Dân chủ ngồi chờ |
Tác Giả: Phan Bá Việt | |||||
Chúa Nhật, 28 Tháng 11 Năm 2010 16:19 | |||||
Con đường lý tưởng và tốt nhất cho đất nước là đi đến dân chủ một cách hoà bình. Nói cách khác là diễn biến hoà bình để có dân chủ. Một số người tin rằng Việt Nam chưa hội đủ điều kiện để có dân chủ. Vì vậy nếu có dân chủ ngay bây giờ thì sẽ đưa đến mất ổn định. Phải chờ đến lúc có thể có dân chủ thì mới nên có dân chủ. Do đó những người này không muốn thay đổi thể chế mà chỉ muốn Đảng Cộng Sản Việt Nam tự thay đổi để xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo. Niềm tin của những người này có xác đáng không? Bài viết này mong muốn giải đáp vấn nạn trên và sau đó thử đề nghị một số biện pháp để dân chủ hoá Việt Nam. Dân chủ là một phương pháp để giải quyết mâu thuẫn và đi đến thoả hiệp. Dân chủ không phải là một thời điểm để ngồi chờ. Và cũng không thể có dân chủ ở mức tuyệt đối. Dân chủ là một quá trình tranh đấu hàng ngày để có thể đạt được mức độ gần tuyệt đối nhất. Mức độ tuyệt đối của dân chủ luôn luôn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống. Vì vậy bất kỳ lúc nào cũng phải tranh đấu để có dân chủ ở mức gần với tuyệt đối nhất. Bằng lòng với dân chủ đang có, có nghĩa là đang trở thành xa dần với mức độ tuyệt đối tức là xa dần dân chủ. Hãy xem các nước đang có dân chủ. Không phải tự nhiên mà các nước này có được dân chủ. Họ đã phải tranh đấu và tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu mới có được dân chủ. Rồi lại phải tranh đấu hàng ngày để duy trì, củng cố, phát triền và kiện toàn dân chủ. Xét như vậy thì không thể có dân chủ ngồi chờ hoặc được cho. Một ngộ nhận về ổn định cần làm sáng tỏ: Ổn định dân sự hay ổn định chính trị? Nhưng tranh đấu để đòi có dân chủ có đưa đến mất ổn định không? Để có câu trả lời chúng ta hãy xem dân chủ có đưa đến mất ổn định không? Một số người lấy thí dụ về những biến động ở Thái Lan trong thời gian gần đây để minh chứng cho việc mất ổn định của dân chủ. Khi xem xét kỹ nguyên uỷ của những biến động này thì những biến động ấy xảy ra là do các tướng lĩnh và một số phe phái không tuân thủ quy luật dân chủ chứ không phải là do dân chủ. Lúc nào cũng chấp hành quy luật dân chủ thì không xảy ra mất ổn định. Hãy nhìn xem các nước dân chủ tiên tiến có mất ổn định vì dân chủ không? Các nước này cứ 4 hoặc 5 năm là thay đổi người cầm quyền nhưng cũng đâu có xảy ra mất ổn định. Có một ngộ nhận về ổn định cũng cần làm sáng tỏ. Ổn định có hai nghĩa: ổn định dân sự hay xã hội và ổn định chính trị. Ổn định dân sự hay xã hội, nghĩa là ổn định trong cuộc sống của mỗi công dân, là đảm bảo không bị bắt bớ, tịch thu tài sản, cấm kinh doanh, không là nạn nhân của những thay đổi luật pháp đột ngột và thường xuyên, hay những quyết định tùy tiện của chính quyền. Ổn định này rất cần thiết cho phát triển kinh tế, vì có như thế người dân mới có thể yên trí để tiên liệu và hoạch định sinh hoạt của mình. Ổn định này đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị. Về ổn định chính trị cũng đừng nên lẫn lộn giữa ổn định thể chế và ổn định của tập đoàn cầm quyền. Ổn định thể chế là một bắt buộc để đất nước ổn định và đi lên. Ổn định thể chế yêu cầu phải có một thể