Home Tin Tức Bình Luận Chỉ có 1% số giáo sư ở Việt Nam là phụ nữ

Chỉ có 1% số giáo sư ở Việt Nam là phụ nữ PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Chúa Nhật, 21 Tháng 11 Năm 2010 23:22

Dạy học là một trong những ngành được phái nữ rất yêu thích ở Việt Nam, tuy nhiên phần lớn phụ nữ Việt Nam lại chưa theo đuổi đến những nấc thang học vị cuối cùng

của ngành giáo dục, đó là tiến sĩ và giáo sư.
Mời quí vị cùng tìm hiểu thêm về thực trạng mất cân bằng giới trong đội ngũ giáo sư Việt Nam cũng như chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ tại Việt Nam trong câu chuyện phụ nữ tuần này.

 
Hình: Wikipedia Commons / Văn Miếu - trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã thành lập thêm hàng trăm trường đại học và cao đẳng, tuy nhiên số giáo sư, tiến sĩ tại các trường đại học lại không theo kịp tốc độ này, đặc biệt là số tiến sĩ và giáo sư nữ vẫn còn rất khiêm tốn.  

Theo một báo cáo được Thứ trưởng Bộ giáo dục Bành Tiến Long công bố hồi cuối tháng 10 năm nay, thì phụ nữ chỉ chiếm 11% trong số các tiến sĩ và thạc sĩ, trong khi chỉ có 1% số giáo sư ở Việt Nam là phụ nữ.

Giải thích về thực trạng này, giáo sư Phạm Phụ, giảng viên trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, một người thường lên tiếng góp ý về chất lượng giáo dục tiến sĩ tại Việt Nam nói:

“Trong thực tế thường thường số giáo sư nữ tương đối ít, vì phụ nữ theo văn hóa phương Đông thì thường gánh vác công việc gia đình nhiều hơn.
 Vì vậy, mặc dù trong mặt bằng chung thì chưa cao, nhưng trong điều kiện của Việt Nam để đạt đến giáo sư thì các chị em cũng phải cố gắng nhiều lắm. Phụ nữ thường đến giai đoạn lên được bậc tiến sĩ, phó giáo sư thì cũng là lúc có con cái, gia đình nữa.”

Chị Nguyễn Thị Ngân, một người đang theo học tiến sĩ về giáo dục tại Đại học Ohio của Hoa Kỳ cũng cho rằng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong xã hội khiến cho vai trò của phụ nữ chỉ được nhấn mạnh trong khía cạnh gia đình và chăm sóc con cái, cho nên sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực xã hội và chính trị vẫn còn thấp. Trong khi đó, bản thân phụ nữ Việt Nam cũng như gia đình họ vẫn còn mang tâm lý “phụ nữ thì không nên học nhiều”. 

Theo chị Ngân, một điều quan trọng nữa là cơ hội để phụ nữ được học lên cao vẫn còn hạn chế:

“Ví dụ trong các đơn vị trường học, nếu để cử một người giáo viên đi học cao học hay tham gia một chương trình đào tạo lớn thì đồng nghiệp nam vẫn có ưu thế hơn. Tôi không nói là có sự phân biệt đối xử trong các đơn vị trường học, nhưng chắc chắn là trong những quyết định của người đứng đầu thì họ luôn xem ai sẽ là người thực hiện tốt được chương trình đào tạo hoặc ai có điều kiện tốt hơn chẳng hạn. Thường thường, trong những trường hợp đó thì thường nam giới chiếm ưu thế hơn.”

Chị Ngân cho rằng việc phụ nữ không có điều kiện để theo học cao hơn và không có bằng cấp cao như nam giới sẽ hạn chế cơ hội để họ có thể được lựa chọn vào các vị trí quản lý cao hơn.

“Bởi vì thường ở cấp quản lý cao hơn ở trong các trường học thì họ cũng thường xét xem phụ nữ có bằng cấp hay không. Nếu phụ nữ không có bằng cấp cao thì khó lòng có thể được cân nhắc vào những vị trí cao và như vậy thì sẽ tạo ra sự mất cân bằng giới trong hệ thống quản lý.”

Với sự gia tăng nhanh chóng số lượng các trường đại học và tình trạng thiếu giảng viên trầm trọng, Việt Nam đã nhắm mục tiêu đào tạo thêm 20.000 tiến sĩ từ nay cho tới năm 2020. Mặc dù vậy trong con số 20.000 tiến sĩ này, theo giáo sư Phạm Phụ, cũng không có tiêu chí bao nhiêu phần trăm là nữ giới.

