Home Tin Tức Bình Luận Lại nói về hình ảnh người thầy

Lại nói về hình ảnh người thầy PDF Print E-mail
Tác Giả: Song Chi   
Thứ Ba, 14 Tháng 12 Năm 2010 09:04

Trong tuần qua, lại có thêm những câu chuyện đáng buồn về hình ảnh người thầy trong xã hội Việt Nam.

Ðầu tiên là vụ một cô giáo văng tục với học sinh bị ghi âm, đăng tải trên trang Youtube. Cô giáo này sau đó đã được xác định danh tính-là một cán bộ của Ðại Học Y Hải Phòng, đồng thời là giáo viên thỉnh giảng, trưởng bộ môn Tin học của trường THPT Hàng Hải, và đã bị Sở Giáo Dục Ðào Tạo tỉnh Hải Phòng đình chỉ dạy để kiểm điểm.

Cô giáo tên Ngọc của trường Ðại Học Y ở Hải Phòng giận dữ chửi học trò “Tao tát vỡ mồm mày...” và văng tục, khi đám học trò bu lại xin điểm. (Hình: VNEXpress chụp lại từ Video Clip được tung lên Youtube)

Vụ thứ hai là một thầy giáo dạy Toán của một trường THPT huyện Ðoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, ông Lê Minh Sơn, đã bị bắt tạm giam vào ngày 3 tháng 12 vừa qua về tội cưỡng bức một nữ sinh lớp 10 ngay tại nhà mình.

 Và ông Nguyễn Văn Huân, hiệu phó trường THPT Bến Tre, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc, bị gia đình một nữ sinh có đơn tố cáo là đã sàm sỡ với em này khiến em uống thuốc tự tử nhưng được cấp cứu kịp thời. Sự việc vẫn đang được phía công an điều tra, chưa rõ thực hư, nhưng dù sao, cũng để lại những dư âm không tốt trong dư luận.

Ðây không phải là lần đầu tiên những vụ việc như vậy xảy ra. Về chuyện mắng chửi học sinh bằng những ngôn từ khó nghe, phản sư phạm, một cô giáo Anh văn trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng đã chửi học sinh trong suốt 15 phút và nếu không bị học sinh ghi âm đưa lên mạng (tháng 9 tháng 2010) thì chắc không ai ngờ một cô giáo lại có thể ăn nói như vậy, mà nguyên nhân do chính cô đã phát âm sai, dạy không chuẩn, khi bị học sinh chỉ ra thì lại phản ứng bằng cách chửi mắng! Còn những vụ thầy giáo sàm sỡ, gạ tình cho đến cưỡng bức học sinh thì không hiếm. Chỉ riêng chuyện “gạ tình lấy điểm”, nếu vào google gõ cụm từ trên, sẽ cho ra hàng loạt kết quả!

Nhưng cho đến nay, gây chấn động dư luận xã hội nhất về tính chất suy đồi, băng hoại về mặt đạo đức, giáo dục có lẽ vẫn là vụ ông Sầm Ðức Xương, hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang mua bán trinh học sinh và hàng loạt quan chức tỉnh tham dự vào việc mua dâm này, trong đó nổi cộm là khuôn mặt ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

 Nhiều chi tiết của vụ việc qua lời khai của các nạn nhân là các em nữ sinh, và kể cả của các bị cáo tại các phiên tòa xử sơ thẩm (tháng 11, 2009) và phúc thẩm (tháng 2, 2010) khiến tất cả những ai có lương tri đều bàng hoàng vì sự vô luân, vô liêm sỉ, đồi bại nhân cách... ở những con người vốn là nhà giáo, các quan chức!
Nhiều người đã so sánh vụ án này như một quả bom nổ giữa lòng xã hội.

Vì sao hình ảnh một số người thầy người cô, lẽ ra phải đạo đức, gương mẫu theo tiêu chuẩn bình thường của mọi xã hội lại trở nên tệ hại đến thế?

Vì sao môi trường giáo dục, lẽ ra phải trong sạch, an toàn, đẹp đẽ, là nơi không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần đào tạo, hình thành nhân cách con người trong suốt mười mấy năm đầu tiên quan trọng nhất của cuộc đời, lại trở thành một cái chợ ở đó người ta có thể mua bán chữ nghĩa, bằng cấp và cả thể xác học trò?

Ðiều đáng nói hơn, những vụ việc tồi tệ, trái tai gai mắt kiểu này kiểu khác về người thầy và môi trường giáo dục ở nước ta ngày càng nhiều.

Thầy không ra thầy nên trò cũng không ra trò. Hết nam sinh rồi nữ sinh đánh nhau, quay thành video clip, hết thầy đánh trò rồi trò đánh thầy, nạn mua bằng, chạy bằng, xài bằng giả, nạn đạo văn, v.v.

Cảnh Sát Cơ Ðộng ở Hải Phòng tiếp tục đánh, đá một thanh niên đến bất tỉnh dù người này đã ngã xuống. Hơn chục người đã bị công an CSVN đánh chết khi bị tra tấn đánh đập, thời gian gần đây, dù luật pháp của chế độ nghiêm cấm và có các điều luật hình sự trừng phạt hẳn hoi. Nhưng đến nay, tất cả đều bị cho chìm xuồng. (Hình: TTVNOL)

Ðã có rất nhiều ý kiến, bài viết, những cuộc hội thảo của các nhà giáo, nhà tâm lý, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội... về sự xuống cấp trong giáo dục, đạo đức học đường. Nhiều ý kiến cũng đã chỉ thẳng nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, đó là từ sự xuống cấp đạo đức nói chung trong một môi trường xã hội có quá nhiều cái sai trái như ở Việt Nam hiện nay, mà muốn sửa chữa thì phải sửa... cả hệ thống, bởi vì như cách nói của một số người, là thuộc về “lỗi hệ thống” mất rồi!