chế cho phép người dân được quyền tự do ứng cử để cầm quyền và thay đổi người cầm quyền có nghĩa là phải có một thể chế dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị. Thực tế cho thấy tại các nước theo thể chế độc tài, người dân không được thay đổi những người cầm quyền mà họ chán ghét vì bất tài, tham ô, quan liêu nên thường xảy ra chồng đối đưa đến đàn áp và bắt bớ khiến xã hội mất ổn định. Trái lại trong các thể chế dân chủ vì người dân có quyền thay đổi những người cầm quyền định kỳ cho nên không có tình trạng bắt bớ và đàn áp vì chống đối những người cầm quyền để gây ra mất ổn định xã hội. Ổn định của tập đoàn cầm quyền, hay nói khác đi là sự kéo dài của một chính quyền với những người cầm quyền của cùng một đảng hay phe nhóm. Sự kéo dài này, nếu không do bầu cử tự do mà là do một chế độ độc tài bạo ngược, còn rất mâu thuẫn với ổn định dân sự và do đó hoàn toàn mâu thuẫn với phát triển, bởi vì người dân luôn luôn phải sống trong sợ sệt, không dám và không thể lập những kế hoạch kinh doanh lâu dài. Kinh nghiệm cho thấy ổn định dân sự và thể chế rất cần cho phát triển, trong khi ổn định của tập đoàn cầm quyền hoàn toàn không có ảnh hưởng, hoặc chỉ có ảnh hưởng xấu. Tại Nhật, từ sau Thế Chiến II tới nay, ít có chính phủ nào kéo dài được hai năm. Tại Ý, tuổi thọ trung bình của các chính phủ còn ngắn hơn nhiều. Mặc dầu vậy kinh tế của cả hai nước này đều phát triển nhanh chóng, họ đều là thành viên của nhóm bảy nước phát triển nhất. Trong khi các nước có những chính quyền kéo dài như Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và nhiều nước thuộc châu Phi và châu Mỹ La Tinh lại rất trì trệ và lạc hậu. Khi các tập đoàn độc tài - như ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam - nói cần phải có ổn định để phát triển, nhiều người đồng ý với họ vì hiểu đó là ổn định dân sự trong khi họ thực hiện ổn định là ổn định của tập đoàn cầm quyền. Đó là một sự gian trá cần được tố giác. Con đường lý tưởng và tốt nhất cho đất nước là đi đến dân chủ một cách hoà bình. Nói cách khác là diễn biến hoà bình để có dân chủ. Nhưng tại sao diễn biến hoà bình lại là con đường lí tưởng và tốt nhất? Bởi vì đặc tính quan trọng nhất của dân chủ là đối thoại, kiên trì đối thoại để thuyết phục đi đến những thoả hiệp. Cần nhấn mạnh là để đạt được các thoả hiệp chứ không phải để giành được toàn bộ thắng lợi về phần mình. Trong dân chủ và nhất là dân chủ đa nguyên thì không nên có ý nghĩ là sẽ đạt được thắng lợi toàn bộ cho mình. Ý nghĩ này sẽ dễ đưa đến độc tài. Bởi vậy để tranh đấu cho dân chủ không thể sử dụng bạo lực mà phải dùng lời nói. Phải cố gắng đối thoại, kiên trì đối thoại để thuyết phục và vận động sự đồng thuận. Mọi hình thức sử dụng bạo lực, dù là bạo lực bằng lời nói, cũng không phù hợp với dân chủ. Ở đây cũng cần cho thấy sự gian trá của Đảng Cộng Sản Việt Nam khi nói về diễn biến hoà bình. Diễn biến hoà bình để có dân chủ là một diễn biến xây dựng dân chủ trong đó Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn có chỗ đứng và vẫn được cầm quyền nếu được dân tín nhiệm trong một cuộc bầu cử thực sự tự do có các đảng khác cùng tranh cử. Còn diễn biến hoà bình mà Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay