏ lệnh cấm mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ quân sự song phương.

Ngay sau đó, Hoa Kỳ đã viện trợ 47 triệu đô la giúp Indonesia nâng cấp các thiết bị an ninh hàng hải. Năm ngoái, Mỹ và Indonesia cùng chỉ huy một cuộc tập trận với sự tham gia của quân đội 9 nước.

Trong những năm vừa qua, khi Hoa Kỳ sao lãng châu Á, Trung Quốc đã tranh thủ thắt chặt quan hệ với nhiều nước trong khu vực. Sau cuộc đảo chính không thành do những phe nhóm cộng sản Indonesia tiến hành vào năm 1969 và Jakarta nghi ngờ Bắc Kinh đứng đằng sau, phải đợi đến năm 1989, hai nước mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Từ 2005 đến 2009, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đã tăng gấp đôi. Năm 2005, Trung Quốc và Indonesia ký thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, tiến hành trao đổi quân sự ở cấp cao. Bắc Kinh còn viện trợ kỹ thuật giúp Jakarta chế tạo máy bay và tàu thủy, vũ khí và đạn dược.

Có thể nói, trong cuộc chạy đua để lôi kéo Indonesia, Washington còn gặp nhiều khó khăn : Về kinh tế, Mỹ không thể đáp ứng cơn khát đầu tư của Indonesia như Trung Quốc, sự nghi kỵ của thế giới Hồi giáo đối với Hoa Kỳ.

Theo ông Syamsul Hadi, chuyên gia phân tích chính trị thuộc đại học Indonesia thì về mặt chính trị, cản trở lớn nhất là, xin trích, “chính phủ Indonesia cảm thấy Hoa Kỳ gây sức ép mạnh đối với Indonesia và các nước Đông Nam Á là phải lựa chọn đứng về bên nào”..