Dần dần, những câu chuyện kiểu như vậy hay thậm chí tồi tệ hơn, cũng sẽ không còn làm cho mọi người sốc, choáng nữa, mà sẽ mặc nhiên chấp nhận và sống chung với nó như đã và đang sống chung với nạn tham nhũng và rất nhiều vấn nạn khác trong xã hội!

Ngày Quốc Tế Nhân Quyền và nhân quyền cho Việt Nam

Ngày 10 tháng 12 năm nay có hai sự kiện vẫn diễn ra hàng năm trên thế giới nhưng ít nhiều liên quan đến Việt Nam.

Thứ nhất là lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cuối cùng vẫn diễn ra tại Oslo, Na Uy mặc cho người được giải là ông Lưu Hiểu Ba đã không thể có mặt, cũng không ai có thể thay ông đi nhận, và mặc cho sức ép nặng nề từ phía chính quyền Trung Quốc chung quanh sự kiện này.

 Báo chí nước ngoài thi nhau đưa tin về một hình ảnh vô cùng ấn tượng “Giải Nobel Hòa Bình được đặt lên một chiếc ghế trống”!

Nếu sự kiện giải Nobel Hòa Bình năm nay được trao cho một nhân vật bất đồng chính kiến người Trung Quốc cũng là niềm vui chung và niềm hy vọng cho những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vốn có một hoàn cảnh tương tự, thì việc Việt Nam nằm trong danh sách 18 quốc gia, không tính Trung Quốc, không có mặt tại buổi lễ như một hình thức ngấm ngầm ủng hộ hoặc sợ mất lòng Trung Quốc là một nỗi nhục cho người Việt Nam dù ai cũng thừa biết, Hà Nội không bao giờ dám chọc giận Bắc Kinh trong một vụ việc như vậy.

 Bởi khi nhìn lại danh sách những quốc gia không có mặt thì hầu hết đều bị xếp vào loại độc tài, hoặc chưa được thế giới xếp hạng cao về thành tích tự do, dân chủ, nhân quyền, và vẫn là thiểu số (19 trên tổng số 65 quốc gia được mời), trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc rằng phần lớn các nước đã ủng hộ lời kêu gọi của Bắc Kinh đòi tẩy chay lễ trao giải. Thậm chí trong buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 7 tháng 12, Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Khương Du còn nói thêm rằng hơn 100 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Ðiều này cho thấy, dù hiện đã là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới và đã dùng hết sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng về ngoại giao lẫn các biện pháp hù dọa khác nhau, Trung Quốc vẫn chưa có đủ uy tín để “nói gì thế giới cũng nghe”, mơ gì đến vai trò bá chủ hoàn cầu, lãnh đạo thế giới! Tương lai có thuộc về Trung Quốc hay không chưa biết, nhưng có một điều chắc chắn rằng, các quốc gia chọn lựa con đường tự do dân chủ luôn luôn chiếm số đông và ngày càng đông hơn. Việt Nam không lẽ cứ mãi chọn cho mình con đường đứng về phe thiểu số?

Ngày 10 tháng 12 hàng năm cũng là ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Như thường lệ, vào ngày này, các tổ chức nhân quyền và nhân dân các nước, đặc biệt tại các quốc gia độc tài, quân phiệt, tìm cách nói lên những vi phạm nhân quyền trong quốc gia mình để kêu gọi thế giới lưu tâm.

Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Ðức, Úc, Na Uy, v.v. cũng nhân dịp này biểu tình phản đối sự chà đạp nhân quyền trắng trợn vẫn còn diễn ra tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi quốc tế làm áp lực đảng Cộng Sản Việt Nam; còn ngay tại Việt Nam, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, một nhà hoạt động dân chủ từng ngồi tù nhiều năm đã lên tiếng kêu gọi mọi người ký tên vào “Bản Lên Tiếng Chung của Những Người Việt Nam Yêu Nước Nhân Ngày Kỷ Niệm 62 Năm Công Bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc”. Nhiều người trong và ngoài nước đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi này.

Trong khi đó, đại sứ Mỹ ở Hà Nội, ông Michael Michalak đã lên tiếng tố cáo chính phủ Việt Nam gia tăng kiểm soát Intenet, tấn công những trang mạng chỉ trích chính quyền, bắt bớ những người bất đồng chính kiến... trong 2 năm qua, với trên 24 người bị bắt và 14 người bị kết án chỉ vì “đã bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.”

Như thường lệ, Việt Nam chắc chắn sẽ lại bác bỏ, cho rằng những chỉ trích này là thiếu cơ sở hoặc thiếu khách quan. Nhưng sự thật thì vẫn là sự thật.

Người Việt Nam thì lại tiếp tục ngậm ngùi vì từ nhiều năm qua, Việt Nam trước mắt thế giới hầu như chỉ gắn với những hình ảnh không mấy tốt đẹp từ nạn xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, nạn tham nhũng cho đến đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do ngôn luận, quyền con người chưa được tôn trọng, v.v. Chả bù cho Na Uy, quốc gia nhỏ bé với dân số 4.8 triệu người, lại luôn luôn xếp hạng cao trong nhiều lĩnh vực từ chỉ số tự do báo chí, chỉ số chất lượng cuộc sống, phát triển con người...

Bao giờ cho tới một ngày, người dân Việt Nam được hưởng những quyền làm người đầy đủ như trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 10 tháng 12, 1948, nghĩa là từ 62 năm trước?