cố ý nói là diễn biến để lật đổ và phủ định Đảng Cộng Sản Việt Nam với mục đích hù doạ các đảng viên như được viết trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa X tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Bởi vậy chống đối diễn biến hoà bình để có dân chủ ở Việt nam mãnh liệt nhất hiện nay là Đảng Cộng Sản Việt nam. Mặc dầu vậy chúng ta, những người mong muốn dân chủ cho đất nước, nhất quyết không lùi bước trước những chống đối diễn biến hoà bình này. Chúng ta hãy cùng nhau vận động bằng những phương thức thích hợp với khả năng để việc diễn biến hoà bình đến dân chủ nhanh chóng diễn ra. Trong cuộc vận động này chúng ta phải quyết tâm đòi hỏi cho bằng được những điểm sau đây: - Sửa đổi Hiến pháp: Việc sửa đổi đầu tiên mà mọi người đều để tâm là hủy bỏ điều 4 của bản Hiến Pháp vì nó khẳng định tính độc quyền lãnh đạo của một đảng chính trị, vì nó lấy một chủ nghĩa (Mác-Lê) và một tư tưởng (tư tưởng Hồ Chí Minh) làm chủ đạo. Một cách gián tiếp, nó đi ngược lại một số quyền công dân được quy định ở các điều 52, 53, 63 của bản Hiến Pháp. Nhưng ngoài điều 4 ra, còn có rất nhiều điều trong bản Hiến pháp hiện nay phải cần sửa đổi, tu chỉnh hay hủy bỏ. - Xây dựng bộ luật cho các đảng phái chính trị: nhìn nhận vai trò của các chính đảng, cho phép tự do lập đảng chính trị và quy định nguyên tắc sinh hoạt cũng như quyền hạn và trách nhiệm cho các đảng chính trị. Song song đó cũng cần quy định một số nguyên tắc về tài chính và kinh tài của các chính đảng. Đây là một văn kiện luật pháp tối quan trọng. Nó sẽ tạo điều kiện cho một tiến trình dân chủ trong ổn định. Nó sẽ phát huy tính chất đa nguyên chính trị và bảo đảm sự bền vững của tiến trình dân chủ hoá đất nước trong tương lai. - Xây dựng bộ luật cho xã hội dân sự: quy định quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức dân sự. Bộ luật này sẽ quyết định bộ mặt của xã hội Việt Nam trong tương lai. Thật vậy, một nên dân chủ tiên tiến rất cần một xã hội dân sự đa dạng. Tính chất đa nguyên trên phương diện văn hoá và xã hội hoàn toàn lệ thuộc vào những sinh hoạt của các tổ chức dân sự có tầm vóc. Sinh hoạt của những tổ chức này có lành mạnh hay không lại lệ thuộc rất nhiều vào một đạo luật giản dị nhưng rành mạch để điều tiết xã hội dân sự và những đối tác xã hội. - Xây dựng bộ luật hoà giải dân tộc: bởi vì muốn có dân chủ thực sự thì phải có bộ luật này, không thể nói hoà giải dân tộc một cách chung chung và chỉ là những kêu gọi trong các dịp lể để rồi không ai thực hiện; nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện cụ thể bằng việc ban hành một bộ luật về hoà giải dân tộc. Lịch sử cận đại của một số quốc gia (Chi-Li, Nam Phi) đã chứng minh một điều: Để hàn gắn những đổ vỡ, để xoá đi một quá khứ huynh đệ tương tàn, nhà nước cần đứng ra chủ đạo công cuộc hoà giải dân tộc. Và nhà nước chỉ có thể thi hành chính sách hoà giải một cách nghiêm minh và liên tục khi có được một đạo luật làm kim chỉ nam cho những cố gắng bền bỉ và lâu dài. Nếu mỗi người trong khả năng cố gắng làm cho đất nước chuyển hoá trong hoà bình một cách nhanh chóng thành dân chủ thì đó là ơn ích và may mắn cho đất nước và các thế hệ mai sau.
|