Home Tin Tức Bình Luận Các vụ thông tin nội gián làm xáo trộn thị trường tài chính Mỹ

Các vụ thông tin nội gián làm xáo trộn thị trường tài chính Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 29 Tháng 11 Năm 2010 14:52

Thị trường tài chính Mỹ đang bị chấn động sau các vụ điều tra của Cục Điều tra Liên bang FBI và Ủy ban Kiểm soát Giao dịch Chứng khoán SEC.

Một số doanh Mỹ bị truy tố vì tội thông tin nội gián. « Thông tin nội gián » hay "Giao dịch qua nội tuyến" là gì và tác động của các cuộc điều tra đang được tiến hành đối với Wall Street ra sao ? Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ. 
 

Thị trường chứng khoán New York
Reuters
 
Thanh Hà: Xin chào anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Việc cơ quan FBI vừa tống giam một doanh gia Mỹ gốc Đài Loan đã tiếp nối hàng loạt điều tra nhắm vào nhiều quỹ đầu tư rất lớn của Hoa Kỳ được các thị trường tài chính quốc tế theo dõi rất sát.

 Giới đầu tư cho rằng vụ này mở đầu cho đợt cuộc bắt bớ được coi là rộng lớn nhấ cho đến nay, liên hệ đến tội thông tin nội gián. Đầu tiên thì bối cảnh của vụ này là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về bối cảnh thì đây là hồi kết của một chuỗi điều tra kéo dài từ ba năm nay và nhắm vào các quỹ đầu tư gọi là "đối xung" hay "hedge fund", tiếng Pháp gọi là "fond d'investissement alternatif". Nhưng hồi kết này lại có thể mở ra một hồ sơ pháp lý là định nghĩa về tội danh "giao dịch qua nội tuyến", insider trading hay délit d'initié. Chuyện này rất rắc rối.

Nói cho gọn thì nhà chức trách Hoa Kỳ gồm có Ủy ban Kiểm soát Chứng khoán, gọi tắt là SEC ( Securities & Exchanges Commission ), đã nhìn thấy nhiều mờ ám trong việc mua bán chứng khoán, nên đã yêu cầu cơ quan FBI điều tra.

 Sau nhiều năm điều tra, theo dõi và tống trát tòa cho một số cơ sở đầu tư, FBI bắt đầu tung mẻ lưới truy tố nghi can như ông Raj Rajaratnam, đứng đầu tập đoàn Galleon Group, một quỹ đầu tư đối xung thuộc vào hạng lớn nhất thế giới tại New York, trước khi bị đóng cửa cách đây đúng một năm.

Tuần qua, đến lượt ông Don Ching Trang Chu, gốc Đài Loan, bị tạm giam. Sau đợt này, nhiều nhân vật khác có khi cũng sa lưới trong một vụ tảo thanh mà người ta cho là rộng lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ về tội giao dịch nội tuyến.

Thanh Hà: Thưa anh, vì sao chuyện ấy lại xảy ra lúc này, mà không sớm hơn hay trễ hơn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật ra, nếu theo dõi kỹ thì ta không nên ngạc nhiên vì đoán là sẽ xảy ra. Cái trái đã chín thì đến lúc bị rung sẽ phải rụng! Thứ nhất, từ hơn hai năm nay, người ta nghiệm thấy một việc bất thường là giá cổ phiếu nhiều công ty bỗng tăng vọt trước khi có tin tức về một nghiệp vụ sát nhập hoặc thôn tính công ty. Tức là từ bên trong, ai đó đã xì ra những tin tức riêng mà thị trường bên ngoài không biết.

Về nhân quả thì qua các nghiệp vụ ấy, nhiều quỹ đầu tư loại đối xung hay hỗ tư - mutual fund - có lời lớn một cách đáng ngờ. Trước đây, cơ quan SEC bị chỉ trích là không kiểm soát chặt chẽ nên mới để xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 nên họ phải thanh tra tích cực hơn. Vì vậy, thể nào họ cũng truy ra nguyên nhân và thủ phạm.

Huống hồ, và đây là chuyện rung cây, chính quyền hiện hành nghi ngờ lề thói làm ăn nhiều khi bất chính của các doanh nghiệp tài chính Wall Street nên đốc thúc cơ quan FBI phải làm cho ra lẽ. Vì vậy, SEC và FBI mới ráo riết điều tra và nay bắt đầu tung lưới bắt.

Thanh Hà: Thế còn "giao dịch nội tuyến" là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có người gọi đó là "giao dịch nội gián", tôi nghĩ là chữ "nội tuyến" có lẽ chuẩn xác hơn vì chữ "gián" có thể gây hiểu lầm là "gián điệp" hay "ly gián", "phản gián".