Cũng theo giáo sư Phạm Phụ có rất nhiều ý kiến không đồng tình với chỉ tiêu đào tạo một số lượng tiến sĩ lớn như vậy vì chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam hiện còn có nhiều dấu hiệu đáng lo. Giáo sư Phạm Phụ nói:

“Nếu đi sâu vào lĩnh vực khoa học xã hội thì theo tôi phương pháp luận ở Việt Nam có vấn đề, đó là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiến sĩ. Theo tôi, để đặt tiêu chí lớn như vậy thì thế nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Theo tôi, nên đặt chỉ tiêu vừa phải thôi. Con số 20.000 đó là xuất phát từ yêu cầu người thầy giáo, cô giáo để giảng dạy ở đại học. Nhưng không phải ai học tiến sĩ xong cũng ở lại đại học giảng dạy cả, mà bây giờ do điều kiện làm việc, điều kiên lương bổng của đội ngũ giáo viên chưa tốt, nên tôi nghĩ có đến 1/3 tiến sĩ được đào tạo họ ra làm ngoài. Vì vậy để có 20.000 ngàn tiến sĩ để làm thầy giáo thì phải đào tạo đến 40.000 đến 50.000 vì vậy cho nên tính khả thi rất thấp.”

Giáo sư Phạm Phụ là người đã từng thẳng thắn cho rằng ở Việt Nam đang xuất hiện một hiện tượng ‘dị thường’ khi mà trong bộ máy nhà nước và doanh nghiệp, số người có bằng tiến sĩ cao hơn hẳn Nhật Bản, một quốc gia có thu nhập đầu người gấp 75 lần Việt Nam. Chính hiện tượng này làm nhiều người lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.  Giáo sư Phạm Phụ giải thích thêm:

“Đáng lý là tiến sĩ chủ yếu ở các nước đào tạo tiến sĩ là để giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, nhưng ở Việt Nam có một tỷ lệ cao những người làm trong lĩnh vực sản xuất có bằng tiến sĩ, trong khi thực ra chỉ cần thạc sĩ là đủ.
Tuy nhiên cái vấn đề chuộng bằng cấp ở Á Đông nó cũng dẫn tới việc nhiều người ở ngoài thực ra không cần tiến sĩ nhưng cũng nhảy vào làm tiến sĩ. Ngoài ra còn có thực trạng đáng nói hơn là một số lĩnh vực mà làm thạc sĩ nói chung nó hơi ngả về mặt ứng dụng thì tương đối thuận lợi hơn, những lĩnh vực như quản trị kinh doanh rồi một số lĩnh vực khoa học xã hội mà ở Việt Nam chưa được phát triển lắm, thì yêu cầu về mặt chất lượng nó lỏng lẻo hơn các lĩnh vực khác, vì vậy cho nên người ta nhảy vào làm tiến sĩ hơi nhiều, trong đó có tỷ lệ những người chuộng bằng cấp thì cũng nhiều. Vì vậy đó là lý do người ta e ngại về mặt chất lượng đào tạo tiến sĩ.”

Ngoài ra, theo giáo sư Phạm Phụ vấn đề lương bổng cũng ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của giảng viên đại học cũng như việc giữ chân được các tiến sĩ, giáo sư ở lại trường thay vì ra ngoài làm kinh tế. Giáo sư Phạm Phụ cũng cho rằng để cải thiện chất lượng thì cần phải đầu tư hơn nữa cho ngành giáo dục:

“Thu nhập cũng như lương bổng của giáo viên ở trường đại học thấp lắm, mà với mức thấp như vậy thì họ phải lo giải quyết đời sống. Họ không đủ thời gian tập trung vào việc giảng dậy, chưa nói đến việc tập trung vào nghiên cứu, rồi ở Việt Nam, họ lại phải chạy xô ra dạy ở các trường dân lập. Vì vậy, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và cũng khó giữ chân họ. Tôi thấy trừ một vài ngành đang nóng thì mức lương tiến sĩ còn khá khá, còn những ngành còn lại thì lương thấp lắm, mà lương thấp thì khó giữ chân họ lại trong trường đại học.”

Đồng tình với quan điểm của giáo sư Phạm Phụ về chế độ đãi ngộ đối với giáo viên ở Việt Nam, khi được hỏi yếu tố nào là quan trọng nhất để đưa ra quyết định giữa việc làm giảng viên hay theo đuổi một ngành khác khi hoàn thành xong luận án tiến sĩ ở Mỹ và trở về nước, chị Ngân nói:

“Bản thân tôi, do tính chất của ngành học, tôi rất mong muốn được ở lại trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, cũng không thể nói dối lòng mình, vấn đề tiền lương cũng là một trong các mối quan tâm hàng đầu của tôi. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, bởi vì tôi cũng sắp học xong rồi. Khi mà trở về thì tôi sẽ rất lo lắng nếu mức lương không đủ trang trải cho mình chứ chưa nói đến cho gia đình và một đứa con. Cho nên tôi cũng phải nghĩ đến những cơ hội ở những đơn vị khác mà họ có thể trả lương tôi cao hơn.”