Trung Quốc chạy đua chinh phục đáy biển |
Tác Giả: Thụy My | |||
Thứ Ba, 23 Tháng 11 Năm 2010 09:46 | |||
Với tàu ngầm có khả năng lặn được ở độ sâu lên đến 7.000m, Bắc Kinh rõ ràng đang muốn dẫn đầu trong cuộc đua tìm kiếm các nguồn khoáng vật dưới đáy đại dương. Người ta cho rằng trong vòng 20, 30 năm nữa, các mỏ kim loại, khoáng chất dưới đáy biển sẽ dần thay chân các mỏ trên mặt đất đã bắt đầu cạn kiệt. San hô dưới lòng đại dương (Ảnh minh họa / DR) Thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh trong bài viết mang tựa đề « Trung Quốc trong cuộc chinh phục các nguồn lợi dưới đáy đại dương » đã cho biết, Bắc Kinh rõ ràng đang muốn dẫn đầu trong cuộc đua tìm kiếm các nguồn khoáng vật dưới đáy đại dương. Được bí mật chế tạo từ năm 2003, chiếc tiềm thủy đỉnh có chở người mang tên Giao Long, vào mùa hè này đã lặn được đến độ sâu 3.759 m ở phía nam Biển Đông. Le Monde cho biết thêm, một căn cứ chuyên nghiên cứu về các hệ thống ở đáy biển sâu đang được xây dựng tại Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông. Căn cứ này sẽ tiếp nhận chiếc Giao Long, hiện tạm đậu tại Vô Tích, gần Thượng Hải, và các tàu ngầm không người điều khiển khác của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bước chân được vào nhóm rất hạn chế các quốc gia có khả năng khai thác được đáy đại dương, là kết quả của nỗ lực tập trung về nghiên cứu phát triển. Chiếc Giao Long là một dự án chủ chốt của kế hoạch 863 – đây là một kế hoạch nằm trong những chương trình lớn của Trung Quốc – có đến hàng trăm viện nghiên cứu và công ty cùng tham gia. Theo Phó giám đốc cơ quan Comra, viết tắt từ China Ocean Mineral Resources Research and Development Association, tạm dịch Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Nguồn lợi Khoáng vật Đại dương Trung Quốc, thì chiếc Giao Long do các chuyên gia Trung Quốc vẽ kiểu. Ngược lại, hệ thống máy định vị âm thanh dưới nước và hệ thống điều khiển tự động được chế tạo tại Trung Quốc, cho phép di chuyển tự động với một khoảng cách cố định so với địa hình đáy biển. Cũng theo Phó giám đốc Comra, đây là tiềm thủy đĩnh đầu tiên có được tính năng này trên thế giới. Ông nói : « Chúng tôi tự hào có được chiếc tàu ngầm linh hoạt nhất toàn cầu ». Chiếc Giao Long có bảy chân vịt và bình điện rất mạnh. Le Monde nhận định, việc khai thác các nguồn lợi dưới đáy đại dương lâu nay vẫn là tham vọng của nhiều nước. Mong muốn này càng được thúc đẩy trong các điều kiện kinh tế hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng hơn dự kiến của các nước tiêu thụ nhiều nguyên vật liệu, như Trung Quốc và Ấn Độ. Le Monde nói thêm, hồi tháng 5, Trung Quốc đã gây ngạc nhiên khi trở thành quốc gia đầu tiên muốn được giao khai thác một vùng biển có trầm tích lưu huỳnh, thuộc hải phận quốc tế. Đã có công ty Nautilus của Canada khai thác loại này, nhưng trong hải phận Papouasie - Tân Guinée. Còn Viện Ifremer thì hồi mùa hè đã bắt đầu thăm dò một vùng khác thuộc đặc khu kinh tế của Pháp. Trung Quốc không có lớp trầm tích lưu huỳnh nào trong vùng biển của mình cả. Những nơi được xem là có mỏ lưu huỳnh đều nằm trong hải phận quốc tế, ở dải phân chia đại dương. Một hợp đồng giữa Comra của Trung Quốc và ISA, tức Cơ quan Quốc tế về đáy đại dương đang chuẩn bị được thông qua. Hợp đồng này giúp đẩy nhanh công tác nghiên cứu, trong thời điểm mà các nhà khoa học muốn khám phá thêm, cũng phù hợp với các quốc gia muốn biết có thể làm được gì trong mười, hai mươi năm tới. Bài báo kết luận : Với việc cắm cờ ở đáy Biển Đông hồi mùa hè, ở gần vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng, chiếc Giao Long đã gây ra rất nhiều quan ngại.
|