Giao dịch nội tuyến là khi một số người ở "tuyến trong" nắm giữ các thông tin bí mật mà bên ngoài không biết trước - thí dụ như biên bản hay kết quả phiên họp của Hội đồng Quản trị - và dùng các thông tin hạn chế ấy để mua bán chứng phiếu, là chứng khoán hay trái phiếu, hoặc bán loại tin đó cho người khác nhằm trục lợi. Theo luật lệ của Ủy ban SEC Hoa Kỳ thì chỉ nội cái việc nắm giữ loại thông tin không công bố này cũng có thể đã là một vi phạm.

Tôi lấy một thí dụ cũng nóng bỏng tại Mỹ là trong hai năm 2008-2009, có ít nhất 72 viên chức Thượng và Hạ viện Mỹ đã mua bán cổ phiếu của các công ty mà thượng cấp của họ là các nghị sĩ dân biểu đang có nhiệm vụ thanh tra. Khi đó, các viên chức này có thể nắm giữ loại tin bên trong mà công chúng bên ngoài không biết. Nếu họ dùng tin tức đó để mua bán cổ phiếu thì có thể đã phạm tội "giao dịch nội tuyến".

Thông thường hơn, tội này liên hệ đến những người làm việc bên trong doanh nghiệp, theo định nghĩa của Mỹ là viên chức điều hành và những ai làm chủ hơn 10% số vốn pháp định của công ty, và có thể tiết lộ chuyện nội bộ ra ngoài cho ai khác - từ thân nhân tới bằng hữu - để kiếm lời. Và hành động ấy bị coi là phạm tội hình.

Thanh Hà: Nhưng trong lĩnh vực truyền thông, một cơ quan thông tin chuyên đề về kinh tế tài chính cũng có chức năng đi tìm tin tức then chốt để biết và thông báo ra ngoài chứ? Đồng thời, trên doanh trường cũng có nhiều công ty nghiên cứu về đầu tư để cố vấn cho thân chủ là nên mua cổ phiếu này hoặc bán trái phiếu kia thì có lời hoặc khỏi lỗ. Trong những trường hợp đó, ưu thế của các cơ sở thông tin hay tư vấn là phải biết được những điều mà đa số bên ngoài không biết. Thế thì liệu họ có can tội giao dịch nội tuyến không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi của cô là vô cùng chí lý! Thực tế là nó đang gây tranh luận trên doanh trường và chính trường Hoa Kỳ.

Trên doanh trường, cùng với sự bùng phát công nghệ tin học, từ mươi năm nay Hoa Kỳ có một loại hình kinh doanh mới mà họ gọi là "Mạng lưới Chuyên gia" hay Expert Network. Đó là các công ty nghiên cứu rất chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, kể cả đầu tư và chế biến. Giới đầu tư phải mua tin tức hay kết quả phân tích của mạng lưới chuyên gia này và thực tế là khách hàng lớn nhất của dịch vụ gọi là "mạng lưới" đó.

Thế thì các chuyên gia mà đi đào tin về để nghiên cứu và khuyến nghị cho khách hàng có thể là kẻ giao dịch nội tuyến hay không? Phân tích một bảng kết toán sổ sách có thể là nghiên cứu, nhưng nếu moi tin của một "chuyên gia" có khi là nhân viên hay khách hàng của doanh nghiệp đang được chiếu cố, thì đấy là thông tin của nội tuyến.

Chuyện này hấp dẫn vì cái ông Trang Chu vừa bị bắt tuần qua là nhân viên của Primary Global Research, một công ty thuộc loại "mạng lưới chuyên gia" đang bị điều tra. Tội danh của ông ta là "có âm mưu gia tăng giá trị của công ty mình trong dịch vụ "mạng lưới chuyên gia", với những tin tức thuộc loại nội tuyến được cung cấp cho khách hàng là các quỹ đầu tư đối xung".

Bây giờ, khi nhà chức trách đã ghim một nghi can, thì họ có quyền gây sức ép và mặc cả cho nghi can này được nhẹ tội, bằng cách tố giác hoặc giúp viên chức an ninh gài bẫy nghi can khác để lấy chứng cớ. Vì vậy, chuyện này sẽ còn lây lan ra nhiều doanh nghiệp và nhân vật then chốt.

Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều chuyên gia kinh tế và luật pháp đang nêu ngược vấn đề là không nên duy trì tội "giao dịch nội tuyến", vì càng hạn chế thông tin và không giúp thị trường vận hành một cách bình hòa. Chúng ta chưa rõ là cuộc tranh luận về pháp lý và đạo tắc ấy sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng rõ ràng là các quỹ đầu tư đối xung đang nằm trên lửa.

Thanh Hà: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa.