Home Tin Tức Bình Luận 2010 : Thất nghiệp vẫn là mối đau đầu của Hoa Kỳ

2010 : Thất nghiệp vẫn là mối đau đầu của Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà   
Thứ Ba, 07 Tháng 12 Năm 2010 08:55

Trong cả năm 2010, tình hình lao động ở Mỹ không có dấu hiệu được cải thiện.

Một người Mỹ trên bảy bị thất nghiệp hay có nguời thân trong gia đình không có việc làm.
Vì sao thất nghiệp ở Mỹ vẫn còn cao ?
 Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang chuyển sang một mô hình phát triển mới, ở đó tăng trưởng kinh tế không nhất thiết tạo thêm công việc làm ?


Nhân viên hướng dẫn tìm việc làm
Reuters

Trong tháng 11 vừa qua, cả nước Mỹ chỉ tạo thêm được có 39.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với 130 000 mong đợi.
 Tỷ lệ thất nghiệp tại siêu cường kinh tế số 1 thế giới sau ba tháng được duy trì ở mức 9,6%, đã tăng lên trở lại tới 9,8%.

                                                                                Thống đốc FED, Ben Bernanke
                                                   REUTERS/Molly Riley
 
Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, Fed thẩm định : Trung bình mỗi tháng nước Mỹ phải tạo thêm 150.000 công việc để giải quyết việc làm cho những người mới tham gia thị trường lao động.

Đó mới chỉ là một con số tối thiểu chưa cho phép Hoa Kỳ hy vọng « đảo ngược tình thế », giải quyết trạng thất nghiệp cho tám triệu rưỡi người đã bị mất việc trong hai năm 2008-2009 do tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Mỹ lo ngại từ nay cho đến năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trên mức 8%.
Trả lời đài RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California đánh giá về mức độ nghiêm trọng của nạn thất nghiệp tại Hoa Kỳ:

Nguyễn Xuân Nghĩa : Thống kê về nhân dụng do bộ Lao động Mỹ thông báo ra gồm hai loại :
- Thứ nhất là khảo sát các doanh nghiệp xem tháng trước có bao nhiêu người nhận thêm việc hoặc bị mất việc để biết là số công việc làm ăn lương đã tăng hay giảm chừng bao nhiêu.
 Thực tế thì tháng 11 có  là Mỹ chỉ tạo thêm 39 ngàn việc làm  khi mà trung bình mỗi tháng phải có thêm tối thiểu 150 ngàn việc làm mới thì mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động do sự thể là có thêm hơn triệu người đến tuổi đi làm.

- Loại thứ hai là khảo sát các hộ gia đình xem có bao nhiêu muốn kiếm việc làm mà không có việc, mục đích là tính ra tỷ lệ thất nghiệp.
 Thực tế thì thất nghiệp lại tăng, từ 9,6 lên 9,8% dân số lao động.
 Khi ta nhớ là dân số lao động tự nhiên tăng thêm ít ra 10 vạn một tháng, tức là khoảng một triệu ba một năm, thì nếu tình hình không cải thiện tất nhiên là tỷ lệ thất nghiệp phải tăng khi mà mẫu số tăng nhanh hơn tử số.
Thực tế thì Mỹ đang có hơn 15 triệu dân thất nghiệp toàn thời và gần bảy triệu người thất nghiệp từ hơn sáu tháng và tình hình còn bi đát hơn mấy con số đó.

Có hai việc nhỏ nên chú ý về kỹ thuật.
Thứ nhất là câu hỏi khi thăm dò là“có kiếm việc” hoặc “có khai thất nghiệp không”? Câu hỏi này quan trọng vì nhiều người khai thất nghiệp để hy vọng lãnh trợ cấp nếu thời hạn lãnh trợ cấp thất nghiệp vẫn còn và có người thì quá nản chí nên chẳng thiết kiếm việc nữa.
Vì vậy mà kết quả có khi sai lạc do câu trả lời.
 Chuyện kỹ thuật thứ hai là thống kê thất nghiệp chỉ là loại “dữ kiện hậu kiểm” vì xác nhận chuyện cũ, chứ không phải là loại “dữ kiện tiên báo”, cho phép dự báo tình hình trong tương lai.

Vậy thì tại sao báo chí Mỹ đã nói đến một số tín hiệu khả quan trong lúc thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn còn u ám ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tình hình một số ngành sản xuất và nhất là mức tin tưởng của giới tiêu thụ có khả quan hơn cho một nền kinh tế mà 70% sản lượng tùy thuộc vào tiêu thụ.
Vì vậy, giới kinh tế mới tiên báo một số hy vọng, như sẽ có thêm 15 vạn người có việc làm, hoặc giới tiêu thụ bắt đầu mua sắm lại trong mùa lễ lạc kể từ cuối tháng 11 qua năm tới.
Nhưng thực tế vẫn là sự hoài nghi và thiếu tin tưởng của giới đầu tư, nhà sản xuất, là các doanh nghiệp.

Giới này ngần ngại chưa tuyển lại những người bị sa thải và càng chưa muốn tuyển thêm người mới khi chưa vững tin vào tương lai.
Trong khi ấy, các doanh nghiệp cũng thấy là sau khi sa thải bớt người, tình hình sản xuất lại có vẻ cải tiến, nghĩa là ít tốn lương mà vẫn làm được như trước.
Người ta gọi đó là “cải thiện năng suất” mà thực tế là thất nghiệp không giảm và qua mỗi đợt sóng gió như vậy, các doanh nghiệp lại phát huy sáng kiến để dùng ít người hơn mà vẫn giữ được mức sản xuất cũ!

Cuối tháng 11  Ngân hàng trung ương Mỹ dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ trong năm nay sẽ ở mức 2,4% hay 2,5%. Tỷ lệ này chưa cho phép đi đến kết luận là nước Mỹ đã thực sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008.
Nhưng đáng lo ngại hơn cả, có lẽ là nhận định của nhiều chuyên gia theo đó, kinh tế Mỹ dù có khởi sắc trở lại cũng chưa chắc đã cho phép Hoa Kỳ giải quyết vấn đề thất nghiệp.
 Điều này có thể giải thích vì sao Ngân hàng trung ương bi quan cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong bốn năm sắp tới ít có khả năng tuột xuống dưới ngưỡng 8%

Một trong những nguyên nhân giải thích hiện tượng này có thể là do kinh tế Mỹ thực sự bước vào giai đoạn « hậu công nghiệp » ở đó trọng lượng của các khu vực sản xuất ngày càng bị thu gọn lại để nhường chỗ cho các ngành tài chính, tin học và những dịch vụ.
 Mô hình mới đó cho phép nước Mỹ tiếp tục tăng trưởng mà không nhất thiết phải tuyển dụng thêm nhân công.

Nói cách khác, trong viễn cảnh này, « tăng trưởng kinh tế » chưa chắc đã cho phép Hoa Kỳ giải quyết thất nghiệp và như vậy nước Mỹ sẽ cần phải có thời gian để lượng nhân công có thể thích nghi với hoàn cảnh mới.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ đã bước qua hình thái sản xuất khác của nền kinh tế hậu công nghiệp, với khu vực biến chế cứ thu hẹp dần y như khu vực canh nông trong thế kỷ trước và các ngành dịch vụ hay tài chính thì phát triển mạnh và cần một loại nhân công có tay nghề khác hẳn.
Cuộc cách mạng về công nghệ tin học từ chục năm nay đánh dấu tình trạng đó, nhưng vì vậy mà sau mỗi đợt suy trầm, lần trước là năm 2001, lần này vào năm 2008, ta đều chứng kiến hiện tượng kinh tế hồi phục mà mức tuyển dụng lại không tăng. Nôm na là "tăng trưởng trong thất nghiệp".

Các chính trị gia có thể biết hoặc không biết sự thể khách quan ấy  nên đả kích nhau về vấn đề giả. Thí dụ như không ưu lo cho công nhân, doanh nghiệp làm thợ thuyền mất việc vì đầu tư ra ngoài để tìm lợi thế nhân công rẻ, v.v... Chuyện ấy là thói thường của chính trường.

Chuyện đáng nói là các chính khách lại kê toa bốc thuốc cho căn bệnh giả này, như tìm cách bảo vệ khu vực chế biến đang tự lỗi thời hóa bằng chính sách bảo hộ mậu dịch, hoặc gia hạn trợ cấp thất nghiệp - hiện nay có thể lên tới 99 tuần, tức là gần hai năm, cho một số thành phần.
Khi vẫn tin vào bàn tay cứu trợ thay vì phải học nghề mới hoặc phải nhận mức lương thấp hơn trong một việc khác thì nhiều người lại cứỳ ra đấy và mức thất nghiệp tất nhiên sẽ giảm rất chậm, dù kinh tế có thểđã phục hồi.

Chính khách Mỹ không nhìn ra chuyện dài hạn và cách yểm trợ cho cả xã hội tiến lên hình thái sản xuất mới, như qua giáo dục và đào tạo, mà còn mị dân với trò tăng lương tối thiểu pháp định với kết quả là làm giới trẻ khó kiếm việc hơn và ngay trong hiện tại, thành phần trẻ vừa tốt nghiệp đại học lại bị thất nghiệp tới hơn 5%, mức cao nhất từ 40 năm nay vàđiều này giải thích vì sao giới trẻ hết đặt kỳ vọng vào ông Obama!

Tuy nhiên bài toán đang đặt ra ngay trước mắt đối với nước Mỹ là làm thế nào để đem lại tin tưởng cho tư nhân và cho các nhà sản xuất.
Với tỷ lệ thất nghiệp giao động gần 10%, chắc chắn mức tiêu thụ tại cường quốc kinh tế số một thế giới này sẽ bị chựng lại.
Đối với một quốc gia mà sức mua sắm của các hộ gia đình bảo đảm đến 80% tăng trưởng của GDP - thống kê trong ba tháng 8 -9 và 10 vừa qua - thì không khác nào là Hoa Kỳ đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn.

Một câu hỏi khác liên quan đến tính hiệu quả của gói kích cầu 800 tỷ đô la đã bơm vào nền kinh tế Mỹ từ đầu năm 2008 trong mục đích cải thiện thị trường lao động

Nguyễn Xuân Nghĩa : Một cách lạc quan nhất thì kế hoạch kích thích kinh tế hơn 800 tỷ đô la chỉ tạo thêm từ triệu rưỡi đến ba triệu việc làm trong số 15 triệu thất nghiệp trong khi các doanh nghiệp có thể tạo ra việc làm thì ngồi trên đống bạc mà không dám đầu tư vì còn nghe ngóng xem họ sẽ bị tội gì, gọt thuế cỡ nào, được miễn thuế tronhg bao lâu?
Quyết định của ông Obama vào tối 6/12 là sẽ đồng ý triển hạn kế hoạch miễn thuế của ông Bush thêm hai năm, kể cả thuế cho "bọn nhà giàu", một hộ có hai lợi tức tổng cộng là 250 ngàn đô la một năm có thể phần nào khai thông tình trạng bế tắc này.

Bên cạnh những yếu tố thuần túy kinh tế, cũng có thể nói cả năm nay, Hoa Kỳ còn bị lấn cấn vì một cuộc đọ sức chính trị : Một bên thì tổng thống Obama thì đặt trọng tâm vào chính sách cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, lành mạnh hóa các hoạt động tài chính, hỗ trợ cho các hộ gia đình tránh để làm tổn hại đến khả năng mua sắm của hơn 310 triệu con người. Cho dù cái giá phải trả là ngân sách của chính phủ liên bang đã lên tới mức báo động 1555 tỷ đô la.

Ở phía bên kia, đảng Cộng Hòa lại coi việc việc giảm bội chi ngân sách và kéo dài chính sách giảm thuế cho nhữnng thành phần giàu có là những ưu tiên hàng đầu. Vậy thì Hoa Kỳ có những lối thoát nào để giải quyết thất nghiệp hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thực tế thì Hoa Kỳ đang bị ách tắc chính trị nên chỉ còn một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương để cứu nguy kinh tế bằng biện pháp tiền tệ mà thôi, trong khi ấy một số biện pháp khác về thuế khoá và công chi vẫn có thể khuyến khích doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và tạo thêm việc làm.
 Thí dụ như giảm thuế lương bổng làđiều hai đảng cầm quyền đang mặc cả với nhau để quyết định sớm.
Thí dụ khác là bớt trợ cấp cho người thất nghiệp đã quá lâu nhưng lại cấp tiền thưởng cho những ai tìm ra việc làm mới, hoặc trả lại tiền cho các tiểu bang nào tuyển dụng lại những người mới bị sa thải.
Người ta có cả chục giải pháp như vậy, nhưng nói chung là tốn tiền khi ngân sách quốc gia đã bị bội chi quá nặng vì những liều thuốc vô hiệu khác.

Cuối cùng thì chỉ còn một hy vọng là sự phấn đấu của tư doanh sau khi thấy một số chính khách bị thất nghiệp sau cuộc bầu cử tháng trước!
Sự thật khó chối cãi là tư doanh mới tạo ra của cải và việc làm, chứ không phải là chính quyền và bộ máy nhà nước.